Phác thảo bức tranh tương lai của địa phương sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường (huyện Định Quán) Trịnh Văn Trường cho rằng, bước tiếp theo là phải dồn sức phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Phác thảo bức tranh tương lai của địa phương sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường (huyện Định Quán) Trịnh Văn Trường cho rằng, bước tiếp theo là phải dồn sức phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, địa phương sẽ sớm hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cây trồng, vật nuôi mang giá trị kinh tế cao, quy tụ nông dân vào các tổ hợp tác...
Nông dân Phạm Xuân Bắc (ấp Phú Tân) luôn sáng tạo, nhạy bén trong làm kinh tế. |
Con đường liên xã Phú Túc - Phú Cường đang được tất bật thi công để đón chờ sự kiện địa phương trở thành xã nông thôn mới (dự kiến cuối năm 2015 hoàn thành). Trên con đường còn ngổn ngang sỏi đá ấy, 6 cha con nông dân Phạm Xuân Bắc (tổ 7, ấp Phú Tân, xã Phú Cường) vẫn “dụ” được những chuyến xe tải lớn nhỏ của tiểu thương vào tận rẫy chở hàng.
* Con người mới
Nông dân Phạm Xuân Bắc cho hay, để cải tạo những thửa ruộng đầy sỏi đá sang trồng rau, củ, quả, cha con ông đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua đất từ nơi khác về lấp ruộng, khoan gần chục cái giếng sâu tìm nguồn nước tưới. Cha con ông còn thuê lại những diện tích ruộng xấu của nông dân trong ấp để trồng trọt. “Làm nông cũng cần nắm vững các chính sách khuyến khích nông nghiệp của Nhà nước, địa phương để dựa vào đó mà định hướng trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp cho mình; đồng thời phải nhạy bén, bền chí thì mới thành công” - ông Bắc nói.
Cái kiểu yêu đất, yêu lao động của cha con ông Bắc bấy lâu nay luôn làm nông dân ấp Phú Tân ngưỡng mộ. Thấy cây lúa kém năng suất, ông mày mò đưa rau, củ, quả vào thay thế. Ngày nắng, nông dân vào trong nhà tìm chỗ ngủ, cha con ông Bắc lại túc trực ngoài đồng tưới tắm cho cây vì sợ cây dưa, cây cà thiếu nước bị mất sức. Về quê chơi, thấy giống lúa Tám Xoan (xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) thơm ngon, dẻo, giá trị kinh tế cao, ông đem vào trồng thử nghiệm và tính chuyện phổ biến cho nông dân trong xã làm theo. Nhất là mấy con bò của gia đình ông, nắng hạn cỡ nào cũng béo, khỏe nhờ được ăn cỏ tươi thường xuyên. Ông Bắc cho rằng, tự thân nông dân phải biết đổi mới cách làm ăn, nhạy bén với thị trường, sự phát triển của địa phương thì mới không sợ thời tiết “bắt nạt”.
Hiện xã Phú Cường đang tập trung hoàn thành 2 công trình Nhà văn hóa ấp Phú Tân và đường liên ấp Phú Tân - Thống Nhất để chờ cấp trên xem xét công nhận đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm 2015. Phó chủ tịch UBND xã Phú Cường Trần Văn Triều bày tỏ, bộ mặt hạ tầng, đời sống nhân dân địa phương đổi thay theo từng công trình, từng giai đoạn, từng mốc thời gian địa phương tiến về đích nông thôn mới. Qua phác thảo bức tranh của địa phương, ông rất vững tin vào sự phát triển nhanh, ổn định của xã trong những năm tiếp theo. |
Sau khi hoàn thành xong 19/19 tiêu chí nông thôn mới tại ấp, Trưởng ấp Phú Tân Nguyễn Văn Ngoan sớm nhìn ra sự trở ngại của rất đông bà con nông dân có đất canh tác tại cánh đồng Phú Tân bị vướng phải con đường cụt số 4. Chính vì vậy, ông Ngoan mạnh dạn xin chủ trương của xã, huyện cho phép ấp mở thêm tuyến đường nội đồng dài 300m, nối từ đoạn đường cụt số 4 thông qua các tuyến khác. Để mở con đường mới này, ông Ngoan đã vận động nông dân hiến trên 6 sào đất, đóng góp tiền đối ứng với xã, huyện để làm. Ông Ngoan quả quyết, con đường nội đồng này được mở ra thì rau, củ, quả sẽ thay thế cho lúa, bắp thuần túy bấy lâu nay.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường Trịnh Văn Trường, phải đến cuối năm 2015, xã Phú Cường mới hoàn thành các mục tiêu nông thôn mới theo Nghị quyết của Đảng bộ địa phương đề ra. Tuy vậy, ngay từ năm 2011, khi địa phương khởi động xây dựng nông thôn mới thì khí thế chuyển đổi tư duy sản xuất, làm kinh tế trong nông dân đã bắt nhịp cùng thị trường. Trong đó, chuyện nông dân mạnh dạn đầu tư vốn, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; liên kết sản xuất theo ngành nghề, cánh đồng, loại hình dịch vụ; chuyển đổi tư duy nông nghiệp sang tư duy công nghiệp, dịch vụ trong đại bộ phận nông dân…, sớm giúp cho việc xây dựng, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội địa phương hợp lý, sát thực tiễn, đạt mục tiêu nông thôn mới.
* Bức tranh tương lai
Xã Phú Cường có 962 hécta đất sản xuất nông nghiệp/5,4 ngàn hécta đất tự nhiên. Do quỹ đất sản xuất nông nghiệp ít, không đủ nuôi sống hoặc làm giàu cho nông dân, phần lớn nông dân Phú Cường phải chuyển sang làm các ngành nghề dịch vụ, thương mại nhỏ hoặc ngành nghề khác để mưu cầu cuộc sống, chăm lo kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Thành Trí, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cường, cho biết lòng hồ thủy điện Trị An làm ngập mất 1 ngàn hécta đất sản xuất nông nghiệp của dân. Bù lại, nó tạo ra nghề nuôi trồng thủy sản ở những vùng ngập. Hiện địa phương đang hướng đến quy hoạch các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác để tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp. Để bắt nhịp với thời đại, nông thôn mới, nông dân Phú Cường đang có 2 hướng lựa chọn: làm công nhân, dịch vụ - thương mại, tiểu thủ công nghiệp, hoặc tập trung vốn đầu tư vào cây, con chiến lược, năng suất cao theo quy hoạch chung của xã, huyện.
Hoạt động thương mại - dịch vụ đang phát triển mạnh mẽ dọc quốc lộ 20 và các tuyến đường giao thông nông thôn vừa mới mở thuộc xã Phú Cường. |
Phó chủ tịch UBND xã Phú Cường Trần Văn Triều cho hay, ông vốn là ủy viên thường trực của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã xuyên suốt từ năm 2011 đến nay. Cho nên, những nét mới, sự phát triển của địa phương và cả những vấn đề chưa được, đều được ông nhìn thấy rõ. Ông Triều cho rằng, thời gian tới xã Phú Cường phải chuyển đổi cho được một bộ phận nông dân không có đất sản xuất, đánh bắt thủy sản lòng hồ Trị An với đời sống còn khó khăn sang hoạt động dịch vụ, làm công nhân thông qua các chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Còn những hộ hoạt động thương mại, dịch vụ truyền thống thì địa phương cần có chính sách hỗ trợ họ về vốn, ưu đãi đầu tư để mở rộng quy mô. Nhất là khi Cụm công nghiệp Phú Cường đã đi vào hoạt động, hiện thu hút một lực lượng lao động tại địa phương và kéo theo các dịch vụ nhà trọ, buôn bán nhỏ phát triển, cần phải quan tâm đặc biệt.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ - thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bên cạnh nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa luôn là hướng đi, mục tiêu trước và hậu nông thôn mới của xã Phú Cường.
Theo ông Trịnh Văn Trường, Bí thư Đảng ủy xã sẽ có những nghị quyết chuyên đề chỉ đạo chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai hành động trong thời gian tới. Tuy nhiên, để bức tranh Phú Cường hiện có ngày càng đẹp, hiện đại, sung túc thì Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, nhân dân xã Phú Cường đừng tự bằng lòng với những gì hiện có. Tất cả phải cùng nhau nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trong vấn đề giảm nghèo, phát huy đoàn kết, ổn định chính trị, phát triển kinh tế. “Con người chính là cốt lõi của vấn đề đổi mới. Vì vậy, Phú Cường rất cần những cán bộ nhiệt tâm, nhiệt huyết vì dân để biến chuyển những ý tưởng tốt đẹp thành hiện thực trong tương lai” - ông Trường nói.
Diễm Quỳnh