Với phương châm "mắt thấy, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm", cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Toàn (ngụ ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) đã nỗ lực cùng các cựu chiến binh, người dân trong ấp, xã xây dựng được 6 tuyến giao thông nông thôn: sáng - xanh - sạch - đẹp.
Với phương châm “mắt thấy, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Toàn (ngụ ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) đã nỗ lực cùng các cựu chiến binh, người dân trong ấp, xã xây dựng được 6 tuyến giao thông nông thôn: sáng - xanh - sạch - đẹp.
Cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Toàn nhiều năm liền được xã Bàu Trâm và TX.Long Khánh công nhận là nông dân sản xuất giỏi. |
Nhờ miệng nói tay làm mà cựu chiến binh Toàn đã vận động được nữ tu Việt kiều Hoàng Thị Bích ủng hộ cho xã gần 2,2 tỷ đồng để xây dựng Trường mẫu giáo Vành Khuyên.
* Lính dự trữ
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bàu Trâm (TX.Long Khánh), cho biết với vai trò Tổ trưởng Tổ nhân dân số 4 ấp Bàu Trâm, cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Toàn đã vận động được 6/7 tuyến hẻm trên địa bàn tổ đạt tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp và cùng với Hội Cựu chiến binh xã đăng ký một tuyến đường cựu chiến binh tự quản. Bên cạnh đó, cựu chiến binh Toàn còn làm cầu nối với xã để tiếp nhận gần 2,2 tỷ đồng từ một Việt kiều hồi hương là nữ tu Hoàng Thị Bích để tài trợ xây dựng Trường mẫu giáo Vành Khuyên trên địa bàn xã. |
Sau khi xuất ngũ, cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Toàn một mình vào vùng đất Bàu Trâm lập nghiệp. Để có tiền mua 9 sào đất, ông bán chiếc xe Cub 81 vốn tài sản quý nhất của gia đình với giá 3,5 lượng vàng. May sao vụ cà phê năm đó, vườn của ông trúng được gần 2 tấn cà phê nhân nên ông mua thêm được 1 hécta đất rẫy.
Vùng đất ấp Bàu Trâm năm 1992 chỉ lèo tèo vài nóc nhà dân. Cựu chiến binh Toàn cảm thấy nhớ nhà nên vội vã về quê đón người thân về đây sum vầy.
Cựu chiến binh Toàn kể, xung quanh vườn rẫy của ông lúc đó chỉ có 3 hộ sinh sống. Từ rẫy của ông qua rẫy các ông: Chuyển, Giá và Lan phải đi lòng vòng đến mỏi chân; 2 bên đường cỏ cây rậm rạp, đất đá lục cục, lẹp nhẹp nước. Tuy một thân một mình nơi xứ lạ, nhưng ông Toàn vẫn cật lực lao động. Nhờ những vụ cà phê liên tục được mùa, được giá, ông Toàn đưa cả vợ con và anh em ruột thịt vào ấp Bàu Trâm lập nghiệp.
Ông Toàn bộc bạch, ông vốn là “lính” ở Cục Dự trữ quốc gia (nay là Tổng cục Dự trữ nhà nước, thuộc Bộ Tài chính) nên biết lo gần lo xa, phòng cơ tích trữ. Nhờ kinh nghiệm của người lính, khi cà phê mất giá ông chuyển sang mô hình trồng nấm mèo, nấm bào ngư.
Là nông dân trồng nấm mèo đầu tiên ở ấp Bàu Trâm, ông Toàn đã chia sẻ kinh nghiệm cho các nông dân, hội viên cựu chiến binh trong ấp kỹ thuật trồng nấm. Người được chỉ bày kinh nghiệm trồng nấm đạt thì ông vui, khi họ bị thất bại thì ông lo lắng, bồn chồn đứng ngồi không yên.
Cựu chiến binh Vũ Viết Tùng (ngụ ấp Bàu Trâm) cho hay tính của cựu chiến binh Toàn là vậy. Chuyện nhà, chuyện họ hàng thôi cũng đủ tất bật, thế mà cựu chiến binh Toàn vẫn sốt sắng lo chuyện xóm làng, đồng đội.
Theo thời gian, dân cư từ khắp nơi về ấp Bàu Trâm lập nghiệp ngày một đông. Tuy vậy, những con đường rẫy từ nhà này đến nhà khác hoặc ra trung tâm xã vẫn không hề thay đổi. Trước sự bất tiện đó, ông Toàn mạnh dạn đứng ra vận động những nông dân trong xóm, trong khu vực ông sinh sống sửa sang lại đường sá.
Đường mòn nhỏ chỉ đủ bánh xe đạp, xe máy chạy qua thì ông kêu gọi mọi người hiến thêm tí đất để mở đường cho máy cày đi qua được. Đường lớn có sẵn trước đó thì ông kêu gọi mỗi nhà góp vài ngày công lao động, đất đá san lấp cho phẳng, không để đọng nước. Riêng mấy cái ụ nước trước nhà, ông cứ túc tắc một mình dặm vá không làm phiền đến hàng xóm.
Thấy ông Toàn nói và làm toàn những điều có lợi cho xóm, ấp, Ban ấp Bàu Trâm và người dân mời ông làm Tổ trưởng tổ nhân dân số 4 (ấp Bàu Trâm). Hội Cựu chiến binh xã thì “ấn” cho ông vị trí Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, để ông phát huy tốt hơn nữa vai trò người lính Cụ Hồ khi về với đời thường.
Cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Toàn (giữa), Tổ trưởng Tổ nhân dân số 4, ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm. |
* Đứng mũi chịu sào
Những tuyến đường giao thông nông thôn ông Toàn vận động nhân dân làm khi ông mới được bầu làm Tổ trưởng tổ nhân nhân số 4 đến nay không phù hợp với nhu cầu xây dựng nông thôn mới của địa phương nữa. Không muốn tụt hậu với sự phát triển, ông Toàn lại sốt sắng kêu gọi người dân trong tổ bê tông hóa những tuyến hẻm chính.
Được địa phương hỗ trợ 70% tổng giá trị công trình, ông Toàn càng có thêm động lực để đi vận động người dân trong tổ góp vốn đối ứng với chính quyền địa phương bê tông hóa các tuyến đường. Và để dân nghe, dân hiểu, dân tin, ông Toàn và những người thân trong gia đình ông luôn tiên phong trong việc góp tiền, hiến đất để làm đường.
Đường làm xong, người dân đi lại thuận lợi, giá trị đất đai tăng cao hơn trước gấp vài lần, ông Toàn vẫn chưa hài lòng nên vận động người dân sinh sống dọc 2 bên các tuyến hẻm góp vốn để vừa đổ một lớp dày bê tông vừa kéo đường dây điện thắp sáng đường. Đi đâu ông cũng tuyên truyền, nếu đường hẻm được lắp hệ thống thiếu sáng thì người dân đi lại an toàn và chiều chiều rủ nhau ra đường vui chơi, tập thể dục để rèn luyện sức khỏe.
Lời ông Toàn nhanh chóng được người dân trong Tổ nhân dân số 4 đồng thuận. Vậy là 6/7 tuyến hẻm của Tổ nhân dân số 4 nơi ông làm tổ trưởng kiêm trưởng ban vận động đạt tiêu chuẩn sáng - xanh - sạch - đẹp.
Ông Toàn quả quyết còn 1 tuyến đường nữa (dài 300m), ông sẽ quyết tâm vận động dân trong tổ bê tông hóa và xây dựng hệ thống chiếu sáng vào cuối năm nay.
Đường đạt tiêu chuẩn sáng - xanh - sạch - đẹp, người dân trong Tổ nhân dân số 4 và trẻ em thỏa sức lưu thông, tập thể dục, vui chơi. Trong khi đó, ngày nào ông Toàn cũng thả bộ khắp 6 tuyến hẻm để nhặt những túi rác để không đúng quy cách; mang bình, dao phát, xịt cây cỏ lấn ra đường. Mọi người thấy vậy trách ông Toàn rằng: “Đường là của chung, mọi người cần phải chung tay giữ gìn, cớ sao ông lại đi làm một mình?”.
Lúc ấy, ông Toàn cười hề hà giải thích rằng, mọi người nói vậy đồng nghĩa là hiểu chuyện nên ông rất vui. Đúng là đường chung nên mọi người cần phải tiếp tục chung tay gìn giữ để đường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp hơn. Tuy vậy, do mọi người bận bịu chuyện làm ăn, rác và cỏ thì nằm chễm chệ ngoài đường rồi, ông phải dọn ngay, chứ chờ bà con thì đường của tổ mình rất khó duy trì sáng - xanh - sạch - đẹp mỗi ngày được.
Phụ tá 3 đời cho Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bàu Trâm, ông Toàn vẫn không muốn sớm làm Chủ tịch Hội, bởi ông tâm niệm rằng làm tổ trưởng nhân dân hay Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã mà luôn thấm đẫm được lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận: “Mắt thấy, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” thì dân mới quý, đồng đội mới tin.
Đoàn Phú