Gần 30 năm dạy học, thầy Lê Đăng Dung (Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Thánh Tông, xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc) có ngần ấy năm làm công tác xã hội, vận động Quỹ Khuyến học cho học sinh nghèo trong trường. Bằng những phần quà thiết thực, như: xe đạp, sách vở, những chuyến xe đưa đón miễn phí…, thầy Dung xem đó là cách tiếp sức học sinh đến trường hiệu quả nhất.
Gần 30 năm dạy học, thầy Lê Đăng Dung (Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Thánh Tông, xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc) có ngần ấy năm làm công tác xã hội, vận động Quỹ Khuyến học cho học sinh nghèo trong trường. Bằng những phần quà thiết thực, như: xe đạp, sách vở, những chuyến xe đưa đón miễn phí…, thầy Dung xem đó là cách tiếp sức học sinh đến trường hiệu quả nhất.
Thầy Lê Đăng Dung tìm hiểu hoàn cảnh những em học sinh khó khăn trong Trường THCS Lê Thánh Tông (xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc) để có cách giúp đỡ. |
Thầy Lê Đăng Dung cho biết hàng năm nhà trường đều lên danh sách học sinh nghèo để tặng quà với những mức ưu tiên là: mồ côi cha mẹ, khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn…
Nặng lòng với học sinh nghèo
Từ đầu năm đến nay, thầy Dung đã vận động các mạnh thường quân đóng góp được trên 5 ngàn quyển tập tặng học sinh. Ngoài ra, các giáo viên trong trường, gia đình ai khá giả cũng đóng góp vào quỹ để giúp học sinh thêm tự tin đến trường.
“Sống ở xã Bảo Hòa đã 50 năm nên tôi có nhiều người quen, bạn bè ở đây. Với lợi thế đó, tôi đã vận động hầu hết các cơ sở kinh doanh lớn, chủ doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xã đóng góp vào nguồn quỹ hỗ trợ học sinh nghèo của trường. Chủ cây xăng, chủ trạm dừng chân, giám đốc công ty cám, thậm chí một số người bạn trong Hội Xe đạp mà tôi tham gia... dù ở xã khác tôi cũng vận động họ ủng hộ. Những học sinh trước đây tôi dạy ở các ngôi trường tiền thân của Trường THCS Lê Thánh Tông khi trở về thăm trường muốn góp phần giúp đỡ học sinh nghèo, tôi đề nghị họ mua xe đạp, sách vở để tặng vì đó thật sự là những vật dụng cần thiết cho học sinh nghèo. Đến khi có dịp trao quà, như: lễ khai giảng, ngày 20-11, cây mùa xuân…, tôi mời các mạnh thường quân đến trường trao tận tay những phần quà họ đóng góp cho học sinh nghèo để hiểu hơn về hoàn cảnh học sinh khó khăn mà có thể tiếp tục giúp đỡ sau này” - thầy Dung tâm sự.
Thầy Lê Đăng Dung và hộp đồng hồ điện mà thầy đứng ra mua lại hệ thống chiếu sáng cho đường Đồi Đá. |
3 năm trước, một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở ấp Bưng Cần (cách Trường THCS Lê Thánh Tông gần 10km) do việc đi lại hàng ngày bất tiện đã được thầy Dung liên hệ thuê xe ô tô đưa đón miễn phí suốt cả năm học. Sau này, đường sá được cải thiện, đời sống người dân được nâng cao nên các em đã được cha mẹ mua xe đạp để đến trường.
Thầy Dung kể, ngày xưa gia đình thầy rất khó khăn, có giai đoạn còn phải gửi con nuôi nhờ ở gia đình khác nên thầy rất thấu hiểu hoàn cảnh học sinh nghèo. Thầy cho hay, ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) có mô hình “homestay” ngăn học sinh bỏ học do thầy Tạ Xuân Đĩnh (Trường THCS Nguyễn Trãi) nghĩ ra và thầy Dung đã áp dụng mô hình đó ở Trường THCS Lê Thánh Tông để giúp Ban giám hiệu thấu hiểu hoàn cảnh những học sinh khó khăn.
“Mô hình “homestay” thực hiện bằng cách vào một ngày cuối tuần, các nhóm học sinh và giáo viên chủ nhiệm đến nhà học sinh gặp gia cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học. Mọi người cùng thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh nghèo; các em học sinh chia thành nhóm sửa sang góc học tập cho bạn, dọn vệ sinh và tổ chức nấu cơm trưa, cùng ăn với gia đình bạn. Sau một ngày sinh hoạt chung với gia đình học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ đánh giá về hoàn cảnh, tìm ra nguyên nhân có thể dẫn đến khả năng học sinh bỏ học để lên kế hoạch giúp đỡ.
Ban giám hiệu còn yêu cầu học sinh, giáo viên khi đến nhà các em có hoàn cảnh khó khăn chơi nên chụp hình, quay clip lại. Đó sẽ là minh chứng hùng hồn nhất để cho các mạnh thường quân biết rằng số tiền họ ủng hộ được trao đúng cho người đang gặp khó khăn” - thầy Dung chia sẻ.
Đường “Thầy Dung”
Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Xuân Lộc Lê Thanh Hải cho hay: “Phong trào vận động quỹ xã hội hóa giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Lê Thánh Tông hoạt động rất tốt và thầy Lê Đăng Dung đã có những đóng góp tích cực vào phong trào này. Nhờ tận dụng tốt các mối quan hệ ở địa phương, tích cực vận động các mạnh thường quân mà thầy Dung đã giúp trường có nguồn quỹ dồi dào, kịp thời giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. |
Bí thư Đảng ủy xã Bảo Hòa Đoàn Thanh Hải cho biết trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, con đường Đồi Đá (ấp Hòa Hợp, xã Bảo Hòa) đi ngang nhà thầy Dung được giao cho Trường THCS Lê Thánh Tông quản lý, trồng hoa, nhổ cỏ, dọn mương… Bản thân thầy Dung đã có những hành động thiết thực, như: sang lại đường điện thắp sáng của một lò mổ phía cuối đường rồi vận động người dân đóng tiền để làm đường điện thắp sáng chung cho cả con đường; hoặc vận động người dân đóng tiền thu gom rác thải sinh hoạt để tạo môi trường sống sạch sẽ... Đó là những việc làm tích cực, được Đảng ủy xã Bảo Hòa đánh giá rất cao.
Thầy Dung cho biết thêm, con đường Đồi Đá trước đây là đường tắt đi qua TX.Long Khánh nên lượng người đi lại rất đông. Cuối đường có một lò mổ tập trung, chủ lò mổ tự kéo đường điện để thắp sáng con đường nhưng chỉ vài tiếng trong ngày, chủ yếu vào đêm khuya để phục vụ xe chở gia súc, gia cầm đi lại; người dân sống ven đường thụ hưởng từ đường điện thắp sáng này rất ít. Thấy vậy, thầy Dung đã tìm đến chủ lò mổ đề nghị sang lại hệ thống đèn đường, kéo đồng hồ về trụ điện ngay gần nhà thầy với cầu dao đặt ngoài đường để bà con xung quanh ai cũng có thể tắt mở, tự làm chủ.
“Đường dây, bóng đèn do chủ lò mổ đầu tư, tôi chỉ đến sang nhượng lại, đóng tiền điện tháng đầu tiên. Sau đó, vận động người dân chia đều tiền điện, mỗi hộ đóng vài chục ngàn đồng/tháng, thế là ai cũng thụ hưởng con đường được chiếu sáng suốt đêm để đi lại thuận tiện. Người nào đi tập thể dục, thấy trời đã sáng mà còn đèn có thể tự đóng cầu dao tắt đèn luôn. Tôi giao cho mọi người quản lý việc này, tôi chỉ đứng ra vận động bước đầu thôi. Làm việc rõ ràng, công khai minh bạch thì ai cũng đặt niềm tin vào mình” - thầy Dung tâm sự.
Không chỉ chủ động làm đường điện chiếu sáng, thầy Dung còn liên hệ dịch vụ thu gom rác đến thu gom rác thải trên đường Đồi Đá và tháng đầu tiên thầy cũng tự bỏ tiền ra đóng, sau đó mới đến từng nhà vận động. Những hộ trước đây không đồng tình việc thuê người thu gom rác, nay thấy lợi ích của dịch vụ này và chi phí không đáng bao nhiêu nên đều đồng ý. Đến nay, tất cả hộ dân sống ven đường Đồi Đá đều tự giác đem rác ra trước cổng mỗi ngày cho xe rác thu gom, dần tạo được nếp sống văn minh, không bỏ rác bừa bãi.
Đăng Tùng