Để lo tìm cái ăn, cái mặc..., những nông dân ở ấp Cây Điều (xã Bàu Hàm) và khu vực các ấp giáp ranh của hai xã Cây Gáo, Sông Thao (huyện Trảng Bom) đã giao con em mình cho các giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực kèm cặp việc học hành. Chính vì vậy, tình thầy trò nơi đây được chắt chiu như hạt lúa nảy mầm nơi hốc đá.
Để lo tìm cái ăn, cái mặc..., những nông dân ở ấp Cây Điều (xã Bàu Hàm) và khu vực các ấp giáp ranh của hai xã Cây Gáo, Sông Thao (huyện Trảng Bom) đã giao con em mình cho các giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực kèm cặp việc học hành. Chính vì vậy, tình thầy trò nơi đây được chắt chiu như hạt lúa nảy mầm nơi hốc đá.
* Thầy trò ở vùng đất đá
Đường liên xã Bàu Hàm - Cây Gáo có vô số những vòng cua uốn lượn, suýt làm chúng tôi va vào cha con anh Rồng A Long đang vội vã đến trường. Anh Long lơ lớ tiếng Việt, phân trần: “Đường hẹp, lại quanh co nên nguy hiểm lắm. Vì vậy mình không dám cho A Phúc tự đi học bằng xe đạp đó”.
Cô giáo tận tình rèn chữ cho các trò nhỏ ở Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực. |
Sau những lời xin lỗi lẫn nhau, chúng tôi và anh Long trở nên thân thiện hơn. Anh Long cho biết, anh và các hộ gia đình người Hoa sinh sống tại ấp Cây Điều (xã Bàu Hàm) và các khu vực rẫy đá lân cận (thuộc các xã: Cây Gáo, Sông Thao, Tây Hòa) vào buổi sáng thường đi làm rẫy muộn, buổi trưa phải gác lại công việc sớm hơn để đưa đón con đi học. Đường từ rẫy đến Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực là những lối mòn, đá ong lởm chởm, mùa nắng thì bụi, mưa đến thì trơn trượt. “Vợ chồng mình cố gắng lắm mới có điều kiện đưa thằng A Phúc đến trường để cô giáo Nga dạy chữ đó”- anh Long dừng xe, chỉ tay vào ngôi trường trước mặt nói và hẹn chúng tôi ra quán nước bà Sinh (đối diện trường) để nói chuyện.
Tại quán bà Sinh, chúng tôi gặp thêm nông dân Phùng A Lực. Anh Lực tâm sự, anh được sinh ra và lớn lên tại đây, nhưng vẫn không sửa được giọng lơ lớ khi nói tiếng Việt. Chính vì vậy, các gia đình người Hoa ở đây phải gửi bọn trẻ cho các thầy, cô giáo tập cho biết cách phát âm chuẩn. Anh Lực không giấu giếm: “Đồng bào mình phải nhờ các thầy cô giáo Kinh thôi. Những gia đình người Hoa có điều kiện kinh tế còn gửi con ra lớp học của cô Phượng lúc mới 5 tuổi để chúng tập hát, nói tiếng Việt nữa đó”.
Thấy chúng tôi cùng anh Lực, anh Long trao đổi có vẻ thân mật, bà Sinh cũng góp lời: “Trong trường toàn thầy cô giáo người Kinh tốt bụng đó. Mỗi khi con em người Hoa chán học, bỏ lớp, không có điều kiện đến trường là họ đến từng nhà năn nỉ, vận động cha mẹ cho con đi học lại. Có người còn đi xin áo quần, sách vở, bút mực về cho con em người Hoa nữa. Các thầy cô giáo không muốn con em mù chữ, đói chữ nằm lăn lóc và khó bảo như những viên đá ngoài rẫy đó”.
Tạm gác câu chuyện với những nông dân bên quán nước bà Sinh, chúng tôi vào trường và xin phép được làm việc với ban giám hiệu. Tiếp chuyện chúng tôi, cô hiệu trưởng Lê Thị Nhích cho biết, Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực có 11 lớp, với 223 học sinh từ khối lớp 1 đến lớp 5, 80% học sinh của trường là con em người Hoa. Trường có một điểm lẻ ở ấp Thuận An, xã Sông Thao. Điểm này cách điểm chính gần 4 cây số, có nhiệm vụ tiếp nhận học sinh vùng giáp ranh của các xã lân cận. Ngoài ra, trường còn tổ chức dạy cho 39 trẻ 5 tuổi, để giúp các em làm quen với trường lớp và kiến thức, làm bước đệm khi vào lớp 1. “Trường có 21 giáo viên, tất cả đều là người Kinh. Ngoài tôi sinh sống tại ấp Cây Điệp, các giáo viên còn lại đều ngụ tại các xã: Bình Minh, Tây Hòa, Cây Gáo, Sông Thao”- cô Nhích cho hay.
* Cần mẫn gieo chữ
Thầy Nguyễn Trọng Tuyển, Phó hiệu trưởng nhà trường tâm sự, trường bố trí nằm ở khu vực vườn rẫy nhằm thu hút học sinh ở những khu vực hẻo lánh, dân cư sinh sống không tập trung, con em lao động từ các nơi khác đến học tập. Chính vì vậy, mỗi mùa tựu trường, công tác tuyển sinh rất vất vả và kéo dài cả tháng. “Chúng tôi phải phối hợp với các ấp, chính quyền các xã, ban đại diện cha mẹ học sinh đến từng nhà vận động những con em đến tuổi vào lớp 1, những học sinh hoàn cảnh khó khăn có ý định bỏ học, hoặc gia đình mới nhập cư có con em đang ở tuổi tiểu học… nhanh chóng đến ghi danh. Quan điểm của chúng tôi là, thà thầy cô mỏi chân còn hơn học trò thiếu cái chữ”- thầy Tuyển nói.
Cô Nhích cùng các giáo viên, học trò điểm lẻ Thuận An (xã Cây Gáo). |
Với gần 15 năm đứng lớp, thầy Đinh Đức Quang (Tổng phụ trách Đội) thể hiện tình yêu học trò nghèo bằng việc gom góp những chiếc áo, sách vở, giày dép từ các đồng nghiệp trường xa đem về tặng cho học trò mình. Thầy Quang chia sẻ, trước sự cần mẫn lao động của các nông dân người Hoa trên đất đá, thầy muốn làm một điều gì đó để chia sẻ với họ ngoài bục giảng. Còn cô giáo trẻ Thu Thủy (phân hiệu Thuận An) thì bày tỏ, được cầm đôi tay ấm áp của các trò nhỏ rèn từng nét chữ, tập cho các em phát âm đúng chuẩn thật không dễ. Tuy vậy, cô vẫn tin khi rời điểm trường này các em ít nhất cũng đọc thông, viết thạo và có điều kiện học tập cao hơn. “Những tháng mưa học trò hay đến trường trễ, người và tập sách đẫm nước, người run lập cập thấy thương làm sao”- cô Thu Thủy cho biết.
Cô Lê Thị Nhích cho biết, cô đang đề nghị được “lầu hóa” Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực. “Hai lần trước, khi còn làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình và Sông Thao, đề xuất kiên cố hóa trường lớp của tôi đã được cấp trên phê chuẩn. Lần này, tôi quyết đề xuất “lầu hóa” Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực cho bằng được, dù còn 2 năm nữa là tôi về hưu” - cô Nhích cho hay. |
Nhìn các trò nhỏ người Hoa xúng xính cặp sách lần lượt ra về và í ớ gọi bạn, cô Nhích tâm sự, 3 lần nhà trường thí điểm dạy 2 buổi/ngày đối với khối lớp 1 nhưng đều thất bại. Tuy vậy, năm học tới nhà trường vẫn quyết không bỏ cuộc. “Do phụ huynh ở đây bận làm vườn rẫy nên không có điều kiện đưa đón con nhiều lần trong ngày. Trong khi đó, cơ sở vật chất của trường không thể đáp ứng được nhu cầu nội trú buổi trưa cho các em, nên thất bại là vậy. Tuy nhiên, cá nhân tôi và tập thể giáo viên trong trường quyết tâm củng cố lại mô hình này. Có như vậy, các em mới được hưởng chất lượng giáo dục tốt hơn, nhất là phần lớn các em chưa một ngày học mẫu giáo, khi đủ 6 tuổi thì vào thẳng lớp 1”- cô Nhích nói.
Tiếng trống tan học kết thúc từ lâu, anh Long có lẽ do bận lo tìm thức ăn cho đàn dê nên vẫn chưa đến trường để rước A Phúc về. Trong khi đó, các phụ huynh khác đã vù vù xe máy trên đường, trên các nhánh rẽ vào rẫy điều, chuối, cà phê, bắp đầy đá và bụi mù. Các học trò lớp lớn hơn A Phúc thì lộc cộc đạp xe về nhà. Xoa xoa cái bụng đói, A Phúc khẽ nói với chúng tôi và cô hiệu trưởng: “Cha bận thôi. Cha không bỏ em mà. Hôm nào cha rước trễ, đường dằn xóc là bụng em càng đói hơn...”.
Đoàn Phú