Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổ quốc phía đường biên

10:03, 29/03/2017

Một bên là Trung Quốc, một bên là Tổ quốc Việt Nam, thác Bản Giốc trở thành địa danh thiêng liêng có tính lịch sử - văn hóa bền vững giữa 2 miền đất nước. Đến thác Bản Giốc, ngoài thăm thú danh lam, thắng cảnh còn để minh chứng một chân lý: thác Bản Giốc là một phần lãnh thổ không tách rời của Việt Nam.

Một bên là Trung Quốc, một bên là Tổ quốc Việt Nam, thác Bản Giốc trở thành địa danh thiêng liêng có tính lịch sử - văn hóa bền vững giữa 2 miền đất nước. Đến thác Bản Giốc, ngoài thăm thú danh lam, thắng cảnh còn để minh chứng một chân lý: thác Bản Giốc là một phần lãnh thổ không tách rời của Việt Nam.

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc nhìn từ đỉnh núi.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc nhìn từ đỉnh núi.

Chúng tôi đến thác Bản Giốc lúc mặt trời đã nghiêng bóng cây sào. Trước mắt chúng tôi, thác Bản Giốc như một bức tranh thủy mặc hữu tình.

* Thiên nhiên kỳ thú

Anh Lý A Giàu, một người dân bản xứ đã sinh sống cùng gia đình ở thác Bản Giốc hơn 30 năm, cho biết: “Từ khi nước ta và Trung Quốc phân định biên giới rõ ràng và cắm cột mốc đường biên, ngày nào cũng có du khách đến đây tham quan. Họ đến còn có lý do khác là mong được đặt chân trên mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc. Để dòng thác chảy mãi yên bình như hôm nay là cả một cuộc đấu tranh, phân định, thỏa hiệp, thậm chí đổ máu”.

Trước khi đặt chân đến thác Bản Giốc, chúng tôi đã tìm hiểu qua người dân bản xứ về ngọn nguồn dòng thác kỳ vĩ này. Thượng tá Lý Viết Coỏng, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đàm Thủy (tỉnh Cao Bằng), một sĩ quan biên phòng đã nhiều năm “sống với rừng, vui buồn bên thác”, bảo: “Thác Bản Giốc tồn tại với tư cách là kỳ quan thiên nhiên du lịch, nhưng cũng là máu thịt của Tổ quốc. Người dân ở đây còn nghèo nhưng luôn có ý thức bảo vệ và xem thác Bản Giốc là máu thịt của mình”.

Đường vào thác Bản Giốc đơn sơ.
Đường vào thác Bản Giốc đơn sơ.

Đứng ở cánh đồng nhìn lên, thác Bản Giốc chẳng khác nào những dải lụa mềm từ mây trời buông xuống. Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, 4 mùa dòng thác vẫn miệt mài tuôn chảy xuống thung lũng nước trong xanh tận đáy lòng hồ. Phía xa là những ngôi nhà của dân bản xứ, những cách đồng cỏ vàng trải dài theo triền núi, những con suối uốn lượn róc rách theo khe đá dẫn vào các bản làng. Mỗi sớm bình minh, lúc chiều tà, tiếng chuông chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc ngân nga vang vọng cả một vùng đồi núi, thức tỉnh người dân bản xứ sống thuận hòa, giữ biên cương Tổ quốc.

Ông Lý Viết Coỏng cho biết qua nhiều lần đàm phán, thác Bản Giốc được phân định rõ ràng, lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc được phân định ở giữa đỉnh thác chính kéo xuống trung tuyến giữa dòng hồ nước. Bên này là Tổ quốc Việt Nam, bên kia là Trung Quốc. Núi liền núi, thác liền thác, cùng nhau gìn giữ.

* Chuyện tình người bản xứ

Thác Bản Giốc bắt nguồn từ dòng sông Quây Sơn, chảy dọc dài theo biên giới Việt - Trung, đổ vào lãnh thổ Việt Nam tại Pò Peo (thuộc xã Ngọc Khuê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), rồi tiếp tục chảy qua các xã: Đình Phong, Chí Viễn và Đàm Thủy (tỉnh Cao Bằng). Tại đây, dòng sông lượn quanh dưới chân núi Cô Muông, băng qua những cánh đồng, khe núi giữa lưng trời, rồi đột ngột trụt xuống khoảng 35m, tạo thành thác Bản Giốc.

Lên thác Bản Giốc, ngoài ngắm cảnh thác đổ, đặt chân lên dải đất Tổ quốc miền biên viễn Cao Bằng, câu chuyện tình lãng mạn giữa cô gái Tày và chàng hoàng tử đã thu hút chúng tôi. Đây cũng chính là huyền thoại cổ xưa của người Tày được truyền tụng làm cho thác Bản Giốc càng thêm huyền bí.

Tích xưa để lại, ở Bản Giốc có một người con gái tóc dài, da trắng, đẹp nết đẹp người nên được hoàng tử người Tày yêu thương. Tiếc thay, trái tim người con gái ấy chỉ dành cho chàng trai cày ruộng ở bản bên. Biết chuyện hoàng tử yêu mình, cô gái đã thổ lộ với người mình yêu và bàn mưu bỏ trốn. Nhưng việc bỏ trốn chưa thực hiện được thì hoàng tử nọ đem quân lính bắt nàng về cung canh gác cẩn mật. Thương người yêu trong cung cấm, chàng trai nọ tìm cách cứu nàng. Vượt qua nhiều cánh cửa cung điện, vào một đêm đông lạnh giá, chàng đã lẻn vào nơi giam giữ dắt nàng trốn thoát. Giữa ngàn trùng rừng núi, họ chẳng biết đi đâu. Đi mãi, cuối cùng họ dừng lại ở bìa rừng, bên khe suối Bản Giốc, nơi mà trước kia 2 người lần đầu gặp gỡ.

Vì quá mệt sức nên đôi trai gái đã thiếp đi trong cơn bão tố kéo đến ầm ầm. Sau một tuần thì mưa tạnh, gió ngớt. Một buổi sớm, một người đàn bà đi hái măng nhìn lên đỉnh đồi thấy có 2 dòng thác chảy mạnh kéo dài xuống chân đồi. Bà về gọi dân làng ra xem. Họ quỳ xuống khấn vái cho rằng, dòng thác là hiện linh của mối tình đẹp đẽ, son sắc thủy chung của đôi trai gái người Tày.

* Những người canh mốc biên thùy

Để thác Bản Giốc ngày đêm tuôn chảy bình yên, các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã tổ chức tuần tra canh gác 24/24 giờ. Ở vị thế độc địa giáp biên, giữa núi rừng điệp trùng sâu thẳm, nhiệm vụ tuần tra chốt giữ bảo vệ chủ quyền an ninh ở mốc giới này gặp nhiều khó khăn, gian khổ. Song, tất cả vì bình yên của Bản Giốc, vì chủ quyền biên giới quốc gia, những người lính khoác “áo rừng” đã gác tình riêng để hoàn thành nhiệm vụ.

Thượng úy Hoàng Bằng Giang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đàm Thủy, người đã gắn bó nhiều năm với cột mốc biên thùy Bản Giốc, cho biết biên giới huyện Trùng Khánh có 13 đồn biên phòng bảo vệ hơn 300km biên giới giáp ranh với Trung Quốc, trong đó Đồn Biên phòng Đàm Thủy bảo vệ 18,5km đường biên chạy dài ở địa hình phức tạp heo hút nhất. “Trên đoạn đường phức tạp và hiểm nguy này, chúng tôi bảo vệ tuần tra 60 mốc giới. Nói thật, để 60 cột mốc bình yên, chúng tôi phải phân công nhau tuần tra liên tục. Phương tiện chủ yếu vẫn là sức người. Do địa hình hiểm trở, nhiều che khuất nên các phương tiện ống nhòm kém phát huy tác dụng. Bất kể nắng mưa, giá lạnh hay nóng bức, chúng tôi luôn phải tuần tra canh gác nghiêm ngặt” - Thượng úy Giang cho biết.

 Nói về bộ đội biên phòng và bà con dân bản đoàn kết bảo vệ mốc giới và thác Bản Giốc, ông Lý Viết Coỏng bộc bạch: “Có bộ đội biên phòng người dân mới có điện sử dụng. Trước đây, mỗi lần đi rừng người dân hay gặp kẻ xấu lắm. Nay có bộ đội đi cùng nên không còn lo nữa, khi có việc gì đều nhờ bộ đội thôi”.

Tạm biệt thác Bản Giốc và những người lính biên phòng Đàm Thủy cùng người dân bản xứ, chúng tôi trở về thành thị sau những ngày “3 cùng” giữa đất trời biên giới. Điều cảm nhận trong chuyến “phượt” này không chỉ về một thác Bản Giốc kỳ vĩ, thiêng liêng nơi biên thùy Tổ quốc, mà còn cảm phục sự kiên cường, thầm lặng hy sinh của những người lính biên phòng Đàm Thủy và những người dân bản xứ bám đất, giữ rừng cho thác Bản Giốc yên bình chảy mãi.

Mai Thắng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích