Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm giàu từ tình yêu ruộng đồng

10:02, 16/02/2014

Trưởng thành qua từng vụ lúa nơi cánh đồng tổ 8, ấp Vũng Gấm, xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), anh Huỳnh Văn Long (còn gọi là Hai Long) quyết chí lập nghiệp từ những thửa ruộng của gia đình qua những vụ lúa, hoa màu bội thu.

Trưởng thành qua từng vụ lúa nơi cánh đồng tổ 8, ấp Vũng Gấm, xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), anh Huỳnh Văn Long (còn gọi là Hai Long) quyết chí lập nghiệp từ những thửa ruộng của gia đình qua những vụ lúa, hoa màu bội thu.

Anh Hai Long cho rằng, nếu quyết tâm thì thanh niên có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Anh Hai Long cho rằng, nếu quyết tâm thì thanh niên có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Sau chuyến thăm đồng cùng lãnh đạo xã Phước An trở về, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Tống Thị Hồng Vân vẫn nhiệt tình đưa chúng tôi thăm cánh đồng trồng hoa màu vụ đông - xuân của nông dân tổ 8, ấp Vũng Gấm. Chị Vân vui vẻ cho biết: “Dịp tết Giáp Ngọ 2014 vừa qua, nông dân trồng hoa màu ở tổ 8 ăn tết tưng bừng nhờ trúng dưa hấu, bầu, bí, khổ qua, dưa leo… Riêng hộ anh Hai Long lãi trên 60 triệu đồng từ 5 sào dưa hấu, 3 sào khổ qua”.

* Gắn bó với ruộng đồng

Chỉ tay về phía người thanh niên dáng thấp đậm đang cuốc đất ngoài đồng, cán bộ Vân nói: “Năm 2008, anh Hai Long được nhận giải Lương Định Của của Trung ương Đoàn. Hiện anh là thanh niên tiêu biểu về ý chí làm giàu từ nông nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương, để bao thanh niên khác phải suy ngẫm, học tập”.

Mời chúng tôi vào chòi nói chuyện, anh Hai Long cho biết: “Học xong lớp 4, tui nghỉ học ở nhà phụ cha làm ruộng, cày thuê. Chừng 15-16 tuổi, tui đã thành thạo việc nhà nông chẳng thua gì thanh niên tuổi 18-20 ở đây”.

Lấy vợ ở tuổi 21, anh Hai Long được cha chia cho 9 sào ruộng và cặp bò 2 năm tuổi. Từ khi lấy vợ, ra ở riêng, anh Hai Long không chịu làm nông nghiệp theo kiểu truyền thống của cha, mà cải tạo ruộng cao để trồng dưa, bầu, bí quanh năm. Nơi ruộng thấp, anh đành chấp nhận trồng một vụ lúa để đến tháng 10 thu hoạch lúa xong thì trồng ngay vụ dưa hấu bán tết. Sau khi thu hoạch xong vụ dưa hấu tết, anh cày đất, lập giàn trồng dưa leo, khổ qua cho đến cuối vụ đông - xuân.

“Không có vốn nên ngoài việc làm ruộng nhà mình, tui còn tranh thủ đi cày đất thuê, chiều tối đánh xe bò vào các bãi đất hoang chặt tre, cây về làm giàn trồng dưa leo, khổ qua... Ngày qua ngày, cứ chiều đến, khi tất cả nông dân rời đồng về nhà với vợ con, bản thân tui vẫn kiên nhẫn bám đồng làm cho tới khi nào mệt thì vào chòi ngả lưng một chút. Khỏe, tui lại ra đồng làm tiếp cho tới sáng” - anh Hai Long kể lại.

* Làm giàu trên mảnh đất của cha ông

Gió theo đồng trống giật căn chòi nhỏ rung bần bật, anh bạn đồng nghiệp chột dạ tránh sang một bên để tránh nguy hiểm có thể xảy ra. Anh Hai Long thấy vậy bật cười, rồi tế nhị giải thích: “Hơn 10 năm ở ruộng đồng, tui quá quen với cảnh gió rít đêm khuya. Tui không sợ mưa gió làm sập chòi, mà chỉ lo mấy giàn khổ qua, dưa leo ngoài ruộng đổ giàn vì trĩu quả. Chòi sập thì mai dựng lại, riêng giàn khổ qua, dưa leo mà sập thì chết dây, làm mất đi lợi nhuận”.

