Vì những suy nghĩ nông cạn và ham chơi, đua đòi, nhiều người trẻ đã sa chân vào con đường nghiện ngập. Để rồi, ngày chạm tay vào ma túy cũng là ngày họ chạm cuộc đời vào những vết chàm, đẩy bản thân vào đường cùng của sự kiệt quệ cả về sức khỏe lẫn tinh thần và dang dở cả tương lai.
Vì những suy nghĩ nông cạn và ham chơi, đua đòi, nhiều người trẻ đã sa chân vào con đường nghiện ngập. Để rồi, ngày chạm tay vào ma túy cũng là ngày họ chạm cuộc đời vào những vết chàm, đẩy bản thân vào đường cùng của sự kiệt quệ cả về sức khỏe lẫn tinh thần và dang dở cả tương lai.
Q.A. với những lá thư xin lỗi cha mẹ. |
Q.A. (25 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) từng là cô sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ tại một trường đại học ở Đồng Nai, hừng hực sức sống của tuổi trẻ và một tương lai tươi sáng. Thế rồi vướng vào ma túy, cô đã đánh mất tương lai và bỏ dở cả giấc mơ của chính mình.
* Hối hận muộn màng
Trong căn phòng nhỏ sạch sẽ, mọi thứ được xếp gọn gàng tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai (ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc), Q.A. có dịp trải lòng cho chúng tôi nghe về quãng đời mà cô đã trải qua từ khi thăng hoa cho đến những ngày suy sụp bởi ma túy.
Là con một trong gia đình có cha mẹ đều làm trong cơ quan nhà nước, Q.A. sớm được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Cả ngày cô gái chẳng phải làm việc gì ngoài ăn, ngủ và học. Thế nhưng, Q.A. phải sống cuộc sống theo ý muốn của cha mẹ, phải làm mọi thứ theo sự sắp đặt sẵn mà chưa một lần được sống cho điều bản thân muốn.
“Cuộc sống của tôi hoàn toàn do cha mẹ sắp xếp. Tôi muốn làm chuyên viên trang điểm nhưng cha mẹ lại cho rằng đó là nghề không danh giá nên cứ thúc ép tôi chọn học đại học. Ban đầu tôi còn nghe nhưng khi đủ lớn thì tôi liên tục phản kháng và mâu thuẫn với người thân cứ thế ngày càng lớn” - Q.A. chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó giám đốc Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Q.A. và T. đều là những học viên thông minh, tháo vát trong mọi việc và có quyết tâm cai nghiện cao. Q.A. là người có trình độ, còn T. là người có năng khiếu nên đã có nhiều đóng góp trong các hoạt động phong trào của cơ sở. 2 em đã qua giai đoạn cắt cơn và trong thời gian được đào tạo nghề. Với sự tiến bộ này, 2 em sẽ có khả năng được ra ngoài trước thời hạn”. |
Học đến năm thứ 3 đại học thì Q.A. chán nản, buông xuôi tất cả. Ban đầu cô gái trẻ cúp học một vài tiết, sau đó cả buổi, rồi dần xem chuyện học chẳng đáng bận tâm nữa. Thay vào thời gian đó, Q.A. tụ tập với bạn bè, sa đà với những mối quan hệ không tên ngoài xã hội.
Cô gái trẻ vẫn còn nhớ như in ngày mình xếp vội vài bộ quần áo và không quên để lại một tin nhắn gọn lỏn: “Con đi đây. Cha mẹ đừng tìm con nữa” và bước chân ra khỏi nhà. “Khi đó em có nghĩ gì đâu. Ngày bước chân ra khỏi nhà cảm giác như được tự do. Mặc cho cha mẹ nhắn tin, gọi điện liên tục để tìm nhưng lúc đó em bận với các cuộc chơi nên không để ý” - đó là lần duy nhất trong suốt buổi nói chuyện Q.A. nở một nụ cười đầy chua chát.
Ăn nhờ ở đậu chỗ đám bạn một thời gian, các mối quan hệ “dây mơ rễ má” đẩy cô gái trẻ thành người yêu của một gã “đàn anh” trong đám nghiện ma túy và Q.A. cũng biến thành kẻ nghiện. Dần dần, cô sinh viên trở thành kẻ đi giao “thuốc lắc” kiếm lời và guồng quay của đồng tiền, ma túy cứ cuốn cô gái trẻ vào những đam mê.
7 tháng mất liên lạc với gia đình, chính cô gái cũng không ngờ tới ngày mình hội ngộ cùng cha mẹ lại diễn ra trong cơ sở cai nghiện. “Cuộc gặp đó xót xa lắm. Mẹ tôi khóc hết nước mắt, còn tôi thì mọi thứ dường như sụp đổ vì hối hận, ăn năn. Thì ra cuộc sống sung sướng và vực thẳm đời mình lại cách nhau dễ như vậy, chỉ sau 1 tép ma túy” - Q.A. ngậm ngùi kể.
* Gác lại giấc mơ
Chia tay Q.A., một cán bộ giáo dục tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai đưa chúng tôi sang khu cai nghiện khác (cách đó khoảng 200m), và không quên tóm tắt sơ lược về hoàn cảnh của một học viên tên N.T.T. (29 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch). Gặp chúng tôi, chàng trai trẻ nở nụ cười thân thiện khi ngồi xuống chiếc ghế đối diện.
T. kể mình không có cha, nói đúng hơn không biết ai là cha của mình. Khi T. chưa kịp dứt sữa thì mẹ đi theo người đàn ông khác, bỏ con lại cho ông bà ngoại nuôi. Không cha mẹ nhưng T. được ông bà yêu thương hết mực. Học hết lớp 6 thì T. xin nghỉ rồi theo đuổi đam mê ca hát.
“Tôi mê hát lắm. Lúc còn nhỏ thích quá xin theo mấy dàn nhạc sống hát chơi không lấy thù lao. Đi nhiều và thấy mình hát hay nên họ trả tiền. Sau đó, tôi được giới thiệu vào các phòng trà hát mỗi show cũng được 200 ngàn đồng” - T. bộc bạch.
Đang mải huyên thuyên nói về đam mê ca hát bỗng giọng T. chùng xuống, tay nắm lấy vạt áo trước ngực, đầu cúi xuống cười gượng và bảo “nhưng mình là người đồng tính và cuộc đời cũng rẽ sang trang khi gặp người yêu”. Người yêu mà T. nhắc đến chính là một cậu nam sinh đang học lớp 11 gần nhà. Càng bị các bậc phụ huynh ngăn cấm, cả 2 càng quyết tâm đến với nhau và dọn ra ở trọ cùng nhau.
T. không biết “người yêu” sử dụng ma túy từ lúc nào, nhưng trong một lần được “người yêu” khuyên dùng ma túy để giọng hát cao hơn thì T. nghe theo. Thế là ước mơ của T. đã dừng lại trong lần sử dụng ma túy đó. Chơi ma túy, T. bỏ bê công việc và mỗi lần người hâm mộ đến gần thì T. lại có ảo giác sẽ bị đánh rồi bỏ chạy.
Giữa năm 2017, T. bị phát hiện sử dụng ma túy và bị đưa vào Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai. T. nói: “Thời gian cắt cơn, tôi bị khủng hoảng trầm trọng. May mà các thầy cô trong đây giúp đỡ, động viên nên mới lấy lại cân bằng. Sau 11 tháng cai nghiện, giờ tôi mới thấy mình thật sự đang sống lại”.
Vừa nói, T. vừa chỉ những bức ảnh khi tham gia văn nghệ được treo tại hội trường cơ sở điều trị nghiện ma túy cho chúng tôi xem. T. nói, nếu cai nghiện xong T. nhất định sẽ không bao giờ đi vào vết xe đổ của chính mình, mà sẽ lại sống với đam mê nghệ thuật và làm lại cuộc đời.
Tố Tâm