Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghị lực của Quốc "điện tử"

01:09, 21/09/2015

"Những khiếm khuyết trên cơ thể đã giúp tôi nuôi ý chí, cố gắng vươn lên về mọi mặt, cũng như trân trọng những gì mình làm được. Với người bình thường, chuyện mưu sinh đã vất vả, còn tôi để kiếm được đồng tiền bằng sức lao động của mình khó gấp vạn lần. Suốt ngày này qua năm khác vật lộn với đống đồ điện tử hỏng hóc, nếu không có đam mê và quyết tâm e rằng tôi đã bỏ dở việc này" - anh Nguyễn Tuấn Quốc (ngụ ấp 4, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) chia sẻ.

“Những khiếm khuyết trên cơ thể đã giúp tôi nuôi ý chí, cố gắng vươn lên về mọi mặt, cũng như trân trọng những gì mình làm được. Với người bình thường, chuyện mưu sinh đã vất vả, còn tôi để kiếm được đồng tiền bằng sức lao động của mình khó gấp vạn lần. Suốt ngày này qua năm khác vật lộn với đống đồ điện tử hỏng hóc, nếu không có đam mê và quyết tâm e rằng tôi đã bỏ dở việc này” - anh Nguyễn Tuấn Quốc (ngụ ấp 4, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) chia sẻ.

Anh Nguyễn Tuấn Quốc (trái) luôn tận tình truyền nghề cho các “học trò”.
Anh Nguyễn Tuấn Quốc (trái) luôn tận tình truyền nghề cho các “học trò”.

Gần 15 năm nay, trên đường Hùng Vương (gần UBND xã Long Thọ), có một tiệm sửa chữa đồ điện tử “đặc biệt”, là địa chỉ lui tới thường xuyên của nhiều người dân mỗi khi có đồ điện tử bị hư hỏng.

* Mê đồ điện tử

Chỉ với một bàn tay phải còn cử động linh hoạt (cánh tay trái khá yếu), anh Quốc vẫn thành thạo cầm mỏ hàn gắn từng vi mạch. Anh Quốc kể, lúc sinh ra cơ thể anh vẫn bình thường như bao người khác. Đến 5 tuổi, sau một cơn bạo bệnh, toàn thân anh bị co rúm lại, gầy queo quắt. Sau thời gian dài gia đình cố gắng tìm cách cứu chữa, đôi chân anh hoàn toàn không cử động được, 2 cánh tay cũng trở nên yếu ớt. Anh cảm thấy hụt hẫng, chơi vơi vì ước mơ được đứng trên đôi chân của mình đã không bao giờ thành hiện thực. Bản thân anh không có khả năng chạy nhảy, không đạp được xe, vui đùa những trò mà đám trẻ trong xóm thường chơi.

Thương con chịu thiệt thòi, cha mẹ anh Quốc xin cho con đi học. Đó là những tháng ngày cha mẹ anh oằn lưng cõng con vượt bao cây số đường đất đá lởm chởm đến trường. Học xong tiểu học, quãng đường đến trường xa xôi, kinh tế gia đình thêm khó khăn, anh đành dang dở chuyện học hành. “Hồi nhỏ tôi chỉ quanh quẩn trong nhà. Hết phụ cha mẹ đan lưới cá, thời gian còn lại tôi chỉ biết nằm lăn lóc một mình. Ước mơ có cái gì đó để làm, để đôi tay còn lại không phải là thứ vô dụng trở nên cháy bỏng hơn bao giờ hết. Năm tôi 22 tuổi, cha mẹ cho đi học nghề sửa điện tử, từ đó tôi say mê, gắn bó với nghề này lúc nào không hay” - anh Quốc tỉ tê nói.

Anh Lê Xuân Cường, học nghề tại tiệm sửa điện tử của anh Nguyễn Tuấn Quốc, chia sẻ: “Tôi rất khâm phục ý chí và quyết tâm của Quốc. Cơ thể tôi lành lặn vậy mà suốt ngày không thể tránh được chuyện bị điện giật khi đụng tay vào việc sửa chữa đồ điện tử. Hơn nữa, nghề này cần người thợ có tính cẩn thận để tìm ra từng lỗi nhỏ của máy móc mà sửa chữa”.

Gần 2 năm học ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sống xa gia đình, anh phải tự chăm lo cho bản thân. Với cơ thể ốm yếu, bệnh tật, anh Quốc nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường. Ngoài thời gian học trên lớp, anh còn tự mày mò, tìm hiểu thêm sách vở để cố gắng theo kịp bạn bè.

Năm 2001, anh về nhà mở tiệm sửa chữa điện tử với bộ đồ nghề ít ỏi, gồm: đồng hồ đo điện, mỏ hàn và vài phụ tùng lặt vặt… Thấy tôi mở tiệm, người nhà ai cũng lo lắng, bởi vào thời đó những món đồ, như: tivi, đầu đĩa… là những mặt hàng xa xỉ. Nhà nào khấm khá thì mới có máy cassette, tivi…, họa hoằn lắm mới có đồ hư. Nhiều người thấy bộ dạng tôi cũng dè dặt, không dám giao tài sản có giá trị để tôi sửa chữa. “Do đã lường trước khó khăn nên lúc ấy tôi không thấy buồn. Khoảng 2 năm sau, khi kinh tế khá lên, người ta xài đồ điện tử nhiều mới có cơ hội để “thử” tay nghề. Dần dà, thấy mình giỏi, đồ nào cũng sửa được nên khách tìm đến đông. Sau khi có vốn, tôi mua thêm đồ nghề để phục vụ cho công việc” - anh Quốc vui vẻ cho hay.

* Hạnh phúc “đũa lệch”

Sự kiên trì của chàng trai trẻ khiến bao người nể phục và ủng hộ nhiệt tình. Dù cơ thể gầy yếu, phải oằn mình lên vì những vết đau khi trở trời, nhưng nhìn anh Quốc cười rạng rỡ lúc sửa được chiếc ti vi cũ ai cũng tin tưởng vào những gì mà anh đang có. Tiền kiếm được, anh quyết định xây một gian nhà nhỏ và dọn ra ở riêng, bắt đầu cuộc sống tự lập hoàn toàn.

Tiệm nhỏ ngày một đông khách, nhiều thanh niên trong xóm tìm đến anh xin học nghề. Từ năm 2010 đến nay, với sự nhiệt tình và tận tâm của anh Quốc, đã có nhiều người được anh truyền nghề sửa điện tử. Công việc không mất nhiều công sức, nhưng đòi hỏi người thợ phải kiên trì, cẩn thận từng mối hàn nhỏ xíu.

Vợ chồng anh Nguyễn Tuấn Quốc vui vẻ trò chuyện với nhau.
Vợ chồng anh Nguyễn Tuấn Quốc vui vẻ trò chuyện với nhau.

Hơn một năm nay, người dân quanh xóm đều tò mò với hình bóng người phụ nữ luôn kề cận giúp anh ghi chép, di chuyển đồ khách đem đến tiệm sửa. Điều bất ngờ hơn, người phụ nữ ấy trẻ trung, cao ráo, có duyên và thực sự gây ấn tượng với người khác khi gần gũi. Chị luôn miệng cười nói, hỏi chuyện mọi người, thỉnh thoảng lại chọc ghẹo anh Quốc rất tự nhiên. “Tôi cưới vợ rồi. Chúng tôi tìm hiểu và yêu nhau hơn 4 năm mới quyết định dọn về chung nhà. Cơ thể tôi có thể khiếm khuyết, nhưng trái tim tôi thì không, nó chưa bao giờ ngừng yêu…” - anh Quốc vui sướng nói.

Nói về mái ấm nhỏ, chị Đào Thị Trang (33 tuổi, vợ anh Quốc) chia sẻ, đó là cả một hành trình dài. Khi chị nấu ăn cho một nhà hàng ở TP.Biên Hòa thì gặp anh, rồi cảm mến. Khoảng cách giữa 2 nơi họ ở khá xa, nhưng 3-4 ngày, anh Quốc lại chạy xe máy (xe 3 bánh) đến chỗ chị làm để nói chuyện. Điều đó đã khiến chị “xiêu lòng”. Hai người có thể ngồi hàng giờ bên nhau, nói cho nhau nghe những dự định tương lai một cách say mê.

Chị Trang nghẹn ngào nói: “Ai cũng nói chúng tôi là đôi đũa lệch. Khi yêu, có lúc mình tưởng không thể nào vượt qua được vì áp lực ghê gớm lắm nên tôi đã bỏ việc về quê một năm. Nhưng cuối cùng không chịu nổi sự nhớ thương, tôi lại quay vào Đồng Nai… rồi cả hai gắn bó với nhau”.

Bây giờ, chồng làm thợ sửa điện tử, vợ mở tiệm thu mua ve chai, cuộc sống của anh chị tạm đủ đầy. Với niềm vui sướng, anh Quốc chia sẻ đó là cả một hành trình anh vượt khó, vượt qua sự mặc cảm của bản thân, sự lo lắng của mọi người trong gia đình. “Nhiều lúc rơi nước mắt vì nghĩ mình quá hạnh phúc. Đây là cái kết trọn vẹn cho những năm tháng tôi đã nỗ lực vươn lên để khẳng định mình với cuộc đời” - anh Quốc bộc bạch.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích