Báo Đồng Nai điện tử
En

Người chị cả của khu 3

07:03, 06/03/2018

Ấp Hòa Bình (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) chia làm 3 khu dân cư, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Vũ Thị Cậy (67 tuổi) kiêm thêm nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu 3. Từ một chi hội yếu kém, Chi hội Phụ nữ khu 3 được bà Cậy khuấy động phong trào và liên tiếp đạt danh hiệu đơn việc xuất sắc tiêu biểu.

Ấp Hòa Bình (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) chia làm 3 khu dân cư, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Vũ Thị Cậy (67 tuổi) kiêm thêm nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu 3. Từ một chi hội yếu kém, Chi hội Phụ nữ khu 3 được bà Cậy khuấy động phong trào và liên tiếp đạt danh hiệu đơn việc xuất sắc tiêu biểu.

Bà Vũ Thị Cậy (trái) và Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Hòa Nguyễn Thị Thu Phượng.
Bà Vũ Thị Cậy (trái) và Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Hòa Nguyễn Thị Thu Phượng.

Nhận được tin ông H. (ngụ tổ 7) đánh con khiến đứa nhỏ phải trốn vào áo quan của một cơ sở đóng hòm gần nhà, bà Cậy liền gọi điện báo cho cán bộ phụ trách trẻ em và Công an xã đến giải quyết. Nhìn thằng bé run cầm cập bưng không được chén cơm, bà Cậy và mọi người răn đe ông H. phải chừa chuyện bạo hành vợ con khi say xỉn.

* Mái ấm phong trào

Trước sự xuống dốc của phong trào phụ nữ ở khu 3, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trung Hòa phải làm việc với ấp nhằm giao thêm trọng trách vực dậy phong trào phụ nữ khu 3 cho Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Vũ Thị Cậy.

Nhận nhiệm vụ, bà Cậy tiếp xúc với chị em trong khu 3 thì được mọi người phản ánh bấy lâu nay khu 3 vẫn có tổ chức phụ nữ, nhưng hoạt động thì không. Nguyên nhân là Chi hội Phụ nữ khu 3 không có quỹ hoạt động nên chẳng có phong trào.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Hòa Nguyễn Thị Thu Phượng đánh giá rất cao về phong trào phụ nữ ở Khu 3 trong suốt 14 năm qua. Điều bà Phượng và chị em phụ nữ ngưỡng mộ bà Vũ Thị Cậy là ở tinh thần nhiệt huyết, nói đi đôi với làm và làm việc rất công tâm, trách nhiệm.

Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của chị em, bà Cậy xây dựng kế hoạch thành lập 4 tổ tiết kiệm tại khu 3 với trên 30 chị em phụ nữ tham gia. Ngày các tổ tiết kiệm ra mắt, 4 hội viên phụ nữ: Nguyễn Thị The (Tổ tiết kiệm 1), Cao Thị Hòa (Tổ tiết kiệm 2), Trần Thị Hòa (Tổ tiết kiệm 3) và Nguyễn Thị Phương (Tổ tiết kiệm 4) được vay vốn từ chính số tiền hội viên góp hàng tháng, dùng để buôn bán nhỏ, đầu tư nuôi gà, trồng rau cải...

Ngoài số vốn vay từ tổ tiết kiệm của Chi hội Phụ nữ khu 3, bà Cậy còn làm dự án để chị em phụ nữ khó khăn trong khu 3 vay thêm nguồn vốn từ Hội Liên hiệp phụ nữ xã để mở rộng sản xuất, buôn bán.

Được Chi hội Phụ nữ khu 3 quan tâm, chị em phụ nữ trong khu ai cũng phấn chấn nên khi bà Cậy vận động đóng góp quỹ Hội, phong trào địa phương, tất cả đều xông xáo tham gia, đóng góp không thiếu một ai.

Không dừng lại đó, bà Cậy còn dùng uy tín của bản thân vận động các mạnh thường quân là bạn bè quen biết hỗ trợ tiền để duy trì các phần quà tặng chị em phụ nữ khó khăn nhân Ngày quốc tế Phụ nữ (8-3) và Phụ nữ Việt Nam (20-10), lễ, tết. Còn con em phụ nữ trong khu 3 vượt khó học giỏi thì có học bổng động viên kịp thời. Vậy là phong trào phất lên rầm rộ, phụ nữ ở khu 3 giờ không còn tủi thân lo chuyện nội trợ gia đình hoặc lủi thủi thân cò ngoài rẫy vườn, ngoài chợ mà áo quần tươm tất đi dự sinh hoạt chi hội, ra xã dự mít tinh, hội họp và phát biểu rôm rả.

Được đà, bà Cậy bắt đầu phổ biến sâu các chuyên đề về bình đẳng giới, quyền phụ nữ, nông thôn mới cho chị em, phát triển kinh tế gia đình...

Nhận thức được quyền lợi của mình không kém gì người đàn ông trong gia đình và xã hội, chị em phụ nữ ở khu 3 dưới sự hô hào của bà Cậy đã từng bước khẳng định được mình, với phong trào phụ nữ trong khu 3 với các khu khác và xã, huyện.

