Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi thay nơi góc rừng

11:02, 06/02/2015

Từ ngày ông Sáu Chưởng (đã mất) trồng những cây xoài đầu tiên tở ấp 3, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) và kêu gọi mọi người làm theo, người nông dân nơi đây mới giật mình tự trách: "Tại sao không sớm nghĩ ra để cứ luẩn quẩn với đói nghèo,...".

Từ ngày ông Sáu Chưởng (đã mất) mạnh dạn trồng những cây xoài đầu tiên trên đất ấp 3, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) và kêu gọi người dân xung quanh làm theo, người nông dân trong ấp mới giật mình tự trách: “Tại sao không sớm nghĩ ra để cứ luẩn quẩn với đói nghèo, trong khi mình là nông dân chính hiệu vùng cây trái Nam bộ”.

Những người thời kỳ đầu về vùng rừng ấp 3, xã Mã Đà như ông Ngoan (trái), ông Ba Ky (phải) giờ đã có cuộc sống khá giả, con cái học đến đại học.
Những người thời kỳ đầu về vùng rừng ấp 3, xã Mã Đà như ông Ngoan (trái), ông Ba Ky (phải) giờ đã có cuộc sống khá giả, con cái học đến đại học.

Lý giải điều này, các nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ việc trồng xoài, như các ông: Ba Ngoan, Hai Phích, Sáu Tây… cười hề hề giải thích, tuy mang tiếng chính tông nông dân Nam bộ nhưng khổ nỗi họ không có cục đất chọi chim mà sống bằng nghề sông nước hay chỉ giỏi trồng lúa, nên “xoài thì biết ăn mà không biết trồng”. Vì vậy, cho đến khi đất rừng Mã Đà cằn cỗi, cuộc sống “te tua” họ mới chịu đem cây xoài thử trồng xuống đất.

* Thoát tên “dân rừng”

Màn đêm buông xuống, rừng Mã Đà bắt đầu trở lạnh. Tuy nhiên, cái lạnh của rừng đã được những người nông dân Mã Đà che chắn bằng những ngôi nhà xây chắc chắn, bằng chăn ấm và cả ánh sáng năng lượng mặt trời.

Pha bình trà thơm đãi khách, ông Nguyễn Văn Ngoan, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 3, bắt đầu câu chuyện thuở khó nghèo khi di cư về đây lập nghiệp. Ông Ngoan kể, ngày công trình thủy điện Trị An tích nước, nước lòng hồ dâng cao, những người làm rừng bắt đầu co cụm nơi khoảnh rừng cao và hình thành nên 3 xóm dân cư: Cửu Long, Cây Gùi và Giao Thông.

Sự hiền hòa với thiên nhiên, sung túc từ cuộc sống của vùng rừng ấp 3, xã Mã Đà qua câu chuyện của nhà nông và những gì chúng tôi nhìn thấy bằng mắt được Bí thư chi bộ ấp Ngô Đức Mậu đúc kết bằng đánh giá: “Đó là nhờ vào sự nỗ lực, sự nhạy bén của người dân cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền mới được như hôm nay”.

Từ đây, cuộc sống dựa dẫm vào rừng không còn nữa và danh từ thợ rừng, dân rừng được đổi thành nông dân, ngư dân đúng với bản chất của họ khi họ trôi dạt về đây. Những nông dân gốc miền Tây Nam bộ, ngư dân Việt kiều Campuchia bắt đầu chật vật với những năm tháng cày sâu cuốc bẵm, lênh đênh trên mặt hồ để mưu sinh. Sức người phá rừng thì vô hạn, nhưng nhằm biến những vạt rừng đã bị tàn phá trơ lại gốc cây thành những rẫy mì, lúa, bắp… để nuôi sống bản thân và gia đình thì thật sự khó khăn với người nông dân trong ấp 3 lúc ấy khi phương tiện sản xuất của họ chỉ là cây cuốc, chiếc rựa…

Mưa xuống, lúa, bắp, mì… cao tới đâu thì đám cỏ dại cũng dựa theo để lớn. Đôi tay con người bắt đầu cào, nhổ, băm cuốc hòng diệt cỏ, chăm cây nhưng không xuể. Cuối vụ chỉ thu được ít lương thực không đủ lo cho cả nhà ngày 2 bữa. Nạn đói giáp hạt xuất hiện thì bản chất “dân rừng” trỗi dậy, họ lại chú ý đến những vạt rừng còn sót lại. Họ càng lam lũ, cùng quẫn thì đất rừng càng bị xâm lấn. Cuộc sống bí bách, không ít nông dân bắt đầu bỏ đi nơi khác mưu sinh.

“Không phải nông dân tụi tui lạc hậu đến mức không biết dùng máy móc, phân bón mà do không có tiền để mua, để đầu tư cho vườn rẫy nên nghèo khó cứ đeo bám dai dẳng” - ông Ngoan dứt lời và giục chúng tôi đi ngủ khi mấy con gà trong chuồng tranh tiếng gáy với gà rừng.

* Đổi đời nhờ cây xoài

Lại mấy con gà rừng, gà nhà tranh nhau gáy báo sáng. Chúng tôi thức dậy rồi mò ra cái bàn ngồi nói chuyện đêm trước để tiếp tục nhâm nhi tách trà sáng khi vợ ông Ngoan đang lục đục dưới bếp lo bữa cơm sáng. Câu chuyện ngày mới lại bắt đầu và khác hẳn đêm qua.

Theo ông Ngoan, từ ngày ông Sáu Chưởng (một nông dân quê miền Trung) đem cây xoài về đặt xuống vùng đất ấp 3 và kêu gọi mọi người cùng trồng nhằm tìm sự thay đổi cuộc sống thì ấp 3 đã thực sự thay đổi. Thấy vườn xoài 2 hécta của ông Sáu Chưởng vươn mình xanh tốt trên đất bạc màu, nông dân trong ấp mạnh dạn làm theo. Rồi cây xoài cho quả bói, nông dân khấp khởi vui mừng vì giá trị của nó cao gấp nhiều lần so với cây điều, mì, bắp.

Cây xoài ở ấp 3, xã Mã Đà ngày càng cho năng suất và chất lượng cao.
Cây xoài ở ấp 3, xã Mã Đà ngày càng cho năng suất và chất lượng cao.

Diện tích cây xoài dần tăng nhanh, tiểu thương bắt đầu cho xe tải vào tận vườn thu mua. Dần dà, tiểu thương cũng bỏ thói xấu “ém thông tin” về vùng xoài ấp 3 để độc quyền thu mua giá rẻ. Bên cạnh đó, các đại lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và chính quyền cũng không chậm chân, tích cực hỗ trợ nhà nông về kỹ thuật, vốn, đầu ra cho nông sản...

Thoát được thế bế tắc về vốn, kỹ thuật, đầu ra nông sản… làm kiệt sức con người, nông dân ấp 3 tăng tốc, chuyển gần như toàn bộ đất nông nghiệp sang trồng các giống xoài, như: Cát Hòa Lộc, Ba Mùa, Úc, Hòn, Đài Loan, Thái Lan... Tùy theo giống, kỹ thuật chăm sóc, giá cá thị trường, hết mùa xuân này đến mùa xuân khác, mỗi hécta xoài nông dân thu lãi cả trăm triệu đồng. Nhiều nông dân, như: Hai Phích, Sáu Tây, Ba Trích, Tư Chích, Hai Hảo có thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng từ cây xoài.

Cây xoài không chỉ giúp nông dân ấp 3 thoát được sự bế tắc của cuộc sống, mà còn đem lại sự sung túc, đủ đầy và giúp một vùng rừng bừng sáng văn minh, tư duy nhạy bén, trẻ con được học hành.

Ông Ngoan tỏ bày, từ khi cây xoài bung hoa kết trái, số hộ nghèo khó ở ấp 3 giảm hẳn. Nhà cửa khang trang, đường giao thông, điện năng lượng mặt trời, cơ giới hóa trong sản xuất… cứ vậy xuất hiện. Từ đó, nông dân trong ấp không còn tình trạng vạch rừng cuốc bộ khi ra ngoài, áo quần đẫm sương, run cầm cập đứng đợi xe… làm thảm lòng người qua đường.

Chiếc xe tải to đùng lấn chiếm cả lối đi khi vào vườn ông Ba Ky bốc hàng buộc chúng tôi phải nhường đường để tránh bụi. Chỉ về phía con đường có chiếc xe tải vừa đi qua, ông Ngoan cho hay, con đường này được tỉnh, huyện và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đầu tư mở rộng để tách bạch khu dân cư với rừng nhằm bảo vệ “lá phổi xanh”. Đó là cái đập cánh của vùng đất ấp 3 để vươn lên sung túc và sự an dân mà người nông dân mong chờ.

“Thêm một mùa xuân, vùng đất ấp 3 thêm một nét mới. Cái mới dễ nhìn thấy nhất là kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, với nhà cửa khang trang, điện năng lượng mặt trời, giếng khoan, phương tiện nghe nhìn, đường giao thông ngon lành… Nông dân tụi tui luôn nhớ công ông Sáu Chưởng đem cây xoài về trồng trên đất ấp 3. Nhờ cây xoài mà cả một vùng rừng nghèo khó năm nào nay thay da đổi thịt” - ông Ngoan nói.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều