Nhiều năm trước, để lấy đất rừng sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân ở ấp 9, xã Gia Canh (huyện Định Quán) đã hủy hoại rừng trồng giá tỵ (do Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tân Phú quản lý). Trước phản ảnh của báo chí và sự kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng, tình trạng này đã tạm lắng. Nhưng chỉ yên ổn được vài năm, rừng giá tỵ nay lại bị hủy hoại...
Nhiều năm trước, để lấy đất rừng sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân ở ấp 9, xã Gia Canh (huyện Định Quán) đã hủy hoại rừng trồng giá tỵ (do Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tân Phú quản lý). Trước phản ảnh của báo chí và sự kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng, tình trạng này đã tạm lắng. Nhưng chỉ yên ổn được vài năm, rừng giá tỵ nay lại bị hủy hoại...
Những kẻ phá rừng đã dùng dao băm chặt vỏ dưới gốc cây (còn gọi là ken gốc), đổ hóa chất diệt cỏ dạng đậm đặc vào và lấp đất lên che giấu. Theo thời gian, trước tác động của hóa chất, trên 20 ngàn cây giá tỵ cao 20-30m tại các Tiểu khu 83, 84 (thuộc Phân trường 2, Lâm trường Tân Phú) bị mất nước và chết khô. Việc phá hoại rừng không chỉ dừng lại ở Tiểu khu 83 và 84, mà hiện đã lan sang Tiểu khu 81.
* Tái diễn trở lại
Theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 28-2, tại khoảnh 1 và 4 của Tiểu khu 81 (thuộc Phân trường 1, xã Gia Canh, huyện Định Quán), 143 cây giá tỵ bị chết khô nằm trên đất rẫy của 3 hộ: Ngô Văn Thập, Trần Sơn, Ngô Văn Tuynh. Tại đây, cảnh tượng hiện ra trước mắt chúng tôi là hàng trăm gốc giá tỵ hơn 20 năm tuổi đang chết đứng.
Ông Hà Duy Kiềng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú chỉ gốc cây đã bị ken và đổ hóa chất. |
Dưới mỗi gốc cây, những vết băm chặt để đổ hóa chất vẫn còn nguyên, thậm chí hàng chục gốc cây còn bị cưa máy của người dân cưa hạ. Xen lẫn những cây rừng chết khô đã lâu, thân cây tuột hết lớp vỏ bên ngoài, là những cây giá tỵ đang héo úa, lá rụng dần. “Đây là phần diện tích do anh trai tôi nhường lại. Tôi nhận chăm sóc và canh tác hơn 10 năm nay. Dù mỗi ngày vẫn vào đây, nhưng tôi không biết cây nào bị chết” - ông Ngô Văn Thập, người có diện tích cây chết tại khoảnh 1 của Phân trường 1, tỉnh bơ cho biết.
Thực tế diễn ra tại khu vực này cho thấy, hành vi ken gốc triệt hạ cây rừng chưa có dấu hiệu dừng lại, khi mà gần như những khu rừng giá tỵ đều nằm cạnh nhà ở, đất rẫy của những hộ dân đang canh tác nông nghiệp. Số cây giá tỵ bị chết đều nằm trên diện tích mà cây điều đang trong thời kỳ thu hoạch. Hiện nay, khi rừng giá tỵ đã cao lớn, gây ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng, phát triển của cây điều, một số người dân đã tìm cách loại bỏ dần cây rừng để tạo điều kiện cho điều phát triển.
Với thủ đoạn lợi dụng vào mùa khô, cây giá tỵ bắt đầu trụi lá, những kẻ phá hoại rừng đã ken gốc rồi đổ hóa chất diệt cỏ vào. Do cây mất nguồn nước cung cấp từ gốc, cộng với sự tàn phá của hóa chất, hàng loạt cây giá tỵ cao trên 20m dần rụng lá rồi đứng chết khô giữa rừng. Cứ như thế, những vạt rừng trồng lần lượt bị giết chết. Điều đó không chỉ gây thiệt hại về tiền của Nhà nước, công sức của nhiều người đã trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, mà môi trường sống còn bị đe dọa, hủy hoại.
Tại khu rẫy của ông Thập chăm sóc, ngoài 80 gốc cây giá tỵ đã bị chết, chúng tôi còn thấy hàng chục gốc giá tỵ khác đã bị mục nát, trơ lên những thớ gỗ xù xì. Điều này cho thấy, tình trạng phá rừng không phải mới diễn ra vài tháng, mà thực tế cây giá tỵ đã bị loại bỏ dần từ rất lâu. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít cây còn sót lại và nhìn thấy bằng mắt thường, còn số lượng cây đã bị người dân cưa trộm, lấy đi còn gấp nhiều lần.
* Quản lý rừng lỏng lẻo?
Trước thực trạng hủy hoại rừng giá tỵ đang có dấu hiệu tái diễn, BQL rừng phòng hộ Tân Phú đã báo cáo đến cơ quan chức năng của huyện Định Quán để cùng phối hợp điều tra, xử lý nhằm ngăn chặn các hành vi hủy hoại rừng tiếp theo.
Ngày 28-2, các cơ quan chức năng cho biết, số cây giá tỵ bị chết nằm trên diện tích rừng do ông Ngô Văn Thập nhận chăm sóc nhiều nhất, nhưng đến nay, sự việc vẫn khó giải quyết vì chưa bắt được quả tang đối tượng nào gây ra. Tuy nhiên, để bảo vệ số cây giá tỵ còn lại, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn của các ngành chức năng.
Có một điểm đáng chú ý, việc nhân viên ở Trạm Kiểm lâm Bằng Lăng (thuộc BQL rừng phòng hộ Tân Phú) cách khu vực rừng bị phá khoảng 500m, nhưng không phát hiện được cây rừng bị chết bất thường là điều khó hiểu. Trong khi để 143 cây giá tỵ chết, tính từ thời điểm người dân ken gốc, đổ thuốc, cây ngấm thuốc phải hơn 2 tháng. Thêm vào đó, hiện trường để lại khu vực này cho thấy, có rất nhiều gốc cây bị cưa ngang gốc. Nghĩa là, phải có người đem cưa vào rừng hạ cây. Chưa kể khi cưa, với vị trí cách trạm không xa, việc cưa trộm sẽ phát ra tiếng ồn.
Trả lời vấn đề này, ông Vũ Đình Như, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bằng Lăng, lý giải: “Đơn vị của chúng tôi có 5 người, nhưng mới đây một đồng chí đã đi học, nên để quản lý hơn 1 ngàn hécta rừng trồng cho Tiểu khu 81 và 81A là rất khó. Dù lực lượng mỏng, anh em vẫn động viên nhau đi tuần tra thường xuyên. Nhưng không thể nào cơm đùm, gạo gói tới những vùng rừng đó túc trực canh giữ ngày, đêm”.
Cơ quan chức năng đang khám nghiệm hiện trường. |
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán, cho biết: “Dù Tiểu khu 81 thuộc sự quản lý của BQL rừng phòng hộ Tân Phú, nhưng chúng tôi vẫn cắt cử người theo dõi tại khu vực này. Có một điểm khó là, dù cây chết ngay trên diện tích người dân chăm sóc, nhưng khi hỏi đến họ đều nói không biết. Đến lúc cơ quan chức năng vào làm việc thì không có chứng cứ, không bắt được quả tang đối tượng nào”.
Trước đây, tình trạng người dân ở ấp 9, xã Gia Canh vì muốn lấy đất sản xuất nông nghiệp đã hủy hoại hàng chục ngàn cây giá tỵ, dù các cơ quan chức năng của huyện và BQL rừng phòng hộ Tân Phú có nhiều biện pháp để bảo vệ, nhưng việc rừng bị hủy hoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Vấn đề này cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề cho những người làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng…, liệu việc quản lý còn quá lỏng lẻo?
Theo ông Hà Duy Kiềng, Trưởng phòng Kỹ thuật, BQL rừng phòng hộ Tân Phú: “Việc theo dõi, bắt quả tang và xử lý nghiêm trước pháp luật những hành vi hủy hoại rừng chỉ mới giải quyết phần ngọn của vụ việc. Bởi, hiện còn rất nhiều diện tích người dân tự ý trồng cây nông nghiệp vào phần đất rừng. Khi bị xử lý, một số người tìm cách hủy hoại hàng loạt cây giá tỵ như một sự trả đũa với cơ quan chức năng. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng để kiểm soát, tuần tra tại khu vực này. Quân số kiểm tra có thể lên đến hàng chục người, để sự việc đáng tiếc như trên không xảy ra nữa”.
Võ Nguyên