Chỉ sau 2 năm, từ chi hội yếu kém Chi hội Phụ nữ khu 3 đã vươn lên xuất sắc, rồi tiêu biểu và được xã, huyện, tỉnh tặng giấy khen, bằng khen cho tập thể và cá nhân bà Cậy. Chị em phụ nữ trong khu 3 ngày càng có tiếng nói quan trọng trong các dự định phát triển kinh tế trong gia đình, nuôi dạy con cái, góp ý kiến với chính quyền trong việc xây dựng khu 3, ấp Hòa Bình phát triển, an ninh trật tự, văn hóa, văn minh.

Bà Nguyễn Thị The (hội viên Chi hội Phụ nữ khu 3) tâm sự nếu không được bà Cậy vận động tham gia phong trào thì bà vẫn là người bán hàng đơn độc giữa phố chợ đông người, chẳng biết phong trào phụ nữ cũng đầy sắc màu, niềm vui, sự sẻ chia, như: ca hát, chơi thể thao, giúp nhau làm kinh tế... Nhờ tham gia và góp sức cho các phong trào của Chi hội Phụ nữ khu 3, bà thấy vui vẻ, yêu đời, bừng bừng khí thế mà không sợ chồng phàn nàn này nọ.

* Khổ nên hiểu phận khó

Vợ chồng bà Vũ Thị Cậy vốn là bộ đội xuất ngũ. Năm 1979, vợ chồng bà dẫn đàn con 6 người từ tỉnh Ninh Bình vào khu 3, ấp Hòa Bình lập nghiệp. Tại đây, vợ chồng bà được người anh trai cho 2,5 sào đất để có chỗ sản xuất và dựng mái lều. Vốn hoàn cảnh nghèo khó từ quê, vào khu 3 vợ chồng bà Cậy bám lấy công việc làm thuê làm mướn ở các rẫy vườn cho người dân trong ấp, xã. Ngày nào không có ai thuê, vợ chồng bà Cậy ra đồng bắt cua, ốc đem về bán kiếm tiền đong gạo nuôi con.

Bà Vũ Thị Cậy (bìa trái) và cán bộ phụ nữ xã, Ban điều hành ấp Hòa Bình phối hợp đi cơ sở vận động để chuẩn bị quà thăm hỏi phụ nữ nghèo cho Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3-2018.
Bà Vũ Thị Cậy (bìa trái) và cán bộ phụ nữ xã, Ban điều hành ấp Hòa Bình phối hợp đi cơ sở vận động để chuẩn bị quà thăm hỏi phụ nữ nghèo cho Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3-2018.

Bà Cậy kể do sức ăn của các con quá mạnh nên tiền làm thuê, bắt cua, bắt ốc của vợ chồng không đủ nuôi con, bà phải tranh thủ lúc rảnh rỗi khi làm đồng đi mót khoai hoặc ra chợ xin chỗ khoai lang người ta bỏ về cắt gọt nấu cho con ăn sáng đi học. Còn chuyện bà bắt cua bị cua cắn bầm nát cả đôi tay đến nỗi cầm cuốc, liềm giẫy cỏ, cắt lúa đau buốt tim, nhưng cũng phải ráng. Cũng chính vì vậy, bà Cậy nghĩ ra cách ngày này chỉ bắt cua tay trái, ngày hôm sau chuyển qua bắt tay phải vì nếu bị cua kẹp tay này thì còn cái tay khác lành lặn dành khi người ta gọi đi làm thuê đỡ vất vả hơn đi bắt cua.

Dù đồng tiền vợ chồng làm ra không đủ cho các con được ăn thịt cá, có áo quần mới đi học, nhưng bà Cậy vẫn xây dựng phương án tiết kiệm của gia đình bằng cách nhịn mỗi ngày một ít tiền chợ để phòng thân.

Rồi ông Tương (chồng bà Cậy, là thương binh) chuyển qua việc thu mua ve chai dạo, bà Cậy đem hết số tiền dành dụm nhiều năm đưa cho chồng làm vốn. Việc thu mua ve chai của chồng thuận lợi, bà Cậy không đi làm mướn, bắt cua, bắt ốc nữa mà cùng chồng mở vựa ve chai nho nhỏ tại nhà.

Năm 2001, ông Tương bị bệnh qua đời, bà Cậy cũng thôi việc mua bán ve chai mà ở nhà lo cơm nước cho các con đi học, đi làm.

Ở nhà làm nội trợ hoài cũng buồn nên khi được Ban điều hành ấp, Chi bộ mời tham gia công tác ở Hội Chữ thập đỏ và Mặt trận ấp, bà sốt sắng nhận lời. Qua nhiều năm tham gia công tác từ thiện và xã hội, bà càng thấu hiểu hơn cảnh người phụ nữ nghèo cần tiền ra sao trong chuyện làm kinh tế.

Do đồng cảnh với người nghèo, chị em có hoàn cảnh khó khăn trong khu 3, ấp Hòa Bình, bà Cậy hết mang danh Chi hội Phụ nữ khu 3, rồi cán bộ Hội Chữ thập đỏ, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp đi vận động tiền, quà, học bổng, nhà tình thương cho người nghèo, phụ nữ khó khăn.

Càng đi càng tiếp xúc nhiều, bà càng quyết tâm xây dựng cho những cảnh đời khó khăn một mái nhà chung từ sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể, xã hội để dựa đỡ. Bà Cậy bộc bạch, bà tham gia công tác xã hội để có niềm vui cuộc sống và muốn đóng góp cho phong trào. Vì vậy, bà nhận được rất nhiều sự động viên, khích lệ từ ấp, xã và người dân.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều