Những người buôn bán thâm niên nhất ở “phố lạc-xoong” phụ tùng ô tô cũng không nhớ phố nghề này có từ bao giờ. Nhưng theo thời gian, nghề này đã thu hút nhiều người, kinh doanh nhiều chủng hàng lớn nhỏ khác nhau, nên trở thành “phố lạc-xoong” mua bán phụ tùng ô tô.
Những người buôn bán thâm niên nhất ở “phố lạc-xoong” phụ tùng ô tô cũng không nhớ phố nghề này có từ bao giờ. Nhưng theo thời gian, nghề này đã thu hút nhiều người, kinh doanh nhiều chủng hàng lớn nhỏ khác nhau, nên trở thành “phố lạc-xoong” mua bán phụ tùng ô tô.
Hầu hết hàng ở đây đều đã qua sử dụng, nhưng vẫn còn công dụng, với mức giá cả chênh lệch tùy theo nhu cầu của người dùng.
* “Cũ người mới ta”
“Phố lạc-xoong” bán phụ tùng ô tô nằm dọc quốc lộ 1, từ cầu Suối Linh đến gần chợ Sặt (TP.Biên Hòa), bắt đầu hình thành từ sau ngày đất nước thống nhất và có nhiều cửa tiệm đã tồn tại qua mấy thế hệ, thay mấy đời chủ. Theo ông Lý Đông, chủ cửa tiệm Đông Hùng, hầu hết phụ tùng ô tô buôn bán ở đây đều đã qua sử dụng, hoặc phế liệu..., được chủ cũ bán đi vì không còn sử dụng. Tuy nhiên, những món hàng này đều được bán rất chạy, vì nó vô dụng với người này, nhưng lại có ích với người kia.
“Kỹ sư“ máy “secondhand.” |
Phụ tùng ô tô có đủ loại, từ cầu xe, hộp số, cần gạt thắng, đến những bu-loong, con vít nhỏ… Chúng được “rã thịt” từ các bộ phận, máy móc ô tô đã qua các đời, nhưng hiện vẫn đang lưu hành. Vậy nên, giá cả phụ tùng ở đây giá rẻ bộn phần, nhưng chất lượng sẽ không hoàn hảo như ban đầu. “Khách mua hàng lạc-xoong ô tô là những người trong nghề với nhau cả thôi. Lúc mới tìm “hàng”, họ dạo một vòng xong nhận thấy món nào cần thiết thì hỏi mua. Nếu trở thành khách quen, có thể để lại số điện thoại cho chúng tôi, khi nào có hàng tốt thì điện lại báo. Có rất nhiều thứ lặt vặt không thể tìm thấy ở đâu khác ngoài ở đây, vì chúng tôi chuyên bán phụ tùng phục chế ô tô cũ mà” - ông Đông giải thích.
Tại phố lạc-xoong ô tô, nhiều thứ tưởng đã quá cũ, bị “cày nát”, nhưng khi qua bàn tay của người thợ làm nghề mua đi bán lại thì vẫn còn sử dụng được. Khách hàng chủ yếu trong tỉnh, cánh tài xế chạy xe tải ben, xe hàng, xe cuốc đều đến đây tìm những món hàng ưng ý. Đôi khi, các cửa tiệm ở đây còn cung cấp cho khách vãng lai Bắc - Nam.
Bằng con mắt của những người trong nghề, dù đã phủ một lớp dầu nhớt, mỡ bò đặc quánh, hay bị bóp méo hình dạng, họ vẫn biết hàng còn sử dụng hay dành để bán phế liệu. “Ví dụ như cái cầu xe sau, trên nhãn ghi 38/40, có nghĩa là 38 răng, đường kính 40cm. Nó giống như cái bát ăn cơm vậy, thấy tròn trịa không bị sứt mẻ là xài được. Đa phần người mua chọn cách tìm nguyên liệu thay thế phù hợp với cái bị hư. Giá cả rẻ bằng ½ cái mới” - ông Lâm (61 tuổi), chủ một cửa tiệm bán phụ tùng ô tô cũ nằm sát cầu Suối Linh cho biết.
Ngày nay, do nhu cầu tăng mạnh nên quy mô các cửa tiệm mở lớn hơn hẳn, phụ tùng bán cho khách hàng được nhập về chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Nga (Liên Xô cũ)... Mà cũng nhờ vậy, nghề này đã được nâng lên thành những cửa tiệm mua bán phụ tùng ô tô, ai muốn kinh doanh đều phải đóng thuế môn bài. “Trước kia, khi chưa có vòng xoay Tam Hiệp, thủ phủ của “phố lạc-xoong” phụ tùng ô tô nằm ở đó. Theo thời gian, nghề này thu hút nhiều người làm, với đủ chủng hàng lớn nhỏ khác nhau nên kéo về đây và trở thành “phố lạc-xoong” mua bán phụ tùng ô tô lúc nào chẳng hay” - ông Lâm kể thêm.
Ông Lâm đã gắn bó hơn 20 năm với nghề này. Dù cửa tiệm của ông đã qua nhiều đời chủ, nhưng một quy tắc bất di bất dịch của người trong nghề là không ai tiết lộ với nhau giá cả, số lượng, chất lượng và nguồn gốc mỗi loại hàng. Bởi với họ, làm ăn phải có sự cạnh tranh, ai cũng muốn giữ mối làm ăn mới có thể trụ lại với nghề.
* Lấm lem với nghề
Tiếng động cơ nổ ồn ào, tiếng máy rã từng bộ phận của chiếc ô tô cũ vang lên khiến không khí tại “phố lạc-xoong” như một công trình làm việc đầy khí thế dịp đầu năm. Để “lên đời” từng bộ phận của con xe cũ phải cần đến những người thợ chuyên sửa chữa, lắp rắp. Nhìn họ tỉ mỉ lau chùi vết dầu nhớt, mỡ bò đặc quánh, dính chặt trong hộp số của chiếc xe ô tô tải 30 tấn, chúng tôi thật sự ngạc nhiên vì tình yêu nghề của mỗi người.
Sau khi lau chùi xong, họ có thể dùng búa, máy rã để tách từng bộ phận của “con hàng”, rồi cẩn thận xếp từng chi tiết vào bên trong. Tuy nhiên, tất cả mọi công đoạn đều dựa trên sức lực và trí óc vô hạn của con người. Có thể gọi họ là những kỹ sư máy “second hand”, vì muốn làm nghề này phải có sự am hiểu thật kỹ, cũng như sự khôn ngoan, minh mẫn với từng bộ phận của chiếc xe.
Vất vả khi vận chuyển từng khối hàng. |
Ông Khang (58 tuổi), một người làm nghề lượm lặt từng chi tiết nhỏ nhặt của một bộ phận động cơ xe, kiêm luôn vận chuyển có tiếng ở đây cho biết, với thâm niên gần 40 năm trong nghề, không có thứ gì chưa qua bàn tay của ông. Tất cả đều được kiểm định, lắp ghép kỹ càng mới có thể xuất “lò”. “Tôi đến với nghề từ lúc chưa có những cửa tiệm đàng hoàng như thế này đâu. Dù cái nghề không được coi sạch sẽ, suốt ngày làm bạn với sắt, thép, bu-loong, ốc vít, dầu nhớt xe, nhưng cũng có cái thú vị là mình tìm được niềm vui ở nó. Công việc rèn cho mình cái tính kiên nhẫn, cẩn thận” - ông Khang tâm sự.
“Thợ như bàn tay, ngón ngắn ngón dài, người giỏi cái này, người giỏi cái kia. Những cửa tiệm làm ăn phát đạt không chỉ có nguồn hàng dồi dào, chất lượng tốt, mà ở đó còn có những người thợ hết lòng vì công việc” - Nguyễn Văn Đung (25 tuổi), thợ sửa phụ tùng ô tô của cửa tiệm Kim Phát cho biết.
Vào nghề chưa lâu, nhưng sự yêu thích, đam mê máy móc khiến Đung gắn bó lâu dài với nó. “Tôi đã có cơ hội được học nhiều nghề, nhưng đúng là chỉ có duyên với nghề lắp ráp, sơn sửa phụ tùng ô tô. Đã xác định là nghề của mình, thì phải thực sự yêu nó. Mình có yêu nghề, thì nghề mới cho mình nhiều thứ” - Đung nói.
Lân la trò chuyện với những người thợ sửa chữa, thay thế từng món đồ xe ô tô và quan sát họ làm việc, tất cả rất chịu khó, ai nấy đều kiên trì, tỉ mỉ để phục hồi những thứ kẻ bỏ đi, người lấy lại. Quần áo họ từ đầu đến chân bị lấm lem dầu nhớt và những giọt mồ hôi thấm ướt toàn thân. Ðôi bàn tay sần sùi, thô ráp, nhưng cơ bắp luôn cuồn cuộn nhấc từng vành xe, bộ giảm xốc… Họ là những kỹ sư chuyên đi tái chế lại từng món phụ tùng ô tô bằng sức lực và trí óc để phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Thanh Hải