"Hồ Trị An có đặc sản gì cứ ra chợ Bến Nôm (xã Phú Cường, huyện Định Quán) tìm là có hết. Nơi đây tập trung nhiều loại cá, từ cá tươi đến cá khô, thứ gì cũng có" - một đầu mối thu gom cá cho hay. Ngoài hàng chục ghe, xuồng quanh khu vực Phú Cường - La Ngà chuyên cung cấp các loài cá nước ngọt, chợ cá Bến Nôm còn có nhiều ghe cá từ huyện Vĩnh Cửu về đây buôn bán.
“Hồ Trị An có đặc sản gì cứ ra chợ Bến Nôm (ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường, huyện Định Quán) tìm là có hết. Nơi đây tập trung nhiều loại cá, từ cá tươi đến cá khô, thứ gì cũng có” - một đầu mối thu gom cá cho hay.
Ngoài hàng chục ghe, xuồng quanh khu vực Phú Cường - La Ngà (huyện Định Quán) chuyên cung cấp các loài cá nước ngọt có giá trị, chợ cá Bến Nôm còn có nhiều ghe cá từ các xã của huyện Vĩnh Cửu về đây tụ họp, buôn bán.
* Tấp nập chợ cá
Khoảng 3 giờ sáng, một số ghe xuồng đánh bắt cá vừa về đến chợ. Lúc này, vài ba tiểu thương ở các huyện: Thống Nhất, Trảng Bom… đến sớm chạy ra lựa cá rồi tất tả ra về cho kịp buổi họp chợ. Đến 4 giờ, chợ cá đã đông vui như hội.
Tranh thủ lựa những mẻ cá tươi ngon. |
Dưới bến có gần 30 chiếc ghe, xuồng ra vào tấp nập; trên bờ cảnh thu mua, lựa cá giữa các vựa cá hối hả. Phiên chợ tập trung người đông đúc với từng mẻ cá đổ đầy ra sàn. Họ í ới lựa chọn cá, ra giá, thu mua, vận chuyển…, không khí tưng bừng từ lúc trời còn mờ đến khi bình minh lên.
“Tôi đến đây từ sớm để lựa chọn cá lăng. Giá cá lăng tự nhiên đắt gấp đôi cá nuôi, nhưng đắt mấy cũng có người mua, nhất là các nhà hàng làm món ngon đặc sản. Mỗi buổi chợ, muốn mua được khoảng 20kg cá ngon phải đến chực chờ, đón ghe vừa mới về. Phải đặt hàng trước 2-3 ghe cá mới có đủ số lượng cần lấy” - chị Đỗ Phương Anh, đầu mối thu gom cá ở xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), cho biết.
Trên lòng hồ Trị An rộng lớn, không hiếm những con cá chép nặng 4-5kg. Cá còn khỏe mạnh nên có thể trữ lâu ngày, được các mối thu mua rồi vận chuyển đi xa để bán lại cho các nhà hàng đặc sản. |
Thời tiết những ngày cuối năm se lạnh, sương giăng đầy trên mặt hồ cũng không làm cho phiên chợ cá kém đi phần náo nhiệt. Trời càng về sáng, chợ càng trở nên nhộn nhịp. Đến khoảng 6 giờ thì chợ “đóng cửa”, các tiểu thương tất bật xếp những chậu cá lên những chiếc xe 2-3 bánh, xe tải nhỏ rồi tỏa đi khắp mọi nơi trong tỉnh giao bán.
Chợ cá ở đây trở nên huyên náo khi ngư dân đánh bắt được một con cá “khủng”, to nặng hơn mức bình thường. Lúc đó, phiên đấu giá mới chính thức bắt đầu. Thương lái trả giá nhích từng chút một, tranh giành nhau để có được món hàng ngon. Tuy nhiên, với quãng đường khá xa, giữ được cá còn sống, tươi ngon khi về đến chỗ tiêu thụ cũng là vấn đề khó với họ.
“Cá sông đã là đặc sản, kiếm được con cá chép nặng gần 4kg mà tôi vừa mua sau cuộc ngã giá sướng không gì bằng. Hy vọng khi về đến nhà, cá vẫn còn sống, giá bán sẽ cao… Phiên chợ này, giá các loại cá đều nhỉnh hơn mọi ngày, càng gần tết nhu cầu của mấy nhà hàng càng lớn” - ông Tuân (ngụ xã La Ngà, huyện Định Quán) chỉ chú cá chép to vừa với mua rồi vui vẻ nói.
Các loại cá lóc, lăng, mè vinh… còn tươi ngon, nhảy đành đạch trong những chậu nước có gắn bình ôxy, xếp nằm san sát nhau chờ thương lái đến chọn mua. Nhiều chủ vựa cá cho hay, có những hôm ngư dân “trúng mánh”, lượng cá tập trung về nhiều, nhưng không hề có tình trạng dội chợ, mà tất cả đều tiêu thụ nhanh. Các đêm trăng sáng, cá về ít, chủ vựa phải vất vả đến chực chờ từ sớm mới may ra có được mẻ cá ngon mang về.
* Nhộn nhịp theo mùa
Những ngày này, ghe cá về sớm như báo hiệu mùa làm ăn mới thuận lợi và may mắn. Hơn 12 tiếng bám trụ giữa mặt hồ mênh mông nước, ngư dân nào cũng hồi hộp chờ cất lên những mẻ lưới nặng.
Tranh thủ các mối lấy hàng chưa đến, nhiều ngư dân ngồi nói chuyện trước mũi ghe, hỏi chuyến đánh cá đêm qua thế nào. Họ ngồi quây quần bên nhau, chén trà nóng cũng không thể xua tan cái se lạnh của buổi sáng sớm. Thỉnh thoảng, vài cơn gió lớn thổi mạnh từ ngoài lòng hồ vào khiến ai nấy đều lạnh co ro.
Nhìn số cá cơm còn tươi rói trong khoang, anh Huỳnh Văn Sáu (ngụ xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) cười tươi cho biết, vợ chồng anh có hơn chục năm làm nghề này, trung bình mỗi đêm đánh bắt khoảng 70-80kg cá. Để thu được số cá đó, từ 15 giờ chiều hôm trước, anh Sáu và những ngư dân khác đã xuất phát. Ngoài những ngư cụ mang theo, đồ ăn và nước uống cũng được mọi người chuẩn bị sẵn. Riêng những đêm trời lạnh như dịp này, cơm được nấu ngay trên ghe để ăn cho nóng.
Ghe, xuồng tập trung đông đúc ở chợ cá Bến Nôm lúc sáng sớm. |
“Di chuyển khoảng tiếng rưỡi thì đến điểm đánh bắt, vợ chồng quăng lưới suốt đêm. Tối ở đây bao trùm một màu đen đặc như trên biển. Xung quanh, cứ cách vài cây số lại có ánh đèn của hàng chục chiếc ghe khác lấp lánh, mờ ảo” - anh Sáu tâm sự.
Cá đánh bắt xong, anh Sáu đưa ngay về chợ cá Bến Nôm bán cho các mối quen rồi nổ máy ghe về nhà nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến đánh bắt hôm sau.
30 năm nay, ghe của lão ngư Năm Quang (nhà ở gần chợ cá Bến Nôm 2) chỉ chuyên “săn” các loài cá đặc sản, như: lăng, chép... Số lượng thu được sau mỗi chuyến đi chỉ trên dưới 15kg, nhưng nhờ giá trị cá cao nên ông vẫn bám trụ với công việc này. Những đêm sáng trăng, cá dính lưới ít hơn, nhưng ông vẫn cho ghe chạy ra hồ lớn, một mình buông lưới giữa trời nước mênh mông.
“Nghề đánh cá, ngoài việc dựa vào con nước, quan trọng vẫn là kinh nghiệm của mình. Mùa nước lớn, cá linh, mè vinh ở hồ Trị An về nhiều, nhưng mùa khô thì cá lăng, cá lóc… chiếm ưu thế. Cá nhộn nhịp theo mùa, ngư dân phải dựa vào con nước để đánh bắt cho trúng vụ cá” - lão ngư Năm Quang thủ thỉ.
So với cách đây hơn một tháng, nước trên lòng hồ Trị An đã hạ nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài cá vào các eo ngách, ven bờ để sinh sản nên những chuyến đánh bắt của ngư dân không còn phải đi xa. Dù lượng cá đánh bắt được không nhiều hơn trước đây, nhưng nhờ giá xăng dầu giảm mạnh, chi phí cho các khoản này vì thế mà giảm được một phần.
“Từ ngày giá xăng dầu giảm, anh em chúng tôi phấn khởi lắm. Mọi năm, đến thời điểm này số ghe đánh cá “treo máy” gần nửa, nhưng hiện tại ghe tham gia đánh bắt gần hết. Trước đây, sau mỗi đêm tôi bỏ túi khoảng 200 ngàn đồng thì bây giờ phải nhiều hơn thế” - ông Năm Quang hồ hởi nói.
Võ Nguyên