Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuổi trẻ vùng cao

09:03, 28/03/2015

Huyện Tân Phú là nơi có nhiều đồi cao dốc đá, những con đường đầy bụi, khúc khuỷu phải đi qua. Tuy điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhưing tuổi trẻ huyện vùng cao Tân Phú vẫn cháy bỏng giấc mơ làm giàu ngay trên chính quê hương và mảnh đất cha ông đã khai hoang, phục hóa...

Huyện Tân Phú với nhiều đồi cao dốc đá, những con đường đầy bụi, khúc khuỷu phải đi qua. Tuy điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn so với các nơi khác, tuổi trẻ huyện vùng cao Tân Phú vẫn cháy bỏng giấc mơ làm giàu ngay trên chính quê hương và mảnh đất cha ông đã khai hoang, phục hóa. Chính điều đó sớm hình thành tố chất cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ nơi đây trên bước đường lập thân, lập nghiệp.

Cây sầu riêng đã khẳng định hướng đi đúng của đoàn viên Nguyễn Văn Hận khi bám quê, bám đất lập thân, lập nghiệp. Ảnh: Đ.Phú
Cây sầu riêng đã khẳng định hướng đi đúng của đoàn viên Nguyễn Văn Hận khi bám quê, bám đất lập thân, lập nghiệp. Ảnh: Đ.Phú

Giữa cái nắng rát da làm cặp mắt ảo giác đường nhựa đầy vũng nước phía trước, cán bộ Huyện đoàn Tân Phú Cao Hoàng Duy Anh vẫn chấp nhận bụng đói đưa chúng tôi đến thăm các thủ lĩnh thanh niên, đoàn viên tiêu biểu của phong trào. Duy Anh tâm sự rằng, khi ra trường bạn đã từ chối suất cán bộ Tỉnh đoàn Lâm Đồng để về quê nhà công tác. Chuyện của Duy Anh “nhỏ như con thỏ” khi so với các thủ lĩnh thanh niên, đoàn viên: Hận, Thiện, Thi, Trương… mà chúng tôi đang muốn tìm.

* Nghị lực của Hận

Đường vào nhà đoàn viên Nguyễn Văn Hận (ấp 2, xã Phú An) xa thật xa. Để tìm được đến nhà Hận, chúng tôi và Duy Anh quần áo đều lấm lem bụi đỏ khi phải vượt qua những đoạn đường làng, xóm đang chờ bê tông hóa. Sinh ra trong gia đình có tới 11 anh chị em, Hận phải thay cha làm trụ cột gia đình khi ông mất. Từ năm học lớp 10, Hận phải một buổi đi học, buổi còn lại ở nhà chăm mấy sào rau, củ quả để nuôi mẹ, nuôi em gái đang học tiểu học. Năm 1998, vùng đất ấp 2, xã Phú An vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Để bảo vệ vườn rau khỏi bị nắng thiêu đốt, Hận phải gánh từng thùng nước từ suối lên tưới cho rau, đan từng tấm liếp mỏng che khắp vườn. Cứ vậy, Hận quần quật làm việc đến 10 giờ đêm mới dám ngồi vào bàn học cùng với chiếc đèn dầu nhỏ xíu.

Phó bí thư Huyện đoàn Tân Phú Hà Văn Dương nhấn mạnh, tuổi trẻ vùng cao Tân Phú rất cần những nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức Đoàn, địa phương, ngân hàng để biến khát vọng, sức trẻ thành những mô hình kinh tế thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. “Vốn không phải là tất cả nhưng vốn chính là động lực để tuổi trẻ Tân Phú phát huy tố chất tích cực, tự tin trên bước đường lập thân, lập nghiệp”- anh Dương bộc bạch.

Tốt nghiệp THPT với học lực giỏi, phong trào tốt, Hận phải gác ước mơ làm thầy giáo lại để tiếp tục làm vườn có tiền nuôi mẹ, nuôi em gái đang học THCS. Dù không được làm thầy giáo của các trẻ nhỏ trong vùng, năm nào đến kỳ thi đại học, cao đẳng, Hận cũng tự ôn bài và đăng ký thi. Kết quả sau vài lần thi đậu cao đẳng, đại học sư phạm Đồng Nai, Hận vẫn gác ước mơ nhỏ bé của riêng mình vào quang gánh để làm tốt trách nhiệm người con, người anh với gia đình. “Thấy tôi ham học, học giỏi, các anh chị và mẹ khuyên tôi bán 1,5 hécta đất của cha để lại làm lộ phí theo đuổi ước mơ sư phạm, làm thầy giáo. Sau nhiều đêm suy tính, tôi quyết định thôi không mơ ước vào sư phạm nữa mà chú tâm làm nông dân thực thụ để nuôi em gái ăn học, mẹ già không phải đi làm thuê mướn khi nhà không có đất” - Hận tâm sự.

Sức trẻ của đoàn viên Tân Phú chính là sự tìm tòi, sáng tạo, học hỏi từ cuộc sống, người đi trước.
Sức trẻ của đoàn viên Tân Phú chính là sự tìm tòi, sáng tạo, học hỏi từ cuộc sống, người đi trước.

Rồi Hận nhẹ lòng xếp sách vở vào kỷ niệm, chí thú với cách thức trồng rau, củ, quả theo khoa học - kỹ thuật. Thấy nông dân trong vùng rục rịch trồng quýt, Hận táo bạo ứng dụng vào vườn nhà. Nào ngờ cây quýt lên xanh trĩu quả, giá bán thấp tệ dẫn đến thua lỗ. Hận phải chạy đôn chạy đáo lo tiền cho em gái học đại học, bỏ bê vườn quýt dồn sức cho vườn rau, củ, quả để tìm cây trồng khác. Năm 1999, Hận thử sức lại lần nữa bằng cây sầu riêng. Đến nay, Hận tạm hài lòng với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm và cô em gái nay đã yên bề gia thất sau khi học xong đại học. “Kế hoạch sắp tới của tôi là giữ vững 1 hécta sầu riêng hiện tại. Riêng nửa hécta đất trồng màu nay đang được tôi chuyển sang đào ao nuôi cá và kết hợp với trồng cỏ, nuôi bò” - Hận nói.

* Sức trẻ và khát vọng

Cách mô hình vườn - ao - chuồng của Hận khoảng 2km đường nhựa và đất đỏ là mô hình trồng điều, tiêu, sầu riêng của đoàn viên Đặng Quang Thi (ấp 2, xã Phú An). Sau khi cùng chúng tôi đi thăm khu vườn một lúc lâu giữa trưa nắng, Thi mới chịu vào chiếc lều tạm ngồi trò chuyện. Thi cho biết, sau khi cưới vợ Thi được cha ruột cho vợ chồng 2 hécta đất điều để tự lập. Do trồng điều độc canh không thể làm tăng giá trị sử dụng đất, Thi tỉa vườn điều cho gọn nhánh rồi tăng cường phân bón để trồng tiêu vào gốc, đồng thời trồng xen thêm 200 cây mít, 200 cây sầu riêng vào những khu vực điều chưa khép tán. “Vài năm nữa tiêu, mít, sầu riêng được 4-5 năm tuổi thì thu nhập trung bình 2 hécta của tôi cũng đạt con số 200 triệu đồng/năm” - Thi chắc nịch khẳng định.

Chia tay Thi, chúng tôi và Duy Anh tiếp tục vượt quãng đường dài về ấp Giang Điền (xã Phú Thanh) thăm mô hình nuôi bồ câu, ếch của đoàn viên Đinh Hoàng Trương. Là trụ cột của gia đình khi cha mất, mẹ già và em nhỏ, ngoài công việc làm công tháng cho bãi cát, Trương còn tăng gia thêm bằng mô hình nuôi ếch, chim bồ câu tại nhà. Mô hình này mỗi tháng cũng giúp Trương có thêm 4 - 5 triệu đồng xoay sở sinh hoạt gia đình. “Bám trụ tại địa phương để công tác Đoàn và lập thân, lập nghiệp, đoàn viên thanh niên phải suy nghĩ tìm tòi mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Bên cạnh đó, đoàn viên thanh niên phải luôn biết chịu khó, kiên trì thì mới thành công” - Trương từ tốn tỏ bày.

Thủ lĩnh Đoàn ấp 4, xã Phú Thịnh, Huỳnh Văn Thiện trăn trở, do nguồn vốn gia đình còn hạn hẹp nên Thiện chưa thể giúp được dê cho các đoàn viên khác phát triển kinh tế. “Vừa rồi Chi đoàn ấp 4 và 5 đã lập xong dự án nuôi dê trình ngân hàng đề xuất vay vốn. Các bạn mỏi mòn chờ cả năm rồi vẫn chưa thấy ngân hàng trả lời nên tủi thân lắm” - Thiện than thở.

Ngọc Huyền, Phó Bí thư xã Đoàn Phú Bình không ngại ngùng chia sẻ khi chúng tôi hỏi: Tố chất nào tạo nên sức trẻ Tân Phú? “Đó là sự nhiệt tình, chịu khó, nhạy bén, dám nghĩ dám làm, luôn biết vươn lên chính là tố chất tốt giúp đoàn viên thanh niên thành công từ các mô hình cây, con tăng nhanh giá trị sử dụng đất. Đừng suy nhìn thiển cận những đoàn viên thanh niên ở lại quê nhà làm ăn, công tác Đoàn đều những người học thức thấp. không năng động so với những người rời quê ra thành thị tìm việc. Mỗi thanh niên đều có chí hướng riêng của mình và những người ở lại đã chứng minh cho tố chất đẹp của tuổi trẻ Tân Phú hôm nay” - Ngọc Huyền phân tích.

Mô hình nuôi dê đầy triển vọng của Huỳnh văn Thiện và các bạn trẻ ở xã Phú Thịnh đang chờ ngân hàng hỗ trợ vốn.
Mô hình nuôi dê đầy triển vọng của Huỳnh văn Thiện và các bạn trẻ ở xã Phú Thịnh đang chờ ngân hàng hỗ trợ vốn.

3 giờ chiều, trời vẫn còn gay gắt nắng. Sự háo hức tuổi trẻ của Duy Anh đã mời gọi chúng tôi không ngại đường xa dốc đá, đường bụi về thăm các mô hình: gom rác sinh hoạt, nuôi dê, trồng sen kết hợp nuôi cá… của thủ lĩnh Đoàn, thanh niên các xã: Phú Điền, Phú Thanh, Phú Thịnh. Nhìn ngắm các mô hình với 2 mục tiêu: vừa tạo công việc làm cho bản thân, vừa khuấy động phong trào Đoàn khá vững chắc, thu nhập cao của các bạn trẻ, chúng tôi khâm phục lẫn ngỡ ngàng. Quả đúng như lời Phó bí thư Huyện đoàn Tân Phú Hà Văn Dương tâm sự trước khi chúng tôi lên đường: “Tuổi trẻ Tân Phú giờ đây luôn khát vọng lập thân lập nghiệp. Những người trẻ năng động giờ biết bám quê, bám đất để lập thân lập nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đưa công tác Đoàn, thanh niên ngày càng tỏa sáng”.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều