Như đã hẹn từ trước, vào mùng 7 tết Giáp Ngọ 2014, tất cả thành viên Ban Quý tế đình Tân Bản (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) tập trung ở sân đình để làm lễ Hạ nêu (còn gọi là lễ Khai sơn) trước khi bước vào công việc tất bật của một năm mới.
Như đã hẹn từ trước, vào mùng 7 tết Giáp Ngọ 2014, tất cả thành viên Ban Quý tế đình Tân Bản (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) tập trung ở sân đình để làm lễ Hạ nêu (còn gọi là lễ Khai sơn) trước khi bước vào công việc tất bật của một năm mới.
* Chuyện xưa, tích cũ đầu xuân
Quét dọn những cánh hoa mai vàng rụng khắp hậu đình, ông Võ Văn Hoàng, Chánh tế đình Tân Bản, gọi mọi người vào ngồi thưởng thức tách trà nóng trong tiết trời dịu nhẹ. Khi tất cả đã quy tụ đông đủ, tiếng cười nói bắt đầu vang lên rôm rả. Chuyện gia đình sum vầy đón tết, chuyện con cháu học hành, chuyện làm ăn… được mọi người chia sẻ với nhau, khiến không khí buổi họp mặt đầu năm trở nên náo nhiệt.
Ban Quý tế đình Tân Bản làm lễ Hạ nêu. |
Uống xong ly trà nhỏ, những người cao niên trong Ban Quý tế đình Tân Bản bắt đầu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về ngôi đình. Được vua Tự Đức sắc phong năm 1852, nhưng theo các thế hệ người dân bao đời truyền lại thì đình Tân Bản đã có từ trước đó rất lâu. “Hồi xưa, ông bà theo lệnh chúa Nguyễn vào phương Nam khai hoang, mở đất, làm nhà, hình thành nên thôn xóm. Mà hễ nơi đâu có đông người ở thành thôn, thành làng thì nơi đó sẽ có đình thờ cúng người có công mở đất, lập làng. Đình làng lập ra để người dân có chốn gửi gắm niềm tin khi khai cơ lập nghiệp ở vùng đất xa lạ này. Ngoài việc thờ tự, đình làng còn là nơi bà con tụ tập, hội họp mỗi khi có việc cần bàn chuyện làng, xã, hay thông báo một quyết định, chính sách của triều đình” - đưa chúng tôi tham quan một vòng quanh đình, ông Hoàng kể về những giai thoại xung quanh đình Tân Bản.
Ông Nguyễn Thanh Sơn kể lại: “Trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đình Bình Quan là cơ sở cách mạng quan trọng của phong trào cách mạng ở Biên Hòa. Đình là điểm tập họp hoạt động của lực lượng thanh niên thời kháng Pháp. Thời chống Mỹ, đình là nơi tập kết, cất giấu lương thực, vũ khí của cách mạng”. |
Ông Hoàng cho biết, thời xưa phương Nam là miền biên viễn xa xôi, rừng thiêng nước độc, thú hoang tấn công con người là chuyện diễn ra hàng ngày. Đình lập nên còn được dùng làm nơi trú chân cho khách bộ hành mỗi khi qua đây, tránh bị hùm tha, sấu bắt.
Leo lên những tảng đá cao nhất với bề rộng 7-8 người ôm nằm ở góc sân đình, ông Hoàng chỉ cho chúng tôi xem những cột mốc tự nhiên của đình làng ngày xưa, được đánh dấu bằng trí nhớ của mình. “Theo những người giữ đình từ xưa truyền miệng lại, vào những ngày lễ, tết, khi người dân quây quần đông đủ nơi đây thì thường xuyên có thú dữ xuống bắt người. Đến khi có vị đạo sĩ đi ngang qua dựng những viên đá thành một trận đồ bát quái thì thú dữ mới không dám mò xuống đây nữa. Chuyện cũng đã mấy trăm năm, tụi tui nghe theo lời những người đi trước mà gìn giữ 8 tảng đá có khắc chữ được xếp xung quanh đình cho tới bây giờ” - vừa nói, ông Hoàng vừa đưa chúng tôi đi xem những tảng đá được bố trí xung quanh ngôi đình.
Còn ở đình Bình Quan (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), theo lời Trưởng ban quản lý đình Nguyễn Thanh Sơn (81 tuổi, ngụ ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa), đình được nhận sắc phong của triều đình Huế vào năm Tự Đức thứ 5 (1852). “Năm được nhận sắc phong là vậy, còn thời điểm ngôi đình hình thành từ khi nào thì không ai rõ. Tui từ nhỏ đã sống ở đây, nghe mấy người lớn tuổi nói đình Bình Quan có trước khi cộng đồng người Hoa của Trần Thượng Xuyên đến xây dựng nơi này thành thương cảng Cù lao Phố nức tiếng một thời” - ông Sơn trầm ngâm nhớ lại.
* Gìn giữ việc làng
Cùng ông Sơn đi bộ trên những con đường nhỏ được tráng xi măng nối từ đường Đặng Văn Trơn vào đình Bình Quan, chúng tôi tạm thoát khỏi sự ồn ào của một thành phố công nghiệp. Vừa đi, ông Sơn vừa chỉ những vị trí ngày xưa là hầm nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông kể, đình làng không chỉ là nơi người dân hội họp trong thời bình, mà còn trở thành căn cứ chống giặc khi đất nước rơi vào cảnh chiến tranh. “Ngày xưa, đình làng thờ Thành Hoàng, sau còn thờ thêm những liệt sĩ đã ngã xuống ở vùng đất này trong những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Người nào có công với đất, với con người nơi đây thì khi mất sẽ được người dân thờ phụng trong đình” - đưa chúng tôi đến xem bia liệt sĩ được dựng lên gần đó, ông Sơn nói.
Ông Hồ Văn Mai, Hương cổ đình Tân Bản, lau chùi trống để cất vào kho. |
Ngoài việc cúng tế vào những dịp lễ trong năm, đình làng còn là nơi gìn giữ nét văn hóa của từng địa phương, được hình thành và phát triển gắn với quá trình khai hoang, mở đất của người xưa. “Người xưa đi mở cõi đều canh cánh bên lòng nỗi niềm xa quê. Do đó, mỗi lần tổ chức hội làng, mời gánh hát bội, người dân dẫu đi làm ăn xa cũng phải quay về, phần để gặp gỡ đồng hương, phần bày tỏ nỗi niềm của những người xa xứ. Sau mấy ngày tết, người trong làng lại tụ họp về đình để làm lễ Hạ nêu, cầu Thành Hoàng phù hộ rồi mới đi làm ăn xa. Đó là điều từ xưa truyền lại, đến giờ tụi tui vẫn còn giữ, tiếc rằng không còn nhiều người thích nghe hát bội nên mấy năm rồi không mời đoàn nào về hát phục vụ bà con” - lật lại những trang sách cũ ghi việc làng, ông Hoàng bồi hồi nhớ lại.
Để trở thành chức việc trong đình, điều quan trọng là phải có uy tín với người dân, có tài ăn nói để mỗi lần hội họp sẽ trình bày cho người dân hiểu những gì phải làm sắp tới. Tuy không có quy định cụ thể về độ tuổi, nhưng thường thì phải qua tuổi 50, khi đã có được sự tin tưởng của bà con thì người đó mới được bầu vào ban quý tế của đình. Và cứ vậy, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, những người ở đây lại tiếp tục lưu giữ những truyền thống được cha ông để lại.
“Tụi tui già hết rồi, còn giữ được gì thì giữ, còn truyền được gì thì truyền, kẻo sau này lớp trẻ lại không biết đình làng là gì, không biết việc làng là gì…” - cất những cuốn sổ đã úa màu thời gian vào tủ, ông Võ Văn Hoàng, Chánh tế đình Tân Bản kêu ông từ giữ đình khóa cửa để ra về, sau khi kết thúc buổi lễ Hạ nêu đầu năm mới.
Đăng Tùng