Tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, cách bờ biển hàng trăm hải lý, có những người lính đang dâng hiến tuổi xuân trên hệ thống nhà giàn DK1 để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
Tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, cách bờ biển hàng trăm hải lý, có những người lính đang dâng hiến tuổi xuân trên hệ thống nhà giàn DK1 để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Đối với họ, tết trên nhà giàn không phải vào đúng giao thừa âm lịch như trong đất liền mà là khi những chuyến hàng tiếp tế lương thực, hàng hóa được chuyển đến nơi an toàn và nguyên vẹn trong mùa biển động này. Có thấy nụ cười của những người lính ấy mới hiểu được thế nào là “vui như tết của lính nhà giàn”.
Chuyển quà tết từ đất liền xuống tàu cho các nhà giàn. |
Một ngày nắng ấm trung tuần tháng 1-2015, tàu HQ621 của Hải đội 812, Vùng 2 Hải quân cất cao tiếng còi tàu chào tạm biệt đất liền rồi nhanh chóng nhổ neo đưa chúng tôi tiến ra Biển Đông, tiến ra các nhà giàn DK1 đang ngày đêm canh gác thềm lục địa của Tổ quốc. Trên cầu cảng (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), những người ở lại bờ vẫy chào chúng tôi và liên tục bắc tay làm loa hét lớn: “Hải lộ bình an, gửi lời chúc tết của chúng tôi đến anh em ngoài kia nhé…”.
* Vinh quang người lính áo trắng
Sau hơn 36 giờ vật lộn với cơn say sóng, chúng tôi đã trông thấy Nhà giàn DK1/15 (Phúc Nguyên 2) đang sừng sững giữa cơn sóng cấp 5-6, giật cấp 7. Trong điều kiện sóng lớn, sàn tàu chao đảo với độ nghiêng có khi lên đến 25-300, mọi sinh hoạt thường nhật giờ đây là cả một vấn đề với đoàn công tác và cả thủy thủ đoàn. Hầu hết phóng viên và một số sĩ quan trẻ lần đầu đi biển đều chung một tình trạng đó là… nằm một chỗ vì không còn sức để đi lại.
Say sóng là thế, nhưng khi thấy bóng nhà giàn phía xa, toàn bộ thành viên đoàn công tác đều ngồi dậy chuẩn bị lên boong làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Tàu nhanh chóng thả neo trên bãi cạn Phúc Nguyên, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên tàu trong trang phục chỉnh tề cùng Đại tá Trương Công Thế, Phó chính ủy Vùng 2 Hải quân, tiến ra boong tàu làm lễ tưởng niệm những CBCS đã hy sinh tại vùng biển DK1 (tên gọi cho vùng biển tại thềm lục địa phía Nam có hệ thống Nhà giàn DK1).
Vòng hoa, lễ vật được xếp trang nghiêm bên lá cờ đỏ sao vàng. Trong phút chốc, những con sóng bạc đầu ở bãi cạn Phúc Nguyên dường như chùng xuống, biên độ dao động của tàu giảm hẳn. Đại tá Trương Công Thế nói với mọi người: “Ra biển, ai cũng mang trong mình một niềm tin tâm linh. Giữa trùng khơi này, tôi cảm thấy anh linh các liệt sĩ đang dang tay chắn sóng, chắn gió để những người trên tàu vững vàng hơn trong mùa biển động này. Có lẽ, những người lính biển, những đồng đội của tôi đang có mặt cùng chúng ta ở nơi này đấy mọi người ạ”.
Từ khi nhà giàn chỉ là những pông-tông được neo trên bãi cạn, cho đến nay đã gần 30 năm trôi qua, trên vùng biển DK1 đã có 4 nhà giàn bị đổ và 14 CBCS đã hy sinh. Ngay tại bãi cạn Phúc Nguyên, vào năm 1998, một cơn bão khủng khiếp đã đánh sập Nhà giàn Phúc Nguyên 2A, khiến Đại úy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Quang Chương cùng 2 đồng đội hy sinh. Hay mới đây nhất, trong lúc thực hiện nhiệm vụ, Đại úy Dương Văn Bắc đã bị sóng quật ngã xuống biển tại Nhà giàn DK1/11 và hy sinh. Trong thời bình, máu xương những người lính biển vẫn đổ tại các trạm tiền tiêu này để giữ vững chủ quyền đất nước.
* Những chuyến hàng đầu tiên
Từng tràng hoa thả xuống biển trôi nhanh theo bọt nước trắng xóa, con tàu lại tiếp tục chao đảo theo từng đợt sóng dập vào mạn tàu. Trong buồng lái, Thượng úy Nguyễn Tuấn Thịnh, Thuyền trưởng tàu HQ621, tay phải cầm bộ đàm, tay trái bám lấy thành ghế chỉ huy, mắt liên tục dõi theo tốp cán bộ đang đóng gói hàng chuẩn bị đưa vào nhà giàn.
Thuyền trưởng Thịnh cho hay, mùa này biển động mạnh, biên độ dao động của sóng có khi lên đến 4-5m nên không thể thả xuồng chuyển hàng như bình thường được. Trong các phương án được ban chỉ huy tàu đưa ra, chỉ có một cách khả thi là người trên nhà giàn thả phao để người trên tàu vớt lên, buộc hàng vào đó rồi thả ngược lại để phía nhà giàn kéo lên.
Trên boong tàu, các CBCS kiểm kê hàng hóa cấp cho nhà giàn rồi tìm cách buộc chặt vào phao, vừa làm việc vừa phải đảm bảo an toàn lúc di chuyển trên tàu, bởi chỉ một giây bất cẩn họ sẽ phải trả cái giá rất đắt.
Trung úy Nguyễn Duy Thủy, Thuyền phó tàu HQ621, vừa dùng bộ đàm liên lạc với thuyền trưởng trên buồng lái, vừa đứng ngay nơi đầu sóng chỉ huy mọi người làm nhiệm vụ. “Đây là phương án dùng cho mùa biển động mạnh, không chắc chắn tất cả các kiện hàng lên đến nhà giàn an toàn, đầy đủ vì khả năng bị sóng đánh đứt dây, chìm xuống rất cao. Nhưng với điều kiện sóng gió hiện tại, không dùng cách này thì không còn cách nào khác. Những kiện hàng được ưu tiên là lương thực, linh kiện máy móc, các thứ đó không được để trôi đi” - Trung úy Thủy cho chúng tôi biết thêm.
Nhà giàn DK1/15 được hoàn thành vào tháng 4-1995, cùng thời điểm với Nhà giàn DK1/14 (Tư Chính 5, tại bãi cạn Tư Chính) và cũng là nhà giàn được xây dựng tại nơi có mực nước bãi cạn sâu nhất (25m). Đến tháng 4-2011, Nhà giàn DK1/15 đã chính thức được sửa chữa, nâng cấp thành nhà giàn hiện đại, đủ sức chống chọi bão tố, khẳng định sức mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. |
Ngoài boong tàu, các túi quà được bọc thêm mấy lượt túi ny-lông dày và nhanh chóng được thả xuống biển để người trên nhà giàn kéo vào. Qua bộ đàm, Đại tá Trương Công Thế ân cần thăm hỏi, chúc tết và động viên CBCS trên nhà giàn hoàn thành nhiệm vụ.
Có mặt bên cạnh Đại tá Thế lúc này, Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Phó chỉ huy trưởng Tiểu đoàn DK1, cho biết điều kiện sống của CBCS trên nhà giàn rất thiếu thốn, nhất là vào thời điểm cuối năm nên rất cần những lời chúc tết, động viên của các cấp lãnh đạo.
“Trước thời điểm các nhà giàn được trang bị tấm pin năng lượng mặt trời (từ năm 2009), chúng tôi sử dụng máy nổ chạy dầu để phát điện và ưu tiên cho công tác quân sự. Khu vực này là một trong những nơi khó tiếp hàng vào dịp tết nhất, ngay cả xuồng nhỏ cũng không thể cập chân nhà giàn được. Khó khăn là thế, nhưng khi tàu của ngư dân gặp sự cố, CBCS trên nhà giàn phải ra tay tiếp cứu, ngư dân thiếu dầu thì cung cấp dầu, thiếu nước ngọt thì tiếp nước ngọt, hư máy nhẹ thì sửa giúp, hư nặng thì neo lại chờ tàu ra kéo vào… Chúng tôi luôn dặn dò CBCS ra đóng ở nhà giàn phải hết mình giúp đỡ ngư dân, vì họ chính là những người cùng chúng tôi canh giữ vùng biển này” - Trung tá Mạnh tâm sự.
Hàng hóa chuyển vào nhà giàn xong xuôi và kiểm kê không thiếu thứ nào, tàu chúng tôi lại tiếp tục xuôi sóng về phía Nam để chuẩn bị tiếp cận các nhà giàn nằm trên bãi cạn Tư Chính. Hướng ánh mắt về phía những con sóng dập không ngừng vào thành tàu, Thuyền trưởng Nguyễn Tuấn Thịnh nói giọng tiếc rẻ: “Đoàn nhà báo mình đi mùa này khó lên nhà giàn lắm, vì biển động thế này thì ngay cả lính biển như chúng tôi còn ngại. Có thể, khi về đến Nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau thì mới lên được. Nếu đến đó sóng vẫn thế này thì đành chịu thôi…”.
Đăng Tùng