Thời tiết nắng hạn trên diện rộng và kéo dài thời gian gần đây đã làm cho các khe suối, giếng nước của người dân xã Phú An (huyện Tân Phú) thêm khô khốc. Để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt, chính quyền xã đã vận động người dân, nhà chùa san sẻ cho nhau từng giọt nước để ăn uống, tắm giặt…
Thời tiết nắng hạn trên diện rộng và kéo dài thời gian gần đây đã làm cho các khe suối, giếng nước của người dân xã Phú An (huyện Tân Phú) thêm khô khốc. Để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt, chính quyền xã đã vận động người dân, nhà chùa san sẻ cho nhau từng giọt nước để ăn uống, tắm giặt…
* Không để dân khát
Ông K’Tiếu, Trưởng khu định canh định cư (ĐCĐC) của các dân tộc Chơro, Khmer... ở ấp 2, xã Phú An, chỉ tay về đồi Bằng Lăng và nói: “Hiện tại, dòng suối nơi đây đã khô đáy. Để có nước tắm giặt, dân làng mình phải rủ nhau khoét một lỗ sâu tìm nước, nhưng cũng chẳng tích được bao nhiêu. Thiếu nước, nên hàng chục hộ dân phải đến chùa Vĩnh Giác của sư Thích Nguyên Trung gần đây chở nước về sinh hoạt. Mỗi hộ dân được chính quyền xã cấp 2 chiếc can loại 20 lít để làm phương tiện chở nước về nhà dùng”.
Kéo nước sạch về cho dân sử dụng. |
Sư Thích Nguyên Trung bộc bạch, nguồn nước giếng khoan của chùa không dư giả, nhưng trước cảnh thiếu nước của người dân nơi đây, sư Thích Nguyên Trung đã bơm nước vào bồn chứa, tạo đường ống dẫn đến điểm cố định trước cổng chùa để cho dân địa phương sử dụng. “Mấy năm trước, nhà chùa cấp nước miễn phí cho bà con. Năm nay, nhà chùa được địa phương chung sức bằng cách hỗ trợ tiền điện, nên mọi người ai cũng hoan hỉ” - sư Thích Nguyên Trung tâm sự.
Sau khi nhặt điều ở ngoài rẫy về, K’Lạch cùng với dân làng mình lấy xe đạp ra cổng chùa Vĩnh Giác thồ nước về nhà sử dụng. K’Lạch cười tủm tỉm khoe: “Đây là “nước tình, nước nghĩa”, nên bà con mình sử dụng rất tiết kiệm, chỉ dùng vào việc ăn uống. Còn việc tắm, giặt…, bà con mình phải chịu khó ra suối thôi”. Còn K’Xẻo thì chân trần, tay dắt chiếc xe tà tà thả dốc về chùa lấy nước. K’Xẻo nói: “Hiện giờ, nước không còn được xài thoải mái như tháng mưa. Tuy vậy, dân làng mình cũng quý tấm lòng của nhà sư và cán bộ xã, đã biết chia sẻ giọt nước hiếm hoi cho dân làng lúc nắng hạn”.
Bà Nguyễn Thị Lý, Phó chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết, do khu ĐCĐC của 11 hộ dân tại ấp 2 là khu vực đá bàn, nên việc khoan giếng tìm nguồn nước rất tốn kém. “Hiện chúng tôi đã có dự án khoan giếng cho người dân nơi đây, nhưng do chưa được cấp vốn nên chưa triển khai được. Chính vì vậy, đến mùa nắng hạn, địa phương phải trích ngân sách lo nước sinh hoạt cho bà con vùng thiếu nước” - bà Lý nói.
Không chỉ hàng chục hộ dân tại khu ĐCĐC ấp 2 được chia sẻ nguồn nước sinh hoạt, 15 hộ người dân tộc thiểu số khác tại khu ĐCĐC ấp 6, xã Phú An và rất nhiều hộ sống riêng lẻ khác cũng được chính quyền địa phương vận động những hộ có giếng nước chia sẻ nguồn nước trong mùa khô hạn này.
Bà Nguyễn Thị Lý cho biết, tại ấp 6, chính quyền địa phương đã hỗ trợ hộ ông Nguyễn Văn Dũng Em tiền điện để ông bơm nước trữ vào bể. Từ đây, bà con thiếu nước sinh hoạt có thể dễ dàng lấy nước đem về dùng. “Mỗi năm, UBND xã trích ngân sách trên 120 triệu đồng cho việc thuê tư nhân chở nước sạch cung cấp cho bà con và hỗ trợ các nhà có giếng khoan tiền điện khi họ bơm nước từ giếng nhà lên cho các hộ dân khác dùng” - bà Lý nói.
* Giải pháp lâu dài
Trước nạn hạn hán kéo dài làm thiếu nguồn nước sinh hoạt cục bộ nhiều nơi, chính quyền xã Phú An đã triển khai nhiều giải pháp căn cơ, như: hợp đồng với tư nhân chở nước đến cung cấp cho từng hộ dân, quy hoạch hệ thống cấp nước sạch…
Phó chủ tịch UBND xã Phú An Nguyễn Văn Thắng cho hay, hiện xã đã được tỉnh, huyện đầu tư một hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung tại trung tâm xã với kinh phí trên 4,8 tỷ đồng, công suất 480m3/ngày đêm và hệ thống đường ống dẫn nước dọc theo trục đường chính dài 10km, cung cấp cho khoảng 4,6 ngàn dân. Năm 2008, công trình được bàn giao và đưa vào vận hành. Tuy vậy, chỉ có gần 100 hộ đăng ký sử dụng nguồn nước sạch từ dự án này. “Đến nay, 3 máy bơm của dự án đã bị hư hỏng, đường ống dẫn nước bị lực lượng thi công xây dựng công trình đường 600A làm hư hỏng” - ông Thắng nói.
Chính quyền xã Phú An mong muốn nhân dân đồng thuận khởi động lại các dự án cấp nước sạch. |
Ngoài dự án cấp nước trên, xã Phú An cũng đã hoàn thành dự án cấp nước sạch cho các hộ dân tộc thiểu số người Thái ở ấp 6 với kinh phí xây dựng trên 1,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án vẫn không được đưa vào khai thác, vì người dân chỉ cần nguồn nước này khi thời tiết bị hạn hán. Còn những tháng mưa, hoặc giếng nhà đủ nước, họ vẫn thích sử dụng nước giếng đào cho tiết kiệm. “Công trình sau khi nghiệm thu đưa vào sử dụng với mục đích cung cấp nước cho khoảng 20 hộ dân tộc người Thái và một số hộ dân sống trong khu vục lân cận. Nhưng do người dân không có tiền đầu tư thêm đường ống dẫn từ đường chính về tận nhà, nên nhiều hộ dân đã không có nước xài” - ông Lương Văn Duyến, một người dân ấp 6, cho biết.
Ông Nguyễn Duy Thanh, cán bộ tôn giáo dân tộc xã Phú An cho rằng, thời gian qua, chính quyền xã đã làm mọi cách để không xảy ra tình trạng người dân thiếu nước sạch sinh hoạt, hoặc mua nước sinh hoạt với giá cao trong những tháng nắng hạn. Tuy vậy, muốn có nước sạch sử dụng ổn định trong cả năm, người dân phải có trách nhiệm với chính mình, đồng hành với địa phương khởi động lại các dự án cấp nước sạch. |
Qua trao đổi với chính quyền xã Phú An, chúng tôi được biết, khi người dân thiếu nguồn nước sinh hoạt thì được chính quyền đề xuất cấp trên đầu tư công trình nước sạch. Nhưng khi công trình đưa vào vận hành, thì người dân lại không hồ hởi đón nhận, vì còn chờ Nhà nước tiếp tục kéo đường ống nước về đến tận nhà, hoặc không muốn trả phí khi dùng nước từ dự án.
“Để các công trình, dự án của Nhà nước đầu tư không gây lãng phí và giải quyết dứt điểm nạn thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa nắng hạn, việc khởi động lại các dự án cấp nước trên là điều nên làm và phải làm” - ông Thắng bày tỏ.
Còn bà Nguyễn Thị Lý, Phó chủ tịch UBND xã không giấu nỗi lòng: “Việc chính quyền xã đứng ra kêu gọi người dân chia sẻ nguồn nước sinh hoạt vào những tháng nắng hạn chỉ là giải pháp tình thế. Giải pháp căn cơ và lâu dài là phải nhanh chóng đưa vào vận hành các dự án cấp nước sạch sinh hoạt đã được đầu tư và đầu tư thêm các giếng khoan cấp nước tập trung cho đồng bào dân tộc ở các ấp 2, 4”...
Đoàn Phú