Báo Đồng Nai điện tử
En

Về nơi chôn nhau cắt rốn (Bài cuối)

08:03, 21/03/2013

Như những người Chơro khác trong làng, khi sinh ra, Thổ Đực (ngụ ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) được các bà mụ vườn cắt dây rốn bằng lạt tre và mang chôn giấu tại khu đất tốt trong rừng. Chính vì vậy, trong chiến tranh, sau nhiều lần bị giặc dồn vào ấp chiến lược, đồng bào Chơro của già Thổ Đực vẫn cố tìm về nơi chôn nhau cắt rốn để sản xuất.

Như những người Chơro khác trong làng, khi sinh ra, Thổ Đực (ngụ ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) được các bà mụ vườn cắt dây rốn bằng lạt tre và mang chôn giấu tại khu đất tốt trong rừng. Chính vì vậy, trong chiến tranh, sau nhiều lần bị giặc dồn vào ấp chiến lược, đồng bào Chơro của già Thổ Đực vẫn cố tìm về nơi chôn nhau cắt rốn để sản xuất.

* Khổ cực

Bên khu vườn xanh cây trái, già làng Thổ Đực vừa tản bộ vừa kể cho chúng tôi và cán bộ tôn giáo dân tộc xã Bàu Trâm Tăng Văn Hồng chuyện xưa. Theo đó, vùng đất Bàu Trâm được tổ tiên ông khai phá và lập làng từ xa xưa. Thời thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm chiếm, chúng nhiều lần đưa lính dồn dân làng vào các ấp chiến lược để quản lý. Không được ở nhà mình vào ban đêm, dân làng cũng lén trở lại làng để sản xuất, săn bắt vào ban ngày.

Già làng Thổ Đực (giữa) luôn sát cánh cùng chính quyền trong việc vận động dân làng Chơro của mình chăm lo phát triển kinh tế gia đình.
Già làng Thổ Đực (giữa) luôn sát cánh cùng chính quyền trong việc vận động dân làng Chơro của mình chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Mãi đến năm 1975, khi đất nước thống nhất, đồng bào Chơro mới được tự do quay lại làng sinh sống và định cư. “Ngày trở lại làng, ai cũng vui mừng. Lúc ấy, dân làng mình chỉ còn 68 hộ dân, với hơn 150 người. Tuy còn hơn phân nửa dân, nhưng có cách mạng, có Đảng, dân làng mình vẫn thấy ấm lòng” - già làng Thổ Đực nói.

Về làng cũ, dân làng Chơro ấp Bàu Trâm vẫn duy trì tập tục sản xuất lúa nước, tỉa lúa rẫy, săn bẫy thú rừng… Lúc này, rừng rẫy còn nhiều nên cái ăn luôn có sẵn, dân làng không bị đói ăn. Qua năm tháng sản xuất, đất đai bắt đầu cằn cỗi, đồng bào Chơro trở lại tập quán du canh du cư, phá rừng làm rẫy, sang nhượng lại đất cho người dân từ phương xa di dân vào.[links(right)]

Đất nhiều, nhưng cách thức sản xuất của người dân Chơro lại rất lạc hậu; trồng cây lúa, bắp, mì… chủ yếu dựa vào nước trời nên mất mùa thường xuyên, dẫn đến thiếu ăn lúc giáp hạt. Nhất là vào thời gian 1977-1979, dân làng thiếu ăn kinh niên, do sản xuất nông nghiệp cả nước lúc ấy cũng gặp khó khăn.

Trước cái đói của dân làng, già làng Thổ Đực không ngại đem cà phê của mình ra đổi gạo mang về cứu đói cho dân làng. “Lúc ấy, nhà mình đã biết trồng cà phê, 10kg cà phê đổi được 1 tạ gạo. Thời điểm ấy, dân làng Chơro của mình chỉ biết trồng ngô, lúa và sắn, nên khi gặp nắng hạn thì thiếu ăn”.

Thấy nhà già làng Thổ Đực không thiếu ăn khi trời hạn, dân trong làng tìm hiểu mới biết, nhờ cà phê, khoai, lúa trồng được ông phun thuốc, bón phân nên không bị mất mùa. Từ đó, dân trong làng bắt đầu học tập ông trồng cà phê, trồng lúa, đậu, khoai thì phải biết phun thuốc diệt cỏ, trừ sâu, bón phân. Nhất là, mỗi khi gia đình già làng Thổ Đực đem cây gì về trồng trong vườn, bà con cũng tò mò đến hỏi và bảo ông chỉ cách trồng.

Người già Thổ Đực thật cái bụng nói: “Thiếu ăn thì ở đâu cũng xảy ra. Người Kinh, người Chơro… cũng đều bị mất mùa. Lúc ấy, nhà mình nhờ có nhiều người khỏe, trâu bò cũng nhiều nên làm ruộng thì phải cày đất, đào ao trữ nước tưới cho lúa, cà phê; khi cây trồng bị bệnh thì biết ra ngoài thị trấn mua thuốc chữa, mua phân về bồi bổ, nên năm nào cũng được mùa. Tuy nhà mình dư lúa ăn, nhưng chỉ đủ sức hỗ trợ cho vài chục hộ dân làng trong thời gian ngắn mà thôi. Nhìn họ lần lượt rời làng sống du canh du cư, lên rừng tìm củ để ăn, mình nhìn mà xót lòng lắm”.

* Đổi thay theo thời gian

Theo thời gian, cuộc sống người dân làng Chơro ấp Bàu Trâm cũng dần ổn định. Để ổn định đời sống, năm 2004, xã Bàu Trâm được thành lập mới, khi tách ra từ một phần diện tích đất của thị trấn Xuân Lộc xưa.

Từ khi có xã mới, đồng bào Chơro được Trung ương, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư các chương trình: nhà ở, lưới điện, nước sạch, trường học, trạm xá, đường giao thông và chuyển giao khoa học - kỹ thuật… Từ một làng nhỏ, lạc hậu, không điện, đường..., chỉ sau vài năm, khi được các chương trình 135, 134 của Chính phủ đầu tư, làng Chơro của già làng Thổ Đực ngày thêm đẹp, sung túc.

Cán bộ tôn giáo dân tộc Tăng Văn Hồng cho biết, 100% số hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn xã có điện, nước sạch, nhà của chương trình 134 và 135. Ngoài ra, tỉnh và huyện còn ưu tiên thêm các dự án về hỗ trợ bò, dê, cây giống, vốn sản xuất… để đồng bào phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.

Để minh chứng cho điều mình nói, người già Thổ Đực và cán bộ tôn giáo dân tộc Hồng dẫn chúng tôi đến thăm nhà Thị Tụng, Thị Phòng có con học đại học; nhà Thị Huệ, Thị Sửu có nhiều bò, dê; nhà Thổ Thinh, Thổ Mạnh có nhiều đất và khá giả… “Nay làng mình có trên 100 hộ, nhưng chỉ còn 5 hộ nghèo theo chuẩn mới. Trong đó có vài hộ giàu. Riêng số hộ đủ ăn, đủ mặc thì nhiều lắm, kể không hết được” - già làng Thổ Đực nói.

Còn cán bộ tôn giáo dân tộc Hồng thì tỏ bày, qua nhiều năm gắn bó với người dân Chơro của già làng Thổ Đực, Thổ Thân (ấp Bàu Sầm), ông cảm nhận được sự đổi mới sâu sắc trong tư duy của từng hộ dân. Người dân Chơro giờ đây rất quan tâm đến việc học của con em mình; biết sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước trong chăm sóc vườn rẫy, chăn nuôi. Nhất là chuyện dân làng luôn tin chính quyền, nghe lời khuyên bảo của các người già, người có uy tín; không nghe và làm theo lời kẻ xấu xúi giục, phá hoại khối đại đoàn kết. “Các chương trình đầu tư về hạ tầng, như: điện - đường - trường - trạm - nhà ở - vốn… chỉ là bề nổi để tô thêm nét văn minh, văn hóa cho cộng đồng. Điều mà chính quyền muốn đổi thay là tư duy làm ăn, tập quán sống văn minh, tiến bộ của từng hộ dân. Qua tìm hiểu, các anh và chúng tôi đã thấy rất rõ rồi” - ông Hồng thẳng thắn bày tỏ.

Dân làng Chơro không thích nói dối, chính quyền không muốn lấy thành tích để dối cấp trên…, đó là những gì mà chúng tôi cảm nhận được khi cùng người già Thổ Đực, cán bộ tôn giáo dân tộc Hồng đến thăm làng, thăm rẫy và hỏi chuyện dân làng về cuộc sống đổi thay hôm nay so với trước kia ra sao. “Nhà mình tuy khó, nhưng được Nhà nước hỗ trợ 2 lần. Lần đầu hỗ trợ 2 con bò, còn mới đây cho thêm 4 con dê để nuôi. Cứ vậy, mình nuôi bò, chăm dê đẻ ra và nuôi lớn thì bán. Nhờ vậy, nhà mình mới có tiền nuôi hai con gái học đại học và một con học lớp 12” - bà Thị Dảnh nói.

Đoàn Phú

 

 

 

 

Tin xem nhiều