“Trên vùng đất đồi Soklu, cây chuối cứ thế sinh sôi, cây mẹ ra buồng ngã xuống lại có cây con mọc lên thay thế. Nó giống như cuộc đời của những người dân vùng đất này, hết đời cha lại đến đời con thay nhau gắn bó với cây chuối. Có cây chuối mọc lên ở rẫy mới có những khu nhà khang trang, cuộc sống tươm tất” - chị Chi tỏ vẻ tự hào khi nói về nghề trồng chuối của mình.
“Trên vùng đất đồi Soklu, cây chuối cứ thế sinh sôi, cây mẹ ra buồng ngã xuống lại có cây con mọc lên thay thế. Nó giống như cuộc đời của những người dân vùng đất này, hết đời cha lại đến đời con thay nhau gắn bó với cây chuối. Có cây chuối mọc lên ở rẫy mới có những khu nhà khang trang, cuộc sống tươm tất” - chị Chi tỏ vẻ tự hào khi nói về nghề trồng chuối của mình.
* Chuyện người trồng chuối
Dọc con đường tỉnh 762, nối từ quốc lộ 20 (thuộc xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) đến ngã tư Cây Gáo (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) là những đồi chuối bạt ngàn. Chuối mọc sát hai bên đường, dày đặc dưới chân đồi, chuối phủ kín cả lối đi trong các ấp. Bất kể là bãi đất màu mỡ hay những khe đá, ngọn đồi lởm chởm, hễ có chỗ đất trống là cây chuối có thể ngoi lên, trổ buồng. Những cây chuối mọc lên từ những hốc đá sâu lại cho những buồng đầy đặn, quả tròn trịa và thơm, ngon lạ thường.
Chị Chi cùng em trai đang hồ hởi bốc chuối lên chiếc xe kéo mà gia đình sắm được từ vụ chuối năm trước. |
Dừng chân bên vệ đường, nơi có chòi lá làm điểm tập kết chuối và nghỉ chân của nông dân, chúng tôi gặp chị Chi vừa vác chuối từ trong rẫy ra. Tựa lưng vào gốc chuối sát chòi, chị kể cho chúng tôi nghe chuyện trồng chuối và cuộc đời gắn bó cùng cây chuối hàng chục năm của mình.
Theo lời chị Chi, chị đã có gần 40 năm gắn bó với công việc trồng chuối ở đồi Soklu. Ngày còn nhỏ, chị đã theo bố mẹ vào rẫy chặt chuối bán cho thương lái. Lớn lên, ngày nào chị cũng có mặt ở rẫy chăm sóc, thu hoạch và bảo vệ rẫy chuối của gia đình. “Gia đình tôi có 6 sào đất trồng chuối quanh chân đồi Soklu này. Để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, ngoài việc thu hoạch chuối ở rẫy nhà, tôi cùng mấy anh em hùn vốn thu mua chuối của bà con trong vùng để bán lại cho các mối lái gần xa”. Bám với nghề trồng chuối đã hàng chục năm, chị Chi bày tỏ, cây chuối cho thu hoạch quanh năm suốt tháng. Về mùa mưa, chuối trổ bông nhiều và nhanh cho thu hoạch hơn. Những tháng khác trong năm, cây chuối ra buồng không nhiều, nhưng cũng đủ để người dân ở đây kiếm sống qua ngày.
Chờ chuyến xe kéo đến gom chuối vừa thu hoạch, chị Chi tranh thủ kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện xung quanh nghề trồng chuối của mình. Chỉ chiếc áo sờn dính đầy mủ chuối đang mặc trên người, chị Chi tươi cười bộc bạch: “Nghề làm chuối chẳng mấy khi được mặc quần áo sạch sẽ. Ngày nào cũng quẩn quanh bên gốc chuối nên bộ quần áo nào cũng nhuộm mủ chuối”. “Ở đây chẳng mấy khi người ta đi đâu, hết lên rẫy chặt buồng lại về nhà bán chuối. Có cây chuối mọc lên ở rẫy mới có những khu nhà khang trang, cuộc sống tươm tất. Số thanh niên trong vùng đi học xa cũng kháo nhau tự hào về một vùng quê trồng chuối” - chị Chi tỏ nét mặt rạng ngời.
Trong các loại chuối ở đồi Soklu này, người nông dân có vẻ quan tâm nhiều đến cây chuối sứ. Bởi, chuối sứ nảy rất nhiều cây con nhưng đồng thời cũng kén phân bón. Hễ mỗi lần bón phân để chuối tăng trưởng là chúng lại rũ lá mà chết. “Biết được bệnh này nên có những rẫy chuối trồng hàng chục năm mà người ta chưa cần trồng lại. Chuối cứ thế thay nhau mọc lên, hết cây mẹ ra buồng ngã xuống lại có cây con mọc lên thay thế. Nó cũng giống như cuộc đời của những người dân vùng đất này vậy, hết đời cha lại đến đời con thay nhau gắn bó với chuối” - chị Chi tâm sự.
* Ngược xuôi với nghề chuối
Không chỉ gặp những con người đã gắn bó cả đời với cây chuối, đến vùng đất chuối ở đồi Soklu, chúng tôi còn gặp những người buôn chuối từ nơi xa đến. Không trồng chuối, không sở hữu hàng hécta chuối, nhưng nhiều người do gắn bó với vùng đồi Soklu trong quá trình làm ăn nên cũng am hiểu về cây chuối rành rọt không kém người trồng chuối chính hiệu. “Đóng đô” khá lâu ở xã Cây Gáo để thu mua chuối, anh Nguyễn Phú Anh (ngụ ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) nói về nghề chuối một cách tỉ mỉ: “Gắn bó với việc mua bán chuối được mấy năm nên tôi cũng ít nhiều hiểu về chuối. Lý do không phải mình muốn nghiên cứu cao xa gì về cây chuối, mà chỉ để biết đường mua, bán cho đúng giá”.
Chuối anh Phú Anh thu mua ở vùng này có đủ loại, như: bơm, sứ, cau, tiêu, chà, cau xanh… Chuối bơm cho trái to nhưng giá lại thấp, chuối cau xanh trái chín ăn thơm và ngon hơn chuối cau thường, giá cũng gấp đôi giá chuối cau thường. Thế nhưng, theo anh Phú Anh, trong số các loại chuối có mặt tại vùng này, chuối chà mới là đặc sản. Tuy trái không nhiều, cây phát triển không mạnh nhưng chuối chà lại thơm và ngon nhất trong các loại chuối. Chuối chà đem bán cũng được giá và dễ bán nhất, mỗi ký chuối chà hiện bán tại gốc với giá khoảng 7 ngàn đồng. Chuối chà chủ yếu được các thương lái thu mua để bán cho các nhà hàng sang trọng hay tại các khu chợ ở trung tâm đô thị lớn. Riêng các loại chuối sứ, chuối cau thì được các chủ lò sấy mua về làm chuối sấy xuất khẩu. Anh Phú Anh cho biết, những ai được thưởng thức sản phẩm chuối sấy tơ hồng mới cảm nhận hết giá trị và hương vị của trái chuối. Trái chuối khi mua về chỉ lột một lớp vỏ mỏng bên ngoài còn giữ lại lớp vỏ bên trong rồi đem vào lò sấy nên hương vị và lớp mật bên trong quả chuối được giữ lại nguyên vẹn.
Ngoài một số chuối được dùng làm hàng cao cấp trong các nhà hàng khách sạn, chuối sấy tơ hồng để xuất khẩu, chuối bán ở các sạp…, thì số còn lại được nhiều người thu mua để làm chuối chiên. Trái chuối được cắt lát, trộn đường rồi chiên chín trong dầu sôi. “Làm chuối chiên cũng phải có tay nghề mới kiếm ăn được. Từ việc đặt dao cắt chuối, đến bào chuối và xử lý các công đoạn trong quá trình chiên chuối không phải ai cũng làm được. Mỗi ngày, một người có nghề làm ra khoảng 5-7 tạ chuối chiên” - anh Phú Anh cho biết.
Không am hiểu cây chuối cặn kẽ như anh Phú Anh, nhưng anh Phượng (ở huyện Long Thành) cũng đã có 5 năm theo nghề buôn chuối. Mỗi ngày, có khoảng 5 tạ chuối được anh chở bằng xe kéo từ Trảng Bom về Long Thành để bán cho các công ty cung cấp suất ăn công nghiệp. Điều mà anh Phượng quan tâm là chuối đẹp, có giá “mềm” để dễ kiếm thêm đồng lời cho mỗi ngày ngược xuôi với trái chuối. Dù không thật khấm khá với nghề buôn chuối, nhưng nhiều năm nay anh Phượng cũng đã rành rọt từng lối mòn vào rẫy của các hộ dân trồng chuối đồi Soklu.
Ngoài những người mua chuối như anh Phú Anh, anh Phượng, ở đồi chuối Soklu còn nhiều điểm thu mua chuối như: lán bà Báu, Bút Đỏ… Tại các điểm này, mỗi ngày chủ vựa mua vào, bán ra khoảng 20 tấn chuối các loại. Nơi đây còn là điểm tập kết hàng trăm tấn chuối các loại của những vùng chuối lân cận đồi Soklu để xuất đi các nơi.
Rời vùng đất chuối Soklu, trên đường trở về, chúng tôi liên tiếp gặp các chuyến xe kéo chuối nườm nượp chở về các ngả. Dẫu dáng vẻ tất bật, mệt mỏi sau một ngày miệt mài lao động, nhưng trong ánh mắt và tiếng cười rôm rả của người dân nơi đây, chúng tôi thấy một niềm vui bội thu đang đến với người dân trồng chuối ở vùng đồi Soklu này.
Trần Danh