Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Cần xử lý triệt để các đường dây làm giấy tờ giả

09:12, 30/12/2011

Mặc dù cơ quan chức năng đã ráo riết điều tra, truy bắt nhiều đối tượng làm giấy tờ giả nhưng hoạt động mua bán, làm giấy tờ giả vẫn âm thầm diễn ra, gây ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín của một số cơ quan, đơn vị.

Núp bóng những trung tâm giới thiệu việc làm là những đường dây chuyên cung cấp giấy tờ giả.
Núp bóng những trung tâm giới thiệu việc làm là những đường dây chuyên cung cấp giấy tờ giả.

Mặc dù cơ quan chức năng đã ráo riết điều tra, truy bắt nhiều đối tượng làm giấy tờ giả nhưng hoạt động mua bán, làm giấy tờ giả vẫn âm thầm diễn ra, gây ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín của một số cơ quan, đơn vị.

* Bị bắt nhiều, nhưng chưa sợ

Thời gian qua, đã có nhiều đối tượng làm giấy tờ giả trên địa bàn tỉnh bị cơ quan chức năng bắt, xử lý trước pháp luật, nhưng các đường dây làm giả giấy tờ vẫn lén lút móc nối hoạt động để thu lợi bất chính. Điều này khiến các cơ quan, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đã tuyển dụng người có trình độ không tương xứng, sức khỏe không đảm bảo… vào làm việc, chưa kể những người, cơ quan bị “mượn danh” xác nhận trong các loại giấy tờ giả phải gặp rắc rối, mất uy tín...

Trước hoạt động phức tạp của các đối tượng làm giả giấy tờ, cơ quan công an đã mở nhiều đợt truy quét và đã bắt, truy tố nhiều đối tượng làm giả tài liệu cơ quan nhà nước để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Như, ngày 7-11, cơ quan an ninh Công an tỉnh đã tiến hành khởi tố vụ án, bắt tạm giam Đỗ Trần Lê Sơn (ngụ ở huyện Vĩnh Cửu) và Bùi Tiến Đức (ngụ ở huyện Tân Phú) để xử lý theo pháp luật về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Do “nắm thóp” một số sinh viên không đủ năng lực đạt chứng chỉ TOEIC nội bộ Trường đại học Lạc Hồng để xét tốt  nghiệp, Đỗ Trần Lê Sơn (giám đốc Trung tâm tin học ngoại ngữ IVT, huyện Vĩnh Cửu) đã câu kết với Bùi Tiến Đức nhận hồ sơ, thu tiền của những người có nhu cầu làm chứng chỉ ngoại ngữ rồi thay hình để thi hộ. Ngoài ra, Sơn còn móc nối với một số đối tượng khác làm giả giấy chứng nhận tốt nghiệp, bảng điểm của Trường đại học Lạc Hồng. “Đi đêm có ngày gặp ma”, hoạt động được một thời gian thì cả hai bị cơ quan công an phát hiện.

Trước đó không lâu (cuối tháng 8-2011), Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam ông Nguyễn Thành Trung (giám đốc Công ty Dạy nghề và cung ứng lao động B - Hoa II; địa chỉ tại khu phố 6, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) và con trai Nguyễn Thành An về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Từ tháng 8-2010 đến tháng 7-2011, cha con ông Trung đã làm giả 8 bằng tốt nghiệp THCS và THPT, 5 CMND, 5 sổ hộ khẩu, nhiều chứng chỉ tin học, giấy khám sức khỏe… để bán cho những lao động hợp thức hóa hồ sơ đi xin việc.

Ngày 26-1, Công an TP.Biên Hòa tiến hành kiểm tra nơi cư trú của 2 đối tượng Võ Thạch Cẩn và Nguyễn Thị Ngọc Nhung (ở khu phố 6, phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) thì phát hiện và thu giữ trên 1ngàn phôi bằng, chứng chỉ giả, trong đó có 60 mẫu bằng cấp của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp của nhiều trường khác. Ngoài ra, còn có 100 văn bằng tốt nghiệp tú tài, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đã có hình ảnh, con dấu, chữ ký và con dấu giả cùng tem hoa văn giả dán trên văn bằng, chứng chỉ...

Gần đây nhất, chiều 28-11, cơ quan công an đã bắt giữ hai đối tượng Triệu Quốc Sơn và Trần Thị Nam (cùng ngụ ở tỉnh Bình Dương) về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan nhà nước như: Giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe…

* Sẽ tăng cường kiểm tra

Trao đổi với một số cá nhân là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị bị các đối tượng làm giấy tờ giả “mượn tên” xác nhận trong các bằng cấp, giấy tờ giả, nhiều người tỏ ra khá bức xúc và mong muốn tình trạng này nhanh chóng chấm dứt, để tránh gây ảnh hưởng đến uy tín những người, đơn vị có liên quan. Bác sĩ Hoàng Nghĩa Đài, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) nhấn mạnh: “Giả mạo chữ ký, con dấu của cơ quan, ban, ngành là việc làm trái pháp luật. Trước mắt, chúng tôi sẽ gửi văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc siết chặt quản lý, qua đó cũng chấn chỉnh cán bộ, viên chức để tránh những vụ việc tiêu cực có thể xảy ra”. Bác sĩ Đài còn cho biết, thời gian qua Sở Y tế đã nghe báo cáo và phát hiện nhiều trường hợp làm chứng nhận sức khỏe, giấy nghỉ bệnh khống để được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Sau khi rà soát vụ việc, Sở Y tế đã báo cáo tình hình cho cơ quan công an để điều tra và có hướng xử lý thỏa đáng. “Chúng tôi đã kiểm tra nhiều trường hợp người lao động nghỉ phụ khoa nhưng giấy xác nhận lại do bác sĩ chuyên khoa mắt ký xác nhận. Tình trạng này tái diễn hoài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của người dân với bác sĩ, một khi họ chưa hiểu rõ vụ việc” - bác sĩ Đài cho biết.

Một “cò” gợi ý: “Làm bằng lái xe máy chắc giá 1 triệu đồng. Khỏi cần thi, chúng tôi đã lo liệu hết tất cả”.
Một “cò” gợi ý: “Làm bằng lái xe máy chắc giá 1 triệu đồng. Khỏi cần thi, chúng tôi đã lo liệu hết tất cả”.

Bác sĩ Trần Văn Lê Liêm, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Biên Hòa, cho rằng, việc người lao động đi “mua sức khỏe” sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của bệnh viện. Mặt khác, những người chưa được kiểm tra sức khỏe sẽ không biết được bệnh tật của mình (nếu có) và điều đó sẽ gây ảnh hưởng không ít đến khả năng làm việc và sự thiếu an toàn trong lao động. “Bệnh viện đa khoa Biên Hòa từng bị một công ty có vốn đầu tư nước ngoài khiếu nại vì đã xác nhận sức khỏe cho công nhân họ tốt, nhưng làm việc một thời gian công nhân lại đổ bệnh. Tuy nhiên, khi rà soát lại tất cả hồ sơ đến bệnh viện khám sức khỏe thì chẳng có tên số công nhân mà công ty nọ phản ảnh” - bác sĩ Liêm bức xúc cho biết. 

Trao đổi với chúng tôi, Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết: “Trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện có 11 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động lĩnh vực giới thiệu việc làm. Thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần tổ chức các đoàn đi kiểm tra hoạt động của một số doanh nghiệp, nhưng do họ dùng nhiều biện pháp để đối phó nên việc phát hiện sai phạm và lập biên bản xử lý rất khó”. Bà Mai Thị Tuyết, Phó chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết thêm: “Chúng tôi đang lên kế hoạch phối hợp với các ngành đi kiểm tra hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm. Nếu phát hiện trường hợp hoạt động sai nguyên tắc, vi phạm pháp luật, chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý và áp dụng mức chế tài thật nghiêm khắc”.

Thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.Biên Hòa cho biết, từ đầu năm 2011 đến nay, Công an TP.Biên Hòa đã bắt 2 vụ và khởi tố 3 bị can liên quan đến việc tạo chứng từ, bằng cấp giả. Sắp tới, Công an TP.Biên Hòa sẽ tăng cường kiểm tra và có hướng xử lý triệt để những đối tượng làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan nhà nước.

Tùng Minh

 

 

 

Tin xem nhiều