Nhiều đơn vị quân đội đã tìm cách nâng cao chất lượng bữa ăn, bắt đầu từ việc nâng chất lượng thực phẩm ngay tại vườn rau, chuồng trại tăng gia nhằm đảm bảo sức khỏe bộ đội trong hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Nhiều đơn vị quân đội đã tìm cách nâng cao chất lượng bữa ăn, bắt đầu từ việc nâng chất lượng thực phẩm ngay tại vườn rau, chuồng trại tăng gia nhằm đảm bảo sức khỏe bộ đội trong hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu....
Địa hình đồi dốc, đất đai không màu mỡ, nhưng nhờ sự cần mẫn của các chiến sĩ mà vườn tăng gia của Sư đoàn 309 - Quân đoàn 4 (ở phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) và chuồng trại của Trung đoàn Đồng Nai - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (ở xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc) đã cho ra nguồn thực phẩm chất lượng.
Đại tá Lê Văn Hạnh (Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 309) kiểm tra chất lượng rau ngay tại vườn. |
Trời tháng 9 hay mưa, nhưng vườn rau tăng gia do Đại đội vận tải 25 (Trung đoàn 31, Sư đoàn 309) trồng theo mô hình rau an toàn vẫn xanh um với những luống cà, giàn mướp trải dài gần 8 ngàn m2.
* Màu xanh trên vùng đất cằn
Đại tá Lê Văn Hạnh, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 309, cho biết: “Nhiệm vụ chính của Sư đoàn 309 là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ trong sư đoàn, quân thường trực và dự bị động viên. Không chỉ cung cấp rau, củ, quả cho bữa cơm bộ đội, vườn rau sạch do Đại đội 25 vận tải chăm sóc còn bán ra thị trường để tăng thêm nguồn thu và không lãng phí lượng rau tươi trồng được khi các bếp đã đủ. Với nguồn thu từ rau bán ra, đơn vị mua các thực phẩm khác và hạt giống, con giống để phục vụ tăng gia sản xuất trong toàn sư đoàn”. |
Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Quân đoàn 4 và 36 năm thành lập Sư đoàn 309, tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ Sư đoàn 309 đầu tư vườn rau sạch với hệ thống nhà màng, lưới che, hệ thống tưới tự động… Từ đó, chất lượng bữa ăn của những người lính trong Sư đoàn 309 dần được nâng cao.
Trung tá Nguyễn Tất Dương, Trưởng ban Quân nhu Sư đoàn 309 cho biết, trước kia khu vực này chất đất rất xấu, bị nhiễm phèn, trồng rau quả rất khó phát triển chứ đừng nói là cho thu hoạch cao.
Sau đó, đơn vị phát động các tiểu đoàn, đại đội cải tạo đất đai và làm liên tục từ 2006 đến nay đã có những khoảnh đất trồng trọt tốt hơn. Riêng tại khu vườn rau sạch, đơn vị đã chở đất màu mỡ từ nơi khác về bổ sung vào các luống, rồi bắc giàn, phủ màng lưới, làm hệ thống tưới tự động…
"Chúng tôi tuyệt đối tuân thủ chặt chẽ yêu cầu kỹ thuật, không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, chỉ dùng phân hữu cơ từ chuồng trại của đơn vị đem ủ để bón. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt có hẹn giờ kết hợp với tưới phân sinh học tự động giúp tiết kiệm nước, hạn chế được sâu bệnh mà không phải dùng đến công sức bộ đội quá nhiều” - Trung tá Nguyễn Tất Dương chia sẻ.
Tại Trung đoàn Đồng Nai, do đất đai ở khu vực đóng quân không màu mỡ, đơn vị đang xây dựng, cải tạo hơn 1 năm qua nên việc trồng trọt rất khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự sáng tạo, kiên trì mà cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã khắc phục, đạt được chỉ tiêu do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đề ra.
Thượng tá Nguyễn Việt Hùng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đồng Nai, cho biết mọi năm bình thường phải làm được 12-14 tấn rau xanh, củ, quả các loại, nhưng hơn 1 năm qua do đơn vị còn xây dựng, chưa quy hoạch lại khu vườn rau nên chỉ còn khoảng 5 tấn/năm. Riêng chuồng trại do được quy hoạch, xác định vị trí cụ thể nên đơn vị đã cho tái sử dụng những vật liệu dỡ từ các doanh trại cũ để làm nên chuồng heo tăng gia tốt.
