Với những người chạy xe ôm cuộc đời gắn chặt với bến phà Cát Lái, tiền kiếm được từ công việc này giúp nuôi sống cả gia đình, con cái được ăn học tới nơi tới chốn.
Với những người chạy xe ôm cuộc đời gắn chặt với bến phà Cát Lái, tiền kiếm được từ công việc này giúp nuôi sống cả gia đình, con cái được ăn học tới nơi tới chốn. Thế nhưng nhiều khách ruột trước đây từ bờ quận 2 (TP.Hồ Chí Minh) sang phà rồi bắt xe ôm đi các xã thuộc huyện Nhơn Trạch gần đó, xa hơn là huyện Long Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giờ đã chuyển sang đi xe đò trên đường cao tốc vừa nhanh vừa có giá cả hợp lý, khiến thu nhập họ giảm sút.
Khách của ông Phạm Văn Phúc chủ yếu đến những xã gần bến phà, hiếm khi có khách đi xa. |
Buôn bán ế ẩm đang là chuyện thời sự ở khu vực bến phà Cát Lái (phía bờ huyện Nhơn Trạch) sau khi tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động. Chật vật mưu sinh luôn là nỗi lo âu của không biết bao nhiêu người làm nghề chạy xe ôm, ba gác, bán vé số…
* Một đời gắn bó với bến phà
Ở đây đội ngũ chạy xe ôm hoạt động nhộn nhịp, chỉ một đoạn đường ngắn nhưng có hơn hai chục người làm nghề chở khách. Chiếc xe máy là tài sản quý nhất, như “căn nhà di động” của họ. Những lúc không có khách, họ tranh thủ nằm chợp mắt ngay trên yên xe. Khi ăn uống, yên xe trở thành chiếc bàn nhỏ, tiện lợi.
Từ chỗ chạy xe đơn lẻ, nhiều người đứng ra lập hội, cứ 7-8 người chia thành một tổ xe ôm tự quản, vừa hỗ trợ nhau mưu sinh vừa tham gia vào công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn. Một vài người trở thành “khắc tinh” của bọn tội phạm trộm cắp, móc túi, lừa đảo… vốn là nỗi ám ảnh của hành khách đi phà.
Ông Hai Thọt (41 tuổi, ngụ xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) được nhiều người biết đến với biệt tài bắt trộm. Dù đôi chân bước đi khập khễnh, khó nhọc do di chứng để lại sau vụ tai nạn giao thông, nhưng nhiều lần ông đã ra tay ngăn chặn cái xấu.
Thường ngồi chờ khách qua lại ở bến phà, ông Hai Thọt biết rõ kẻ xấu hay hoạt động vào giờ nào, chỉ cần nhìn nét mặt lấm lét và cử chỉ của chúng là ông Hai Thọt đoán được ngay. Không ít lần kẻ xấu vừa ra tay, ông đã chạy tới bắt tại trận trước sự ngỡ ngàng, thán phục của bao người.
Anh Lê Xuân Ngọc, tài xế lái xe buýt số 24 tuyến Long Thành - phà Cát Lái, chia sẻ: “Không chỉ những người buôn bán nhỏ, chạy xe ôm ế khách, buộc phải bỏ nghề hoặc dẹp tiệm mà khách đi xe buýt tuyến này cũng giảm, không còn đông đúc, chen nhau như ngày trước”. |
“Đứng chờ khách từ ngày này sang tháng khác, chỉ cần một người xuất hiện liên tục ở đây là chúng tôi nhận mặt ngay. Kẻ xấu không ưa mình, tìm cách trả thù, nhưng nhờ anh em xe ôm đoàn kết nên chúng không dám làm gì… Dù đi lại khó khăn, ai cũng khuyên tôi tìm công việc khác, nhưng tôi không chịu, nghề này gắn bó với tôi hơn chục năm nay rồi” - ông Hai Thọt tâm sự.
Bước sang tuổi 58, ông Phạm Văn Phúc (ngụ ấp Cát Lái, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) cho biết, mình là người gắn bó lâu nhất ở bến phà với hơn 30 năm chạy xe ôm. Chạy xe vất vả, không mấy dư dả, nhưng đủ trang trải cuộc sống gia đình. Vì thế trong 3 người con đã được ông “hướng nghiệp”, có 2 người hành nghề xe ôm, chạy xe ba gác chở hàng thuê giống cha mình. Mỗi khi vào dịp nghỉ lễ, tết hay cuối tuần là cơ hội tăng thêm thu nhập nhờ khách đi phà đông.
“Những ngày bình thường kiếm giỏi lắm cũng chỉ 100 ngàn đồng, ngày lễ, tết thì có thể gấp đôi, gấp ba. Ban đêm kiếm được nhiều hơn, nhưng do đã có tuổi nên các con thay tôi chạy khuya. Tuy cực công nhưng mỗi cuốc xe có thể kiếm được từ 100 - 200 ngàn đồng” - ông Phúc cho hay.
Hồi xưa, đủ loại phương tiện xếp hàng dài cả cây số, chen chúc nhau trên con đường hẹp, nhiều người buộc phải thuê xe ôm đi mới kịp thời gian. Giờ đường cao tốc mở ra, không còn cảnh kẹt xe, người dân đi lại thuận tiện thì cánh chạy xe ôm khó có khách. Chưa khi nào ông Phúc thấy việc kiếm tiền lại khó khăn như thời điểm này. “Lúc xăng tăng, chúng tôi vẫn giữ nguyên giá, chấp nhận lời ít. Giờ khách giảm, tôi chẳng thể làm được gì khác…” - ông Phúc tâm sự.
* “Ế” khách vì đường cao tốc
Khách qua phà vắng hẳn, những người sống bằng nghề buôn bán nhỏ, chạy xe ôm bên sông cũng rối bời. Bao năm qua, mỗi ngày ở đây luôn có hàng ngàn phương tiện qua lại, bến phà chính là “nồi cơm” của cả gia đình họ. Từ khi đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động, cuộc mưu sinh của những lao động nghèo tại bến phà Cát Lái thêm chật vật.
Anh Nguyễn Văn Lâm (29 tuổi, ngụ xã Phú Đông) rầu rĩ: “Hầu như xe ô tô khách đều chuyển sang đi đường cao tốc. Do đó, giờ đây ngồi cả ngày tôi cũng chỉ được vài ba khách. Anh em xe ôm trong hội gắn bó cả chục năm giờ tứ tán hết. Nhưng nếu đi nơi khác cũng khó kiếm sống lắm”.
Tổ xe ôm chỉ còn vài bác “tài xế” già gắn bó với nghề. |
Bà Nguyễn Thị Tuyết, buôn bán gần bến phà, chia sẻ ngày còn khách đông, ở khu vực này có từ 5-6 “đại lý” nước mía. Gọi là “đại lý” vì mỗi người sắm cho mình từ 2-3 xe nước. Sau khi xay mía xong, nước cho vào ly, những người đi bán nước dạo tới lấy đem đi bán cho hàng trăm người đang đứng xếp hàng chờ qua phà giữa trời nắng như đổ lửa.
Người bán cầm trên tay gần chục ly nước, đưa tận tay cho khách đi đường, nhiều hôm đắt khách bán không xuể. Hình ảnh này khiến nhiều người qua đường khó quên mỗi lần gặp cảnh kẹt xe kéo dài nhiều giờ liền ở bến phà.
Bà Tuyết thuê quán bán nước giải khát ở đây gần 20 năm, từ thời chưa lập gia đình. Trước đây, mỗi ngày bà kiếm được gần 200 ngàn đồng, cuộc sống gia đình khá thoải mái. Còn những ngày gần đây, tuy còn ít người bán nhưng vẫn ế vì vắng khách, chủ yếu là phục vụ khách đi xe máy.
“Buôn bán theo kiểu cầm hơi, muốn bỏ việc, nhưng trong thời buổi khó khăn này, kiếm việc mới, ổn định không phải dễ nhất là những người lớn tuổi như mình” - bà Tuyết than.
Thanh Hải