53 năm trước, quân đội Sài Gòn đã thực hiện một vụ thảm sát tại khu vực ngã ba sông Giồng Sắn (thuộc ấp Phú Đông, xã Phú Hữu; nay thuộc ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch) khiến 536 người dân thiệt mạng.
53 năm trước, quân đội Sài Gòn đã thực hiện một vụ thảm sát tại khu vực ngã ba sông Giồng Sắn (thuộc ấp Phú Đông, xã Phú Hữu; nay thuộc ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch) khiến 536 người dân thiệt mạng.
Ông Nguyễn Văn Thành (trái) chỉ hướng máy bay ném bom khu vực Giồng Sắn. |
“Sau 53 năm, vùng đất này đã hoàn toàn thay đổi. Cuộc sống của chúng tôi khá lên từng ngày, con cháu không còn vất vả như cha ông mà được học hành đàng hoàng, những người vô tội bị thảm sát năm xưa giờ cũng có nhà bia tưởng niệm, ngày đêm hương khói ấm cúng...” - ông Nguyễn Văn Thành (87 tuổi, ngụ ấp Bến Đình, xã Phú Đông, nhân chứng vụ thảm sát năm xưa) cho biết.
* Không thể nào quên
Phó chủ tịch UBND xã Phú Đông Lương Hữu Châu cho biết xã Phú Đông đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Từ đầu năm 2017 đến nay, địa phương đã tổ chức họp và vận động dân đóng góp thực hiện được 2/4 con đường (đạt 50% chỉ tiêu năm 2017). Ngoài ra, có gần 90 hộ dân tự tháo dỡ các công trình lấn chiếm hành lang lộ giới. Những điều đó giúp cho bộ mặt nông thôn của xã Phú Đông ngày càng khang trang, đường sá đi lại thuận lợi, giúp học sinh đến trường thuận lợi và an toàn. |
Vào lúc 16 giờ ngày 27-9-1964, khi ghe thuyền của người dân neo đậu buôn bán tại khu vực ngã ba Giồng Sắn tấp nập thì xuất hiện 3 máy bay của quân đội Sài Gòn từ hướng Biên Hòa bay đến. Sau khi quần đảo nhiều vòng, 3 chiếc máy bay trút hàng loạt bom đạn xuống ngã ba sông, nơi có hàng trăm người đang tụ tập. Nhiều người dân sống xung quanh phải chui xuống hầm trú ẩn hoặc chạy đi xa để tránh đạn pháo từ đồn Nhà Bè bắn qua. Sau hơn 1 giờ quần đảo ném bom với hàng chục lượt máy bay, trên ngã ba sông chỉ còn hàng trăm thi thể không lành lặn với tiếng khóc, tiếng gào thét vang trời.
Hai chân đã yếu, đôi mắt đã mờ nhưng khi nghe nhắc đến vụ thảm sát cách đây 53 năm, ông Nguyễn Văn Kiếm (ngoài 80 tuổi, ngụ ấp Bến Đình, nhân chứng vụ thảm sát) lại dậy lên cảm giác rùng mình.
Ông Kiếm cho biết thời điểm xảy ra vụ thảm sát tại ngã ba Giồng Sắn bà con đang họp chợ. Ông làm nghề đánh cá nên thường chèo xuồng ra đây vì có nhiều thứ cần mua bán, trao đổi. Hôm đó, may mắn là ông đi từ sáng sớm, chứ nếu đợi đến chiều mới ra không chừng cũng thiệt mạng vì bom.
“Khi bom ngưng, chúng tôi kẻ chạy bộ, người chèo ghe ra sông thì thấy hàng trăm thi thể không nguyên vẹn; có thi thể bị hất văng lên cây, có thi thể dạt vào bờ; ghe xuồng cũng tan nát; tiếng người gọi nhau, tiếng khóc la ầm ĩ. Suốt đêm hôm đó, cả ngày hôm sau và kéo dài thêm 10 ngày nữa, khắp các xã lân cận khu vực Giồng Sắn, như: Phú Hữu, Phước Khánh, Vĩnh Thanh, Đại Phước…, đâu đâu cũng rợp một màu tang tóc. Phải mất đêm đó và sang tận ngày hôm sau, người thân của các nạn nhân và người dân xung quanh mới đem được một số thi thể vào bờ. Có thi thể chìm vài ngày sau mới nổi, có thi thể bị chìm hẳn. Đó là chưa kể nhiều người bị bom nổ gần, thi thể mỗi nơi một mảnh, không biết đâu mà tìm” - ông Kiếm rùng mình nhớ lại.
Theo ông Lương Hữu Châu, Phó chủ tịch UBND xã Phú Đông, sau này ông được nghe nhiều người kể rằng một số nạn nhân ở xa hoặc không nhận diện được thi thể đã được quy tập chôn chung vào một mộ tập thể. Khi xây mới nhà bia tưởng niệm, một số thân nhân của họ mới đưa về chôn nơi khác. Đến nay thì các nhân chứng đã lớn tuổi, người ở xa, người qua đời, chỉ còn ít người sống tại địa phương. Họ là những chứng nhân kể lại cho thế hệ sau nghe tội ác chiến tranh và biết quý trọng cuộc sống hòa bình.
Bia tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Giồng Sắn luôn được địa phương quan tâm, dọn dẹp trước các dịp lễ. |
* Vươn mình sau nửa thế kỷ
Hơn 50 năm sau vụ thảm sát đẫm máu, khu vực Giồng Sắn và xã Phú Đông hôm nay đã chuyển mình, vươn lên thành xã nông thôn mới (được công nhận vào tháng 10-2015). Khu vực quanh ngã ba sông năm xưa nay đã có nhiều nhà dân khang trang, vườn dừa xanh mát và công viên, nhà bia tưởng niệm hơn 500 nạn nhân của vụ ném bom.
Ông Nguyễn Văn Thành (ngụ ấp Bến Đình, nhân chứng vụ thảm sát năm xưa) chia sẻ đời sống người dân địa phương hiện nay đã khá lên rất nhiều. Như ông ngày xưa chỉ có căn nhà lá, đi kéo cá sông lên bán, nay ông đã có nhà xây khang trang, vừa nuôi vịt, nuôi cá vừa làm nhà nuôi chim yến, thu nhập đủ nuôi sống gia đình và dư dả một ít.
“Vài năm trước, mấy đứa cháu của tôi muốn đi học THCS, THPT phải đi vòng qua khu căn cứ Vùng 2 Hải quân (ngày xưa là căn cứ Thành Tuy Hạ). Nay trường học xây gần ngay cổng UBND xã, gồm cả trường mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT nên mấy đứa nhỏ đi học gần nhà, có mưa gió cũng đỡ lo. Ngày xưa, chỗ này chính quyền Sài Gòn thành lập quận Nhơn Trạch (thuộc tỉnh Biên Hòa), có 13 xã, dân số cũng thuộc loại đông trong tỉnh. Gọi là quận chứ đường toàn đường đất, đường nhựa rất ít, xe cộ chủ yếu là xe đạp với xe quân sự, không được khang trang như bây giờ đâu” - ông Thành kể lại.
Sau hơn nửa thế kỷ, cuộc sống mới đã hồi sinh ở nơi đây; sự mất mát, đau thương giờ chỉ còn ẩn sâu trong ký ức của mỗi gia đình, mỗi con người. Sau hơn 13 năm thành lập xã, đến nay 100% đường giao thông nông thôn trong xã Phú Đông đã được trải nhựa, bê tông, hoặc trải đá chắc chắn. Hệ thống điện hạ thế kéo đến từng xóm, ấp với 100% hộ dân đều sử dụng điện, từ đó đời sống tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.
Phó chủ tịch UBND xã Phú Đông Lương Hữu Châu cho biết từ năm 2015 đến nay, các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS trong xã liên tục được sửa chữa, xây mới phục vụ con em địa phương đi học thuận tiện. Tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên ở Phú Đông đều đạt 100%.
“Địa phương muốn thay đổi tích cực thì phải giúp cho những hộ nghèo thoát nghèo, trẻ em được đi học, lao động có việc làm ổn định. Hiện tại, số hộ nghèo của xã còn 40 hộ (chiếm 1,23% toàn xã), chúng tôi phấn đấu đến hết năm 2017 sẽ có 12 hộ thoát nghèo bền vững. Do đó, từ đầu năm đến nay, các đoàn thể ở địa phương, như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ… lập các tổ cho vay, hướng dẫn hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích cho 12 hộ nghèo với tổng số tiền 150 triệu đồng. Chúng tôi cố gắng xóa hết hộ nghèo để địa phương từ một vùng đất đau thương năm xưa trở thành xã phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng cao về mọi mặt và sớm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào thời gian tới” - ông Lương Hữu Châu vui vẻ cho biết.
Đăng Tùng