“Tôi còn đi học cách chăm sóc heo để về hướng dẫn cho các chiến sĩ. Tại khu vực chuồng trại, chúng tôi gắn các bảng quy định, quy cách về chăm sóc heo, từ heo con đến heo thịt, heo đẻ… Ngay cả heo con và heo sắp đẻ, sợ chúng bị lạnh bụng, nhiễm bệnh nên tôi đặt mua các tấm lót cao hơn mặt đất vài phân để chúng đi lại trên đó, từng ô chuồng được ngăn ra và theo dõi hàng ngày. Các chiến sĩ về đây nhận nhiệm vụ được tôi cầm tay chỉ việc từng bước nên chỉ một thời gian ngắn đã có thể chăm sóc chuồng trại” - thượng tá Hùng chia sẻ.
Thịt do Sư đoàn 309 tự tăng gia được dùng vào bếp ăn hàng ngày. |
* Tự học tăng gia
Từ cuối năm 2014, khi vườn rau tăng gia bắt đầu đưa vào canh tác, cán bộ Sư đoàn 309 đã phải tìm đến các vườn rau sản xuất mô hình VietGAP trong tỉnh và của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tham khảo tài liệu ở nhiều nơi để nghiên cứu thêm.
Để làm điều đó hiệu quả, đòi hỏi những người trực tiếp chăm sóc vườn rau phải ham học hỏi, chịu khó tiếp thu kiến thức mới từ các buổi tập huấn của ngành hậu cần và các cơ quan chuyên về nông nghiệp.
Năm 2016, khu tăng gia sản xuất tập trung chất lượng cao của Sư đoàn 309 đã cung cấp cho đơn vị trên 46,7 tấn rau sạch, bán ra thị trường trên 24,3 tấn. Ngoài ra, khu tăng gia còn cung cấp trên 5,6 tấn rau gia vị (hành lá, ớt, sả…) mỗi năm.
Đại úy Đặng Hà Thương (Đại đội trưởng Đại đội 25 vận tải, Trung đoàn Bộ binh 31, Sư đoàn 309) cho hay, ông đã từng làm nông nên có kinh nghiệm trồng trọt. Hơn nữa, ông còn có người em là kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ nên được hỗ trợ nhiều về tài liệu và kiến thức trồng trọt.
"Vườn rau tăng gia của chúng tôi không dùng thuốc trừ sâu, không dùng phân hóa học nên, mỗi khi mướp, dưa leo ra trái phải dùng túi ny-lông bao lại. Để tránh bị côn trùng hay sâu bọ làm hư trái nhiều, chúng tôi dùng một số chai nhựa khoét vỏ và đặt củ, quả đã tẩm thuốc diệt sâu bệnh để diệt bớt những loại sâu bọ có hại. Đó cũng là cách mà chúng tôi học được khi tham quan những mô hình rau an toàn trong tỉnh” - Đại úy Đặng Hà Thương cho biết thêm.
Hạ sĩ Lê Duy Minh (thuộc Ban Hậu cần, Trung đoàn Đồng Nai) tâm sự, anh đi nghĩa vụ quân sự được hơn 1 năm, về đơn vị được các cán bộ hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi heo, thêm vào đó là anh tuân thủ nghiêm ngặt quy cách chăm sóc heo được gắn bên chuồng. Phải hơn 1 tháng, anh mới quen với công việc ở chuồng tăng gia và đến nay anh đã có thể chăm sóc, tính thời gian heo đẻ, nấu cám trộn cho heo hàng ngày một cách thuần thục.
Hạ sĩ Minh cho biết, đơn vị trong thời gian huấn luyện tân binh hoặc dự bị động viên còn có cơm thừa để cho heo ăn, nhưng giữa khoảng thời gian trống này anh phải tự nấu cho heo ăn mỗi ngày. Chỉ riêng nửa đầu năm 2017, số thịt heo do đơn vị anh cung cấp đã đạt trên 126% chỉ tiêu cả năm, số lượng cá đạt 192,6% chỉ tiêu năm, chỉ có rau đạt gần 100%.
"Cũng vì chuồng trại được xây dựng khang trang nên việc chăm sóc heo dễ dàng, thậm chí đơn vị còn đặt thợ hàn những chiếc lồng sắt để nuôi riêng heo đẻ và heo con trước khi tách đàn. Được đi tham quan một số trang trại và các đơn vị bạn, tôi thấy chuồng trại của chúng tôi được đầu tư kỹ lưỡng hơn, chỉ thua các trang trại chuyên nghiệp thôi” - hạ sĩ Minh cho hay.
Đăng Tùng