Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuân này… kẻ ở người về

08:02, 01/02/2015

Càng gần tết, những chuyến tàu Bắc - Nam liên tục hú còi khi qua khu dân cư đường Cơ Giới (ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom). Chị Hà Thị Thu, quê Nam Định) ôm con nhỏ nhìn đoàn tàu lướt qua, lòng ao ước được làm hành khách trên chuyến tàu kia.

Bà Hoàng Thị Lịch lỡ hẹn về thăm quê sau khi bị tai nạn lao động và mất việc.
Bà Hoàng Thị Lịch lỡ hẹn về thăm quê sau khi bị tai nạn lao động và mất việc.

Càng gần tết, những chuyến tàu Bắc - Nam liên tục hú còi khi qua khu dân cư đường Cơ Giới (ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom). Chị Hà Thị Thu, quê Nam Định) ôm con nhỏ nhìn đoàn tàu lướt qua, lòng ao ước được làm hành khách trên chuyến tàu kia. “4 năm rồi, vợ chồng tôi chưa được về quê. Khi cha mẹ hai bên điện thoại hỏi thăm sao không về, vợ chồng tôi cứ viện cớ này, cớ nọ để thoái thác” - chị Thu tâm sự.

Mặc cho những đoàn tàu ngày đêm xuôi Nam ngược Bắc, các cư dân xóm trọ đang lục đục chuẩn bị hành lý đón tàu, bắt xe về quê, chị Thu và rất đông người lao động trong xóm trọ cũng không để cho mình một cái tết buồn. Sau khi tan ca về, mọi người lục đục dọn dẹp phòng trọ để chờ xuân đến.

* Giấu lòng nhớ quê

Diện bộ đồ mới mẹ vừa mua, cu Tí (5 tuổi, con trai chị Thu) bô bô với đám trẻ cùng khu nhà trọ rằng, tết này cha mẹ cu cậu sẽ đứng bên kia đường ray, vẫy tàu dừng lại đón cả nhà về quê thăm ông bà chứ không cần ra ga đăng ký vé như các chú, các dì. Nghe cu Tí “nổ”, đám trẻ trố mắt kinh ngạc, riêng người lớn thì tủm tỉm cười cái sự ngô nghê của cu cậu. Ở xóm trọ này, ai cũng biết và thông cảm cho hoàn cảnh chị Thu có con nhỏ, công việc phụ hồ của anh Lâm (chồng chị) bữa đực bữa cái nên thu nhập hàng tháng của họ chỉ đủ trang trải tiền trọ, tiền ăn, tiền gửi con... Bởi vậy, khát vọng về quê của vợ chồng anh chị cứ vậy mà trễ hẹn với mùa xuân.

Cùng khu trọ với chị Thu, vợ chồng bà Hoàng Thị Lịch (quê tỉnh Bắc Ninh) năm nay phải lỡ chuyến tàu về thăm quê, thăm vợ chồng người con trai vừa báo tin sinh em bé. Bà Lịch cặm cụi nhặt mớ hành, kiệu để muối dưa ngày tết, tâm sự ý định về quê của vợ chồng bà đã được bàn tính từ đầu năm nay phải tạm gác lại vì vừa rồi bà bị tai nạn lao động và công ty sa thải. Tiền dành dụm đi tàu, mua quà thăm họ hàng, biếu con cháu của vợ chồng bà Lịch phải dùng hết cho việc điều trị thương tật. “Tôi chờ ra tết xem công ty giải quyết chế độ thương tật ra sao rồi mới về thăm quê, thăm cháu. Nay nhà khó lắm, vợ chồng tôi chỉ gửi người quen mang hộ tặng con, cháu triệu bạc làm quà xuân thôi” -  bà Lịch nén đau nói.

Bà Nguyễn Thị Kẹo da diết nỗi nhớ quê nhà
Bà Nguyễn Thị Kẹo da diết nỗi nhớ quê nhà

14 năm dắt díu nhau vào Đồng Nai lập nghiệp, tìm sự thay đổi cuộc sống, sau nhiều năm chạy chợ bấp bênh, bà Lịch xin vào Công ty G.Đ (Khu công nghiệp Sông Mây) làm thợ lắp ráp cơ khí. Riêng ông Khôi (chồng bà Lịch) thì cầm bay làm thợ xây. Ngày bộ phận lắp ráp hết việc, bà Lịch được chuyển sang tổ sơn và do chưa quen việc mới nên bị tai nạn lao động, phải nhập viện. Do bà Lịch cần người chăm sóc, ông Khôi phải nghỉ việc ở nhà chăm vợ. Vì vậy, tết này cả hai chẳng có đồng dư để bắt xe về thăm quê, thăm cháu nên đành nén nỗi nhớ quê vào lòng.

Mang tấm băng trắng quanh người, bà Nguyễn Thị Kẹo (quê tỉnh Hải Dương) nặng nề bước chân với vết thương vai bị gãy. Bà Kẹo thổ lộ, do bà sống độc thân nên tết đến hễ nhớ quê, nhớ họ hàng là về. Năm nay, dù lòng nhớ lắm nhưng bà không dám về vì cơ thể còn đeo băng. “Ở đây tôi vẫn còn cháu, chị gái nên đỡ tủi thân hơn rất nhiều công nhân khác khi ngày tết thui thủi một mình trong căn nhà trọ. Nói vậy thôi chứ nhìn các cặp vợ chồng trẻ chộn rộn dắt nhau về quê tôi cũng tủi phận lắm” - bà Kẹo lí nhí nói.

* Háo hức đợi ngày về

Cầm trên tay đôi vé xe về tỉnh Hải Dương, chị Nguyễn Thị Tươi (KP.3, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, năm nay là năm thứ 7 vợ chồng chị và 2 con mới có dịp về thăm quê. Nếu không được tổ chức công nhân nòng cốt (Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh) xét tặng cho đôi vé thì vợ chồng chị phải thêm một mùa xuân nữa lỗi hẹn với người thân. Chị Tươi bộc bạch, chồng chị bị tai nạn lao động, thất nghiệp 3 năm nay. Vì vậy, đồng lương công nhân của chị Tươi luôn chật vật trong việc chu toàn tiền ăn, điện, nước, học tập cho 2 con. Do đó, vợ chồng chị không dám nghĩ đến chuyện về quê ngày tết. “Năm nay, được về quê thăm ông bà nội ngoại các cháu mừng lắm. Hay tin vợ chồng tôi sắp về, ông bà liên tục gọi điện hỏi thăm. Thú thật nếu không có đôi vé xe Công đoàn tặng thì vợ chồng tôi sẽ không có điều kiện về thăm quê” - chị Tươi thỏ thẻ.

Các công nhân xóm trọ đường Cơ Giới hỏi thăm nhau khi xuân này kẻ ở, người về.  Ảnh: Đ.PHÚ
Các công nhân xóm trọ đường Cơ Giới hỏi thăm nhau khi xuân này kẻ ở, người về. Ảnh: Đ.PHÚ

Đèn đường vừa bật sáng, anh Lê Hồng Thịnh (quê tỉnh Quảng Ngãi) hí hửng cầm xấp tiền dày cộm gần chục triệu đồng vừa lĩnh lương bỏ vào cốp xe chạy một mạch về khu nhà trọ ở KP.2, phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) đưa cho vợ sắm đồ tết cho các con. Cất tiền vào ngăn tủ, chị Liên (vợ anh Thịnh) nhẩm tính, số tiền trên cần phải chi tiêu dè xẻn như thế nào để cuối năm còn dư dật chút ít biếu tặng cha mẹ hai bên và dành một ít xoay sở lúc ra Giêng khi chồng ít việc. Chị Liên nói: “Ông bà ở quê không đòi hỏi quà cáp gì của con cháu đâu. Tuy nhiên, cả năm trời xa quê, nay vợ chồng tôi mới thu xếp về thăm thì cũng phải có tí chút quà cáp cho ông bà vui ngày tết”.

Để tạo điều kiện cho công nhân nghèo ngoại tỉnh về thăm quê, các tổ chức Công đoàn, công ty  trong tỉnh đã triển khai những chuyến xe nghĩa tình. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn tổ chức các đợt thăm tặng quà, tạo sân chơi cho những công nhân ở lại nhằm động viên tinh thần, sự đóng góp của anh chị em công nhân cho sự phát triển của công ty, đơn vị, tỉnh nhà trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong khi đó, vợ chồng anh Lê Văn Túc và chị Phạm Thu An (quê Bình Định) trọ tại ấp 2, xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) thì rủ rỉ bàn tính bán chiếc Honda Lead để làm lộ phí về quê. Anh Túc cho biết, mấy năm trước khi công việc giám sát công trình của anh thuận lợi, lương cao nên tết nào vợ chồng anh cũng về thăm nhà, biếu tặng ông bà nội ngoại vài triệu đồng. Hai năm nay, công việc của anh thất thường, phải nhảy việc liên tục, vợ thì sinh thêm em bé nên đã cận ngày tết vợ chồng anh Túc vẫn không xoay được tiền. Chị An tuy tiếc của nhưng cũng tỏ ra sung sướng vì được về thăm quê, nói: “Cứ về thăm ông bà trước đã. May ra ông bà hiểu chuyện lại cho vợ chồng mình mượn tiền sắm xe khác đi làm. Tết không có tiền, vợ chồng lủi thủi nơi nhà trọ thì càng buồn và nhớ quê hơn”.

Gió xuân đưa đẩy giò phong lan treo trước cửa, anh Huỳnh Văn Bé (quê tỉnh An Giang) thủ thỉ với người yêu Nguyễn Bích Tú (trú tại khu nhà trọ ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) rằng, vài ngày nữa anh sẽ cùng chị về Thái Bình thăm cha vợ tương lai và tặng giò phong lan. Nếu cha mẹ chị Tú cho phép thì ra Giêng anh sẽ đưa chị về quê An Giang ra mắt cha mẹ ruột và bàn tính chuyện kết hôn. “Mong sao mùa xuân này chúng tôi thành đôi và cả hai chung sức dành dụm để mua được miếng đất nhỏ trong hẻm định cư lâu dài ở đây” - anh Tú thổ lộ với chúng tôi.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều