Sau mỗi buổi học, Nguyễn Đức Thịnh (cựu học sinh lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Cửu, huyện Vĩnh Cửu) lại tất tả theo cha ra đồng cày cấy, nhổ cỏ, be bờ. “Những bài tập khó ở lớp đều được em giải ngay trong lúc cày đất, lội ruộng cùng cha”- Thịnh chia sẻ.
Sau mỗi buổi học, Nguyễn Đức Thịnh (cựu học sinh lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Cửu, huyện Vĩnh Cửu) lại tất tả theo cha ra đồng cày cấy, nhổ cỏ, be bờ. “Những bài tập khó ở lớp đều được em giải ngay trong lúc cày đất, lội ruộng cùng cha”- Thịnh chia sẻ.
*Học để báo hiếu
Nước da đen nhẻm, Nguyễn Đức Thịnh - tân sinh viên của Trường đại học ngoại thương TP.Hồ Chí Minh, nghênh ngang cầm vô lăng lái máy cày để cùng anh Thuận (cha Thịnh) dọn đất, chuẩn bị gieo sạ vụ lúa hè - thu tại cánh đồng ấp 1, xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu). Thịnh cho biết, sau khi biết tin trúng tuyển đại học, hai cha con Thịnh đã đi TP.Hồ Chí Minh liên hệ thuê phòng trọ để chuẩn bị cho những ngày trọ học ở thành phố sắp tới. Sau đó, Thịnh cùng cha tất tả quay về nhà dọn đất để kịp gieo sạ vụ lúa hè - thu và chờ ngày khoác ba lô đi TP.Hồ Chí Minh nhập học. “Những căng thẳng của kỳ thi đã qua, nay em có thời gian rảnh để phụ cha làm đồng áng nhiều hơn”- Thịnh tâm sự.
Sau những lúc phụ cha chuyện đồng áng, Thịnh lại tập trung học hành rất chăm chỉ. |
Chỉ tay về phía cậu học trò nghèo đang lái máy cày, anh Tư Thuần (hàng xóm của Thịnh) cho hay, từ ngày anh sang được miếng đất gần với ruộng của anh Thuận, ngày nào anh cũng gặp Thịnh ngoài đồng. Khi thì cậu nhóc Thịnh lom khom cùng cha làm cỏ lúa, be bờ, lúc thì thu mình nơi bụi cây vừa học bài, vừa đuổi lũ chim sẻ phá lúa. “Có hôm, tui thấy nó bận luôn bộ đồ học trò ra đồng. Thằng nhỏ nước da đen giòn, nhưng dáng vẻ thông minh lắm. Tui còn nghe tụi nhỏ ở nhà nói, nó là học sinh giỏi 12 năm liền đó”- anh Tư Thuần nói.
Vụ lúa đông - xuân vừa rồi, đám ruộng của gia đình anh Thuận mất mùa. Trong nỗi buồn “thâm canh cố đế” của nhà nông, anh Thuận bỗng tươi rói khi hay tin cậu con trai đậu cùng lúc 2 trường đại học có uy tín ở TP.Hồ Chí Minh. Anh Thuận bày tỏ, Thịnh là con trai đầu của vợ chồng anh. Năm học lớp 5, Thịnh đã biết theo cha ra đồng làm ruộng, nhổ cỏ lúa. “Do kinh tế gia đình khó khăn, nên nó không có điều kiện đi học thêm như các bạn. Sáng đến lớp, chiều ở nhà phụ cha mẹ chăm em, hoặc làm đồng. Hàng ngày phơi nắng ngoài đồng nên nó đen như nông dân chính hiệu. Vì vậy, bạn bè trong lớp gọi đùa nó là Thịnh “lúa”, nhưng nó không tự ái”- anh Thuận nhìn con trai nói vui.
Tấp máy cày vào lùm cây, Thịnh bì bõm lội bùn và tiến lại gần nơi chúng tôi đang trò chuyện với cha mình, Thịnh bộc bạch, vì nhà nghèo nên em cố gắng học thật giỏi để cha mẹ yên lòng. Phương châm học tập của Thịnh là tự học, cùng bạn học nhóm chứ không chạy theo phong trào học thêm. “Trong lúc làm đồng, em thường đem theo tập, sách để tranh thủ ôn bài. Có những bài tập em giải ngay trong lúc cày đất, cắt lúa nên nhớ rất lâu. Để tự học, em xin thầy cô tài liệu mang về nhà nghiên cứu, hoặc vào mạng internet tham khảo” - Thịnh khẽ tâm sự.
* Tiếp nối giấc mơ của mẹ
Hay tin con trai đậu 2 trường đại học, chị Huệ (mẹ Thịnh) vui mừng ra mặt. Chị Huệ cho biết, trước kia chị cũng từng đậu đại học, nhưng do bà ngoại già yếu không chu cấp cho chị học được (chị mồ côi cha mẹ lúc 4 tuổi). Vì vậy, Thịnh chính là giấc mơ mà chị đã ước ao vươn tới. “Dù khó khăn, hai vợ chồng tui cũng ráng sức làm lụng, lo cho các cháu học hành tới nơi tới chốn. Thịnh là con trai lớn nên ngoài chuyện học ở trường, khi về nhà, em nó còn phụ giúp vợ chồng tui dạy các em học, lo việc đồng áng” - chị Huệ nói.
Nguyễn Đức Thịnh (áo trắng) bên người thân trong gia đình. |
Từ ngày Thịnh đậu đại học, đám ruộng của anh Thuận thường xuyên có những nông dân lân cận đến thăm. Chính vì vậy, anh hay bỏ dở công việc để tiếp chuyện cùng bạn hữu. Anh tâm sự, lòng anh luôn mong con trai học hành thành đạt, nhưng nay Thịnh đi học xa nhà sẽ không ai phụ giúp anh việc đồng áng. Hơn nữa, các khoản lo cho con nhập trường cũng đang khiến vợ chồng anh đau đầu. “Thôi thì tới đâu hay tới đó, chẳng lẽ để cho con cày cuốc cả đời giống bố mẹ hay sao. Số mẹ nó nghèo không học đại học được, nay chẳng lẽ để thằng nhỏ đánh mất ước mơ” - anh Thuận bày tỏ.
Nghe anh Thuận than thở, anh Ba Lâm làm ruộng kề bên liền động viên, giá như anh cũng có con trai học đại học như con anh Thuận thì dù có bán hết ruộng vườn lo cho con anh cũng cố. Hơn nữa, qua báo chí, anh còn nghe có người bán hết ruộng đất lên TP. Hồ Chí Minh ở nghĩa địa, làm thuê để nuôi con học đại học. “Phải hy sinh đời cha, củng cố đời con thôi, chiến hữu à” - anh Ba Lâm nói với bạn.
Nghe bạn bè nông dân nói về chuyện học của con trai, chị Huệ vừa đặt giỏ cơm xuống mé ruộng, vừa nói: “Thôi thì đói khổ thế nào vợ chồng tui cũng ráng lo cho các con ăn học. Thằng Thịnh chính là niềm tin của vợ chồng tui và cũng là tấm gương cho hai đứa em nó nữa. Tui mừng mấy năm qua nó là đứa chịu khó, chỉ lo học chứ không ham chơi, đua đòi như con người ta”.
Ngoài Nguyễn Đức Thịnh, nhóm bạn nghèo tự học nhóm của Thịnh, gồm: Ngọc, Duyên, Giáp, Dương, An đều đậu đại học, cao đẳng trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua. An cho biết: “Tự học, tụi em mới có điều kiện phụ giúp việc nhà cho gia đình. Nhờ tự học, tụi em có điều kiện hướng dẫn cho nhau. Riêng bạn Thịnh luôn biết quý thời gian khi cả nhóm ngồi vào bàn học. Học xong, bạn theo cha ra đồng liền”. |
Trao đổi với chúng tôi về trường hợp của Thịnh, thầy Hồ Sơn Hạnh, Hiệu phó Trường THPT Vĩnh Cửu cho biết, Thịnh không học thêm như các bạn nhưng học lực thuộc loại giỏi. Thấy hoàn cảnh em khó khăn nên các thầy cô trong trường động viên em bằng cách cung cấp tài liệu cho em tự học. “Dù tự học, nhưng Thịnh vẫn không thua kém các bạn khác và em luôn giỏi đều các môn, kể cả ngoại ngữ” - thầy Hạnh nói.
Nhìn tân sinh viên Nguyễn Đức Thịnh trong bộ đồ bê bết bùn đất, ngồi lắc lư trên chiếc máy cày, chúng tôi chạnh lòng hỏi anh Thuận nên cho em nhập học hay tạm dừng để ở nhà lo cho các em. Anh Thuận nghiêm giọng bày tỏ, dù phải vay mượn, bán ruộng đất, vợ chồng anh vẫn cố lo cho con bước vào giảng đường đại học. Riêng Thịnh thì bẽn lẽn thưa chuyện: “Em sẽ ráng học thật giỏi để có học bổng, hoặc theo bạn bè đi làm thêm để giảm bớt khó khăn cho gia đình. Em sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, thực hiện giấc mơ đại học mà mẹ em vì nghèo khó đã bỏ dở giữa chừng”.
Đoàn Phú