Báo Đồng Nai điện tử
En

Thương cho cây mía…

08:03, 13/03/2018

Trước tình trạng giá mía đường (đạt 10 chữ đường) chỉ có 850 ngàn đồng/tấn bán tại ruộng, công chặt mía cao và khan hiếm, việc mua mía chậm..., người nông dân trồng mía bị stress vì những khoản lỗ nên đòi bỏ cây mía để trồng cây khác.

Trước tình trạng giá mía đường (đạt 10 chữ đường) chỉ có 850 ngàn đồng/tấn bán tại ruộng, công chặt mía cao và khan hiếm, việc mua mía chậm..., người nông dân trồng mía bị stress vì những khoản lỗ nên đòi bỏ cây mía để trồng cây khác.

Lao động thu hoạch mía ngày càng khó tìm.
Lao động thu hoạch mía ngày càng khó tìm.

Thu nhập từ cây mía trên những thửa ruộng, khu rẫy tốt không bằng các cây trồng khác, như: chôm chôm, sầu riêng, thanh long..., nên nông dân chỉ trồng mía trên những diện tích đất thuê giá rẻ, đất thiếu điều kiện canh tác (như thiếu nước, vận chuyển xa, đất đồi cao...). Vì lẽ đó, khi vụ mía đường bất lợi, nông dân đổ lỗi hết cho cây mía.

* Sự mãnh liệt của cây mía

Nông dân trồng mía Huỳnh Công Lâm (ngụ ấp 9, xã Gia Canh, huyện Định Quán) tỏ bày mía đường là cây trồng ông theo đuổi hơn 10 năm nay. Cây mía được mùa và được giá, lòng ông như mở hội; còn như mía mất giá, mất mùa thì lòng ông tê tái bất an. Tuy vậy, ông không bỏ cây mía để chuyển sang trồng cây khác. Còn cây mía thì vẫn mãnh liệt sinh trưởng trên đồng cho dù nông dân than trách về một vụ mùa thất bát.

Trước sự lấn át của cây có múi (bưởi, cam, quýt) về giá trị kinh tế lẫn phong trào, vườn mía 4 hécta của nông dân Ba Hân (ở ấp 2, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) mấy năm nay vẫn hiện diện trên khu đất sỏi đỏ giữa bạt ngàn màu xanh của các cây trồng khác. Ông Ba Hân tỉnh queo cho biết cây mía “làm bạn” với ông gần chục năm nay nên dù lợi nhuận trồng mía không cao, ông vẫn không từ bỏ như các nông dân khác.

Cây mía một thời giúp cho ông Ba Hân có được cuộc sống tươm tất, có vốn đầu tư phương tiện sản xuất cho gia đình và làm thuê cho nông dân khác. Vì vậy, ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý về kỹ thuật trồng, chăm sóc mía và dự báo về đầu ra của thị trường. Vì vậy, trong khi nhiều nông dân chán nản khi mía đường vụ này đạt lợi nhuận thấp và có nguy cơ lỗ, ông Ba Hân vẫn điềm tĩnh hy vọng mùa mía năm sau thắng lợi, bù lỗ cho vụ mía năm nay.

Thuê được 5 hécta đất đồi cao ở ấp 4, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), ông Nguyễn Tính cân nhắc trồng bắp, mì, điều... sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, sức lao động và đạt lợi nhuận cao nhất. Tính đi, tính lại nhiều ngày, ông quyết định chọn cây mía đường để đầu tư. Cây mía đường được ông Tính chọn vì những ưu việt, như: phù hợp với thời gian thuê đất và thổ nhưỡng, ít bệnh, thời gian nhàn rỗi nhiều, vốn đầu tư ban đầu được nhà máy đường hỗ trợ một phần...

Vụ mía đường năm nay, ông Tính dự kiến lợi nhuận chỉ bù đắp được vốn đã bỏ ra (không tính công sức của ông) nên lòng ông cũng có chút bồn chồn. Do đó, ông Tính càng siêng năng ra thăm rẫy mía chờ ngày thu hoạch, dọn chống cháy để phòng ngừa tất cả mọi rủi ro xảy ra có thể gây bất lợi cho ông. “Những người trồng mía than thở quá làm tôi cũng thấy sốt ruột. Nhưng tôi tính kỹ rồi, nếu không giữ lại rẫy mía cho năm sau thì đất này chẳng trồng được cây gì tốt hơn cây mía”  - ông Tính bộc bạch.

Ở cách xa nhau mấy chục cây số, không quen biết nhau, nhưng ông Bảy Quang (ngụ ấp 2, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) đồng quan điểm với ông Nguyễn Tính ở xã Phú Ngọc.

Nông dân trồng mía ở xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) chờ mía đạt chữ đường tối đa mới thu hoạch.
Nông dân trồng mía ở xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) chờ mía đạt chữ đường tối đa mới thu hoạch.

Ông Bảy Quang chia sẻ người nông dân đòi phá bỏ mía để chuyển sang cây trồng khác là do nóng giận nhất thời mà nói vậy. Bởi, đất họ trồng cây mía thật sự chỉ phù hợp nhất cho cây mía, muốn trồng cây khác phải bỏ ra số tiền rất lớn để cải tạo đất, đầu tư giếng, hệ thống tưới nước... Còn nếu họ trồng bắp, mì, đậu... thì chỉ nhận được cái kết “đắng” hơn trồng mía đường.

Cây mía luôn chịu sự tác động tiêu cực và tích cực từ thị trường đường trong nước và thế giới. Người trồng mía, công ty chế biến đường đều có chung hy vọng về sự ngọt ngào của cây mía đường trong mỗi mùa mía. Cũng vì sự liên kết này chưa chặt chẽ nên khi mùa mía thất bát về đầu ra, người nông dân đổ hết lỗi cho doanh nghiệp. Ngược lại, vì thua lỗ hay gặp bất lợi, doanh nghiệp chần chừ thu hoạch, thiếu biện pháp hỗ trợ, đưa ra nhiều điều kiện bất lợi cho người trồng mía. Dù vậy, cây mía vẫn sinh trưởng mãnh liệt trên những khu rẫy thuê, những thửa ruộng xấu, heo hút.

* Mía phơi đồng

Mùa mía đường năm 2017-2018, xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) có khoảng 157 hécta đất trồng mía. So với các năm trước, diện tích trồng mía của xã Sông Nhạn thu hẹp dần để nhường đất trồng các cây năng suất cao hơn, như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi, mít...

Lý do nông dân xã Sông Nhạn chuyển đổi sang cây trồng khác vì quỹ đất của nông dân không có nhiều, hạ tầng địa phương phát triển theo nông thôn mới, điều kiện vốn và khoa học - kỹ thuật của nông dân phát triển. Hơn nữa, lực lượng lao động trong nông nghiệp khan hiếm dẫn đến chuyện nông dân không chủ động được nguồn lao động khi mía đến kỳ thu hoạch rộ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Nhạn Thái Văn Lộc cho biết thêm, vùng mía Sông Nhạn đến thời đểm này chỉ thu hoạch được 1/3 diện tích bởi nhiều lý do, như: giá mía thấp nên nông dân chờ giá cao mới chặt; chờ mía đạt chữ đường; nhà máy đường chậm thu mua; công thu hoạch mía cao... Do vậy người trồng mía phải tính chi li nhằm hạn chế đến mức tối đa vốn đầu tư cho thu hoạch.

 Ông Lộc phân tích lý do khan hiếm nhân công thu hoạch mía ở xã Sông Nhạn và nhiều nơi khác vì phụ thuộc vào nhóm người chặt mía thuê ở miền Tây Nam bộ. Ra tết, một lực lượng lao động này về quê nên công chặt mía tăng thêm 50 ngàn đồng/tấn mà vẫn khan hiếm lao động. Muốn tìm được nhân công chặt mía, người trồng mía phải tăng giá trên đầu tấn cho nhóm người chặt thuê, trong khi giá mía đang thấp.

Mặc cho sự lo toan của nhà nông và công ty đường, cây mía đường vẫn phơi mình dưới nắng gay gắt tháng 3 để kết tinh chất ngọt từ đất nhằm chia sẻ với nhà nông. Sự mãnh liệt của cây mía cùng sức chịu đựng của nhà nông để những vùng đất xấu, bỏ hoang tạo thêm giá trị kinh tế, sự sống, màu xanh qua những mùa mía đường vui buồn đang rất cần sự chia sẻ của doanh nghiệp.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều