Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngẩn ngơ giữa "Chợ tình"

08:06, 16/06/2018

Nghề báo cho tôi niềm đam mê đi và viết. Tôi đã không ít lần xuôi ngược lên Hà Giang, tỉnh địa đầu của Tổ quốc, còn được mệnh danh là "nóc nhà Việt Nam". Ngoài mê cảnh sắc, con người miền biên viễn, tôi đặc biệt ưa thích những phiên chợ vùng cao, nhất là chợ tình - một nét văn hóa truyền thống độc đáo của bà con dân tộc thiểu số ở nước ta.

Nghề báo cho tôi niềm đam mê đi và viết. Tôi đã không ít lần xuôi ngược lên Hà Giang, tỉnh địa đầu của Tổ quốc, còn được mệnh danh là “nóc nhà Việt Nam”. Ngoài mê cảnh sắc, con người miền biên viễn, tôi đặc biệt ưa thích những phiên chợ vùng cao, nhất là chợ tình - một nét văn hóa truyền thống độc đáo của bà con dân tộc thiểu số ở nước ta.

Nhộn nhịp trên lối vào Chợ tình Khâu Vai (tỉnh Hà Giang).
Nhộn nhịp trên lối vào Chợ tình Khâu Vai (tỉnh Hà Giang).

Trong đó, Chợ tình Khâu Vai (còn gọi là Phong Lưu) mỗi năm chỉ có “một đêm”  hoặc  “đêm ngoài chồng ngoài vợ” rất nổi tiếng với câu hát thiết tha mời mọc: “Chàng ơi xuống núi cùng em/Nhớ mang theo ngựa và đi một mình/Em đây tuy chẳng còn xinh/Có ô che nắng chợ tình Phong Lưu”  làm tôi cùng mấy người bạn mới giữa tháng 3 âm lịch háo hức lên đường.

* Chợ tình một đêm

Đoạn đường từ Đồng Nai đến xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) dài hơn 2 ngàn km. Trong đó đoạn từ TP.Hà Giang lên tới Khâu Vai rất hiểm trở, phải vượt cổng trời Quản Bạ, dốc Chín Khoanh, dốc Pác Sum, cửa trời Cán Tỷ, đỉnh Mã Pí Lèng... với toàn cua tay áo sát bên vực thẳm cheo leo, nhưng đến được Khâu Vai mới thấy không uổng công sức chút nào. 

Chợ tình Khâu Vai - phiên chợ tình nổi tiếng nhất Hà Giang mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày 27-3 âm lịch, có nguồn gốc từ một câu chuyện tình buồn.

Xã Khâu Vai có địa hình kỳ lạ, phía giáp với Cao Bằng có con sông Nho Quế chảy ngang qua và đặc biệt là có những dãy núi đá cao ngất chập chùng từ Vân Nam bên Trung Quốc đến Lũng Cú, Sà Phìn (tỉnh Hà Giang) đổ tới Khâu Vai bỗng đột ngột hạ thấp. Sự giao cắt trùng hợp một cách lạ thường của thiên nhiên qua hàng chục triệu năm đã tạo cho Khâu Vai những khe nứt, lối đi hoàn toàn bằng đá với nhiều hình thù kỳ thú được gọi là Mê cung đá, được chọn làm nơi khai mạc Chợ tình Khâu Vai năm 2018.

Mới trưa 27-3 âm lịch, con đường từ Mê cung đá vào tới trung tâm xã Khâu Vai dài hơn 2km đã đông nghịt người đi chợ tình với đủ sắc màu thổ cẩm của các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Giáy, Nùng, Lô Lô..., phần lớn là nam nữ thanh niên vừa mới lớn. Tôi còn gặp cả mấy cô gái nhỏ trang phục khá lạ, hỏi ra mới biết mấy cô bé này là người Hoa “vượt biên” sang đi chợ tình.

Lượng người và xe từ các nơi nườm nượp đổ về lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm 2018 làm tắc nghẽn nhiều đoạn đường nhất là khúc triền núi có miếu Ông, miếu Bà - tương truyền là nơi thờ nàng Út và chàng Ba, đôi “tiên đồng ngọc nữ” trên vùng cao nguyên đá nhưng không thể lấy nhau được vì kẻ dân tộc Nùng, người dân tộc Giáy.

Sau một lần dắt nhau trốn lên núi sống chung đã gây ra trận xô xát đẫm máu giữa 2 dòng tộc, nàng Út và chàng Ba đành phải hạ sơn về bản làng tự thú và cùng hẹn ước là không nên duyên chồng vợ được, nhưng mỗi năm vào đúng ngày “chia tay” này sẽ gặp lại nhau một lần ở chốn cũ. Qua đồn thổi, ngày “gặp lại” này được nhiều người bắt chước làm theo và trở thành tập quán.

* Nơi hò hẹn của tình yêu dang dở

Cụ Lầu Pà Khiu, một già làng có uy tín ở Khâu Vai, cho biết: “Ban đầu nơi đây là chỗ hẹn của những người có tình yêu dang dở vì một lý do nào đó mà không lấy được nhau. 2 chữ “chợ tình” mới phổ biến từ thập niên 90, do du khách đặt. Bà con dân tộc ở Khâu Vai thấy có lý nên cũng gọi theo. Từ vài chục năm nay Chợ tình Khâu Vai đã trở thành phiên chợ tìm kiếm tình duyên cho mọi lứa tuổi, nhất là mấy cháu mới lớn”.

Một người đàn ông đi Chợ tình Khâu Vai với cây đàn dân tộc.
Một người đàn ông đi Chợ tình Khâu Vai với cây đàn dân tộc.

Tò mò hỏi thêm, tôi được cụ già người Nùng thông thái và nói rành tiếng Kinh bùi ngùi cho biết thêm: “Chợ tình Khâu Vai ngày nay thay đổi nhiều lắm tuy vẫn giữ được nét đặc sắc, độc đáo. Trước đây, chợ tình không có hàng quán bán thắng cố và rượu ngô nhiều như bây giờ nhưng rộn ràng tiếng nói cười, tiếng vó ngựa và cả tiếng lục lạc; còn đêm thì réo rắt tiếng khèn, tiếng hát. Đáng nhớ nhất là sau phút giây bồi hồi gặp mặt, từng đôi dắt tay nhau ra sườn núi phía xa xa để sẻ chia tâm sự”.

Điều hay là mỗi đôi tìm cho mình một vách đá quen, để lại đôi dép ở ngoài. Cặp khác đến soi đuốc thấy dép thì tìm nơi khác. Mỗi đôi tình nhân có một góc núi riêng, ai tới trước thì chờ người còn lại. Nếu hết đêm mà bạn tình không đến thì có nghĩa người đó không còn trên cõi nhân gian. Như thế, mỗi năm gặp một lần tâm sự suốt đêm, sáng ra ai về nhà nấy với chồng/vợ của mình.

Khâu Vai có luật bất thành văn: mọi cặp yêu nhau mà không được lấy nhau phải ý thức được là đêm chợ tình chỉ là nơi hẹn hò ngắn ngủi, nơi để gặp lại cố nhân, nên không một ai đi chợ tình về mà lại bỏ chồng, bỏ vợ.

Tôi còn được biết vào ngày đi chợ tình người chồng hay người vợ đều rất hoan hỉ, không hề tỏ thái độ ghen tuông, đố kỵ hay cấm đoán, bó buộc với “nửa kia của mình” mà còn tỏ ra quan tâm thấu hiểu cho người phối ngẫu với mình do hoàn cảnh phải chia lìa, cách biệt với tình nhân cũ. Tôi nghiệm ra là bà con dân tộc ở vùng cao Mèo Vạc có tư duy phóng khoáng, nhân văn lắm.

Đi giữa dòng người rực rỡ đủ loại sắc màu thổ cẩm, tôi bắt gặp bên vệ đường một cụ bà đưa đôi mắt kèm nhèm, đau đáu ngóng chờ và một trung niên mang vẻ mặt u buồn mắt luôn đăm đắm kiếm tìm. Tôi xúc động quá, rất muốn hỏi cụ bà đã bao lần đến Chợ tình Khâu Vai, cũng như muốn biết vì sao người đàn ông Mông này không gặp được cố nhân. Nhưng cả 2 đều lảng tránh khi tôi tìm cách tiếp cận.

Tôi chợt nhớ đến những vần thơ của cố nhà báo Trần Hòa Bình trong bài Khau Vai (theo cách phát âm của người dân ở Khâu Vai): “Nếu một mai mình không lấy được nhau/em có đi tìm anh/qua điệp trùng sắc đá/những Khau Vai bầm dập dấu chân người?/ Trời ơi Khau Vai/Khau Vai nhìn qua nước mắt/bao bong bóng về trời thương buồn gửi lại”...; hoặc “Hãy nhìn nhau nhìn nhau trước gió/em sẽ thấy một Khau Vai trong số phận chúng mình”; hay “Quỳ trước núi mà tin thôi em ạ/ai trong đời chẳng có một Khau Vai”.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều