Trước đây, khi sống đời du canh du cư, nhiều buôn làng của người dân tộc thiểu số trở nên biệt lập với cuộc sống hiện đại. Được chính quyền vận động về các khu định canh định cư (ĐCĐC), các già làng đã kêu gọi dân làng mình về nơi gần điện - đường - trường - trạm để thụ hưởng cuộc sống văn minh, tiến bộ...
Trước đây, khi sống đời du canh du cư, nhiều buôn làng của người dân tộc thiểu số trở nên biệt lập với cuộc sống hiện đại. Được chính quyền vận động về các khu định canh định cư (ĐCĐC), các già làng đã kêu gọi dân làng mình về nơi gần điện - đường - trường - trạm để thụ hưởng cuộc sống văn minh, tiến bộ...
Theo tiếng gọi của già làng K’Tiếu và cán bộ xã Phú Trung (huyện Tân Phú), 23 gia đình người dân tộc K’Ho, S’Tiêng sống rải rác nơi vườn rẫy thuộc 3 ấp: Phú Thắng, Phú Thịnh, Phú Yên (xã Phú Trung) đã tập trung về bãi đá bằng tại tổ 3, ấp Gia Yên để ĐCĐC.
* Tin cán bộ
Ngồi trên phiến đá trước sân nhà, già K’Tiếu (già làng khu ĐCĐC dân tộc thiểu số ấp Phú Yên) chậm rãi kể cho chúng tôi nghe, ngày gia đình già cùng 22 gia đình đồng bào K’Ho và S’Tiêng sống rải rác tại các vườn rẫy ở các ấp: Phú Thắng, Phú Thịnh và Phú Yên dời làng về bãi đá rộng trên 1,6 hécta này.
Công việc tuốt đót gia công đã giải quyết việc làm quanh năm cho đồng bào dân tộc ở khu định canh định cư Phú Yên (xã Phú Trung, huyện Tân Phú). |
Theo lời già làng K’Tiếu, khi được cán bộ xã, huyện tiếp cận vận động gom dân về khu ĐCĐC, không ít người còn bỡ ngỡ. Nhiều người bảo rằng, đã từ lâu họ quen sống nơi vườn rẫy, dựa vào rừng để sinh tồn. Khi về sống trong khu ĐCĐC, nghĩa là phải nhốt mình trong những “chiếc lồng chim” (những căn nhà đại đoàn kết mà Nhà nước xây tặng) và tí tẹo đất thì khó mà giải quyết dứt điểm khó khăn. Chính vì vậy, họ chần chừ chưa tin lời cán bộ vận động. Còn lúc cán bộ bảo đăng ký, thì họ miễn cưỡng lăn dấu tay, đánh chữ thập vào tờ cam kết. Có người còn nói, họ miễn cưỡng làm chỉ cốt để kiếm thêm tí đất mà xã, huyện cho; khi gặp khó khăn thì bán cho người khác để quay lại chỗ ở cũ.
Được cán bộ xã, huyện ráo riết vận động về dự án ĐCĐC, già K’Tiếu là người đầu tiên tin và ủng hộ chủ trương dời về khu ĐCĐC để sinh sống. Cũng từ đó, già tự nguyện dẫn cán bộ cắt rừng, len lỏi trong vườn rẫy đến gặp những người trong làng của mình để tuyên truyền. Nhìn cảnh nhà mọi người xơ xác, thiếu ăn thường xuyên, nhà được dựng nơi ẩm thấp, dưới những tán cây rừng ven suối cạn; còn chuyện muốn ra xã, ra chợ trao đổi hàng hóa chỉ có đôi chân và chiếc gùi trên lưng; trẻ con thì lem luốc với khói củi và không được đi học…, già K’Tiếu càng có động lực liên tục lên nương, lên rẫy gặp người trong làng nói chuyện dời buôn.
Hàng ngày, già ra rừng, ra vườn động viên đồng bào của mình hãy tin lời cán bộ. Già K’Tiếu mạnh dạn nói rằng, bà con muốn có cuộc sống văn minh, trẻ em được đến trường thì phải cùng già dời làng, làm quen với cuộc sống ĐCĐC, quên đi nếp du canh du cư, đốt rừng làm rẫy mà lạc tiếp vào rừng, xa cuộc sống hiện đại. “Vào khu ĐCĐC, bà con mình vẫn giữ được vườn rẫy nơi này. Ngoài ra, bà con còn được địa phương làm nhà ở, hỗ trợ vốn, các em nhỏ có điều kiện đến trường…” - già K’Tiếu nhớ lại những điều ông đã nói với bà con làng mình trước đây.
* Ấm tình nơi ở mới
Sau khi xây dựng xong khu ĐCĐC, năm 2004, chính quyền xã Phú Trung đã triển khai kế hoạch di dời 23 hộ đồng bào dân tộc K’Ho và S’Tiêng sinh sống tại 3 ấp: Phú Thắng, Phú Thịnh, Phú Yên về nơi ở mới. Theo đề án của huyện, mỗi hộ dân được cấp một căn nhà xây rộng trên 50m2, được hỗ trợ lương thực 1 năm di dời, hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm. Dự án hiện đã hoàn chỉnh đường, điện và nước sạch cho bà con dùng. Nhất là nơi ở mới được xây dựng trên bãi đá khá đẹp, cao ráo, chỉ cách quốc lộ 20 chưa tới 1km và rất gần trung tâm xã, bệnh viện, trường học, chợ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Trung nhớ lại, do nếp sống tự do nơi rẫy vườn ngấm sâu vào trong nếp sinh hoạt của mọi người, nên khi chuyển về nơi ở mới, mọi thứ với họ trở nên lộn xộn, tù túng, không ít người than phiền và đòi quay về vườn rẫy để cắt tranh dựng lại nhà ở. Chính vì vậy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của xã tiếp tục đến với dân để thuyết phục, tìm cách tháo gỡ. “Già K’Tiếu luôn thể hiện vai trò người có uy tín trước dân làng, ông không ngại thay mặt chính quyền đả thông tư tưởng bà con. Già K’Tiếu lúc ấy như cột nhà chính, là niềm tin của dự án, một khi già bám trụ thì dân không dám bỏ làng ra đi” - ông Hùng nói.
Theo năm tháng, những nếp nhà cũ được đồng bào các dân tộc gom về khu ĐCĐC dần được làm củi. Những ngôi nhà đại đoàn kết dần được tô đẹp thêm, các công trình vệ sinh từng bước được dân làng xây rời xa nhà ở. Ông K’Tài bày tỏ, sống trong khu ĐCĐC tuy chật, nhưng vì vậy mà đồng bào chia sẻ cho nhau những công việc làm thuê mướn, lúa gạo dư dả chưa dùng đến, trẻ con lần lượt được cắp sách đến trường. Ông K’Tài chỉ tay vào các phụ nữ đang tuốt cây đót (một loại cây rừng dùng làm chổi) nói: “Dân làng mình giờ đây không thiếu việc làm. Người khỏe và thanh niên thì đi làm công nhân, làm thuê. Riêng người yếu và trẻ em thì ở nhà làm đót gia công. Nay khu ĐCĐC chỉ còn thiếu nhà rông thôi”.
Ông Nguyễn Xuân Quyết, Phó chủ tịch HĐND xã Phú Trung cho hay, tuy khu ĐCĐC chưa có nhà rông, hiện 2 giếng khoan bị mất nước vào tháng nắng hạn, nhưng so với 8 năm về trước, cuộc sống của 23 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu ĐCĐC thật sự được thay đổi. “Thay đổi từ trong tư duy sinh hoạt, làm ăn và niềm tin đối với cán bộ, chính quyền. Vài năm nữa, nếu huyện khởi động lại dự án đầu tư “còn nợ” thì khu ĐCĐC sẽ khởi sắc và đẹp hơn nữa” - ông Quyết bày tỏ. |
Trao đổi với chúng tôi trong quá trình đi thăm khu ĐCĐC của đồng bào dân tộc ấp Phú Yên, ông Bùi Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Phú Trung bày tỏ, so với thiết kế ban đầu, hiện Nhà nước chưa làm được nhà rông, lớp mẫu giáo. Riêng về đường sá, đầu tháng 3-2013, địa phương sẽ bê tông hóa đường vào làng. “Dù dự án chưa hoàn chỉnh hạ tầng so với thiết kế ban đầu, nhưng người dân nơi đây đã hiểu rõ điều mà chính quyền lo cho họ là đúng, khi cuộc sống sung túc, văn minh hơn, tất cả trẻ em đều được đến trường, nạn đói ăn khi giáp hạt đã được xóa sau 2 năm dời về nơi ở mới. Tuy vậy, chính quyền vẫn tiếp tục kiến nghị cấp trên sớm triển khai chương trình nhà rông, lớp học mẫu giáo, nước sạch sinh hoạt để khu ĐCĐC đẹp và đủ đầy hơn” - ông Sơn nói.
Bên chiếc quạt máy quay vù vù, già làng K’Tiếu phấn khởi bộc bạch với đoàn lãnh đạo xã Phú Trung, nếu không được cán bộ “rủ” về đây ĐCĐC thì con cháu của già sẽ mù chữ, dân làng của già mãi thiếu ăn, bám rừng hái măng, làm thuê mướn. “Mình vui lắm, nay trẻ con được đi học, lớn lên thành thanh niên thì biết ra đô thị làm công nhân. Những người già như mình giờ không phải vác dao đi nương, mà xăm xăm xe máy đi rẫy, lái được máy cày đánh đất, tưới cà phê nữa” - già K’Tiếu khoe.
Đoàn Phú