Khu dân cư ấp 2, xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ) được bao bọc bởi rừng cao su non, cao su già của Nông trường cao su Ông Quế. Người dân ở đây từ các vùng miền chuyển đến để làm kinh tế nên luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau. Người gắn kết các mối quan hệ này chính là ông Trưởng ấp Trần Khảm.
Khu dân cư ấp 2, xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ) được bao bọc bởi rừng cao su non, cao su già của Nông trường cao su Ông Quế. Người dân ở đây từ các vùng miền chuyển đến để làm kinh tế nên luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau. Người gắn kết các mối quan hệ này chính là ông Trưởng ấp Trần Khảm.
Ông Trần Khảm hỏi thăm bà Thị Nhớ, người dân tộc Chơro, được ông vận động xây tặng nhà tình thương. |
Năm nay đã 73 tuổi nhưng ông Trần Khảm vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương. Hơn 20 năm làm Tổ trưởng tổ nhân dân khu H1 (ấp 2 có 2 tổ dân cư: H1 và Y2) và 12 năm làm Trưởng ấp 2, xã Xuân Quế, ông Trần Khảm đã tạo được ấn tượng đẹp trong lòng người dân nơi đây bởi những việc làm thiết thực, sự giúp đỡ nhiệt tình, không vụ lợi.
* Vác tù và hàng tổng
Ông Trần Khảm là dân tỉnh Quảng Trị di cư. Theo lời ông kể, do quê hương quá khó khăn nên sau ngày đất nước thống nhất ông dẫn vợ và 5 người con vào vùng đất Xuân Quế tìm kế sinh nhai. Vợ chồng ông làm công nhân cho Nông trường cao su Ông Quế từ khi mới vào cho đến ngày nghỉ hưu.
Ông Trần Huỳnh Dũng (cán bộ chuyên trách nông thôn mới xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) cho biết: “Ông Trần Khảm là người nhiệt tình, uy tín ở địa phương. Ông sống gần gũi, chân tình, tiết kiệm, giúp đỡ người dân không tính toán, vụ lợi. Kinh phí xã hỗ trợ văn phòng phẩm cho Ban Điều hành ấp, ông chi tiêu tiết kiệm và phần dư đem hỗ trợ cho chi hội, đoàn thể khác. Ông có nhiều đóng góp trong công tác điều hành ấp, dân vận, nông thôn mới”. |
Năm 1998, ở nông trường ông được bầu làm cán bộ Công đoàn còn ở khu dân cư, ông cũng được bầu làm Tổ trưởng tổ nhân dân khu H1, ấp 2. Cuối những năm 1990, khu H1 có khoảng 150 hộ công nhân cao su, làm nông nghiệp. Thời đó, người dân ấp 2 còn khó khăn về kinh tế nên chuyện hộ khẩu, giấy tờ tùy thân ít được quan tâm.
Khi được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ nhân dân khu H1, việc đầu tiên mà ông Khảm thấy cần phải làm là hỗ trợ mọi người làm giấy tờ còn thiếu như: hộ khẩu, kết hôn, khai sinh, chứng minh nhân dân... Ông đã kiến nghị vấn đề này lên chính quyền địa phương và sau đó xã, huyện đã triển khai đồng loạt việc làm hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho người dân nơi đây.
Ông Trần Khảm sợ dân trong tổ trễ nải nên đã đến từng nhà nhắc nhở, hướng dẫn người dân sớm hoàn tất các thủ tục hồ sơ còn thiếu. Hộ nào chữ nghĩa ít, ông Khảm còn viết hộ hồ sơ. Dù ngồi chong đèn dầu, đèn bình ắc-quy viết hộ cho dân, hay đạp xe ra UBND xã nộp giúp hồ sơ, ông Trần Khảm vẫn không nhận một đồng bồi dưỡng của bà con dưới danh nghĩa bút mực, trà nước, ngoại giao.
Năm 2006, ông Trần Khảm nghỉ hưu và được những người dân ấp 2 tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Điều hành ấp 2. Công việc đầu tiên của nhiệm kỳ là Trưởng ấp 2 vận động người dân trong ấp triển khai đăng ký quyền sử dụng đất theo chủ trương của huyện, tỉnh.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của ông, nhiều hộ gia đình ở ấp 2 đã làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không quá khó và tốn kém như họ nghĩ. Đến nay, 80% hộ dân đã đăng ký quyền sử dụng đất (số còn lại do đất đang tranh chấp, chưa xác định rõ do địa phương hay Nông trường cao su Ông Quế quản lý).
Bà Huỳnh Thị Khen, ông Trần Đạt, bà Nguyễn Thị Bé... vẫn còn nhớ hồi đó khi đưa gia đình về khu H1 sinh sống chẳng có giấy tờ tùy thân. Qua sự hỗ trợ của ông Trần Khảm, gia đình họ đã được chính quyền cho đăng ký tạm trú dài hạn, sau đó tiến tới cấp sổ hộ khẩu và làm lại các giấy tờ cần thiết.
Ông Đạt tâm sự lúc trước nếu không được ông Khảm tận tình giúp đỡ thì ông vẫn là người nhập cư bất hợp pháp dù sinh sống trên mảnh đất, ngôi nhà của chính mình. Giờ đây bà con ở trong ấp 2 nói chung và khu H1 nói riêng đều có đủ giấy tờ cần thiết nên luôn biết ơn ông Khảm, nhờ đó rất thuận lợi khi cho con em đi học, tìm việc làm, vay vốn sản xuất...
Bà Bé vẫn còn nhớ mãi chuyện mình vì quá biết ơn ông Khảm đã giúp đỡ làm hộ khẩu cho gia đình nên đưa tiền bồi dưỡng cho ông nhưng ông không nhận mà còn mắng cho bà một trận.
* Tiên phong trong các phong trào
Ông Khảm còn để lại dấu ấn với người dân nơi đây do luôn tiên phong trong các phong trào và không ngừng nỗ lực cùng với chính quyền, nhân dân thay những con đường đất dân sinh ngang, dọc bằng đường xi măng, bê tông bằng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm (dân góp vốn 20%, Nhà nước 80%).
Ông Trần Khảm thường xuyên hỏi thăm tình hình học tập của các cháu học sinh trong ấp. |
Đến nay, 100% tuyến đường trên địa bàn ấp 2 đều được xi măng hoặc bê tông hóa. Khi đường đất thành đường xi măng, bê tông, ông Trần Khảm lại vận động người dân làm lối thoát nước, kéo điện thắp sáng, trồng cây xanh ven đường cho đẹp. Nhờ đó, diện mạo ấp 2 đã có nhiều thay đổi khang trang, sạch đẹp hơn rất nhiều.
Dân ấp 2 của ông Trần Khảm kinh tế không khá hơn các ấp khác của xã Xuân Quế nhưng người dân ấp 2 được chính quyền, hệ thống chính trị xã đánh giá là lá cờ đầu trong mọi phong trào như: an ninh trật tự, đoàn kết giúp nhau làm kinh tế, từ thiện - xã hội...
Lý giải cho vấn đề này, ông Trần Khảm cho biết: “Tôi cũng là dân nhập cư vào vùng đất này làm kinh tế mới nên thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây, biết người dân đang cần gì và chủ động giúp đỡ họ. Từ đó, tôi cũng được dân giúp đỡ lại, các phong trào do địa phương phát động, người dân trong ấp tích cực tham gia mà tôi cũng không phải mất sức đi vận động, giải thích gì nhiều”.
Đoàn Phú