Lần đầu tiên được thỏa sức tham quan các mô hình trồng rau, củ, quả của Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (tại ấp 2, xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ; trực thuộc Sở Khoa học - công nghệ) tại “Ngày hội ruộng đồng”, các “Hai lúa” liên tục tặc lưỡi, tỏ vẻ thán phục các nhà khoa học và tự rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm canh tác bổ ích.
Lần đầu tiên được thỏa sức tham quan các mô hình trồng rau, củ, quả của Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (tại ấp 2, xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ; trực thuộc Sở Khoa học - công nghệ) tại “Ngày hội ruộng đồng”, các “Hai lúa” liên tục tặc lưỡi, tỏ vẻ thán phục các nhà khoa học và tự rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm canh tác bổ ích.
* Củ, trái… bự ghê!
Tuy là dân trồng hàng bông (rau, củ, quả) có tiếng vùng Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), nhưng khi có mặt tại “Ngày hội ruộng đồng”, ông Phạm Văn Linh (Tổ hợp tác rau, củ, quả xã Xuân Bắc) chẳng dám nói nhiều về kinh nghiệm của mình, mà liên tục tìm gặp chuyên gia của Công ty TNHH Việt Nông để tìm hiểu kỹ về quy trình trồng bí, bầu, ớt, cà, dưa… giống mới và cách bón phân, phun thuốc, kỹ thuật tạo mái che, lập giàn. Kỹ sư trẻ Trần Quốc Bền cho biết, anh khá bất ngờ và thích thú trước những câu hỏi của ông Linh và các nông dân khác đưa ra khi tham quan mô hình thử nghiệm giống của công ty. “Nông dân đến đây đều có con mắt nhà nghề, họ không hỏi như những người “ngoại đạo”. Câu hỏi của họ xoáy trọng tâm về các loại giống, quy trình trồng liệu có phù hợp với vùng đất họ đang canh tác và giá trị kinh tế của nó hơn mấy phần so với những giống mà họ đang trồng” - kỹ sư Bền tâm sự.
Nông dân hồ hởi tham quan các mô hình giống mới tại “Ngày hội ruộng đồng”. |
Nhìn vào tờ rơi hướng dẫn quy trình trồng bầu lai F1 (Vino 036 và 246) với chi chít những con số và câu chữ, nông dân Nguyễn Thanh (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) vẫn chưa hài lòng. Nông dân Thanh hỏi nữ kỹ sư trẻ Tô Thị Lan Phượng: “Tôi có thể làm y chang như tài liệu các anh chị hướng dẫn. Tuy nhiên, điều tôi thắc mắc là làm sao kéo dài thời gian thu hoạch, trái phải đều nhau khi đến ngày thu và cỡ trái bao nhiêu là cắt để vừa lòng… những bà nội trợ?”. Trước câu hỏi khó của nông dân Thanh, nữ kỹ sư Phượng nở nụ cười đáp: “Tài liệu mà các chú, các bác nhận chỉ là tờ rơi hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc mang tính tham khảo. Quy trình cụ thể và chi tiết hơn cho từng loại giống sẽ được các chuyên gia của Công ty TNHH Việt Nông hướng dẫn, tập huấn bài bản khi chuyển giao giống đến nông dân. Mọi thắc mắc của các chú, các bác được giải đáp tường tận sau ngày hội này” - kỹ sư Phượng nói.
Mân mê quả dưa hấu cuống vẫn còn trên dây, nữ nông dân Hai Thu (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) khen… bự ghê! Rồi chị đưa ra một loạt thắc mắc với kỹ sư Trần Văn Thắng: “Dưa hấu Vino lai F1: Thuận Phong 1.0 và Hero 1.0, cách trồng khác với các loại giống khác như thế nào? Giống dưa này cho năng suất và thị trường tiêu thụ ra sao, tìm giống ở đâu?…”. “Giống dưa lai F1 Thuận Phong 1.0 là giống dưa hấu dạng hắc mỹ nhân. Giống này do Công ty TNHH Việt Nông lai tạo, cho năng suất 3-4 tấn/hécta, thời gian thu hoạch từ 55-60 ngày và trồng được quanh năm. Giống này sinh trưởng, phát triển và kháng bệnh tốt, trái nặng từ 3-4kg, ruột đỏ và mịn, vỏ mỏng và dai nên vận chuyển xa rất tốt” - kỹ sư Thắng giải thích.
* Chuyển giao trong tương lai
Trong chiếc mũ tai bèo cùng nông dân xuống đồng, PGS.TS Phạm Văn Sáng - Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, cho biết, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai có diện tích 207 hécta. Hiện có 5 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư vào dự án, gồm: Công ty TNHH phát triển nông nghiệp xanh (20 hécta), Công ty TNHH gen Việt Tất Thành (4 hécta), Công ty Công Thành (6 hécta), Công ty cổ phần dược liệu Thiên Địa Nhân (4,5 hécta) và Công ty TNHH Việt Nông (20 hécta). Sau 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai tiến hành tổ chức “Ngày hội ruộng đồng” lần thứ nhất, nhằm giới thiệu cho nông dân trong tỉnh và các tỉnh khác những giống lai mới, quy trình canh tác và tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất. “Tương lai chúng tôi hướng đến là biến nơi đây thành một trường học dành cho nông dân” - PGS.TS Phạm Văn Sáng nói.
Cùng nông dân ra đồng giữa cái nắng chói chang, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, kiêm Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ sinh học Đồng Nai không giấu niềm vui khi hòa mình trong ngày hội. Bà Hoàng chia sẻ, qua tham quan các mô hình sản xuất rau, củ, quả, được các chuyên gia về kỹ thuật nông nghiệp của các công ty giới thiệu cụ thể, nông dân nhanh chóng nắm bắt được quy trình sản xuất, chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác bằng trực quan sinh động, chứ không phải bằng một buổi tập huấn, hay giới thiệu trong hội trường.
Một nông dân xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) mê mẩn trước giàn khổ qua ở Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học. |
Có mặt tại “Ngày hội ruộng đồng”, ông Trần Xuân Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Nông trao đổi với chúng tôi về dự án của công ty mình. Ông Trường cho hay, với nhiều kỹ sư và chuyên gia giỏi được tập trung về đây nghiên cứu và thử nghiệm giống, giống của Công ty TNHH Việt Nông đủ sức cạnh tranh với các giống ngoại nhập; các sản phẩm của công ty nghiên cứu khi đưa ra thị trường không chỉ phục vụ nông dân trong nước, mà còn hướng đến xuất khẩu. “Sở Khoa học - công nghệ tổ chức “Ngày hội ruộng đồng” nhằm đưa nông dân đến tham qua các mô hình thử nghiệm như của chúng tôi. Đây cũng là một hình thức gắn kết giữa 3 nhà: nhà nông - nhà khoa học - nhà đầu tư, mà công ty chúng tôi rất muốn thực hiện” - ông Trường bày tỏ.
Tham gia “Ngày hội ruộng đồng” , hơn 1 ngàn nông dân trong địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận mải mê theo chân các chuyên gia tham quan các khu vườn thử nghiệm giống của Công ty TNHH Việt Nông và không ngớt lời trầm trồ. Lang thang tham quan đến mỏi cả chân, nông dân Huỳnh Thăng (xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ) thản nhiên ngồi bệt xuống nền đất đỏ như đang ngồi trong vườn rau của mình và nói với chúng tôi: “Ước gì, tôi cũng trồng cây trái được như họ. Khổ qua, bầu bí, dưa leo thì cứ lủng lẳng muốn sập giàn. Riêng ớt, đậu đũa thì trái nhiều hơn thân và lá. Qua ngày hội này, tôi đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm về cách bài trí giàn, mật độ trồng và kỹ thuật chăm sóc”...
Đoàn Phú