Khi đến Paris dự đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Mỹ vẫn còn ở thế mạnh. Dựa vào tiềm lực kinh tế - quốc phòng của một siêu cường, Mỹ tìm mọi âm mưu để thực hiện đàm phán trên thế mạnh bằng việc tăng cường mở các cuộc hành quân quy mô lớn để “tìm”, “diệt” quân ta và giữ thế thượng phong trên bàn hội nghị.
Khi đến Paris dự đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Mỹ vẫn còn ở thế mạnh. Dựa vào tiềm lực kinh tế - quốc phòng của một siêu cường, Mỹ tìm mọi âm mưu để thực hiện đàm phán trên thế mạnh bằng việc tăng cường mở các cuộc hành quân quy mô lớn để “tìm”, “diệt” quân ta và giữ thế thượng phong trên bàn hội nghị.[links(right)]
Với đường lối ngoại giao mưu lược, khôn khéo “dĩ bất biến, ứng vạn biến” theo phong cách Hồ Chí Minh của phái đoàn đàm phán của ta, kết hợp với những chiến thắng to lớn về mặt quân sự của ta trên khắp các chiến trường, cuối cùng Mỹ phải chấp nhận xuống thang chiến tranh, ký kết hiệp định Paris, cút khỏi Việt Nam sau 4 năm 8 tháng 14 ngày đàm phán.
* “Đánh” để “đàm”
Ngày 20-1-1969, Richard Nixon nhậm chức tổng thống Mỹ. Khi bước vào đàm phán ở Paris, để cứu vãn uy thế của nước Mỹ trước nguy cơ thất bại ở chiến trường Việt Nam, tìm lối thoát khỏi cuộc chiến trong “danh dự”, Nixon đề ra khẩu hiệu “hòa bình trong danh dự”, đồng thời thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm kéo dài chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Để thực hiện mưu đồ này, trên chiến trường miền Nam, Mỹ chuyển trạng thái từ “tìm diệt và bình định” sang chiến lược “quét và giữ”; thực hiện “bình định cấp tốc”, “ bình định đặc biệt” để đánh phá cơ sở cách mạng.
Đoàn 10 Đặc công rừng Sác trước trận đánh vào kho xăng Nhà Bè. |
Ở chiến trường Biên Hòa, địch tăng cường các cuộc hành quân càn quét, đánh phá ác liệt bằng bom B.52, pháo bầy, rải chất độc hóa học nhằm hủy diệt các vùng rừng núi, căn cứ của ta ở Chiến khu Đ, Trảng Bom, lộ 15, lộ 1 và liên tục tiến hành các kế hoạch bình định, chiêu hồi, giành dân, lấn chiếm vùng giải phóng của ta...
Để giành thắng lợi về mặt chiến lược, giữ thế mạnh trên bàn đàm phán Paris, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam quyết định bố trí lại chiến trường, mở các đợt tiến công đánh bồi, đánh nhồi vào mùa xuân 1969. Tham gia đợt tiến công này, ở chiến trường Biên Hòa, Long Khánh và Phân khu 4 có các lực lượng: Sư đoàn 5 chủ lực miền, lực lượng Đặc công U1, Trung đoàn 33, Trung đoàn 4 cùng các lực lượng vũ trang địa phương.
Theo kế hoạch, đúng giờ G (2 giờ) ngày N (23-2-1969), các lực lượng của ta đồng loạt nổ súng tiến công địch theo các mục tiêu đã định. Sư đoàn 5 cùng với Tiểu đoàn 1 Đặc công U1 đánh sân bay Biên Hòa và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Quân khu 3 ngụy; Trung đoàn 4 và Trung đoàn 33 đánh vào tổng kho Long Bình; Tiểu đoàn 2 Đặc công U1 đánh khu kho đồi 50-53 Long Bình; Đội biệt động thị xã Biên Hòa cùng Đại đội 25, Sư đoàn 5 tấn công vào Ty Cảnh sát Biên Hòa; Tiểu đoàn 4 tăng cường của miền đánh vào trại tù binh suối Săn Máu; bộ đội hai huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom cùng du kích các xã phá ấp chiến lược dọc lộ 24, lộ 1. Trong nội ô, thị ủy Biên Hòa chỉ đạo Ban Công vận thị ủy dùng cơ sở mật, tự vệ mật gây nổ bên trong khu kỹ nghệ để hỗ trợ quần chúng diệt ác ôn bên trong thị xã.
Những cuộc tiến công mùa xuân 1969 của quân dân miền Nam nói chung và quân dân Biên Hòa - Long Khánh đã gây cho địch nhiều thiệt hại, tạo thêm thế và lực cho ta đấu tranh với địch trên bàn đàm phán.
* Tạo bước ngoặt trên bàn đàm phán
Buộc phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán để tìm lối thoát khỏi cuộc chiến trong danh dự, nhưng Mỹ vẫn tìm cách để thực hiện đàm phán trên “thế mạnh”. Thực hiện ý đồ này, Mỹ và quân đội Sài Gòn dồn sức mở các cuộc hành quân càn quét quy mô lớn nhằm vào quân ta. Trên bàn hội nghị, Mỹ đưa ra những điều kiện mà phía ta không thể chấp nhận được, gây bế tắc trên bàn đàm phán trong suốt những năm 1968-1970.
Nhận thức rõ âm mưu của Mỹ, Bộ Chính trị hạ quyết tâm “phải đánh cho quân Mỹ thua đau hơn nữa, đánh cho ngụy quân, ngụy quyền phải sụp đổ để giành trên bàn hội nghị những cái mà ta đã giành được trên chiến trường”. Để biến quyết tâm thành hiện thực, ta chủ động đẩy mạnh các hoạt động quân sự, đánh bại các cuộc hành quân càn quét của Mỹ và quân đội Sài Gòn bằng việc mở cuộc tiến công chiến lược 1972 trên quy mô lớn, với 3 chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng trên 3 hướng: Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy miền đã đề ra kế hoạch tiến công năm 1972 nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế cho cuộc đấu tranh của ta tại Hội nghị Paris.
Theo đó, Bộ Tư lệnh phân khu Bà Rịa quyết định tập trung lực lượng phân khu với bộ đội địa phương, dân quân du kích đánh mạnh trên các địa bàn then chốt, như: Xuân Lộc, Long Đất, Xuyên Mộc, các mục tiêu trên lộ 2, lộ 23. Cuối tháng 1-1972, Bộ Tư lệnh Phân khu Bà Rịa đưa Trung đoàn 33 về hoạt động ở khu vực Xuân Lộc và một tiểu đoàn của Trung đoàn 4 về Long Thành. Liên tục từ ngày 25-1 đến 17-2-1972, Trung đoàn 33 tấn công nhiều đồn bót, căn cứ Sư đoàn 18 ngụy ở Long Khánh. Bộ đội Xuân Lộc đánh rã nhiều đồn bót địch và bộ máy ngụy quyền ở Phú Bình, Bình Lộc, Bảo Vinh, Gia Kiệm, Túc Trưng… Tại Long Thành, bộ đội và các cơ sở cách mạng vận động trên 300 thanh niên tòng quân thành lập Đại đội C241 phối hợp với Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4 đánh tiêu diệt địch ở Phước Thái. Đặc công thị xã Biên Hòa đánh vào 2 kho đạn ở Vĩnh Cửu, phá hủy 10 tấn đạn...
Cuối tháng 3-1972, cuộc tiến công chiến lược của ta nổ ra ở khu vực Trị Thiên và Bắc Tây Nguyên. Ở miền Đông Nam bộ, chiến dịch Nguyễn Huệ nổ ra ở Tây Ninh và Lộc Ninh. Quân ta đánh chiếm Chi khu Lộc Ninh, bao vây cô lập thị xã An Lộc (Bình Long).
Phối hợp cùng chiến dịch, Trung đoàn 33 Phân khu Bà Rịa cùng bộ đội Xuân Lộc tấn công nhiều mục tiêu trên lộ 2; Biệt động thị xã Long Khánh đánh nổ tung kho đạn của Sư đoàn 18 ngụy; Huyện đội Xuân Lộc cùng nhân dân giải phóng xã Bảo Bình.
Tại Long Thành, Đại đội 240 cùng du kích địa phương đánh các đồn bót, diệt hơn 100 tên địch, trừng trị 10 tên ác ôn. Bộ đội huyện Nhơn Trạch có sự bỗ trợ của đặc công miền đã đánh vào kho đạn thành Tuy Hạ, phá hủy 10 ngàn tấn bom, đạn của địch. Trên hướng rừng Sác, Đoàn 10 đặc công rừng Sác đã liên tục tấn công các mục tiêu bến cảng, sông Lòng Tàu, quân cảng Nhà Bè, kho bom thành Tuy Hạ…; đã đánh chìm, cháy, làm bị thương 42 tàu, trong đó có 20 tàu trên 10 ngàn tấn của địch.
Đêm 1-8-1972, Đoàn đặc công 113 đã dùng pháo ĐKB đánh vào sân bay Biên Hòa, phá hỏng 74 máy bay các loại và 13 xe quân sự. Đêm 13-8-1972, Đặc công U1 Biên Hòa đã đánh vào tổng kho Long Bình làm nổ tung 130 dãy nhà kho, phá hủy 150 tấn bom đạn và 17 nhà lính.
Sau trận đánh làm thủng dạ dày quân Mỹ ở kho Long Bình, Đoàn đặc công 113 đã đánh vào sân bay Biên Hòa, làm nổ tung 175 máy bay A37 và C130, làm sân bay tê liệt hoạt động trong nhiều ngày.
Bị thất bại liên tiếp về mặt quân sự trên khắp các chiến trường vào năm 1972, đặc biệt là bị thua đau trong chiến dịch 12 ngày đêm dùng B.52 đánh phá thủ đô Hà Nội và các mục tiêu quan trọng khác ở miền Bắc, Nixon buộc phải xuống thang chiến tranh, ký kết Hiệp định về Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và rút hết quân Mỹ về nước.
Đức Việt