Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ màu xanh cho những cánh rừng trồng

08:03, 07/03/2013

Nói về tình yêu với rừng, ông Thái Văn Phượng, Phân trường trưởng Phân trường Đầm Voi (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) nở nụ cười tươi giữa cái nắng tháng 3 khắc nghiệt và ví von: “Rừng cũng như người thiếu nữ vậy, nếu ta quý trọng, nâng niu chăm sóc và điềm tĩnh khi nàng giận dỗi bốc cháy thì tình cảm mới thăng hoa và rừng thêm xanh tốt”.

Nói về tình yêu với rừng, ông Thái Văn Phượng, Phân trường trưởng Phân trường Đầm Voi (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) nở nụ cười tươi giữa cái nắng tháng 3 khắc nghiệt và ví von: “Rừng cũng như người thiếu nữ vậy, nếu ta quý trọng, nâng niu chăm sóc và điềm tĩnh khi nàng giận dỗi bốc cháy thì tình cảm mới thăng hoa và rừng thêm xanh tốt”.

* Tâm sự người giữ rừng

Từ ngã ba Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc), sau nửa giờ men theo những con đường mòn đầy bụi và cát, chúng tôi được Phân trường trưởng Thái Văn Phượng đón ngay đầu cổng phân trường. Ông niềm nở bắt tay chúng tôi, nhưng tay kia vẫn cầm khư khư chiếc điện thoại di động và liên tục chỉ đạo anh em trong phân trường bám vị trí để kịp thời phát hiện, xử lý cháy rừng. Ông Phượng cho biết, ông ngồi trực ở đơn vị để tiếp dân, xử lý các công việc hành chính liên quan đến các công tác: trồng rừng, khai thác, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng… là chính. Thỉnh thoảng, ông Phượng cùng anh em trong đơn vị đi chống cháy, xuống cơ sở vận động, hướng dẫn người dân về các chính sách trồng rừng, bảo vệ rừng, hỗ trợ người trồng rừng... Tuy vậy, qua tình hình anh em ở rừng báo về bằng điện thoại, ông cần phải nắm bắt ngay để có hướng chỉ đạo xử lý kịp thời.

Phân trường trưởng Phân trường Đầm Voi Thái Văn Phượng bên những tán rừng trồng.
Phân trường trưởng Phân trường Đầm Voi Thái Văn Phượng bên những tán rừng trồng.

Khi đầu dây bên kia chấm dứt cuộc gọi, ông Phượng bắt đầu kể cho chúng tôi nghe quãng thời gian ông gắn bó với rừng, với bao niềm vui lẫn nỗi buồn.

Quê ông Phượng ở tỉnh Nghệ An. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán lâm nghiệp (23 tuổi), ông khăn gói vào Đồng Nai nhận nhiệm vụ gác rừng. Sau nhiều năm gắn bó với những cánh rừng lá Xuân Lộc và trải qua nhiều nhiệm vụ tại nhiều phân trường, chịu đựng những trận sốt rét rừng hành hạ, năm 1988, ông được đề bạt làm Phân trường phó, sau đó là Phân trường trưởng Phân trường Đầm Voi (năm 1991). Kỷ niệm của ông trong suốt 30 gắn bó với những cánh rừng lá Xuân Lộc rất nhiều, nhưng điều khiến ông nhớ nhất là lúc anh được một phụ nữ (bây giờ là vợ ông) nhận lời cầu hôn, khi ông đã là một cán bộ gầy ốm, không có người thân thích bên cạnh và đang sống lây lất với đồng lương cán bộ rừng còm cõi, lại chậm được trả lương.

Cụ thể, đến tuổi 34, ông Phượng mới được người thân quen mai mối cho một cô thợ may ở xã Xuân Hưng. Ông Phượng bộc bạch, do ông vào đây một mình, không họ hàng thân thích nên người nhà cô ấy nghi ngờ ông đã có vợ ở quê, đồng thời họ còn chê ông già. May sao, lúc ấy ông tìm được người họ hàng ở quê, đang lập nghiệp ở TX.Long Khánh và cậy nhờ người này giải thích hộ. “Nhờ vậy, gia đình cô ấy mới tin mà gả con. Đến nay thì mình đã có hai con rồi. Không riêng gì mình, 8 anh em trong phân trường đều có những kỷ niệm đẹp về rừng và những cam khổ của người gánh nghiệp trồng rừng, bảo vệ rừng” - ông Phượng nhìn những chiếc lá rừng vàng khô rơi sau những đợt gió mạnh, tỏ bày.

* Để có những cánh rừng xanh tốt

Rồi ông dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng trồng xanh tốt bạt ngàn và các hộ dân được đơn vị giao khoán rừng mấy chục năm qua. Ông Phượng cho biết, Phân trường Đầm Voi có tổng diện tích 2.123 hécta, với 3 tiểu khu, gồm: 161, 162A và 162B và có 252 hộ dân nhận giao khoán đất trồng, bảo vệ rừng. Đơn vị hiện có biên chế 9 người, gồm: Lê Hoài Dương (Tiểu khu trưởng 161), có trên 10 năm gắn bó với rừng; Nguyễn Văn Tỉnh, Phó trưởng phân trường, kiêm cán bộ kỹ thuật và Tiểu khu trưởng 162A, với 6 năm tuổi nghề; Nguyễn Văn Cảnh, Tiểu khu trưởng 162B; lão tướng 30 năm trong nghề Mai Quang Thịnh, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng… “Tuy lực lượng mỏng so với diện tích rừng cần được bảo vệ, nhưng bọn mình biết dựa vào dân. Để dựa vào dân, mình luôn quán triệt với anh em phải thân thiện, gắn bó, bám chặt vào dân, tránh thái độ cửa quyền, bắt chẹt dân” - ông Phượng tỏ bày.

12 giờ trưa, nắng tháng 3 càng làm cho những cánh rừng tại Phân trường Đầm Voi thêm khô khốc. Thời điểm ấy, anh em trong phân trường lần lượt rời vị trí gác để về trạm ăn vội bữa cơm trưa do Phân trường trưởng Phượng và cán bộ Dương nấu.

Các cán bộ bảo vệ rừng ở Phân trường Đầm Voi trước giờ đi trực gác, bảo vệ rừng.
Các cán bộ bảo vệ rừng ở Phân trường Đầm Voi trước giờ đi trực gác, bảo vệ rừng.

Rời rừng trong mồ hôi nhễ nhại, Phân trường phó Nguyễn Văn Tỉnh cho chúng tôi biết, anh mới từ điểm báo cháy do anh em trực chòi canh báo về. “May mà chỉ có vài bụi than thân cây mục mà người dân đốt lá chống cháy còn sót lại hồi sáng. Nếu không, hôm nay anh em vất vả rồi, không có thời gian gặp và chuyện trò với các anh” - anh Tỉnh quẹt mồ hôi đang lấm tấm trên trán nói.

Sau khi ăn vội bữa cơm trưa, mọi người lại nổ máy xe đi trực gác cháy, tưới cây và nhắc nhở các hộ dân nêu cao cảnh giác, không được đốt lá từ 9 giờ đến 17 giờ trong ngày… “Có những đám rừng được bọn mình trồng 3 năm rồi, nhưng nắng và thời tiết khắc nghiệt quá nên cây chết khô, cứu không được, tiếc lắm” - anh Dương vội vàng từ giã chúng tôi khi rời mâm cơm, rồi đánh máy cày kéo nước đi tưới những đám cây mới trồng.

Trong lúc trò chuyện với các cán bộ bảo vệ rừng ở Phân trường Đầm Voi, chúng tôi bắt gặp hai thanh niên đang khệ nệ khiêng những giỏ chén và vác bàn ghế vào trong trạm. Thấy chúng tôi thắc mắc, ông Phượng cười giải thích, do trạm sắm sửa nhiều đồ dùng trong sinh hoạt, nên khi nhà có giỗ, hay đám cưới, bà con ở rừng thường đến trạm mượn chén, dĩa, nồi, bàn ghế về dùng tạm. “Ngoài đảm bảo đời sống cho 9 thành viên trong phân trường, mình còn nhắc nhở anh em phải biết gắn bó với dân, bám dân trong công tác bảo vệ và phòng, chống cháy rừng” - ông Phượng nói.

Sau bữa cơm trưa, ông Phượng tiếp tục dẫn chúng tôi đi thăm chiếc ao rộng 3 sào đất (dùng làm nơi chứa nước để chữa cháy và sinh hoạt cho phân trường vào mùa khô) và những hàng chuối xen dưới tán rừng non đang rủ lá vì nắng hạn. Ông Phượng giải thích, đó là khu vực để cải thiện đời sống cho 9 anh em trong đơn vị. Ngoài lương và các phụ cấp khác theo quy định, anh em trong trạm còn được hưởng thêm một khoản thu nhập từ việc bán chuối, trồng rừng tăng gia ngoài giờ. “Trung bình mỗi tháng, anh em có thêm hơn triệu đồng và đơn vị còn để dành được quỹ để thăm hỏi anh em lúc ốm đau, gia đình có hữu sự” - ông Phượng nói.

Rời trụ sở Phân trường Đầm Voi, chia tay các cán bộ bảo vệ rừng trong cái nắng rát mặt, chúng tôi nhẹ lòng khi nghe ông Hiền Nắng, một người nhận trồng rừng mà chúng tôi gặp khi hỏi đường ra, bày tỏ, trong 6 phân trường thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, Đầm Voi là đơn vị được người nhận trồng rừng và người dân có rẫy giáp rừng đối xử thân thiện nhất. Ông Hiền Nắng nói: “Những chỗ khác, người dân không ưa cán bộ bảo vệ rừng, vì họ còn gây khó dễ với dân. Còn ở đây, tụi tôi quý họ, xem như anh em, vì họ hòa nhã và hết lòng hỗ trợ người trồng rừng”.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều