Nằm chếch khá xa về phía Tây Nam so với 14 nhà giàn còn lại của hệ thống nhà giàn DK1, Nhà giàn DK1/10 (Cà Mau) cắm sâu vào bãi cạn Cà Mau, cách mũi Cà Mau khoảng 70 hải lý. Nơi đây biển khá yên so với khu vực mà tàu chúng tôi vừa đi mấy ngày trước.
Nằm chếch khá xa về phía Tây Nam so với 14 nhà giàn còn lại của hệ thống nhà giàn DK1, Nhà giàn DK1/10 (Cà Mau) cắm sâu vào bãi cạn Cà Mau, cách mũi Cà Mau khoảng 70 hải lý. Nơi đây biển khá yên so với khu vực mà tàu chúng tôi vừa đi mấy ngày trước. Theo Đại tá Trương Công Thế, Phó chính ủy Vùng 2 Hải quân, đây là nhà giàn cuối cùng trong chuyến hải trình, nếu thời tiết không cho phép chúng tôi lên được nhà giàn này thì chuyến đi sẽ trở nên vô nghĩa.
Thực hiện đu dây từ xuồng lên nhà giàn khi biển động. |
Tàu xuôi sóng từ bãi cạn Tư Chính về bãi cạn Cà Mau mất khoảng 36 giờ. Đây là khoảng thời gian mà thành viên cả đoàn cảm thấy thoải mái nhất vì sóng yên, biển lặng, sức khỏe mọi người dần hồi phục. Ngay cả số phóng viên “yếu sóng” (thuật ngữ của người đi biển chỉ những người dễ bị say sóng) nhất cũng đã có thể đi lại trên boong tàu, không còn nằm lì một chỗ như hôm trước. Tâm trạng lo lắng không thể hoàn thành nhiệm vụ cũng giảm dần theo biên độ dao động của con tàu, vì ai cũng hiểu sóng càng êm, cơ hội để lên nhà giàn càng cao.
* “Cực Nam” của Tổ quốc
Rạng sáng ngày thứ 8 trong chuyến hải trình của tàu HQ621, chúng tôi đã nhìn thấy Nhà giàn DK1/10 hiện ra trong ánh mặt trời vừa ló rạng. Sóng biển khá êm nên tâm trạng ai nấy đều vui mừng vì sắp được đặt chân lên “cực nam” của Tổ quốc, nơi còn vươn ra xa hơn cả mũi đất Cà Mau. Không chỉ nhóm phóng viên tất bật chuẩn bị máy móc, thiết bị mà cả thủy thủ đoàn cũng hoàn tất việc kiểm tra hàng hóa và xuồng máy để kịp giờ đưa mọi người cập giàn.
Mỗi chuyến xuồng chở khoảng 5-7 người cùng máy móc, trang thiết bị. Các quy tắc an toàn được đích thân Thuyền trưởng Nguyễn Tuấn Thịnh phổ biến nhanh chóng và cụ thể. “Sóng hiện tại rất nhẹ nhưng không vì thế mà các anh được phép lơ là, tất cả đều phải nghe và làm theo sự hướng dẫn của nhân viên trên xuồng. Nếu bước chân không cẩn thận từ tàu xuống xuồng, hay từ xuồng lên nhà giàn sẽ dẫn đến tai nạn ngay. Nhẹ thì xuồng giập gãy chân, nặng thì chưa biết đến mức độ nào. Tôi mong mọi người di chuyển cẩn thận và luôn dõi theo biên độ dao động của xuồng để bước xuống cho an toàn” - Thuyền trưởng Nguyễn Tuấn Thịnh nhắc nhở lần nữa.
Lần lượt từng người trong đoàn được xuồng máy đưa vào trong nhà giàn an toàn. Do hàng hóa tiếp tế cho cả 6 tháng tiếp theo nên số lượng rất nhiều và phải mất vài giờ mới chuyển vào hết. Bên cạnh những thực phẩm khô, trang thiết bị, linh kiện máy móc, còn có heo, gà, vịt… còn sống để cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn nuôi làm lương thực dự trữ.
Thiếu tá Hoàng Văn Thảnh, người có hơn 20 năm ăn tết ở các nhà giàn DK1, cho biết nhìn lượng heo, gà… đem lên với số lượng nhiều, nhưng thực tế không duy trì được bao lâu vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các chiến sĩ phải đem ra ăn trước khi heo, gà chết vì bệnh. Dịp này, thứ hàng hóa không thể thiếu được chính là lá dong để gói bánh chưng đón tết, đây là loại hàng được ưu tiên đem lên nhà giàn đầu tiên để tránh giập nát.
* Vững chãi tuyến đầu
Đặt chân lên những nấc thang đầu tiên của Nhà giàn DK1/10, tâm trạng của các phóng viên, những người lính trẻ lần đầu đến đây không khỏi bồi hồi xúc động. Giữa đại dương mênh mông, bốn bề chỉ có màu xanh của trời, màu xanh của biển lại sừng sững một trạm tiền tiêu, đêm ngày canh gác nơi mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc.
Nhà giàn DK1/10 được đưa vào sử dụng từ năm 1994, thuộc vùng biển vịnh Thái Lan. Do nằm trong ngư trường đánh bắt gần bờ nên đây cũng chính là trạm tiếp liệu, cấp cứu, sửa chữa cho các tàu cá gặp sự cố trên biển.
Trung úy Lê Thành Được, Chỉ huy trưởng của Nhà giàn DK1/10, tự hào cho chúng tôi biết, riêng năm 2014 vừa qua, dù điều kiện sống của chiến sĩ trên nhà giàn thiếu thốn mọi thứ nhưng cũng đã tiếp cho tàu cá hàng ngàn lít nhiên liệu, nước ngọt và chữa trị cho ngư dân gặp tai nạn.
Hoàng hôn buông dần trên biển, nhà giàn vắng vẻ mọi khi nay trở nên tất bật với người ra kẻ vào liên tục để chuẩn bị bữa cơm chiều và gạo nếp, thịt heo, lá dong để gói bánh chưng ăn tết sớm. “Lính nhà giàn mà, chính những ngày có đoàn ra thăm anh em là chúng tôi tổ chức vui tết luôn. Chứ đúng giao thừa thì vắng vẻ lắm, mấy anh em chia ra mỗi người một góc gọi điện thoại về cho gia đình thôi. Nhờ sóng điện thoại, internet mà người ở nhà cũng an lòng về người đi xa và chúng tôi cũng đỡ tủi thân ở nơi mênh mông đến rợn ngợp này” - Trung úy Nguyễn Văn Cường, Chính trị viên Nhà giàn DK1/10, bộc bạch trong nụ cười rất tươi.
Năm 2015 này, Trung úy Cường được trở về đất liền công tác và đón Tết Nguyên đán cùng gia đình. Với người lính trẻ như anh, đây là niềm vui lớn nhất trong suốt một năm vừa qua.
Để lên được nhà giàn DK1 thường có 2 cách. Nếu biển êm, sóng nhẹ thì sẽ cho xuồng cập vào chân nhà giàn để leo lên thang như bình thường; nếu biển hơi động, sóng dập liên tục với biên độ dao động không quá lớn thì sẽ dùng dây kéo hàng để kéo từng người lên. Hầu hết những nhà giàn DK1 ở khu vực Biển Đông trong mùa biển động này phải chọn cách đu dây vì xuồng máy không thể cập vào chân giàn được. |
Cùng với đoàn đi thăm nhà giàn còn có những cán bộ, chiến sĩ lên nhận nhiệm vụ thay thế những người chuyển vào đất liền công tác. Thiếu úy Đinh Trọng Tuấn, nhân viên cơ yếu, tâm sự đóng quân ở trạm tiền tiêu này gian khổ nhưng vì nghĩa vụ với Tổ quốc, vì niềm tự hào trong sắc áo hải quân mà anh tạm gác niềm vui bên gia đình để ra nơi tuyến đầu này. “Xa nhà ai mà không nhớ, nhưng “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?” - Trung úy Tuấn nói.
Những bàn tay thô ráp chai sần vì nắng biển trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng khi bắt đầu xếp lá dong, đong gạo nếp. Như một quy trình được phân công rõ ràng, tốp thì xẻ thịt, tốp xếp lá, tốp gói bánh… Chỉ trong phút chốc, hơn 10 chiếc bánh chưng vuông vắn đã được xếp gọn vào nồi.
Nắng chiều muộn xuyên qua khe cửa hẹp của nhà giàn giữa ngàn khơi Tổ quốc, các chiến sĩ ở đây đành chọn cách gắn hoa giả vào cây mai được đem từ đất liền ra để chuẩn bị đón “giao thừa” sớm chung vui cùng đoàn phóng viên chúng tôi. Bánh mứt, trái cây, đèn trang trí nhanh chóng được bày biện. Mọi người nói với nhau, nếu không có dòng chữ “Nhà giàn DK1/10” dán trên tường chắc những người ở nhà lúc xem ảnh gửi về cũng sẽ cho rằng khung cảnh này là ở một đơn vị trong bờ đang vui xuân, chứ nào ai biết được giữa trùng dương lại có đầy đủ quà bánh thế này.
Dẫu biết rằng còn nhiều ngày nữa mới đến ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhưng Thiếu tá Đinh Đắc Bình, tân Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/10, đã đi bắt tay khắp lượt các phóng viên có mặt ở đây rồi nói: “Chính sự nhộn nhịp từ đoàn công tác đã đem mùa xuân đến cho chúng tôi, cho tất cả những người trên nhà giàn này đấy”.
Đăng Tùng