Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm báo giữa ngàn khơi Tổ quốc

10:06, 15/06/2015

Sát cánh cùng các cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân trong mùa biển động đầu năm 2015, các phóng viên báo, đài trên cả nước đã cố gắng vượt qua bao vất vả để đem đến cho bạn đọc, khán giả hình ảnh, tư liệu về cuộc sống của người lính đang ngày đêm canh trời, giữ biển ở thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Sát cánh cùng các cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân trong mùa biển động đầu năm 2015, các phóng viên báo, đài trên cả nước đã cố gắng vượt qua bao vất vả để đem đến cho bạn đọc, khán giả hình ảnh, tư liệu về cuộc sống của người lính đang ngày đêm canh trời, giữ biển ở thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Các phóng viên thực hiện phỏng vấn ngay tại boong tàu bất chấp điều kiện tàu lắc lư nguy hiểm.
Các phóng viên thực hiện phỏng vấn ngay tại boong tàu bất chấp điều kiện tàu lắc lư nguy hiểm.

“Phía xa xa chân trời ngàn trùng sóng gió, có những con người thay chúng ta, đang vượt qua ngọn sóng vươn tới chân trời, giữ lấy nơi biên cương chưa bình yên của mọi người…” - lời bài hát Nơi ấy Trường Sa được phát từ chiếc điện thoại di động của một phóng viên trong đoàn cán bộ, phóng viên đi thăm hệ thống nhà giàn DK1 khiến ai nấy đều háo hức, rôm rả trò chuyện về cuộc hải trình hứa hẹn nhiều trải nghiệm mới.

* Biển một bên và…xô một bên

Nhóm phóng viên chúng tôi có hơn 20 người, trong đó có 7 phóng viên nữ được sắp xếp ở một phòng riêng, số phóng viên nam còn lại chia ra ở 2 phòng lớn trên lầu 1 cùng với các sĩ quan hải quân. Diện tích mỗi phòng lớn chỉ 24m2 nhưng “nhồi” đến 20 người (phải nằm trên sàn tàu), chưa kể tư trang và một số giường, tủ cố định trên tàu. Tuy phòng hẹp, phải nằm sát nhau và gần như không thể duỗi thẳng chân, nhưng dường như chẳng ai bận tâm đến những điều này.

Tàu nhổ neo hướng ra Biển Đông, nơi những nhà giàn đang hiên ngang chắn sóng, cánh phóng viên chúng tôi chia ra thành nhiều nhóm đem máy móc đi quay phim, chụp ảnh khắp nơi trên tàu, ai ai cũng ấp ủ nhiều đề tài, bài viết sinh động về cuộc sống của những người lính biển. “Nếu đi biển mà ngày nào cũng êm ái thế này thì chắc năm nào tôi cũng phải xung phong đi công tác biển đảo cùng anh em hải quân” - một phóng viên lên tiếng.

Nhưng những tiếng cười đó nhanh chóng “tắt ngúm” chỉ sau 3 giờ tàu ra khơi, cảm giác say sóng khi đó mới bắt đầu bủa vây tâm trí và dần dần hạ gục cánh phóng viên chúng tôi. Bữa cơm đầu tiên trên tàu được thủy thủ đoàn dọn ra mời nhóm phóng viên với nhiều món tươi ngon nhưng chỉ vài người trong chúng tôi đủ tỉnh táo để ngồi dậy và ăn một cách ngao ngán. Sau hơn 4 giờ nằm ở phòng tập thể ấy, tôi cùng nhà thơ Lý Hữu Lương của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội đã không chịu nổi cơn say sóng, cùng nhau chuyển đồ đạc xuống nằm tại phòng sinh hoạt chung của tàu ở tầng trệt.

Chuyến hải trình kéo dài 15 ngày trên biển kết thúc bằng việc cập cảng ở TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Mặc dù trải qua nhiều ngày bị say sóng nhưng khi được hỏi, nhiều phóng viên vẫn khẳng định nếu có dịp nhất định sẽ quay lại thăm các chiến sĩ nhà giàn, bất chấp những căng thẳng, mệt mỏi do điều kiện sóng gió gây nên.

Đêm trên tàu với những người đi biển lần đầu quả là một cực hình. Tàu có 3 tầng dùng để sinh hoạt và nghỉ ngơi, nằm tầng trệt thì tiếng máy tàu rất ồn và mùi dầu máy xộc vào mũi gây khó chịu. Nằm các tầng phía trên tuy đỡ ồn ào nhưng lại bị lắc nhiều hơn, đồng thời sự chật chội gây cảm giác ngột ngạt cũng làm cho nhiều người bị say sóng nặng hơn.

Những ngày tiếp theo, việc di chuyển trên tàu trong điều kiện sóng cấp 6-7 thật là một trải nghiệm khủng khiếp khi liên tục bị điện giật do tàu lắc lư, chúng tôi bị chao đảo và nhiều lần bám tay trúng ổ cắm điện cố định ở vách tường. Ngay cả những sinh hoạt thường nhật, như: ăn uống, ngồi một chỗ cũng gặp nhiều khó khăn, có người chỉ nằm một chỗ và nhấm lương khô một cách chậm rãi cùng những hớp nước nhỏ để tránh bị nôn ra do say sóng. Thậm chí, vài sĩ quan trẻ lần đầu tiên đi biển cũng không thoát khỏi tình trạng say sóng trong vài ngày đầu của chuyến hải trình.

* “Trận chiến” với muối và nắng

Với nhiệm vụ phải đem về những hình ảnh, thông tin phản ánh cuộc sống, sinh hoạt, tình cảm của người lính đang canh trời giữ biển nơi thềm lục địa Tổ quốc, chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của việc bảo quản số tư liệu đó về đất liền an toàn. Tuy vậy, không phải lúc nào thiên nhiên cũng chiều lòng người. Trong điều kiện sóng liên tục tung bọt trắng xóa vào mạn tàu và “chồm” lên boong tàu, lượng muối đọng lại ở máy móc của chúng tôi rất nhiều. Hầu như lần nào bước ra boong tàu để quay phim hoặc chụp ảnh, trên 2 cánh tay phóng viên và máy móc đều lấm tấm muối biển.

Tranh thủ xử lý thông tin trên tàu.
Tranh thủ xử lý thông tin trên tàu.

Sàn tàu, vải bạt, bậc thang ngoài boong…, nơi nào cũng có muối do nước biển dội lên tàu đọng lại. Nắng lại gay gắt nên nước biển dội vào, một lúc sau là những hạt muối trắng sẽ xuất hiện. Các thủy thủ làm việc ngoài boong, khuôn mặt, cánh tay, trên áo họ cũng đều bị muối đọng lại. Với các thiết bị điện tử mà nhóm phóng viên chúng tôi đem theo, môi trường tác nghiệp đâu đâu cũng thấy muối như ở đây dễ làm hỏng máy móc. Cộng thêm tình trạng nắng gắt rọi trực tiếp xuống các thiết bị càng làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh thu được và độ bền của máy.

Những ngày biển động dữ dội, việc quay phim, chụp ảnh ở ngoài boong tàu hết sức khó khăn do sàn tàu trơn trượt và cả con tàu lắc lư rất mạnh. Điều này khiến việc tác nghiệp của phóng viên trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, vì vừa phải tìm vị trí có thể ghi hình đẹp, vừa để an toàn cho bản thân và không làm ảnh hưởng đến công việc của thủy thủ trên tàu. Thế nên, có người một tay bám chặt lấy dây xích của tàu, một tay cầm máy quay phim và ghì sát vào mắt để làm điểm tựa ghi hình. Tuy đứng ở boong tàu thoáng đãng và dễ chịu hơn ở trong khoang, nhưng cảm giác say sóng vẫn liên tục bám đuổi chúng tôi, có người chỉ vừa chụp được vài tấm ảnh đã phải nhờ đồng nghiệp cầm giúp máy để lao ra mạn tàu… “cho cá ăn chè”.

Bên cạnh đó, do thông tin liên lạc rất hạn chế nên việc truyền tải hình ảnh, tin bài về đất liền hầu như không thể thực hiện được lúc tàu lênh đênh ngoài biển. Dù nguồn điện trên tàu luôn đầy đủ để chúng tôi sạc pin máy móc, nhưng vạch sóng điện thoại không có lấy một cột nào nên dù các bài viết đã hoàn thành, chúng tôi đành phải đợi về đến đất liền mới có thể truyền tải  cho tòa soạn.

“Tôi đi công tác quần đảo Trường Sa đã 3 lần nên từng chứng kiến nhiều phóng viên vì bất cẩn mà để nước biển ngấm vào máy móc rồi đành ngậm ngùi xin tư liệu đồng nghiệp về sử dụng. Nhưng lo nhất là lúc ghi hình ở các vị trí gần mặt nước, sóng có thể ập lên làm hư hỏng máy móc bất kỳ lúc nào. Vì vậy, việc phối hợp cùng các đồng nghiệp cơ quan báo chí khác trong quá trình thu thập hình ảnh, tư liệu là một yếu tố rất quan trọng để mỗi phóng viên có thể hoàn thành được nhiệm vụ” - nhà báo Lê Doãn Chiêu của Báo Cựu Chiến Binh tâm sự.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều