Phòng Hồ sơ Công an tỉnh được thành lập vào năm 1976, cùng lúc với Ty Công an Đồng Nai (nay là Công an tỉnh). Sau gần 40 năm hoạt động, bao lớp cán bộ, chiến sĩ của Phòng Hồ sơ đã cống hiến sức trẻ bên những chồng hồ sơ dày cộm, giúp cho lực lượng điều tra, trinh sát phá nhiều vụ án, bắt giữ nhanh chóng nhiều đối tượng phạm pháp.
Phòng Hồ sơ Công an tỉnh được thành lập vào năm 1976, cùng lúc với Ty Công an Đồng Nai (nay là Công an tỉnh). Sau gần 40 năm hoạt động, bao lớp cán bộ, chiến sĩ của Phòng Hồ sơ đã cống hiến sức trẻ bên những chồng hồ sơ dày cộm, giúp cho lực lượng điều tra, trinh sát phá nhiều vụ án, bắt giữ nhanh chóng nhiều đối tượng phạm pháp.
Trung tá Trịnh Văn Cư tìm kiếm thông tin bằng phương pháp thủ công. |
“Phòng này người ít, việc nhiều, yêu cầu tra cứu hồ sơ, nhân thân đối tượng được công an các địa phương, các phòng nghiệp vụ và cơ quan dân sự gửi tới liên tục nên hầu như không lúc nào ngơi việc. Đến đầu năm 2015, tất cả các yêu cầu tra cứu mới được thực hiện hoàn toàn trên máy nên công việc dễ thở hơn, chứ trước đây do dữ liệu văn bản chưa nhập hết vào máy tính, việc tra cứu mất rất nhiều thời gian” - xếp chồng giấy tờ sang một bên, Thượng tá Nguyễn Khoa Quyền, Phó trưởng phòng Hồ sơ Công an tỉnh, tâm sự.
* Miệt mài bên những trang tư liệu
Gần 25 năm làm công tác tra cứu, Trung tá Trịnh Văn Cư, Phó đội trưởng Đội Hồ sơ cảnh sát, cho hay do phòng có ít người nên có những lúc người này đi học, người kia đi công tác thì những người còn lại phải cố gắng “gồng gánh” mới đảm bảo hiệu suất công việc. Nhất là trong giai đoạn máy móc, trang bị kỹ thuật của đơn vị còn nhiều thiếu thốn, mọi hoạt động tìm kiếm đều làm thủ công thì thời gian làm việc có khi kéo dài đến tận khuya.
“Thời điểm từ năm 1999-2005, đội của tôi có 5 người nhưng có đến 4 người được cử đi học nghiệp vụ nên công việc lúc đó rất áp lực. Sáng đi học, chiều về phải làm việc đến tận khuya, số lượng yêu cầu tra cứu không thể để dồn sang hôm sau nên phải làm cho xong. Bên cạnh đó, phương tiện kỹ thuật công nghệ cao hồi đó chưa được như bây giờ nên mọi người phải làm thủ công, mất nhiều thời gian vì phải đảm bảo tính chính xác. Cứ như vậy, liên tục nhiều tháng, hầu như không đêm nào tôi về nhà trước 22 giờ. Phải mất một thời gian sau tôi mới quen dần với giờ giấc làm việc thất thường đó” - Trung tá Cư kể về áp lực của nghề nghiệp trong những năm thiếu thốn máy móc, trang bị kỹ thuật.
Thượng tá Nguyễn Khoa Quyền, Phó trưởng phòng Hồ sơ Công an tỉnh, cho hay so với dân số tỉnh Đồng Nai thì lượng cán bộ của đơn vị còn ít, nhưng không vì vậy mà công tác tra cứu, tìm kiếm thông tin bị chậm trễ. Hiện nay, nhờ máy móc, trang bị kỹ thuật được đưa vào sử dụng ở hầu hết các khâu nên đã giảm tải áp lực công việc cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác hồ sơ rất nhiều. |
28 năm công tác tại Phòng Hồ sơ Công an tỉnh, Trung tá Nguyễn Thị Hoàn cho biết, bà đã bị “ghiền” công việc này khi nào không rõ. Trung tá Hoàn bắt đầu công tác tra cứu ở Phòng Hồ sơ từ năm 1987, khi việc tìm kiếm thông tin hoàn toàn làm bằng thủ công. Theo Trung tá Hoàn, cán bộ phụ trách công tác hồ sơ trước đây ngoài việc đối mặt với áp lực công việc, còn một nỗi ám ảnh khủng khiếp, đó là… mùi giấy.
“Hồ sơ cũ từ nhiều năm trước giải phóng để lại được phủ lên một lớp chống mối mọt nên ngoài mùi giấy cũ và bụi bặm, còn có mùi khó chịu do lớp chống mối mọt gây ra, hầu như người nào ở trong kho lưu trữ hồ sơ quá lâu đều bị chóng mặt, nhức đầu. Thời những năm 1980-1990, kho lưu trữ hồ sơ còn nằm ở tầng hầm nên điều kiện bảo quản khá sơ sài, chúng tôi phải kiểm tra thường xuyên để tránh mối mọt. Do tiếp xúc với điều kiện không khí khó chịu trong tầng hầm với nhiều loại mùi chống mối mọt nên hầu như anh em làm công tác tra cứu lâu năm đều có bệnh về hô hấp” - Trung tá Hoàn nói.
Khi được hỏi, hầu hết cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Hồ sơ Công an tỉnh đều khẳng định, yếu tố để làm tốt nhiệm vụ tại đơn vị là phải “cần cù, chịu khó, nhẫn nại”. Vì tính chất công việc nên cán bộ tra cứu liên tục ngồi máy tính để tìm kiếm những dữ liệu cần thiết chứ ít khi nào ra khỏi cơ quan như các đơn vị khác.
Do nhân lực ít nên Ban giám đốc Công an tỉnh liên tục tăng cường cho Phòng Hồ sơ những sinh viên từ các trường cảnh sát về thực tập, vừa để giảm tải áp lực công việc của đơn vị vừa tạo điều kiện va chạm thực tế cho sinh viên. Tuy nhiên, số sinh viên thực tập chỉ được đảm nhận những công việc nhẹ và đơn giản, vừa đủ để làm quen việc vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến công tác của đơn vị.
* Nhanh chóng tra cứu
Thượng tá Nguyễn Khoa Quyền cho biết, hầu như mỗi ngày Phòng Hồ sơ đều nhận yêu cầu tra cứu từ rất nhiều cơ quan trong và ngoài tỉnh. Những lúc cao điểm, như đợt các đối tượng lợi dụng sự kiện công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để gây rối trật tự công cộng vào tháng 5-2014, công việc của cán bộ, chiến sĩ Phòng Hồ sơ trở nên căng thẳng, đòi hỏi phải tìm kiếm thông tin đối tượng gây rối thật nhanh và chính xác.
Đội Trung tâm thông tin tội phạm làm việc liên tục trong những lúc cao điểm. |
Đến năm 2010, Đội Trung tâm thông tin tội phạm trực thuộc Phòng Hồ sơ được thành lập, công việc tra cứu được thực hiện trên máy móc, phương tiện kỹ thuật cao nên việc tra cứu được thực hiện nhanh chóng, góp phần tăng hiệu suất tìm kiếm thông tin gấp để phục vụ công tác tra án.
Cùng với công tác tra cứu tại chỗ, Phòng Hồ sơ Công an tỉnh còn tạo điều kiện để trinh sát, điều tra viên và cán bộ các cơ quan hành chính, sự nghiệp đến nghiên cứu hồ sơ. Nhờ những thông tin cung cấp kịp thời mà Phòng Hồ sơ đã giúp cho các cơ quan cảnh sát điều tra trên cả nước phá hàng trăm vụ phạm pháp hình sự, bắt hàng trăm đối tượng có liên quan.
Như ngày 26-2, Phòng Hồ sơ Công an tỉnh đã nhận được yêu cầu của Phòng Hồ sơ Công an tỉnh Hà Nam nhờ tra cứu về đối tượng Đỗ Thị Thương trong vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy tại TP.Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) xảy ra vào tháng 1-2015. Rất nhanh chóng, bằng những biện pháp nghiệp vụ kiểm tra thông tin trong hàng trăm ngàn hồ sơ lưu trữ, cán bộ Đội Trung tâm thông tin tội phạm đã xác định được lai lịch của đối tượng Đỗ Thị Thương và còn biết đối tượng đã có tiền án, đang trốn lệnh truy nã của Công an Đồng Nai suốt gần một năm qua.
“Mỗi khi người dân hay cán bộ các ngành dân sự đến nhờ tra cứu, tìm kiếm thông tin, chúng tôi cung cấp cho họ những thông tin cần thiết thì anh em ai cũng thấy rất vui, phần vì công việc nhanh chóng cho bản thân và cả khách đến liên hệ, phần vì giúp được người khác trong lúc cần kíp như vậy” - Đại úy Vũ Lê Thu Hà, Phó đội trưởng Đội Trung tâm thông tin tội phạm, tươi cười cho biết.
Đăng Tùng