Nhác thấy ông Nguyễn Xuân Oanh, Trưởng KP.3, phường Bình Đa (TP.Biên Hòa), vội vã đi qua, người dân trong khu phố biết ông đang đi tìm hiểu dân tình trong khu phố. Dù ông có cái tên khá đẹp Nguyễn Xuân Oanh, nhưng 800 hộ dân trong khu phố nhìn dáng ông mà quen miệng gọi ông "Cao Cao".
Nhác thấy ông Nguyễn Xuân Oanh, Trưởng KP.3, phường Bình Đa (TP.Biên Hòa), vội vã đi qua, người dân trong khu phố biết ông đang đi tìm hiểu dân tình trong khu phố. Dù ông có cái tên khá đẹp Nguyễn Xuân Oanh, nhưng 800 hộ dân trong khu phố nhìn dáng ông mà quen miệng gọi ông “Cao Cao”.
Ông Nguyễn Xuân Oanh với “bửu bối” là danh sách 800 hộ gia đình trong khu phố được cập nhật liên tục. |
Ông Oanh nay đã 70 tuổi đời và 44 tuổi Đảng. Năm 2006, ông được bầu làm Trưởng khu phố, Phó bí thư Chi bộ KP.3. Mười năm nay, ông vẫn giữ thói quen ngày ít nhất 2 lần rảo quanh khu phố nắm thông tin và tìm cách giải quyết những việc người dân cần.
* Bước chân không mỏi
Vợ chồng ông Oanh từng là sĩ quan quân đội (đóng chân tại phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa). Năm 1987-1988, vợ chồng ông nghỉ hưu. Cuộc đời người lính trải qua bao gian khổ, ngày rời quân ngũ, vợ chồng ông Oanh chỉ có mái nhà đơn sơ rộn ràng tiếng trẻ thơ. Ông Oanh tâm sự, cưới bà Hoàng Thị Miên xong thì vợ chồng biền biệt không tin tức. Đất nước thống nhất thì chồng Nam, vợ Bắc. Vì vậy, trong 6 năm (1980-1986) vợ chồng sum họp, bà Miên đã sinh một lèo 3 người con.
Con chưa kịp lớn thì vợ chồng ông Oanh nghỉ hưu. Cuộc sống khó khăn, nghỉ hưu rồi ông lại phải xa vợ con đến huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) làm thợ điện, bảo vệ. Số tiền lương tháng kiếm được, ông gửi hết về cho vợ nuôi con ăn học. Đến khi vợ chồng tích lũy được ít tiền xây căn nhà khang trang và 2 cô con gái học xong đại học, con trai học nghề thì ông Oanh đã 60 tuổi.
“Ngày tết, ông Oanh vác từng túi quà do các nhà từ thiện gửi tặng khu phố trao tận tay từng hộ nghèo. Cầm món quà do ông Oanh tặng, người nghèo rơi nước mắt vì được ông thấu hiểu, quan tâm hoàn cảnh gia đình mình” - nguyên Bí thư chi bộ, nay là Phó khu phố Vũ Văn Nhật cho biết. |
Tuổi 60 vừa dứt nỗi lo toan chuyện nhà, ông Oanh lại tham gia việc khu phố. Vì thế, mọi chuyện trong nhà lại dồn hết cho bà Miên lo toan.
Bà Miên cho hay, bà cũng là bộ đội “Cụ Hồ” nên rất hiểu và ủng hộ việc chồng làm. Nhưng vì ông Oanh ôm đồm chuyện khu phố suốt ngày nên bà lo ông bị kẻ xấu hãm hại. “Đêm hôm khuya khoắt, vợ chồng ghen tuông cãi nhau ông ấy cũng đến hòa giải. Hay nhà dân bị trộm, ông ấy lại có mặt cùng công an giải quyết. Dù chuyện xảy ra xa hay gần, dân gọi là ông ấy lật đật chạy đến” - bà Miên kể.
Năm 2006, KP.3 còn rất nhiều việc để cho ông Oanh lo. Đường hẻm lầy lội, lưới điện chưa được phủ khắp, tệ nạn xã hội phát sinh, dân còn nghèo…, toàn là những việc mà dân trong khu phố cần ông Oanh chung tay góp sức. Cho nên, ông đã cùng Bí thư chi bộ Vũ Văn Nhật (nay là phó khu phố) bắt tay vào việc củng cố lại hệ thống chính trị khu phố. Khi hệ thống chính trị vững mạnh rồi, ông sát cánh cùng Bí thư chi bộ Nhật vận động dân trong khu phố góp tiền, bỏ công ra làm đường, kéo điện, nước sạch về cho dân sử dụng. Những hộ nghèo, ông đề xuất với địa phương giải quyết cho vay vốn để buôn bán nhỏ, hoặc tạo việc làm cho họ. Riêng những thành phần cờ bạc, say xỉn, bạo lực gia đình, ngày nào ông cũng gặp gỡ để nhắc nhở, thuyết phục, ngăn chặn.