Anh Hai Long (phải) trao đổi kinh nghiệm trồng khổ qua giống.
Anh Hai Long (phải) trao đổi kinh nghiệm trồng khổ qua giống.

Vốn tính chịu khó, sau 3 năm ra riêng, vợ chồng anh Hai Long đã bắt đầu có dư sau những vụ lúa, hoa màu được mùa. Từ đây, anh bắt đầu khoan giếng, mua máy dầu và thuê hẳn 1 hécta ruộng bỏ hoang vụ đông - xuân của nông dân lân cận để mở rộng diện tích trồng dưa, bí, khổ qua… trình diễn mô hình 1 vụ lúa, 3 vụ màu, khiến cho các lão nông tổ 8, ấp Vũng Gấm ngưỡng mộ. “Cứ 2 tháng, tui thu hoạch xong vụ dưa leo, khổ qua. Mỗi vụ như vậy, tui lãi khoảng 10 triệu đồng/sào. Trong khi đó, nông dân ở đây chỉ trồng được 2 vụ lúa bấp bênh rồi bỏ hoang ruộng từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nhìn thấy tui làm ăn có lãi, các nông dân tại cánh đồng tổ 8 nhanh chóng triển khai mô hình này và cũng vì vậy mà năm 2008 tui được nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn” - anh Hai Long thổ lộ.

- Theo nếp quen, sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, lãnh đạo xã Phước An đã tổ chức đoàn ra đồng thăm hỏi các nhà nông trên địa bàn xã. Có mặt tại cánh đồng trồng hoa màu của nông dân Hai Long, ông Dương Văn Pháp, Chủ tịch UBND xã Phước An, cho hay Phước An có thế mạnh nuôi trồng thủy sản và trồng trọt. Hiện gần 2 ngàn hécta đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đang được nông dân hướng đến các mô hình chuyên canh nuôi, trồng thủy sản, lúa, hoa màu tập trung.

- Anh Hai Long thổ lộ, giải thưởng Lương Định Của cho mô hình 1 vụ lúa, 3 vụ hoa màu trong năm do Trung ương Đoàn trao tặng đã khích lệ anh rất nhiều trong quá trình bám đồng. Từ đây, anh cũng có dịp giao lưu, học tập rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả để về phổ biến và trao đổi kinh nghiệm với các nông dân khác.

Để mô hình 1 vụ lúa, 3 vụ hoa màu vụ đông - xuân thêm hiệu quả, anh Hai Long không ngần ngại đi các nơi học tập cách thức bố trí giàn, luống mới và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh…, đồng thời liên kết với các nông dân trồng hoa màu tại cánh đồng tổ 8 triển khai phương thức xuống giống đồng loạt để phân tán sâu bệnh, cung ứng cho thương lái số lượng lớn sản phẩm theo từng đợt thu hoạch... “Tuy trồng cùng giống, xuống giống cùng thời điểm, nhưng ruộng tui bao giờ cũng đạt hiệu quả hơn ruộng các nông dân khác, do tui chăm sóc kỹ, chu đáo” - anh Hai Long chia sẻ.

Thấy khách lạ ngồi lâu với anh Hai Long, nhất là anh Hai Long hôm nay sao rảnh rang ngồi một chỗ “tám chuyện” với khách, nông dân Năm Nhỏ vác cuốc đến nói vui: “Làm ruộng vườn mà thường xuyên được cánh nhà báo săn tìm tui cũng thích lắm. Bởi vậy, tui đang bắt chước nó bám đồng để bí, dưa leo, khổ qua được trĩu quả, vợ có nhiều tiền, còn bản thân thì nở mặt với đám bạn nhà nông”.

Nói rồi, anh Năm Nhỏ hết lời khen thằng em Hai Long tuổi trẻ nhưng tài giỏi, chịu khó. Trước khi vác cuốc đi, anh Năm Nhỏ vỗ vai chúng tôi một cái thật mạnh và nói: “Nó không yêu ruộng đồng thì đã dắt vợ đi làm công nhân để hưởng lương tháng của chủ xưởng và sẽ không được như bây giờ, ruộng nhà làm không đủ phải thuê thêm ruộng lân cận để mở rộng quy mô. Cũng nhờ nó mà nông dân tại cánh đồng này được thơm lây và lấy nó làm gương để nhắc nhở lớp trẻ đừng sợ nghèo, đừng thờ ơ khi được ông cha giao đất cho mình nối nghiệp nông dân”.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều