Phân hiệu tiểu học Suối Râm (thuộc Trường tiểu học Sông Nhạn) nằm lọt thỏm giữa vườn rẫy của nhà nông ở khóm 5, ấp 1, xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ). Hàng ngày, con đường bê tông với 2 bên rợp bóng cây cà phê, chôm chôm, bơ, mít... dẫn bước chân của các trò nhỏ đến Phân hiệu tiểu học Suối Râm.
Phân hiệu tiểu học Suối Râm (thuộc Trường tiểu học Sông Nhạn) nằm lọt thỏm giữa vườn rẫy của nhà nông ở khóm 5, ấp 1, xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ). Hàng ngày, con đường bê tông với 2 bên rợp bóng cây cà phê, chôm chôm, bơ, mít... dẫn bước chân của các trò nhỏ đến Phân hiệu tiểu học Suối Râm.
Cô giáo Đồng Thị Loan kèm học sinh viết chữ. |
8 năm liên tục bám Phân hiệu tiểu học Suối Râm, cô giáo Đồng Thị Loan (dạy lớp 1/3) chẳng cần đo đếm cũng “thuộc lòng” đoạn đường 5km từ nhà (ấp 57, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) đến phân hiệu.
* Líu lo giọng Bắc - Trung - Nam
Dù học ở phân hiệu, nhưng học sinh ở Phân hiệu tiểu học Suối Râm cũng góp nhiều thành tích về học tập cho toàn trường, như: em Bảo Nhi (lớp 5/4) đoạt giải nhất giao lưu khoa học thường thức cấp huyện; em Lan Chi (lớp 5/4) đoạt giải ba giải Violympic Toán, Tiếng Việt cấp tỉnh. |
Nằm sát vách Phân hiệu tiểu học Suối Râm, ngôi nhà xây của nông dân Nguyễn Văn Thuấn nhìn sang trọng hơn phân hiệu này. Ông Thuấn rất thích ngồi trước hiên nhà nhìn sang và lắng nghe các trò nhỏ líu lo giọng Bắc - Trung - Nam cùng các thầy, cô giáo.
Lúc rảnh rỗi, ông Thuấn cầm chổi đi quét lá cây trên con đường dẫn vào phân hiệu và nhà ông cho sạch sẽ.
Thấy chúng tôi và thầy Hiệu trưởng Trường tiểu học Sông Nhạn Đinh Xuân Hòa vào thăm phân hiệu, ông Thuấn mau mắn vào nhà pha bình trà nóng đem sang phân hiệu mời khách. Tấm chân tình của ông Thuấn bao năm nay luôn được thầy, cô giáo và các trò ở phân hiệu ghi nhận. Nhờ ông mà con đường bê tông cũ kỹ từ ngoài vào phân hiệu mỗi ngày vẫn sạch sẽ, 2 bên rợp bóng cây.
Lớp 1/3 của cô Loan phụ trách chỉ có 14 trò nhỏ. Với một phòng học quá rộng (xây dựng đạt tiêu chuẩn của ngành giáo dục), buộc cô phải sắp xếp lại cho gọn và hướng 2 dãy bàn về phía bảng đen. 14 trò nhỏ của cô giáo Loan với đủ gọng Bắc - Trung - Nam xướng lên “bản hợp ca” trong các giờ tập đọc và 14 trò nhỏ ấy luôn gắn với hoàn cảnh lập nghiệp của cha mẹ.
Trò Trường Giang của cô Loan thuộc trường hợp đặc biệt trong lớp (7 tuổi vào lớp 1). Trường Giang có mẹ bị bệnh tật, nhà cách trường 5km, mỗi ngày Giang đều được bà ngoại đưa đón đến lớp. Vào lớp 1, Trường Giang vẫn chưa biết mặt chữ cái, con số, cách cầm viết, cầm phấn, cô Loan phải dành thời gian kèm cặp riêng cho em. Và chỉ sau 1 tháng, Trường Giang đã đọc được bài cùng với bạn bè trong lớp.
Thầy Đinh Xuân Hòa tâm sự học sinh ở Phân hiệu tiểu học Suối Râm “nợ” giấy tờ khi nhập học, chuyển về trường nhiều hơn ở trường chính. Đó là tình hình chung ở các trường vùng sâu, vùng xa nhưng không vì vậy mà nhà trường để các em lỡ cơ hội vào lớp 1 hay lúc theo gia đình chuyển trường về đây.
Câu chuyện của chúng tôi với thầy Hòa, cô Loan bị bỏ dở vì 2 em Minh và Hiếu (lớp 1/3) đến nhờ cô Loan phân giải chuyện xung đột. Trò Hiếu trọ trẹ giọng Quảng Trị, còn trò Minh tíu tít giọng miền Tây với những chuyện không đâu vào đâu, làm mọi người không nhịn được cười.
Thầy Hiệu trưởng Đinh Xuân Hòa (đứng giữa, hàng sau cùng) và các giáo viên, học sinh Phân hiệu tiểu học Sông Nhạn. |
* Đường của thầy thì vô tận
Thầy Hiệu trưởng Hòa cho biết trước kia Trường tiểu học Sông Nhạn có tới 3 phân hiệu. Đến năm 2004, trường chỉ còn Phân hiệu tiểu học Suối Râm. Việc Phòng GD-ĐT huyện xóa các phân hiệu tiểu học song song với việc xây dựng các trường tiểu học mới trên địa bàn xã Sông Nhạn và các vùng lân cận nhằm rút ngắn khoảng cách từ nhà đến các điểm trường của học sinh nằm trong bán kính 2km.
Đường đến trường của trò được rút ngắn, nhưng đường đi dạy của thầy thì không giới hạn. Vì vậy, thầy giáo Hoàng Trọng Nhật (dạy lớp 4/3) phải đi xe máy15km từ nhà đến Phân hiệu tiểu học Suối Râm dạy học.
Thầy Nhật chia sẻ hồi con đường từ nhà thầy đến phân hiệu còn là đường đất lầy lội, vào mùa mưa mỗi tháng thầy phải thay 1 cái vè xe Cub78. Thầy Nhật “chơi sang” là do bùn đất bám chặt bánh xe trước, khiến xe không đi được nên thầy phải đập bỏ vè xe để cạy đất, giúp xe đi cho nhanh.
Năm học 2017-2018 là lần thứ 3 thầy Nhật theo sự phân công của trường quay lại Phân hiệu tiểu học Suối Râm công tác (2 năm/lần). Mỗi lần quay lại phân hiệu, thầy Nhật đều nhận ra nét mới ở các trò nhỏ và phụ huynh học sinh. “Phân hiệu khang trang, đường đến trường đều được bê tông hóa, học sinh mặc đồng phục đến lớp, phụ huynh thì đời sống khá hơn nên quan tâm việc học của con nhiều hơn” - thầy Nhật nhận xét.
Phân hiệu tiểu học Suối Râm có 5 giáo viên phụ trách 5 khối lớp (từ lớp 1-5, với 70 học sinh). Thầy Hòa cho hay các thầy, cô giáo chủ nhiệm lớp xa nhà đi dạy đã đành, các giáo viên bộ môn, như: Mỹ thuật, Thể dục, Anh văn, Nhạc… dạy ở trường chính xong, lại vội vã chạy 5km vào phân hiệu dạy tiếp nên rất vất vả. Dù các thầy, cô giáo phải bỏ ra nhiều công sức, nhưng nhà trường vẫn không có điều kiện hỗ trợ thêm chế độ cho các thầy, cô giáo bám phân hiệu để động viên.
Năm học 2017-2018 bắt đầu với nhiều cơn mưa dầm, gió xoáy nhưng các trò nhỏ đã được rút ngắn khoảng cách từ nhà đến trường nên yên tâm hơn. Trong khi đó, đoạn đường từ nhà đến trường của các thầy, cô giáo ở Phân hiệu tiểu học Suối Râm hay điểm chính Trường tiểu học Sông Nhạn thì vô tận.
Thầy Hiệu trưởng Hòa tâm sự do giáo viên của trường luôn biến động nên có thầy, cô giáo ở xã khác thuộc huyện Cẩm Mỹ hoặc ngoài huyện được phân công về trường dạy học. Nhờ đường sá mấy năm nay được đổ nhựa, bê tông hóa nên bước chân của các thầy, cô giáo mới bớt nỗi nhọc nhằn.
Đoàn Phú