Báo Đồng Nai điện tử
En

Trộm lá buông rừng

09:03, 05/03/2013

Trời mới tờ mờ sáng, hai chị Cẩm Ly và Bích Liên (ngụ ấp Suối Đục, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) đã xăm xoi dưới những tán rừng thuộc Phân trường Gia Phu (Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc quản lý) để chặt những chồi lá buông (lá kè) mang về bán.

Trời mới tờ mờ sáng, hai chị Cẩm Ly và Bích Liên (ngụ ấp Suối Đục, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) đã xăm xoi dưới những tán rừng thuộc Phân trường Gia Phu (Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc quản lý) để chặt những chồi lá buông (lá kè) mang về bán.

* Trộm lá rừng

Anh Hai Lớn (ấp Suối Đục, xã Xuân Tâm) hối thúc chúng tôi mau thay đồ để cùng anh vào rừng hái lá buông khi trời chưa kịp sáng. Khoác vội bộ đồ lao động rộng thùng thình, cùng chiếc mũ che ngang mí mắt và đôi giày ba-ta cũ rích, chúng tôi mau mắn hóa thân thành người đi chặt lá buông (máy ảnh nhét trong túi quần), tháp tùng anh Hai Lớn vào sâu trong Tiểu khu 158, 159 Phân trường Gia Phu. Từ kinh nghiệm của người đi rừng, anh Hai Lớn dặn dò chúng tôi như dặn trẻ khi đến nhà người lạ chơi: “Các chú phải bám sau lưng tui mà đi, gặp người lạ không được hỏi lung tung, cứ bắt chước tui mà làm. Cứ đóng giả người theo tui tập tành hái lá buông để mưu sinh thì ổn”.

Cây buông chỉ chết sau khi ra trái.
Cây buông chỉ chết sau khi ra trái.

Trong tờ mờ sương sớm, anh Hai Lớn dẫn chúng tôi vào sâu trong rừng. Phát hiện tiếng xột xoạt trước mặt, ngỡ là cán bộ bảo vệ rừng đi tuần, chúng tôi vội núp mình trong bụi cây buông. Anh Hai Lớn nhìn thấy cười và giải thích: “Người đi hái lá buông đó, không phải voi hay cán bộ bảo vệ rừng đâu. Các chú cứ thẳng tiến lại gần hỏi chuyện, đừng ngại gì cả”.

Anh Hai Lớn cho biết, mấy chục năm ở rừng, anh và đồng bào dân tộc thiểu số ở đây chưa nhìn thấy hạt buông nảy mầm. Chúng mọc lên tự nhiên và bí mật đến lạ kỳ, không ai nhìn thấy, nhưng đã thành cây thì sống dai dẳng, khó phá. Cây buông thường chỉ chết khi nó trổ hoa, ra trái. Trái buông được đồng bào dân tộc ở đây hái về, đập giập làm thuốc sát cá nơi sông, suối.

Được anh Hai Lớn chỉ lối, chúng tôi mạnh dạn vén gai rừng tiến về phía trước và bắt gặp hai người phụ nữ mặt bịt kín, chỉ chừa hai con mắt nhìn đường, miệng thì không ngớt tán chuyện. Một chị lớn tuổi cho biết, chị vừa rẽ phía Đông nhằm tránh nhóm người đi trộm lá buông phía Tây, thì lại gặp chúng tôi. Chị xởi lởi bày tỏ, thôi thì của rừng mọi người đành nhường nhau mà nhặt lượm kiếm cơm, chứ mãi tranh cạnh nhau thu lá… coi chừng bị bảo vệ rừng phát hiện giữ xe, xử phạt hành chính. “Làm cho lắm ngày cũng chỉ được 1 tạ buông tươi, phơi khô chỉ còn 20kg, sau đó phải lén lút chở ra ngoài quốc lộ bán với giá 2 ngàn đồng/kg” - chị lớn tuổi khẽ nói qua chiếc khăn che kín mặt.

Trong khi đó, chị ít tuổi hơn (chúng tôi nhận qua tiếng nói) thì thở dài, nhưng tay không quên kéo ngọn lá buông bên cạnh, vung dao chém mạnh một nhát đứt gọn, rồi nói: “Tui nhìn là biết mấy chú không phải dân hái trộm lá buông và cũng chẳng phải cán bộ bảo vệ rừng. Mấy chú là ai nói thiệt đi, để tụi tui còn lo làm ăn”.

* Sợ…, nhưng vẫn vào rừng

Tuy bị chị ít tuổi phát hiện là “kẻ lạ”, chúng tôi vẫn giả vờ chối và bảo là bà con của anh Hai Lớn, mới tập tành theo nghề. Chị ít tuổi nghe vậy liền gạt phắt: “Mấy chú đừng qua mặt tụi này, nhà báo hả. Bà con của Hai Lớn tụi này biết rõ cả. Nói thật với mấy chú, tui chỉ sợ cán bộ quản lý rừng bắt phạt thôi. Hơn nữa, tụi tui chỉ trộm lá buông nơi rừng trồng. Còn buông nơi rừng cấm khai thác thì không lui tới”.

Dù chị ít tuổi đáo để, nhưng chúng tôi vẫn tin lời chị, khi tận mắt nhìn thấy buông không chỉ mọc ở khu rừng cấm, mà mọc khắp nơi trong vườn rẫy, mỗi bụi buông đều nhú lên những đoản lá dài như thanh kiếm.

Người dân khai thác lá buông mưu sinh và làm nhà.
Người dân khai thác lá buông mưu sinh và làm nhà.

Tỉ tê chuyện trò với hai phụ nữ trộm lá buông, cuối cùng chúng tôi cũng biết được chị lớn tuổi hơn có tên Cẩm Ly, còn chị ít tuổi có tên Bích Liên. Cả hai chị đều gắn bó lâu năm với những cánh rừng Suối Đục, nơi cây buông bạt ngàn che phủ kín lối đi khi chưa bị người ta đốn hạ để chiếm đất trồng trọt, hoặc phá bớt để trồng rừng. Chị Cẩm Ly thổ lộ, những năm về trước, người được giao đất trồng, bảo vệ rừng được Ban quản lý rừng cấp phép khai thác lá buông và nộp thuế lâm nghiệp hẳn hoi. Từ khi dân trộm buông từ bên ngoài vào trộm lá và khai thác vô tội vạ, Ban quản lý rừng không cấp phép nữa và cấm hẳn việc khai thác để bảo vệ buông. Bị cấm khai thác lá buông đồng nghĩa với nguồn thu nhập ít ỏi của họ không còn, nên phát sinh nạn trộm lá. “Tụi tui chỉ dám khai thác lá xung quanh vườn rẫy của mình và các hộ khác, hoặc vào nơi rừng trồng để trộm lá. Các hộ dân ở Suối Đục không hề dám bén mảng đến các khu rừng cấm, rừng nguyên sinh như dân ở nơi khác” - chị Bích Liên phân bua.

Để cho hai người phụ nữ “kiếm cơm” đúng với tâm trạng của họ, chúng tôi tiếp tục theo anh Hai Lớn đi sâu vào trong rừng và chỉ thấy vài người đang lang thang trong rừng tìm lá buông mưu sinh. Thấy chúng tôi thắc mắc, anh Hai Lớn thêm lần nữa tỏ vẻ dân sống trong rừng và rất hiểu rừng, lý giải: “Đi rừng mà kéo đoàn để cho bảo vệ rừng phát hiện sao. Hơn nữa, phải phân tán từng nhóm lẻ, tỏa đi khắp để tìm lá buông mới có chứ. Còn đường ra rừng thì có rất nhiều ngõ ra. Trời chạng vạng, bảo vệ rừng lơ là, mọi người mới đèo lá sau yên xe và phóng chạy đi khắp hướng” - anh Hai Lớn nhỏ to thủ thỉ, rồi anh tiếp tục dẫn chúng tôi đi sâu vào Tiểu khu 158, 159...

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Khánh Tài, Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, cho rằng: “Ban quản lý rừng chỉ cấm dân khai thác lá buông trong phạm vi diện tích trên 40 hécta rừng để bảo tồn loài cây buông theo đề án bảo vệ tính đa dạng sinh học của đất rừng. Còn cây buông mọc xen kẽ trong rừng trồng, đơn vị chỉ khuyến khích người dân bảo tồn, chứ không ngăn cấm việc khai thác vì mục đích dân sinh. Lượng lá buông mà dân tận thu tại rừng trồng do đơn vị giao khoán cho họ không nhiều. Phần lớn lá buông mà các hộ dân trên địa bàn huyện Xuân Lộc sử dụng cho nghề thủ công mỹ nghệ được khai thác ở tỉnh Bình Thuận, các tỉnh khác và ở Campuchia”.

Càng đi sâu vào rừng, lá buông xòe tán, vươn bẹ cùng dây leo giăng kín lối, che kín đầu và chúng tôi gặp vợ chồng anh Lâm Kim đang lục đục gom lá buông đi giấu. Vợ chồng anh nhìn chúng tôi bằng ánh mắt lấm lét đề phòng. “Hồi sáng tới giờ, vợ chồng tui chỉ chặt được vài chục tàu lá thôi. Nhà rách nát, trong tết thì bận lo kiếm cơm nên không chặt lá về sửa được. Sáng nay, vợ chồng tui mới vào rừng lần đầu tiên để chặt ít lá về lợp nhà, chứ không phải đem bán” - anh Lâm Kim nói, dù chúng tôi chưa hỏi anh hái lá buông làm gì.

Nghe anh Lâm Kim phân trần, anh Hai Lớn nhìn chúng tôi tủm tỉm cười. Vì là dân sống ở rừng, anh Hai Lớn thấu hiểu vì sao lá buông bị cấm khai thác từ rất lâu, mà người dân vẫn lén lút vào rừng trộm lá. Thực tế, người ngay hay kẻ gian đều núp sau sự mưu sinh để lén lút vào rừng chặt lá buông về bán. Đáng nói, có nhiều người mượn lý do cuộc sống khó khăn để che giấu bóng dáng dân khai thác lá buông chuyên nghiệp...

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều