4 giờ sáng, ông Hồ Đăng Hiếu (ngụ ấp 4, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) đã thức dậy cùng vợ là bà Nguyễn Thị Sen đi ra chợ Tân Lập (xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) lấy hàng về bán. 20 năm nay, vợ chồng ông Hiếu đã tần tảo sớm hôm lo cho các con học hành đến nơi đến chốn.
4 giờ sáng, ông Hồ Đăng Hiếu (ngụ ấp 4, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) đã thức dậy cùng vợ là bà Nguyễn Thị Sen đi ra chợ Tân Lập (xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) lấy hàng về bán. 20 năm nay, vợ chồng ông Hiếu đã tần tảo sớm hôm lo cho các con học hành đến nơi đến chốn. Ông bà được người dân miền Trung sống ở xã Sông Nhạn ngợi khen là vợ chồng có tinh thần thép.
Hơn 20 năm nay, vợ chồng ông Hồ Đăng Hiếu, bà Nguyễn Thị Sen vẫn dậy sớm buôn bán tảo tần lo cho con ăn học. |
Đêm Sông Nhạn rộn rã tiếng côn trùng, câu chuyện vượt khó, giàu nghị lực của ông Hiếu và bà Sen dẫn chúng tôi về lại quá khứ của vùng đất đang thay da, đổi thịt từng ngày.
* Thăng trầm hạnh phúc
Năm 1993, vợ chồng ông Hiếu rời quê nghèo ở thôn Hội Thuận, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) đưa nhau về ấp 4, xã Sông Nhạn lập nghiệp. Lúc đó, bà Sen đang mang thai gần tới ngày sinh nở. Nhìn vùng đất mới hoang vu, ông Hiếu sợ vợ buồn nên vội động viên: “Ở đây tui chỉ có một mình, bà còn có chị em ruột thịt cận kề thì không có gì phải sợ”.
20 ngày sau, cái chòi tranh heo hút tạm bợ nơi bờ suối của vợ chồng ông Hiếu vang lên tiếng trẻ sơ sinh. Bà Sen sinh con gái đầu lòng Thảo Trinh tại chòi do chính tay chồng đỡ đẻ (vì nhà quá xa không kịp đưa ra trạm y tế) nhưng may mắn vẫn được “mẹ tròn con vuông”. Một thành viên mới ra đời giúp cái chòi tranh của vợ chồng ông Hiếu trở nên ấm áp, hạnh phúc hơn. Năm đó, nhờ cà phê được giá, ông Hiếu trả được hết số nợ ngày mới vào đã mượn người thân mua 1 hécta cà phê để làm chốn dừng chân.
Ông Nguyễn Văn Chóng, Trưởng ấp 4, xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ), tỏ bày cặp vợ chồng Hiếu và Sen rất giàu nghị lực. Dù trong hoàn cảnh nào vợ chồng họ cũng luôn sát cánh bên nhau, chăm lo cho các con học hành đến nơi đến chốn. Gia đình họ thật sự là một tấm gương tốt để mọi người học tập. |
Thêm vài mùa cà phê trổ bông trắng rồi chín mọng, cái chòi tranh nhỏ của vợ chồng ông Hiếu lần lượt hiện diện thêm 2 thành viên: Thảo Trang, Thảo Nguyên. Đến năm 2000, cà phê rớt giá thê thảm, vợ chồng ông Hiếu rơi vào cảnh túng bấn, có lúc ông phải lén lút đi “mót” mủ của nông trường cao su để có tiền mua gạo nuôi con và chờ ngày sinh thành viên thứ 4 là bé Thảo Hiền.
Nhiều đêm trằn trọc, ông Hiếu thấy không thể mãi sống như vậy được nên bàn với vợ chuyển hướng đi buôn trái cây. Khổ nỗi, vợ chồng ông mới lập nghiệp được 7 năm, mùa màng thất bát, làm được bao nhiêu ông Hiếu chỉ đủ lo cho con thơ, vợ sinh nở nên lấy đâu ra tiền mua xe máy để đi buôn. Rất may, khi nghe ông nói về trăn trở của mình thì một người bạn cho ông vay 1 cây vàng mua xe máy và làm vốn buôn bán. Mãi đến bây giờ, ông Hiếu vẫn nhắc với vợ con về tấm chân tình của người bạn, người ơn của gia đình năm ấy.
Từ đó, mỗi ngày cứ vào lúc gà vườn cất tiếng gáy đầu tiên báo 3 giờ sáng, vợ chồng ông Hiếu đã bật dậy lục đục cơm nước cho 4 con gái nhỏ rồi chở nhau đến các bìa rẫy chờ mua trái cây, con gà của người trong rẫy mang ra bán. Sau đó, vợ chồng ông sang bán lại một phần cho các mối lái để hưởng phần chênh lệch, phần còn lại chở ra các chợ xa, chợ gần bán dạo đến 20-21 giờ mới về đến nhà. Nhiều hôm về tới, thấy 4 con nhỏ ngồi co ro dưới mái chòi rách mà lòng ông bà không khỏi xót xa...
* Nghị lực vượt khó
Nhờ tần tảo chạy khắp các chợ lớn, chợ nhỏ, chợ công nhân ở huyện Xuân Lộc, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa, vợ chồng ông Hiếu đã có thu nhập đưa gia đình thoát cảnh thiếu trước, hụt sau và trả xong tiền vay mượn mua xe máy, thay cái chòi rách tơi tả bằng cái nhà xây không tô, phá bỏ vườn cà phê chuyển sang trồng tiêu, cây ăn trái.
Niềm vui gia đình có cuộc sống ổn định mới được vài năm thì xui xẻo lại ập đến khi vào mùng 3 Tết Đinh Hợi (năm 2007), ông Hiếu bị tai nạn giao thông vỡ xương cẳng chân trái, nằm ở nhà gần 2 năm mới bình phục.
Bà Sen kể, hơn 2 tháng ròng rã theo chồng chữa bệnh tại các bệnh viện ở Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh, ông Hiếu phải trải qua 4 lần phẫu thuật để chữa vết thương bị nhiễm trùng, 2 vợ chồng chỉ dám ăn cơm từ thiện để dành tiền chữa bệnh. Lúc đó, mọi việc gia đình, vườn tược đều do con gái đầu lòng Thảo Trinh (mới học lớp 8) gánh vác. Cô bé vừa đi học vừa lo cơm nước cho 3 em và thu hoạch tiêu bán tươi để có tiền gửi mẹ lo cho cha.
Thấy vợ con cực khổ, gia đình không còn khả năng kinh tế bám bệnh viện dưỡng vết thương, ông Hiếu xin xuất viện về nhà tự điều trị. Kinh tế gia đình lại kiệt quệ khi vườn tiêu thiếu người chăm sóc chết yểu mất nguồn thu chính. Để 6 thành viên trong gia đình có bữa cơm no, các con tiếp tục đến trường, bà Sen một mình tảo tần chạy chợ suốt 2 năm ròng vẫn không một lời than van. Ngày ông Hiếu chập chững trở lại từng bước quanh vườn, bà Sen hạnh phúc đến rơi nước mắt.
Dù chân chưa lành hẳn nhưng thương vợ vất vả, ông Hiếu đã tập chạy xe máy với một bên chân còn yếu được ông cố định chặt bằng ống nhựa. Ông cứ vậy chở vợ đi thu mua nông sản rồi bán lại kiếm lời cho đến khi cái chân khỏe mạnh. Kinh tế gia đình lại sang trang mới với thu nhập trên 250 triệu đồng/năm (từ vườn cây và buôn bán tại chợ xã Sông Nhạn).
Không phụ lòng cha mẹ, 4 con gái của vợ chồng ông Hiếu rất chăm chỉ học hành, lần lượt bước chân vào Trường THPT Long Khánh, các trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Đến nay, Thảo Trinh tốt nghiệp Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh và đã kiếm được việc làm. Thảo Trang hiện là sinh viên năm 4 Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Thảo Nguyên là sinh viên năm thứ 2 Trường đại học Bình Dương. Thảo Hiền là học sinh lớp 12 Trường THPT Long Khánh.
Bình minh nơi Sông Nhạn thật đẹp, mặt trời chiếu xuyên qua những vườn trái cây trĩu quả, vợ chồng ông Hiếu vẫn tảo tần chạy chợ buôn bán. Cuộc sống của họ tuy không còn vất vả như xưa nhưng chi phí học hành của các con ngày càng nhiều nên họ vẫn không ngừng nỗ lực để các con có một tương lai tươi sáng hơn.
Đoàn Phú