Báo Đồng Nai điện tử
En

Lấy đất san lấp công trình giao thông đem bán

07:03, 03/03/2018

Lợi dụng việc được cấp phép khai thác, tận thu đất để làm vật liệu san lấp một số công trình giao thông, Công ty TNHH H.T.L. (ở huyện Long Thành) đã khai thác đất tại ấp Lộ 25 (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) đem bán. Sự việc diễn ra trong thời gian dài, nhưng chưa bị cơ quan chức năng xử lý.

Lợi dụng việc được cấp phép khai thác, tận thu đất để làm vật liệu san lấp một số công trình giao thông, Công ty TNHH H.T.L. (ở huyện Long Thành) đã khai thác đất tại ấp Lộ 25 (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) đem bán. Sự việc diễn ra trong thời gian dài, nhưng chưa bị cơ quan chức năng xử lý.

Xe tải liên tục chở đất từ điểm khai thác của Công ty TNHH H.T.L ở ấp Lộ 25 (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) đi bán cho các hộ dân.
Xe tải khai thác đất của Công ty TNHH H.T.L ở ấp Lộ 25 (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất).

Theo phản ánh của nhiều người dân địa phương, tình trạng các đơn vị khai thác đất lợi dụng việc được cấp phép cải tạo một số nguồn đất dôi dư phục vụ các công trình xây dựng nông thôn mới để lấy đất đem bán thu lợi khá nhiều. Trường hợp Công ty H.T.L. là một trong số đó.

* Ngang nhiên múc đất bán

Sau nhiều lần tiếp cận khu vực khai thác đất của Công ty H.T.L., những ngày sau Tết Nguyên đán 2018, chúng tôi trở lại ấp Lộ 25 thì được người dân địa phương cho biết tuy không còn khai thác đất rầm rộ như trước, nhưng xe tải vẫn thường xuyên ra vào khu vực này lấy đất.

Trước thông tin một hộ dân ở gần khu vực khai thác đất cho biết đã “hợp đồng” với đơn vị khai thác đất mua 1 ngàn xe đất với giá 330 ngàn đồng/xe 5 tấn, trong vai người cần mua đất với số lượng lớn, chúng tôi liên hệ với một người được cho là quản lý khu đất. Tiếp chuyện với chúng tôi, người này đảm bảo chúng tôi cần mua bao nhiêu đất san lấp mặt bằng cũng có thể cung cấp; giá cả tùy thuộc vào loại xe chở và cự ly vận chuyển.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực khai thác đất nằm cách tỉnh lộ 769 khoảng 200m. Đây là khu vực đất nông nghiệp, có độ dốc thoai thoải, được trồng các loại cây lâu năm như: điều, tiêu… Trong khu vực khai thác đất, chúng tôi thấy 2 máy múc cỡ lớn đang liên tục “ngoạm” từng gàu đất to đổ lên thùng của hàng chục xe tải ben đang xếp hàng chờ “ăn hàng”.

Trước đó, vào cuối tháng 1-2018, chúng tôi bám theo 2 xe tải ben loại 5 tấn biển số 60C-066... và 60S-66... chở đất đầy thùng, không che phủ bạt chạy ra phía đối diện nơi khai thác đất khoảng 300m đổ cho một hộ dân. Khi phát hiện chúng tôi theo dõi và chụp ảnh, tất cả phương tiện đang hoạt động khai thác, vận chuyển đất ở đây dừng hẳn dù lúc này mới khoảng 16 giờ.

Không chỉ khai thác, vận chuyển đất đem bán sai mục đích cho những hộ dân gần đó để san lấp mặt bằng, đơn vị khai thác đất còn đem đất bán cho những hộ dân ở các huyện lân cận, như: Cẩm Mỹ, Trảng Bom.

Ngày 5-2, chúng tôi quay trở lại điểm khai thác đất ở ấp Lộ 25 và bám theo 2 xe tải ben chở đất loại 15 tấn. Sau khi nhận đầy đất, 2 xe tải ben chạy đến đổ cho một hộ dân ở ấp Hưng Bình (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom).

Trưa cùng ngày, khi chúng tôi quay trở lại điểm khai thác đất thì phát hiện hàng chục xe tải lớn, nhỏ thay phiên nhau nhận đất rồi tỏa đi nhiều hướng. Trong số đó, có nhiều xe chở đất đến các xã ở huyện Cẩm Mỹ san lấp mặt bằng.

Người dân địa phương cho biết việc khai thác đất ở đây diễn ra từ lâu, đơn vị khai thác đất có được cho phép hay không thì người dân không biết, nhưng điều họ phải chứng kiến là cảnh những chiếc xe tải chở đất chạy ào ào gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn, tình trạng đất của người dân ở xung quanh bị ảnh hưởng do mặt đất không còn nguyên trạng…

Ông Lê Văn Dũng (ngụ ấp Lộ 25) cho biết nếu tình trạng khai thác đất, đá cứ diễn ra liên tục như vậy, không lâu nữa khu vực này sẽ xảy ra tình trạng sạt lở đất và vườn rẫy của người dân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng…

“Hiện mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải ben lớn, nhỏ vào đây chở đất ra ngoài khiến bụi bay mịt mù. Các cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý ra sao, chứ không quản lý được thì rất nguy hiểm; cứ xin đất làm đường giao thông rồi lại đem bán như thế thì không ổn chút nào” - một người dân bức xúc chia sẻ.

* Giấy phép một đằng, làm một nẻo

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH H.T.L. đã có văn bản trình UBND huyện Thống Nhất xin xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường tại thửa đất số 109 và số 82 thuộc tờ bản đồ số 22 với diện tích hơn 14 ngàn m3 và khối lượng đất hơn 30 ngàn m3. Công ty H.T.L. được UBND tỉnh chấp thuận cho phép cải tạo, tận thu đất làm vật liệu san lấp tại huyện Thống Nhất và cung cấp vật liệu để thi công hương lộ 10, đoạn giáp ranh giữa 2 huyện Cẩm Mỹ và Long Thành. Nhưng trên thực tế, công ty lại khai thác đất rồi chở đi bán cho nhiều người dân ở các địa phương làm vật liệu san lấp…

Xe tải liên tục chở đất từ điểm khai thác của Công ty TNHH H.T.L ở ấp Lộ 25 (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) đi bán cho các hộ dân.
Xe tải liên tục chở đất từ điểm khai thác của Công ty đi bán cho các hộ dân.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Thống Nhất Trần Quốc Tuấn cho biết Công ty TNHH H.T.L. mới được cấp phép khai thác đất ở ấp Lộ 25 thời gian gần đây. Theo quy định, sau khi công ty được cấp phép, địa phương được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo định kỳ và cả đột xuất đối với đơn vị khai thác. Trước khi công ty khai thác đất, địa phương đã làm việc với công ty để quán triệt các nội dung theo cấp phép của tỉnh. Đối với những sai phạm của Công ty TNHH H.T.L. mà người dân phản ánh, ông Tuấn cho biết sẽ kiểm tra; nếu phát hiện có sai phạm huyện sẽ báo cáo tỉnh (đơn vị cấp phép) để có biện pháp xử lý theo quy định.

Trong khi đó, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên - môi trường) Nguyễn Cảnh Tiến cho biết khu vực Công ty TNHH H.T.L. đang khai thác đất (ở ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2) đã được UBND tỉnh chấp thuận cho khai thác cải tạo, tận thu đất làm vật liệu san lấp hương lộ 10, đoạn giáp ranh giữa 2 huyện Cẩm Mỹ và Long Thành. Tuy nhiên, nếu công ty được cấp phép khai thác thì huyện phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và theo dõi công ty có làm đúng với phương án và kế hoạch bảo vệ môi trường hay không. Trong đó, đơn vị giám sát phải bám vào các điểm, như: quy mô, khối lượng, ranh giới, diện tích, hoạt động vận chuyển phải đi qua những tuyến đường nào… Đơn vị khai thác cũng phải chấp hành thuế, phí bảo vệ môi trường như thế nào… Tất cả đều phải được giám sát chặt chẽ.

“Nếu có việc Công ty TNHH H.T.L. khai thác đất đem bán ra ngoài thì các cơ quan chức năng cần phải xem xét để xử lý” - ông Nguyễn Cảnh Tiến cho biết.

Hoàng Nguyên - Trần Danh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích