Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Sống mãi tuổi đôi mươi

08:04, 28/04/2018

Chỉ trong 3 ngày chiến đấu bám giữ cầu Ghềnh và cầu Hóa An (từ ngày 27 đến 29-4), đã có 52 chiến sĩ của Trung đoàn đặc công 113 hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đa phần là 19, 20 tuổi. Những người lính tóc còn xanh đã ra đi mãi mãi để lại thương tiếc khôn nguôi cho gia đình và đồng đội.

[links()]Chỉ trong 3 ngày chiến đấu bám giữ cầu Ghềnh và cầu Hóa An (từ ngày 27 đến 29-4), đã có 52 chiến sĩ của Trung đoàn đặc công 113 hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đa phần là 19, 20 tuổi. Những người lính tóc còn xanh đã ra đi mãi mãi để lại thương tiếc khôn nguôi cho gia đình và đồng đội.

Các đoàn viên thanh niên Đoàn phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) lau dọn nhà bia thờ các liệt sĩ Trung đoàn đặc công 113. Ảnh: Đăng Tùng
Các đoàn viên thanh niên Đoàn phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) lau dọn nhà bia thờ các liệt sĩ Trung đoàn đặc công 113. Ảnh: Đăng Tùng

43 năm trôi qua nhưng hình ảnh các chiến sĩ đặc công hy sinh vẫn còn ôm chặt súng, nhiều người trúng pháo của địch chết không toàn thây, có người tự sát để không rơi vào tay địch... vẫn còn khắc sâu trong tâm trí của những đồng đội còn sống sót sau trận đánh ác liệt năm xưa.

* Thương tiếc khôn nguôi

Nhắc đến tinh thần chiến đấu kiên cường của đồng đội mình trong trận đánh bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An những ngày cuối tháng 4-1975, Đại tá Đinh Xuân Nghiêm (nguyên Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc công 113) vẫn bùi ngùi xúc động.

Đại tá Nghiêm kể, vào sáng ngày thứ 3 của trận chiếm giữ cầu (29-4-1975), Đại đội 1 của Tiểu đoàn 23 (Trung đoàn đặc công 113) nhận lệnh lùi xa cách cầu Ghềnh 200m, nơi địa hình có lợi trong việc tấn công địch. Tuy nhiên do bị áp đảo về quân số, hỏa lực, nên Ban chỉ huy đại đội bị địch bao vây và đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Để tránh rơi vào tay địch, 3 người trong Ban chỉ huy đại đội đã dùng lựu đạn tự sát trong sự ngỡ ngàng của kẻ địch đang bao vây.

 “52 người là hơn 10% quân số trung đoàn. Lính đặc công đã ít, lại khó huấn luyện thành thạo, đánh 3 ngày mà mất trên 50 người là một mất mát to lớn. Mà toàn lính trẻ cả, 19, 20 tuổi đầu, tóc còn xanh mà đã phải ra đi mãi mãi” - Đại tá Đinh Xuân Nghiêm không cầm được nước mắt.

Ông Nguyễn Văn Chương (nguyên chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 23) nghẹn ngào: “Có những trường hợp đồng đội hy sinh mà không còn nguyên vẹn do trúng pháo của địch, chúng tôi đành phải đem chôn vào hố tập thể ngay gần nơi chiến đấu. Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất mới quy tập được hài cốt các đồng chí về các nghĩa trang liệt sĩ tỉnh”.

Rất nhiều chiến sĩ đặc công hy sinh trong trận đánh này không xác định được danh tính, được chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh trong các ngôi mộ chưa biết tên. Ông Phạm Xuân Mộc (nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 174, Trung đoàn đặc công 113) cho biết trong số các chiến sĩ đặc công hy sinh có rất nhiều người quê ở các tỉnh, thành phía Bắc. Theo quy định, khi từ miền Bắc di chuyển vào miền Nam chiến đấu, hầu hết các kỷ vật, thư, hình chụp đều bỏ lại hậu tuyến, bởi  nếu kẻ địch lấy được những thứ ấy sẽ dùng tâm lý chiến, làm ảnh hưởng lòng quân tiền tuyến và cả ở hậu phương. Đó cũng là điều đáng tiếc khi xác định danh tính liệt sĩ đã hy sinh.

Suốt 3 ngày chiến đấu ác liệt, không chỉ có tinh thần gan dạ của chiến sĩ đặc công mà còn có sự giúp đỡ hết mình của nhân dân địa phương cũng góp phần làm nên chiến thắng chiếm giữ cầu Ghềnh, cầu Hóa An vào trưa 29-4. Thời điểm đó là cao điểm mùa khô, thời tiết oi bức, mùi thuốc súng và mùi máu bốc lên nồng nặc khiến ai cũng khó chịu. Vậy mà người dân ven sông Đồng Nai, gần khu vực cầu Ghềnh và cầu Hóa An vẫn bất chấp nguy hiểm, âm thầm tiếp tế lương thực, nước uống cho chiến sĩ đặc công và hơn hết là tham gia chôn cất liệt sĩ, di chuyển thương binh.

* Ấm tình quân dân

Trong lúc chiến sự xảy ra ác liệt, đạn pháo địch trút xuống bừa bãi, nhiều nhà dân ở khu vực Chợ Đồn, Tân Bản (phường Bửu Hòa ngày nay) bị bắn cháy, đổ sập. Chiều 29-4, các chiến sĩ đặc công đã chia nhau ra giúp người dân chuyển tài sản, chữa cháy. Khi khói lửa chưa kịp dứt, bất chấp hiểm nguy, nhiều người dân địa phương đã xông xáo phụ chăm sóc thương binh, chôn cất người ngã xuống, điều này đã khiến các chiến sĩ đặc công rất xúc động. Sau ngày giải phóng, nhiều chiến sĩ cố đi tìm lại những bà con đã giúp đỡ mình để cảm ơn.

Ông Dương Hòa Hiệp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, cho hay trận đánh giữ cầu Ghềnh và cầu Hóa An vào cuối tháng 4-1975 có ý nghĩa rất lớn, góp phần tiêu hao sinh lực địch, mở thông đường cho đại quân nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Đây là chiến thắng quan trọng, giúp các cánh quân chủ lực có thêm nhiều đường tiến quân, nhanh chóng cơ động đến các mục tiêu của địch.

Trong số đó phải kể đến ông Huỳnh Quang Sao (ngụ phường Bửu Hòa, đã mất) đã trực tiếp chỉ những vị trí địch hay đi tuần cho các chiến sĩ đặc công để biết đường tránh, giúp giảm bớt tổn hao lực lượng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông cũng bỏ công sức chăm sóc, tôn tạo, hương khói cho nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ là chiến sĩ của Trung đoàn đặc công 113 đã hy sinh được đặt tại ngay bờ sông Đồng Nai, đoạn qua phường Bửu Hòa (gần đền thờ Nguyễn Tri Phương).

Ngoài ra, những liệt sĩ của Trung đoàn đặc công 113 hy sinh trong trận đánh bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An còn được chính quyền và nhân dân Đồng Nai  tưởng nhớ tại Nhà bia liệt sĩ xã Hóa An (gần chợ Hóa An), Đền thờ 147 liệt sĩ Trung đoàn đặc công 113 (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa)... Đây cũng là nơi họp mặt của các chiến sĩ đặc công năm xưa vào những ngày kỷ niệm như: Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4), Ngày Thương binh - liệt sĩ 
(27-7) để tưởng niệm đồng chí, đồng đội của mình.

Ban liên lạc Trung đoàn đặc công 113 cũng được thành lập để hỗ trợ thân nhân tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Nhờ đó, nhiều người đã tìm được mộ người thân. Nhiều gia đình liệt sĩ đã không khỏi xúc động khi được Ban liên lạc đưa đến thăm chiến trường xưa nơi người thân của họ từng chiến đấu, được nghe kể về trận đánh ác liệt, cùng sự hy sinh anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ đặc công cảm tử.

Ông Nguyễn Quang Phi ở huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng (em trai liệt sĩ Nguyễn Quang Lâm) chia sẻ: “Cuộc chiến quá ác liệt, anh tôi cùng nhiều đồng đội mãi mãi nằm xuống nơi này. 43 năm qua, gia đình vẫn thương nhớ vô vàn. Dù không tìm được hài cốt của anh nhưng gia đình tôi cũng được an ủi phần nào khi thấy chính quyền, nhân dân Đồng Nai chăm lo cho các ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên rất chu đáo, nhiều đền thờ chiến sĩ đặc công được lập ra để khắc ghi công ơn của họ, những con dân đất Việt sống mãi ở tuổi đôi mươi. Đó là niềm vinh dự và tự hào của gia đình chúng tôi”.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều