Sau chiến tranh, nhiều cựu chiến binh ở huyện Long Thành trở về cuộc sống đời thường với những khó khăn về kinh tế, thậm chí nằm trong danh sách hộ nghèo. Thế nhưng, rất nhiều người trong số họ đã gồng mình bươn chải với nắng mưa, tích lũy từng chút để dần thoát khỏi sự túng thiếu và có cuộc sống ổn định.
Sau chiến tranh, nhiều cựu chiến binh ở huyện Long Thành trở về cuộc sống đời thường với những khó khăn về kinh tế, thậm chí nằm trong danh sách hộ nghèo. Thế nhưng, rất nhiều người trong số họ đã gồng mình bươn chải với nắng mưa, tích lũy từng chút để dần thoát khỏi sự túng thiếu và có cuộc sống ổn định.
Ông Phạm Tuấn Triều (huyện Long Thành) khiêng hàng hóa chuẩn bị giao cho khách. |
* Gian truân khi về lại đời thường
Năm 1982, vợ chồng bà Nguyễn Thị Kim Anh (ngụ ấp 2, xã An Phước, huyện Long Thành) phục viên chỉ với mỗi cái ba lô cũ trên tay. Cuộc sống gia đình quá khó khăn, vợ chồng bà phải làm lụng nhiều nghề để kiếm sống. Ngôi nhà của gia đình bà ở lúc ấy chỉ gồm mấy tấm tôn dựng lên che nắng mưa.
Để mưu sinh, vợ chồng bà Kim Anh sắm chiếc ghe nhỏ chèo đi mua xác khoai mì ở các xã lân cận rồi chở đến Nhà Bè
(TP.Hồ Chí Minh) trao đổi nhu yếu phẩm nuôi gia đình. Nhà nghèo lại đông con (đến năm 1992, vợ chồng bà Kim Anh đã có 5 người con), nên làm lụng có vất vả bao nhiêu vợ chồng bà cũng không dư dả được.
“Nhiều lần chèo ghe đi buôn bán bị chìm, nên đến năm 1992 chúng tôi quyết định đến huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) kiếm nghề khác mưu sinh. Lận đận bao nhiêu năm, năm 1998 chúng tôi mới quay về An Phước buôn bán trái cây. Buôn bán vất vả 11 năm nuôi con ăn học, đến năm 2009 gia đình tôi mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo” - bà Kim Anh chia sẻ.
Ông Lê Hoàng Quy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Long Thành, cho hay khi trở về đời thường, nhiều cựu chiến binh gặp khó khăn về kinh tế, nhưng nhờ sự kiên trì, không ngại gian khó mà nhiều hội viên giờ đã thoát nghèo, thậm chí nhiều hội viên gia đình khó khăn đã vươn lên làm ăn khá giả. Điều này tạo động lực giúp nhiều hội viên khác có niềm tin để vượt qua sự khó khăn về kinh tế. Đặc biệt, những hội viên vươn lên khá giả đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. |
Cuộc đời gặp nhiều sóng gió nhưng vợ chồng bà Kim Anh không vì mải mê làm ăn mà bỏ mặc việc học hành của các con. Thậm chí, vào năm 1998 vợ chồng bà đã có vựa nông sản ở huyện Long Điền nhưng vẫn quyết định bỏ ngang chuyện làm ăn đang đà phát đạt để về huyện Long Thành vừa đi buôn bán trái cây vừa nuôi con ăn học. Đến nay, cả 5 người con của bà đều có bằng đại học, cao đẳng và có việc làm ổn định.
“Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mình chưa giúp được gì nhiều cho địa phương thì chỉ còn cách giúp mình, giúp người bằng việc nuôi dạy con thành tài” - bà Kim Anh bộc bạch.
Còn với ông Phạm Tuấn Triều (quê tỉnh Ninh Bình), năm 1988 sau khi xuất ngũ đã cùng anh trai vào ấp Bình Lâm (xã Lộc An, huyện Long Thành) lập nghiệp. Hành trang vào miền Nam của ông Triều ngày ấy chỉ gồm: cái ba lô, vài bộ đồ và 2kg thuốc lào. Ngày ra quân nhận được hơn 700 đồng, ông đã chi tiền tàu xe hết sạch.
