Nếu ai đó cắc cớ muốn một lần nhìn thấy hầu hết các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, chỉ có thể đến Bảo tàng sáp Madame Tussaud mới thỏa mãn được ước muốn "bất khả thi" ấy.
Nếu ai đó cắc cớ muốn một lần nhìn thấy hầu hết các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, chỉ có thể đến Bảo tàng sáp Madame Tussaud mới thỏa mãn được ước muốn “bất khả thi” ấy. Chính vì vậy vừa đặt chân đến thủ đô Amsterdam của Hà Lan, ngay hôm sau tôi đã chọn Bảo tàng sáp Madame Tussaud là một trong những điểm tham quan nhất định phải đến của mình.
Khó thể phân biệt người thật với tượng sáp tại bảo tàng. Ảnh: T.THÚY |
Bảo tàng sáp Madame Tussauds ở Hà Lan là một trong hệ thống 16 bảo tàng sáp Madame Tussaud trên khắp thế giới. Bảo tàng đầu tiên ở London (Anh) được thành lập vào năm 1835 bởi nhà điêu khắc tượng sáp Marie Grosholz. Bảo tàng có chi nhánh tại nhiều thành phố trên thế giới, như: Moscow (Nga), Berlin, Hamburg (Đức), Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), Hollywood, Las Vegas, New York, Washington DC (Mỹ), Thượng Hải, Hồng Kông (Trung Quốc), Bankok (Thái Lan), Singapore... Trong đó, Bảo tàng sáp Madame Tussauds ở Hà Lan khai trương tại Amsterdam vào năm 1971, là bảo tàng thứ 2 của hệ thống, nằm ngay ở quảng trường Dam.
* “Gặp gỡ” người nổi tiếng
Bảo tàng nằm ở tầng trên cùng của trung tâm thương mại Peek & Cloppenburg, có lối vào riêng từ tầng trệt. Du khách xếp hàng đông nườm nượp, tôi phải chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mới nhích được đến quầy vé. Để vào tham quan, tôi bấm bụng bỏ ra 38 euro, tức hơn 1 triệu đồng mua vé vào cửa, nhưng quả là đáng đồng tiền bát gạo.
Ngay sảnh bảo tàng là tượng sáp tổng thống Mỹ Barack Obama tươi cười, giống một cách đáng khâm phục. Có một bác “phó nháy” đứng canh sẵn chụp cho du khách với “tổng thống”, đến lúc tham quan xong trở ra du khách đã có tấm ảnh lưu niệm độc đáo nếu chịu chi thêm 2,99 euro nữa. Ảnh rất đẹp, chân thực có thể đem về treo ở nhà để “chảnh”, nên hầu như ai cũng móc hầu bao. Bảo tàng thiệt là biết cách làm ăn.
Có khoảng 104 bức tượng sáp trưng bày tại Bảo tàng sáp Madame Tussaud Hà Lan. Tượng sáp ở bảo tàng rất đa dạng, phong phú, nhiều “thể loại” từ chính khách, nhà khoa học, người mẫu, diễn viên điện ảnh, ca sĩ, vận động viên cho đến nhân vật hoạt hình nổi tiếng. Ở đây, du khách tha hồ ngồi cùng bàn uống cà phê với gia đình hoàng gia Hà Lan, nắm tay nữ hoàng Anh Elizabeth II, cùng tạo dáng với diễn viên Marilyn Monroe trước ống kính máy ảnh hay ôm hôn các “James Bond” Pierce Brosnan và Daniel Craige, hoặc chen vào làm “người thứ 3” giữa đôi vợ chồng Angelina Jolie - Brad Pitt mà chẳng ai phản đối. Người thần tượng các vận động viên thể thao thì xoắn xuýt bên Ronaldo, David Beckham. Cả những nhân vật thiêng liêng như Đạt Lai Lạt Ma, hay vĩ nhân như nhà bác học cha đẻ của thuyết tương đối Albert Einsten, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi… cũng luôn vui lòng cho mọi người bắt tay, kề vai.
Đặc biệt, ở khu vực của các chính khách có một nhân vật với vầng trán thông minh, gương mặt hết sức sinh động, phía sau lưng là lá cờ đỏ búa liềm rực rỡ, chính là Vladimia Ilich Lenin - người làm nên cuộc Cách mạng tháng Mười Nga. Rất nhiều du khách khi bước vào gian này đã bật thốt lên: “A, Lenin, very good!”, rồi chạy đến chụp hình lưu niệm hoặc giảng giải cho trẻ con đi theo. Bảo tàng cũng có những nhân vật giả tưởng, như chàng khổng lồ xanh Shrek và công chúa Fiona.
Nhiều du khách trẻ đã không khỏi phấn khích, thích thú khi được tận mắt nhìn thấy ngôi sao, thần tượng của mình dù chỉ là những bức tượng sáp, chụp hình không mệt mỏi bên cạnh những nhân vật mình mến mộ. Nghe nói, ngày 24-3-2016, bảo tàng chính thức cho trưng bày tượng sáp của nam ca sĩ người Canada - Justin Bieber với mái tóc nhuộm highlight cá tính, gương mặt điển trai đã thu hút hàng nghìn fan đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm, nhiều “fan cuồng” đã hôn hít, vuốt ve sờ mó thần tượng đến độ giới truyền thông phải lên tiếng.
* Nghề chơi cũng lắm công phu
Những bức tượng sáp ở đây đạt trình độ chế tác thật tinh xảo, trông sống động, giống người thật đến nỗi khó có thể phân biệt được đâu là tượng, đâu là du khách. Nhìn kỹ, tay tượng sáp của nữ hoàng Elizabeth II nổi từng đường gân xanh mờ, tượng sáp của Nicole Kidman ẩn hiện cả mạch máu nhỏ li ti, tượng sáp của Angelina Jolie có từng đốm tàn nhang, rất chân thực.
Không phải tất cả những người nổi tiếng đều được làm tượng sáp. Trước khi đưa ra quyết định lựa chọn người được đúc tượng, bảo tàng sẽ tiến hành nghiên cứu bằng cách bầu chọn qua trang web và lấy ý kiến trực tiếp của khách tham quan, đồng thời căn cứ trên mức độ ảnh hưởng tới cộng đồng, sự quan tâm của công chúng ở các độ tuổi khác nhau. Ngoài ra, bảo tàng ở quốc gia nào sẽ “ưu tiên” chọn người nổi tiếng, có ảnh hưởng ở quốc gia đó, như bảo tàng ở Hồng Kông, Thượng Hải, Bangkok chọn các diễn viên điện ảnh Hoa ngữ như: Thành Long, Phạm Băng Băng, Chung Tử Đơn, Dương Tử Quỳnh; bảo tàng ở Mỹ thì có thêm diễn viên hài Charlie Chaplin. Tuy nhiên, có những nhân vật “cố định” ở khắp các bảo tàng sáp Madame Tussaud trên thế giới, chẳng hạn như: nữ hoàng Elizabeth II, “ông vua nhạc pop” Michael Jackson, nhà bác học Albert Einstein…
Tác giả đã được “gặp gỡ” nữ hoàng Anh Elizabeth II. |
Theo thuyết minh tại bảo tàng, chi phí thực hiện một bức tượng sáp khá lớn, tính ra khoảng trên nửa tỷ đồng Việt Nam, ấy là chưa tính chi phí vận chuyển nguyên vật liệu từ Anh bằng đường hàng không. Nguyên liệu làm tượng phải là sáp ong hoặc chất dẻo giống như sáp, thêm các chất phụ gia để tạo nên những hiệu ứng khiến cho màu sắc của tượng trung thực, tươi sáng hơn, tăng độ bền và chất lượng của tượng.
Quá trình làm tượng cũng rất công phu, gần như hoàn toàn bằng thủ công. Đầu tiên, các chuyên gia sẽ lấy số đo và thông tin cơ thể người được làm tượng như: khuôn mặt, màu tóc, chiều cao, màu mắt, kích thước các vòng, phong cách đặc trưng; kiểm tra tỉ mỉ từng vết sẹo, hình xăm, vết nám, tàn nhang trên khắp cơ thể... Những hình ảnh, chỉ số cũng như thông tin này đều phải giữ bí mật tuyệt đối.
Người sáng lập ra bảo tàng là bà Marie Grosholtz, người Pháp, lấy chồng là ông Tussaud nên được gọi là madame Tussaud. Khởi đầu, bà thực hiện việc chế tạo mặt nạ theo khuôn mặt của những quý tộc bị chặt đầu trong thời kỳ Cách mạng Pháp (1789-1799). Sau này, bà đã dùng tài năng làm tượng sáp để triển lãm, rồi thành lập bảo tàng tại Anh. |
Từ các thông tin trên, chuyên gia lên khuôn thạch cao cho từng bộ phận cơ thể rồi đổ sáp nóng chảy vào khuôn. Đầu của tượng được tách riêng để gắn răng, cấy tóc và mắt. Cấy tóc là công đoạn phức tạp nhất, đặc biệt là đối với những nhân vật có mái tóc cầu kỳ. Các chuyên gia phải dùng một loại kim đặc biệt để đưa từng sợi tóc vào đầu, sau đó cắt, uốn, chải bới theo mẫu tóc của nhân vật. Về trang phục cũng phải mô phỏng theo mẫu của nhân vật, nếu nhân vật mặc “đồ hiệu” cũng phải bấm bụng trang bị cho tượng như vậy. Một số nhân vật thường gởi tặng quần áo, phụ kiện của mình để “cập nhật” cho tượng. Có điều, riêng khoản trang sức thì đành chấp nhận “mô phỏng”, như chiếc vương miện của nữ hoàng Elizabeth II nếu đặt làm thật thì bảo tàng chắc... phá sản.
Quá trình bảo dưỡng các tượng sáp cũng nhiêu kê không kém. Do du khách tham quan thường đụng chạm, sờ nắn, ôm, bắt tay nên tượng nhanh “xuống màu”, bị bẩn hoặc “đầu bù tóc rối”, do vậy trước khi bảo tàng mở cửa các nhân viên phải chăm sóc cho tượng khôi phục vẻ tươi tắn, rạng rỡ, xinh đẹp. Mỗi tượng đều có thông tin về chế độ chăm sóc để giống y nhân vật, như: dầu gội đầu, sữa tắm, nội y hiệu gì; kích cỡ giày dép, quần áo...
Bảo tàng cũng thường xuyên “cập nhật” thông tin đời tư các nhân vật để trưng bày cho phù hợp. Khi tôi đến, tượng Angelina Jolie đứng cạnh tượng Brad Pitt, nhưng nghe nói trước đây bên cạnh Brad Pitt là diễn viên Jennifer Aniston. Năm 2005, Brad Pitt và Jennifer Aniston li hôn, sau đó “ông Smith” kết hôn với “bà Smith” nên tượng kiều nữ Jennifer Aniston giờ đây được đặt riêng. Riêng tượng Thái tử Anh Charles vẫn đứng cạnh tượng cố Công nương Diana, vì nghe nói bà Camila Parker Bowles - vợ Thái tử hiện nay chưa đủ “tiêu chuẩn” vào bảo tàng sáp.
Thanh Thúy