Bằng tấm lòng thiện tâm, những người bốc thuốc nam từ thiện tại nhà thuốc Phước Thiện (thuộc Hưng Lộc tự, khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) bốc thuốc và khám chữa bệnh miễn phí cho trên 400 lượt người/ngày. Lương y Lê Văn Lợi trải lòng, hạnh phúc của ông và cộng sự phụ thuộc vào dược tính của cỏ cây.
Bằng tấm lòng thiện tâm, những người bốc thuốc nam từ thiện tại nhà thuốc Phước Thiện (thuộc Hưng Lộc tự, khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) bốc thuốc và khám chữa bệnh miễn phí cho trên 400 lượt người/ngày. Lương y Lê Văn Lợi trải lòng, hạnh phúc của ông và cộng sự phụ thuộc vào dược tính của cỏ cây.
* Gửi lòng vào cỏ cây
Ở tuổi 74, ông Hai Quán (ngụ ở tổ 31, khu Cầu Xéo) vẫn tình nguyện đến Hưng Lộc tự góp sức bằng công việc phơi, sắc thuốc. Bên chiếc máy cắt to tướng, ông Hai Quán bộc bạch, những vị thuốc được bệnh nhân mang về, phần đóng góp của ông không nhiều. Bởi, ông đến giúp việc cho nhà thuốc phần vì tuổi già nhàn rỗi, phần muốn tích thiện cho con cháu. “Năm 16 tuổi, tôi đã theo cha đi hái thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Thời đó, chúng tôi chỉ là những lương y dân gian, chỉ biết cây cỏ có khả năng cứu thương, trị bệnh nhưng không hiểu nhiều về dược tính của nó” - ông Hai Quán vẫn miệt mài làm việc bên chiếc máy và nói.
Lương y Lê Văn Lợi đang khám cho bệnh nhân tại nhà thuốc Phước Thiện. |
Dù đang lúc bận bịu châm cứu cho bệnh nhân, chị Bảy Lan vẫn niềm nở tiếp chuyện chúng tôi. Chị Bảy Lan tâm sự, do độc thân, không vướng chuyện gia đình nên chị có thời gian góp sức cùng các lương y, thầy thuốc ở Hưng Lộc tự bốc thuốc, châm cứu từ thiện cho người dân trên địa bàn huyện và các vùng lân cận. Mỗi ngày, chị châm cứu cho gần 30 bệnh nhân bị các chứng bệnh về khớp, thận suy, đau nhức… “Từ nhỏ, tôi đã được các thầy thuốc dân gian dạy nghề, cộng với kinh nghiệm trên 20 năm phụ việc tại nhà thuốc Phước Thiện nên tôi luôn tự tin về tay nghề của mình. Được góp sức cùng mọi người trong việc điều trị miễn phí cho người nghèo, đó là hạnh phúc và tâm nguyện của tôi”- chị Bảy Lan bộc bạch.
Mỗi năm, có hàng ngàn lượt bệnh nhân đến nhà thuốc Phước Thiện khám và điều trị. Lương y Lê Văn Lợi (phụ trách hiệu thuốc) cho biết, ngoài số thuốc do anh em đi tìm, bạn hữu gần xa gửi tặng, nhà thuốc phải chi ra số tiền trên 35 triệu đồng/tháng để mua dược liệu bổ sung. Số tiền trên được thu gom từ các thùng từ thiện hoặc mạnh thường quân tài trợ. “Chúng tôi duy trì được hoạt động của nhà thuốc những năm qua là nhờ tấm lòng hảo tâm của bệnh nhân và bạn hữu xa gần. Trong đó, sự góp sức vì xã hội của tín hữu Hưng Lộc tự trong tu dược, tu đạo đã tạo thêm uy tín cho hiệu thuốc”- lương y Lợi bày tỏ. Còn chị Mười Bé (người có trên 25 năm gắn bó với nhà thuốc) bộc bạch, để phục vụ cho hàng trăm bệnh nhân trong ngày, nhà thuốc Phước Thiện có các nhóm: chuyên đi tìm thuốc; kê toa, bốc thuốc, châm cứu; phục vụ ăn ở, lưu trú cho người bệnh. Họ là những người từng làm nghề thuốc ở địa phương, biết ít nhiều về các loại thuốc nam hoặc vì có lòng từ tâm nên đến góp sức.
Sau khi ăn qua loa bữa cơm trưa do dì Tâm nấu (đầu bếp của Hưng Lộc tự), anh Năm Hùng vẫn ráng ngồi bên đống khổ qua rừng nhặt rác. Anh Năm Hùng tâm sự, công việc sắc thuốc cũng vất vả như thợ làm ván lạng. Anh đến giúp việc cho nhà thuốc ngoài chữ duyên còn vì lý do không bị vướng bận chuyện “cơm áo gạo tiền”. “Tôi cảm thấy mình yêu cuộc sống khi cùng những người khác làm việc có ích cho đời”- anh Năm Hùng vuốt nhẹ mồ hôi trên trán và nói.
* Thầy thuốc dân gian
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài nhà thuốc Phước Thiện chuyên bốc thuốc miễn phí, trên địa bàn tỉnh còn có các cơ sở khác, như: Hưng An tự (huyện Long Thành), Hưng Bình tự (TP.Biên Hòa), Hưng Thạnh tự (huyện Nhơn Trạch), Hưng Xuân tự (huyện Xuân Lộc)… Các cơ sở này luôn có lương y có tay nghề và đội ngũ cộng sự am hiểu dược lý phụ trách. Theo anh Tư Hưng (ở Hưng Thạnh tự), có người biết nghề thuốc là do ông bà truyền dạy, cũng có người được đào tạo qua trường lớp hoặc được chân truyền trong quá trình theo thầy làm thuốc.
Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Trương Văn Sen (phụ trách nhà thuốc từ thiện ông Sáu, ông Bảy ở xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) bộc bạch, anh luôn cháy bỏng lời thề lúc bái sư là không được thu tiền của người bệnh dưới bất cứ hình thức nào. Chính vì vậy, khi được các thầy và gia đình giao phụ trách nhà thuốc, anh phải bỏ công việc thợ điện lạnh (lương tháng trên 5 triệu đồng) và chấp nhận cuộc sống đạm bạc bằng rổ bắp luộc bày bán ngay cửa phòng khám. “Một ngày phòng khám bốc miễn phí gần 1 ngàn thang thuốc. Thuốc do mọi người cất công hái về, mạnh thường quân đem tặng. Nếu tui nhận tiền thì có lỗi với người hái, người cho và phản bội lời thề với các thầy, sư tổ đã dày công duy trì nhà thuốc này”- anh Sen chỉ tay cho chúng tôi xem bảng gỗ khắc lời răn dạy của các thầy treo trang trọng trước bàn thờ tổ và nói.
Công việc của người tìm thuốc, sắc thuốc tại các nhà thuốc từ thiện. |
Trong gian nhà rộng trên 50m2 phảng phất mùi cỏ cây khô, bà Nguyễn Thị Bôn (con gái ông Bảy) tự hào nói về công việc bốc thuốc từ thiện của gia đình bà. Bà Bôn kể, ông Sáu và ông Bảy được chân truyền nghề thuốc nam từ cha ruột là ông Nguyễn Văn Tứ. Sau khi ông Tứ mất, khoảng thời gian năm 1975, hai ông đồng sáng lập ra nhà thuốc nam từ thiện ông Sáu, ông Bảy để nối nghiệp cha. Trong quá trình hành nghề thuốc nam, hai ông đã dạy cách tìm thuốc, bốc thuốc cho tất cả những ai có lòng từ tâm với những bệnh nhân nghèo. Đồng thời, ông Sáu và ông Bảy cũng chọn ra được gần chục đồ đệ giỏi để truyền thụ các bí truyền về nghề thuốc mà hai ông đã học và nghiên cứu được. “Chúng tôi là những người làm thuốc dân gian theo tục cha truyền, con nối. Tuy không bằng cấp nhưng chúng tôi được chân truyền tất cả những bí quyết của cha ông và nay gắng sức phát huy công việc bốc thuốc giúp đời”- bà Bôn nói.
Trong lúc chuyện trò với bà Bôn, nhóm đi hái thuốc của chị Bảy Thuận (con gái ông Sáu), Hai Đen (cháu ông Sáu, ông Bảy) cũng vừa về đến. Nặng nhọc vẫn còn trong hơi thở, chị Bảy Thuận bày tỏ, chị và Hai Đen đảm nhận nhiệm vụ tổ chức mọi người đi lấy thuốc về dự trữ. Để thu hoạch được nhiều thuốc cho mỗi chuyến đi, nhóm lúc nào cũng có trên chục người với xe máy, ghe xuồng, xe tải lặn lội vào những vùng sâu xa, đồi núi, đầm lầy để tìm. Sau khi đem thuốc về nhà, mọi người còn cùng nhau chặt, sắc, phơi phóng.
Nhìn những người lao động nghèo cầm thang thuốc trên tay tất tả rời nhà thuốc từ thiện của anh Sen, lương y Lợi và tấm lòng những người thiện tâm luôn hết lòng vì nhà thuốc như anh Hùng, chị Bảy Thuận…, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của họ khi được giúp đỡ những người nghèo. Đồng thời, chúng tôi cũng cảm kích trước khát vọng của lương y Lợi: “Người thầy thuốc ngoài trị bệnh tật phải lo cho người bệnh thêm cái ăn, vì không có cơm họ cũng chết. Làm được điều tiên sư dạy thật không dễ đối với người hành nghề thuốc như chúng tôi”.
Đoàn Phú