* Nhà nào cũng gõ cửa
Sau một năm ông Oanh làm trưởng khu phố, bộ mặt của KP.3 khởi sắc thấy rõ. Những con đường hẻm lầy lội nhanh chóng được người dân trong các tổ góp tiền, bỏ công ra sửa sang cho dễ bề đi lại. Những con hẻm đã đổ đá cứng cáp thì ông kêu gọi người dân nâng cấp mặt hẻm bằng bê tông hoặc thảm nhựa. Các tụ điểm, đối tượng cờ bạc, hút chích liên tục bị ông điểm mặt, chỉ tên, đề nghị công an xử lý; hoặc vận động dân lắp bóng đèn đường sáng rõ vào ban đêm nên tệ nạn tự nhiên biến mất.
Trước sự chuyển mình của KP.3, ông Oanh càng thêm hăng hái sát dân nắm bắt tâm tư của mọi người. Những hộ nghèo, khó khăn sau khi được ông bảo lãnh cho vay tín chấp để hạn chế nạn vay nặng lãi đã nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ông còn vận động dân trong và ngoài khu phố hỗ trợ tiền, vật liệu xây tặng hoặc sửa nhà, hỗ trợ quà cho các hộ này. Những người hay đánh mắng vợ con khi được ông Oanh thuyết phục sớm trở nên hiền lành, chí thú làm ăn, xây dựng gia đình hạnh phúc…
Ông Nguyễn Xuân Oanh trao đổi tình hình an ninh trật tự khu phố với cảnh sát khu vực. |
Ông Nguyễn Ngọc Kiệm, Tổ trưởng Tổ nhân dân số 7, KP.3, cho hay vào năm 2005, Tổ nhân dân số 7 còn khá xập xệ, điện, đường, môi trường, tệ nạn xã hội… luôn là vấn đề nan giải. Sau khi ông Oanh làm trưởng khu phố, những cái xấu, chưa đẹp trong tổ của ông cũng biến mất khi đường, điện, tệ nạn xã hội được dẹp bỏ, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Từ đó, bà con trong tổ yên tâm làm ăn và tích cực đóng góp xây dựng các phong trào của khu phố. “Tôi phục ông Oanh ở chỗ nói là làm. Ngày cũng như đêm, ông cùng với các tổ trưởng nhân dân đến động viên từng hộ, họp dân bàn bạc đủ thứ chuyện mà dân mong mỏi. Những ngày đầu làm trưởng khu phố, đêm nào ông Oanh cũng đi giải tán các nhóm đánh bạc, hòa giải các cặp vợ chồng đánh chửi nhau... Ban ngày ông lại xắn tay áo cùng dân làm đường, kéo điện, nước, dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh. Vì vậy, dân trong khu phố rất nể ông” - ông Kiệm tỏ bày.
Nhờ đi nhiều, ghi chép nhiều nên suốt 10 năm làm trưởng khu phố, ông Oanh tạo ra một thứ “bửu bối” mà các trưởng khu phố, cán bộ phường rất cần và hay đến nhờ vả ông. Đó là quyển sổ ghi rõ ràng, cụ thể tên tuổi, nghề nghiệp, số nhà của 800 hộ dân/5,7 ngàn nhân khẩu trong khu phố. Nhà nào có người sinh - tử, di chuyển đến hoặc đi nơi khác sinh sống, ông Oanh lập tức đến nhà cập nhật, bổ sung hoặc đánh dấu để theo dõi. Ông Oanh cho hay, quyển sổ đó rất quý giá đối với ông và các ban, ngành, đoàn thể, công an. Mất vàng mất bạc ông không tiếc, chứ mất cuốn sổ đó ông tiếc lắm.
Nay đã 70 tuổi, ông Oanh vẫn quen một mình ngày 2 lần đi khắp khu phố, gõ cửa từng nhà dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân. Người già, trẻ nhỏ thấy dáng ông đi ngoài đường thì biết rằng khu phố bình an, ông ghé vào nhà nào là biết ngay nơi đó xảy ra chuyện.
Ngày nào ông Oanh bận họp không đến nhà dân thì không ít người lo lắng cho sức khỏe của ông, nhớ cái dáng cao cao đi như chạy của ông.
Đoàn Phú