Sau khi ổn định chỗ ở tại một cái chòi với người anh trai, ông Triều xin vào Nông trường cao su Bình Sơn đi trồng cây. Sau 2 năm, ông nghỉ việc và làm đủ nghề để kiếm sống, như: bán rau, đi đóng đồ gỗ… Hơn 10 năm vất vả chạy lo cái ăn từng bữa, ông mới dành dụm mua được chiếc máy cày để đi mua củi ở các nhà vườn đem bán lại cho các lò gạch.
Khi có số vốn lớn hơn, ông chuyển sang mua 1, rồi 2, 3 chiếc xe tải và quyết định bán tất cả để gầy dựng lên cửa hàng kinh doanh đồ nội thất tại nhà.
“Với 2 bàn tay trắng, gần 20 năm vào miền Nam lập nghiệp tôi mới có một cuộc sống tạm gọi ổn định, để rồi từ đó phát triển dần lên. Có được cơ sở làm ăn như hôm nay là nhờ sự nỗ lực của bản thân và tình cảm đùm bọc của bà con nơi này” - ông Triều kể.
Ông Vũ Hữu Ngận (huyện Long Thành) cho cá ăn tại trang trại của gia đình. |
* Xây dựng quê hương thứ hai
Cũng là cựu chiến binh trở về đời thường, sau 6 năm làm nông ở quê nhà (tỉnh Thái Bình), ông Vũ Hữu Ngận đưa vợ con vào xã Long An (huyện Long Thành) gầy dựng cuộc sống mới.
Ông Ngận nhớ lại, xã Long An vào năm 1984 còn rất thưa người. Hồi đó, vợ chồng ông phải đi làm thuê cuốc mướn, ai kêu gì làm nấy, long đong suốt mấy năm trời. Đến năm 1990, ông bắt đầu đào ao nuôi cá. Chỉ với sức người và lòng nhẫn nại, sự chịu thương chịu khó, gia đình ông đào được 8 ngàn m2 ao nuôi cá. Từ đó, đời sống của gia đình ông khá dần lên.
“Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, vợ chồng tôi học theo người xưa nên đào ao nuôi thả những loại cá truyền thống, như: trê, mè, trắm… Từ 1 chỉ vàng đem từ miền Bắc vào năm 1984, đến nay chúng tôi đã có một trang trại nhỏ. Các con giờ đã tự lập được cả, vợ chồng cũng không còn vất vả như trước. Vào đây, tôi coi địa phương này như quê hương thứ hai, nhờ vùng đất này mà vợ chồng tôi có cuộc sống khấm khá, thậm chí được mọi người tín nhiệm bầu làm Trưởng ban công tác Mặt trận của ấp” - ông Ngận vui vẻ cho hay.
Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, các cựu chiến binh ở huyện Long Thành còn đóng góp nhiều cho cộng đồng, cho quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương bằng nhiều hình thức, như: người thì hiến đất, người góp tiền, người góp ngày công lao động... Đặc biệt, trong năm 2016, khi huyện Long Thành đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, sự đóng góp tích cực của các hội viên cựu chiến binh càng nổi trội hơn, dù 10 năm trước họ còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
“Các chương trình công tác xã hội của địa phương báo về tôi đều tham gia; những con đường tôi thường đi hay ít đi, tôi đều đóng góp theo chương trình xã hội hóa nông thôn. Riêng năm 2016, tôi đóng góp gần 20 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn. Tôi cho rằng, nếu mỗi người suy nghĩ rộng ra một chút, hướng đến xung quanh nhiều hơn một chút thì sẽ chẳng đắn đo khi phải bỏ ra một ít tiền để làm đường, làm các công trình cho mọi người cùng hưởng thụ, trong đó có cả gia đình của chính mình” - ông Triều bộc bạch.
Đăng Tùng