Báo Đồng Nai điện tử
En

Vợ lính nhà giàn DK1

11:03, 08/03/2013

Những người vợ lính Trường Sa và Nhà giàn DK1 được mệnh danh là “những người can đảm”, bởi một năm có 365 ngày thì 300 ngày xa chồng đằng đẵng. Cuộc sống bộn bề bao nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” và thay chồng gánh vác việc nhà, song các chị thực sự là điểm tựa vững chắc để chồng yên tâm bám biển, canh đảo yên bình nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Những người vợ lính Trường Sa và Nhà giàn DK1 được mệnh danh là “những người can đảm”, bởi một năm có 365 ngày thì 300 ngày xa chồng đằng đẵng. Cuộc sống bộn bề bao nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” và thay chồng gánh vác việc nhà, song các chị thực sự là điểm tựa vững chắc để chồng yên tâm bám biển, canh đảo yên bình nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Chị Vũ Thị Huấn, vợ Thiếu tá Phan Thế Hưng, nguyên Chính trị viên Nhà giàn DK1, được biết đến như tấm gương mẫu mực trong nghề dạy trẻ. Những đứa trẻ lứa tuổi mẫu giáo được chị nuôi dạy đều là con đồng đội của chồng. “20 năm anh Hưng làm nhiệm vụ trên biển xa, hơn phân nửa thời gian ấy tôi nuôi con một mình. Với tôi, dạy học là niềm vui khi anh ấy xa nhà” - chị Huấn chia sẻ.

* Mẹ Huấn tận tụy

 Tôi đến nhà chị Vũ Thị Huấn ở khu tập thể A, Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân vào một chiều cuối tuần. Đã hơn 18 giờ mà những đứa trẻ vẫn chưa chịu rời chị. Có trẻ chờ cha mẹ tới đón, có trẻ không chịu về vì muốn mẹ Huấn đút cơm, cũng có trẻ cha mẹ nhờ mẹ Huấn cho ăn cơm chiều, vì tăng ca không về kịp. Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì các bé cứ xúm xít quanh chị, chị Huấn chia sẻ: “Các cháu đều là con bộ đội DK1 cả đấy. Cha các bé đi biển xa, mẹ làm công nhân, tăng ca liên tục. Nhiều khi 20 giờ mới đón về”.

Chị Vũ Thị Huấn trong giờ dạy trẻ.
Chị Vũ Thị Huấn trong giờ dạy trẻ.

“Tại sao tất cả các cháu đều gọi chị là mẹ Huấn?” - chúng tôi hỏi. “Tôi cũng chẳng biết nữa. Từ khi cha mẹ các cháu gửi tôi và “khoán” cả cho tôi việc bảo mẫu, thì các cháu gọi tôi là mẹ. Bản thân tôi cũng luôn coi các cháu như con của mình. Ông xã tôi đi nhà giàn DK1 biền biệt cả năm mới về phép, tôi hiểu hoàn cảnh của vợ lính biển khó khăn đủ bề. Tôi dạy học không những yêu nghề, mà còn làm một điều gì đó có ích giúp đỡ các gia đình quân nhân DK1. Làm nghề “gõ đầu trẻ” nhiều nhọc nhằn, nhưng cũng không thiếu niềm vui. Mỗi khi nghe tiếng trẻ bi bô gọi mẹ Huấn, tôi rất xúc động. Vợ lính nhà giàn DK1 ai cũng có một điểm chung là nuôi con một mình, xa chồng cả năm, mình giúp họ cũng như giúp bản thân mình” - chị Huấn nói.

Công việc “gõ đầu trẻ” của chị Huấn bắt đầu từ 5 giờ đến 19 giờ mỗi ngày. Khi nhiều nhà xung quanh vẫn còn yên giấc, chị đã dậy đi chợ mua tôm, thịt, rau xanh... mang về xay nhuyễn chuẩn bị bữa trưa cho các cháu. 6 giờ 30, chị đón trẻ vào nhà. Rồi chị tranh thủ làm thức ăn, chải đầu, cột tóc cho các cháu. Lấy phòng khách làm phòng học, mảnh sân trước nhà làm sân trường, 10 tấm tranh đồ họa, 10 cái ghế nhựa, chị Huấn bắt đầu dạy cho các cháu nhận biết màu sắc, cách chào cô, xưng hô với cha mẹ.

Kết thúc giờ học buổi sáng, chị Huấn bắt đầu công việc của một bảo mẫu. Sữa dành cho các cháu nhỏ, cơm trộn sẵn thức ăn, mỗi trẻ một tô cho các cháu lớn hơn. Tất cả xếp thành hàng ăn gọn gàng, sạch sẽ. Sau khi cho trẻ ăn, chị Huấn thu dọn bát đũa, lau sạch gian nhà để trẻ thức dậy có chỗ chơi. Ngày này qua ngày khác, chị Huấn như con ong chăm chỉ chăm sóc những búp măng non. Các trẻ gọi chị là mẹ Huấn vì tấm lòng tận tụy và tình thương yêu của chị. “Mỗi lần các cháu bập bẹ gọi mẹ Huấn, tôi lại thấy mình càng có trách nhiệm và tình thương nhiều hơn với các cháu” - chị Huấn tâm sự chân thành.

  Công việc của cô giáo đặc biệt này càng thêm nhiều vất vả vì các cháu ngày một đông. Biết chị Huấn nhiệt tình nuôi dạy trẻ, không chỉ con bộ đội hải quân ở Lữ đoàn 171, nhà giàn DK1, mà cả phụ huynh làm công nhân giày da, đông lạnh cũng đem con gửi chị. “Lúc nào tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ. Chồng tôi làm nhiệm vụ xa nhà, tôi hiểu những người vợ lính cũng khó khăn như tôi trước đây” - chị Huấn nói.

* Hạnh phúc nhân đôi

 Câu chuyện của cô giáo Huấn dạy trẻ là con đồng đội của chồng được bắt đầu từ năm 1998. Khi ấy, chồng chị nhận mệnh lệnh chuyển công tác từ đơn vị đóng quân ở Lạng Sơn về tăng cường cho nhà giàn DK1. Mặc dù đã có việc làm ổn định ở quê nhà, nhưng chị Huấn không thể ở nhà dạy học, trong khi anh Hưng đi biền biệt dài ngày trên biển. Chị nghĩ, nếu ở quê dạy học, một năm chỉ gặp chồng 30 ngày phép, rồi lại phải chia xa, chi bằng chấp nhận hy sinh, tạm gác nghề dạy học, theo chồng vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để động viên anh yên tâm công tác. Tình yêu của người vợ lính đã chiến thắng. Chị khăn gói bồng 2 con trai từ Vĩnh Phúc lên đường.

Không nhà cửa, không việc làm, chồng biền biệt đi xa, chị phải gửi con nhờ hàng xóm trông nhờ để đi làm công việc lột da cá bò ở cảng Hà Lộc (phường 11, TP.Vũng Tàu) kiếm 40 ngàn đồng mỗi ngày để mua gạo. Trong căn phòng trọ chưa đầy 14m2, chỉ đủ kê chiếc giường và chiếc bàn nhựa cho con học, 3 mẹ con chị sống trong thiếu thốn đủ bề. Thương con thiếu thốn, chị Huấn nuốt nước mắt vào trong.

Nhà giàn DK1, nơi những người lính biển ngày đêm trấn giữ biển trời.
Nhà giàn DK1, nơi những người lính biển ngày đêm trấn giữ biển trời.

Mỗi khi nhận được thư chồng, chị Huấn mắt nhòe đi vì thương anh ngoài khơi sóng gió. Những đêm nhớ chồng không ngủ được, chị lấy giáo án ra đọc với một mong ước nhỏ nhoi, khi có cơ hội lại tiếp tục dạy học cho trẻ. “Niềm đam mê dạy học cứ day dứt tôi và lớn dần theo ngày tháng. Nhiều bữa đi lột da cá bò về nhìn thấy cô giáo dạy chữ cho học sinh, tôi rơi nước mắt” - chị Huấn nói.

Hạnh phúc nở hoa trong tận cùng gian khó. Sau 10 năm chắt bóp, chị Huấn đã mua đất và xây căn nhà mới. Biết nhiều người có gia cảnh giống chị trước đây phải đi làm kiếm sống, trong khi con còn quá nhỏ nhà trẻ không nhận, chị đã mở lớp mẫu giáo “tư nhân”. Gọi là lớp mẫu giáo cho oai, chứ thực ra chỉ dăm đứa trẻ từ 4 tháng đến 1 năm tuổi, là con bộ đội DK1. Chị Huấn bảo: “Mình là dân lao động từ quê vào, rảnh rỗi chân tay rất khó chịu. Chi bằng trông các cháu nhỏ, phần thêm niềm vui, phần đỡ phần cô đơn khi chồng vắng nhà”.

Ngày anh Hưng đi nhà giàn DK1 trở về, cả 3 mẹ con chị đạp xe ra cầu cảng đón. Nhìn thấy chồng khỏe mạnh, chị rơi nước mắt, còn anh Hưng chỉ biết nghẹn ngào, bởi anh hiểu được tấm lòng và tình yêu của chị dành cho anh. Trong niềm vui ngày đoàn viên, chị Huấn khoe với chồng: “Em lại được làm cô giáo rồi”. Anh Hưng nhìn vào mắt chị: “Anh biết rồi, đó là hạnh phúc nhân đôi, chồng đi DK1, vợ ở nhà dạy trẻ”.

Không chỉ chị Huấn, mà nhiều người vợ lính nhà giàn DK1 cũng có chung niềm riêng, đó là chịu thương chịu khó, đảm đang thay chồng gánh vác công việc gia đình. Các chị thực sự là điểm tựa vững bền cho các anh yên tâm canh biển, giữ nhà giàn giữa ngàn khơi.

Mai Thắng

 

 

 

 

Tin xem nhiều