Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Giữ đường tiến cho đại quân

08:04, 26/04/2018

Trận đánh giữ cầu Ghềnh và cầu Hóa An vào cuối tháng 4-1975 có ý nghĩa rất lớn, mở thông đường cho đại quân cách mạng nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Để góp phần làm nên chiến thắng này phải kể đến vai trò quan trọng của các chiến sĩ của Trung đoàn đặc công 113.

Trận đánh giữ cầu Ghềnh và cầu Hóa An vào cuối tháng 4-1975 có ý nghĩa rất lớn, mở thông đường cho đại quân cách mạng nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Để góp phần làm nên chiến thắng này phải kể đến vai trò quan trọng của các chiến sĩ của Trung đoàn đặc công 113.

Các chiến sĩ Trung đoàn đặc công 113 trước giờ vào trận đánh bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An.
Các chiến sĩ Trung đoàn đặc công 113 trước giờ vào trận đánh bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An.

Đêm 24, rạng sáng 25-4-1975, những người lính đặc công thuộc Tiểu đoàn 23 và Tiểu đoàn 174 (Trung đoàn đặc công 113) đã hành quân đến khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Bình Dương - Đồng Nai ngày nay và đặt Sở chỉ huy Trung đoàn gần cầu Hang (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) để chuẩn bị nhiệm vụ bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An. 

Trước khi các tổ lên đường chiến đấu, lãnh đạo Trung đoàn đặc công 113 đã dặn dò các chiến sĩ đặc công bằng mọi giá phải chiếm và giữ bằng được cầu.

* Đi vào nơi nguy hiểm

Để thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ đặc công phải di chuyển vào sát cầu Ghềnh, cầu Hóa An trong nội ô TX.Biên Hòa (nay là TP.Biên Hòa). Trong khi đó, những ngày cuối tháng 4, sau khi thất bại Chiến dịch Xuân Lộc, các cánh quân của địch đổ dồn về phòng thủ dọc theo quốc lộ 1 và TX.Biên Hòa rất đông. Ngoài ra, cầu Ghềnh, cầu Hóa An đều nằm gần Sân bay Biên Hòa và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 của quân đội Sài Gòn nên rất nguy hiểm, địch dễ dàng phản công với lực lượng áp đảo.

Trung đoàn đặc công 113 (nay là Lữ đoàn đặc công 113) được thành lập ngày 3-6-1972 tại Chiến khu Đ (thuộc huyện Vĩnh Cửu ngày nay). Từ khi được thành lập cho đến ngày miền Nam hoàn toàn thống nhất, đơn vị đã tham gia 2 chiến dịch lớn, đánh 256 trận. Sau năm 1975, đơn vị còn tham gia chiến đấu tại biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Đơn vị 3 lần được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào những năm 1975, 1979 và 2000.

Trước tình hình đó, Ban chỉ huy Trung đoàn đặc công 113 đã quyết định tổ chức 3 lực lượng chính gồm: 2 lực lượng chính đánh cầu, khi chiếm được phải bố trí chốt giữ không để địch lấy lại. Tiếp tục tổ chức một lực lượng khác dọn đường, tiễu trừ thám báo. Sau cùng, để đảm bảo hỗ trợ nhau trong quá trình chiến đấu, ngoài Sở chỉ huy chung, trung đoàn còn lập Sở chỉ huy tiểu đoàn tăng cường, chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ huy 3 lực lượng chiến đấu.

Đại tá Đinh Xuân Nghiêm (nguyên Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc công 113, hiện ngụ xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh) nhớ lại nhiều người dân địa phương đã giúp đỡ đơn vị bằng cách giúp đào công sự, tháo cánh cửa nhà để lát công sự cho Sở chỉ huy. Dường như khí thế các cánh quân giải phóng đang dần áp sát Sài Gòn cũng khiến bà con hăng hái hơn, ai cũng mong chờ đến ngày giải phóng.

Đúng 4 giờ 30 ngày 27-4-1975, trận chiến bắt đầu. Đại đội 1 và Đại đội 3 (Tiểu đoàn 23) đảm nhiệm đánh cầu Ghềnh và cầu Hóa An thì chạm trán ngay với địch tại các khu vực đầu cầu thuộc địa giới phường Bửu Hòa và xã Hóa An ngày nay. Trong vòng 30 phút, các mũi tiến công đã đánh bật địch khỏi các chốt trên cầu và bắt đầu giai đoạn khó khăn nhất: giữ cầu. Khoảng 4 tiếng đồng hồ sau, bão lửa của địch bắt đầu trút xuống từ các hướng, đây cũng là biện pháp địch thường sử dụng trước các tình huống gay cấn.

Đối với ông Nguyễn Văn Chương (nguyên chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 23, hiện ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa), dù chiến tranh đã lùi xa gần 43 năm nhưng ông vẫn không thể quên giây phút sinh tử trong trận đánh bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An.

“Pháo của địch từ Thủ Đức bắn lên, từ Châu Thới bắn sang, từ Long Bình bắn tới, đất trời rung chuyển vì pháo. Pháo vừa im, bộ binh địch tiến vào, đạn bắn áp đảo. Sau đó là biệt động quân rồi xe tăng của địch bắt đầu thọc vào Sở chỉ huy của chúng tôi và các chốt đang giữ cầu hòng chiếm lại cầu nhanh nhất” - ông Chương kể.

* Quyết tử cho đất mẹ

Sau gần 2 giờ giằng co, lực lượng giữ cầu đã đánh bật được đợt phản công của địch. Nhưng sau đó, máy bay L19 của địch tiếp tục quần đảo trên đầu để tìm hiểu trận địa phòng ngự của Trung đoàn đặc công 113 hòng tìm cách đánh khác. Máy bay vừa đi thì pháo lại tiếp tục nã xuống, liên tục, lặp đi lặp lại cả ngày 27-4-1975. Hôm đó các chiến sĩ đặc công đã đánh bật 4 đợt phản kích của địch.

Ông Phạm Xuân Mộc (chiến sĩ Tiểu đoàn 174, hiện ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) nhớ lại: “Tối 27-4-1975, địch ngưng tấn công, anh em chúng tôi xốc lại đội hình, củng cố công sự, thu thập vũ khí chờ đợt phản công ngày mai của địch. Lúc đó, anh em ai nấy đều bảo lúc cần sẵn sàng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, bắn cầm cự, không để phí đạn. Đến mờ sáng 28-4-1975, 5 máy bay trực thăng từ Sân bay Biên Hòa lao đến trận địa và tên lửa, đạn đại liên xả liên tục xuống đầu chúng tôi”.

Chiều 28-4, do địch áp đảo về quân số nên đã chiếm lại được cầu Ghềnh. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của nhân dân, du kích địa phương, cùng với ý chí kiên cường quyết tử cho Tổ quốc mà các chiến sĩ đặc công vẫn kiên trì bám trụ các vị trí tại cầu Ghềnh. Ngay tối 28-4, Trung đoàn đặc công 113 lập tức tổ chức tiến công đánh bật quân địch, chiếm lại cầu lần nữa. Sau 2 ngày phòng thủ ở 2 cây cầu quan trọng này, đến sáng ngày thứ 3 (29-4-1975), pháo và bộ binh, xe tăng địch lại tiếp tục tấn công dồn dập hòng lấy lại các vị trí quân ta đã chiếm.

 “Nghe tin đồng đội liên tục ngã xuống, chúng tôi rất đau lòng. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh đồng đội Lã Văn Điều bị mảnh pháo văng vào bị thương, nhưng vẫn vác nòng pháo ĐKZ còn nóng đỏ trên vai và giật cò tiêu diệt 1 xe tăng địch và hy sinh ngay sau đó. Đau thương lắm, nhưng anh em ai cũng phải nén lại để chiến đấu tới cùng” - ông Nguyễn Văn Chương bùi ngùi kể lại.

Quá trưa 29-4-1975, quân giải phóng từ hướng Tân Uyên nổ súng tấn công địch, đạn pháo quân giải phóng hòa cùng hỏa lực các chiến sĩ đặc công đã khiến quân địch bỏ chạy. Sáng 30-4, các chiến sĩ đặc công đã tay bắt mặt mừng cùng những người lính Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 tiến về Sài Gòn thông qua các cây cầu họ đã kiên cường giữ vững suốt những ngày qua...

Đăng Tùng

Bài 2: Sống mãi tuổi đôi mươi

Tin xem nhiều