Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi niềm nông dân Hiếu Liêm

09:03, 04/03/2012

Giao thông cách trở không chỉ làm hạn chế sự phát triển kinh tế mà còn là điều kiện để tư thương ép giá nông sản của người nông dân sau một năm vất vả cấy cày.

Giao thông cách trở không chỉ làm hạn chế sự phát triển kinh tế mà còn là điều kiện để tư thương ép giá nông sản của người nông dân sau một năm vất vả cấy cày.

* Ngóng đợi tiểu thương

Trời vừa tờ mờ sáng, anh Nguyễn Vinh Đức (ngụ ở ấp 3) đã có mặt ngoài rẫy để làm công việc của người kỹ tính, vì tiếc của: “Tôi phải xáo cho những lát mì đang phơi khỏi bám đất làm đen đúa, để dễ bán. Vậy mà, khi chúng được phơi khô, vào bao, ủ bạt chờ bán thì các tiểu thương không thèm đếm xỉa. Nay, mì đang thời kỳ rớt giá, họ mới chịu đến thu mua theo kiểu nhỏ giọt, cầm chừng”- anh Đức đưa bàn tay chai sạn kỳ cọ lớp mì bám đất mốc đen, mà ấm ức nói.

Nông sản sau thu hoạch phải để ngoài rẫy, chờ thu mua.
Nông sản sau thu hoạch phải để ngoài rẫy, chờ thu mua.

Cũng tâm trạng bức xúc vì thành quả lao động bị tiểu thương xén mất quá nhiều, chị Lê Thị Thắm (ngụ ở ấp 4) yểu xìu nói với chúng tôi: “Do để quá lâu nên các bao đựng mì đã mục nát hết. Tôi phải đóng lại bao mới, vừa tốn nhân công vừa tốn tiền. Vậy mà, tiểu thương vẫn chưa chịu đánh xe vào cân mì để tôi giải phóng các khoản nợ, như: tiền con trọ học, tiền mua thiếu phân bón, tiền ăn…”.

Tiếp tục men theo các lối mòn để đến những rẫy vườn mùa nắng khô khốc, chúng tôi tiếp chuyện với các nông dân và được họ trút hết nỗi niềm. Các nông dân cho rằng, làm nông nghiệp họ luôn chắt chiu từng đồng, đang thu nông sản mùa nắng nhưng lòng phải lo nghĩ đến mùa mưa. Vậy mà, đến thời kỳ điều, mì, rừng, mía… thu hoạch, gọi tiểu thương khản cổ mà vẫn không thấy họ đem xe đến thu mua. “Bao năm nay, nông dân chúng tôi bán nông sản trong tâm trạng vừa mất giá, vừa kém chất lượng”- nông dân Trần Hòa (ngụ ở ấp 2) bày tỏ. Riêng nông dân Lê Văn Hiền (ngụ ở ấp 2) thì chỉ bờ đập thủy điện Trị An mà trách móc: “Vì bảo vệ công trình nên nhà máy điện hạn chế xe tải lưu thông. Chính vì vậy, tiểu thương bên ngoài muốn vào cạnh tranh thu mua nông sản thì gặp trở ngại. Tiểu thương địa phương thì vốn ít, năng lực hạn chế…, nên hàng hóa ứ đọng và quay sang ép giá nông dân”.

Nhìn các xe tải, xe công nông ì ạch, lặc lè chở gỗ tràm, mía, mì lưu thông trên các tuyến đường liên ấp ở xã Hiếu Liêm, nông dân Phan Bé (ngụ ở ấp 2) giải thích, trong cù lao Hiếu Liêm họ muốn chở đi đâu cũng được. Nhưng muốn ra bên ngoài phải được sự đồng ý của nhân viên bảo vệ nhà máy điện. Điều đó cũng dễ hiểu vì sao việc thu mua nông sản tại Hiếu Liêm thấp giá và chậm hơn nơi khác. “Chúng tôi ước gì có một chiếc cầu nơi bến phà Hiếu Liêm - Trị An hoặc con đường song song tránh đập thủy điện”- nông dân Bé bày tỏ.

* Cú hích giao thông

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm cho biết, Hiếu Liêm là xã thuần nông, cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương là: điều, mía, rừng (trồng), mì, hươu, nai và gia súc, gia cầm, thủy sản khác… Ngoài quỹ đất sản xuất nông nghiệp (đã được cấp sổ đỏ), nông dân còn được các đơn vị chủ rừng giao khoán đất rừng để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống theo mô hình nông-lâm kết hợp.

Bên cạnh các mô hình nông-lâm kết hợp, mô hình nuôi hươu, nai của nông dân Hiếu Liêm đang phát huy hiệu quả.
Bên cạnh các mô hình nông-lâm kết hợp, mô hình nuôi hươu, nai của nông dân Hiếu Liêm đang phát huy hiệu quả.

Cũng theo ông Phúc, trong những năm qua, huyện, tỉnh, Trung ương đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho địa phương để đầu tư nhiều công trình hạ tầng chiến lược, như: điện, đường, trường, trạm, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, địa phương còn được sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị quản lý rừng trong công tác xóa đói giảm nghèo, công trình giao thông. Riêng năm 2011, tỉnh đã đầu tư cho xã tuyến đường bê tông từ cầu số 1 đến cầu số 3, dài gần 3km, kinh phí trên 10 tỷ đồng. Về giao thông nội bộ, hiện tại Hiếu Liêm đáp ứng tương đối cho việc lưu thông hàng hóa. “Tuy nhiên, cái khó của người dân hiện nay gặp phải là việc vận chuyển nông sản, phụ thuộc lớn vào tuyến đường ven bờ đập Nhà máy thủy điện Trị An. Các tuyến khác vẫn đáp ứng được, nhưng phải vận chuyển vòng vo, vượt phà đò dẫn đến chi phí cao”- ông Phúc khẳng định.

Còn ông Trần Bá Tiến, Thường trực Đảng ủy xã thì cho hay, do nhu cầu vận chuyển nông sản ra bên ngoài gặp khó khăn, dẫn đến người nông dân bị tư thương ép giá, chậm thu mua và thu mua nông sản vào thời điểm giá hạ… Chính vì vậy, địa phương đã nhiều lần xin ý kiến cấp trên đầu tư tuyến đường bộ từ trung tâm xã nối với xã Mã Đà. Chúng tôi rất kỳ vọng vào tuyến đường bộ nối với xã Mã Đà để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về vấn đề vận chuyển nông sản. Đồng thời, đó cũng là động lực, cú hích để Hiếu Liêm chuyển mình phù hợp với một xã đặc thù nông-lâm kết hợp”- ông Tiến trao đổi.

Xã Hiếu Liêm hiện đang có đàn hươu, nai nuôi trong dân trên 1.500 con. Đây là mô hình chăn nuôi mới đầy triển vọng của nông dân. Tuy nhiên, với Hiếu Liêm, thêm một tuyến đường vận chuyển nông sản gần nhất, nhanh nhất, tự do thông thương đó mới là cú hích, tạo đà cho kinh tế địa phương phát triển và gỡ khó cho nông dân.

Là người sinh sống và lập nghiệp tại xã Hiếu Liêm nhiều năm, bà Ngô Thị Hồng (Bí thư chi bộ ấp 4) góp ý, nông sản vốn cồng kềnh, cần phương tiện tải trọng lớn vận chuyển trong quá trình thu gom và chuyên chở ra bên ngoài. Trong khi đó, nông dân Hiếu Liêm hiện chỉ bám vào tuyến vận tải thuận lợi nhất là bờ đập thủy điện nên gặp khó. Hàng hóa không lưu thông được dẫn đến người nông dân bị ép giá, tiểu thương gây khó dễ trong thu mua. “Tất cả chi tiêu của nhà nông đều nhờ vào mùa vụ. Dù họ trúng mùa hay thất mùa, bao lâu nay họ vẫn phải chịu bán giá thấp, bán nông sản khi giá hạ. Như vậy, nông dân bị thiệt là tất yếu, đời sống sẽ bị ảnh hưởng, chậm bứt phá đi lên”- bà Hồng dẫn chứng.

Sau một ngày tìm hiểu, tiếp chuyện với nông dân, chúng tôi vỡ ra một điều lạ ở xã Hiếu Liêm: Hiếu Liêm không có tuyến xe khách ra bên ngoài, xe máy là phương tiện chính của người dân và rất nhiều học sinh tuổi tiểu học ở ấp 4 đã được bố mẹ gửi ra bên ngoài trọ học. Mùa nào cũng vậy, nông sản thu hoạch xong để ngoài rẫy dài ngày ngóng lòng chờ thu mua…

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều