Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Huỳnh Nam Thắng. |
Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức hàng năm từ ngày 15-11 đến ngày 15-12. Đây là đợt cao điểm diễn ra chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi cả nước.
Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông HUỲNH NAM THẮNG, Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội, về công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn Đồng Nai.
Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
Việc thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Bản chất của bình đẳng giới là sự tôn trọng, tạo điều kiện cho cả nam và nữ cùng phát triển, cùng cống hiến cho xã hội và được đáp ứng các nhu cầu của cá nhân. Như vậy có thể khẳng định rằng bình đẳng giới có lợi cho cả nam và nữ.
Đối với xã hội, bình đẳng giới góp phần thúc đẩy sự tham gia đóng góp của phụ nữ trên các lĩnh vực. Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ tham gia cấp ủy, cơ quan hành chính nhà nước góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, hoạch định chính sách, ra quyết định. Trong các ngành công nghiệp, sự tham gia của phụ nữ đóng góp nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng của cải trong xã hội.
Trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phụ nữ tham gia đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học. Đội ngũ nữ doanh nhân sáng tạo, vượt khó, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động… Những đóng góp của phụ nữ không chỉ tạo ra một xã hội tiến bộ, văn minh mà còn phát triển chính bản thân người phụ nữ.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian qua, công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được quan tâm triển khai như thế nào?
- Công tác phụ nữ và bình đẳng giới luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ các văn bản liên quan đến công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp đã chủ động triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của phụ nữ, về công tác phụ nữ… bằng nhiều hình thức phong phú.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp còn thành lập và duy trì các mô hình, như: địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; nhà tạm lánh; các câu lạc bộ liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình; tổ tư vấn bình đẳng giới… góp phần thực hiện phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới… Hàng năm, các ngành, các cấp còn tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tại các đơn vị, địa phương.
Xin ông cho biết về những thành tựu đã đạt được trong quá trình thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh?
- Với sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp và đặc biệt là sự nỗ lực của chính bản thân phụ nữ, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài tỷ lệ nữ tham gia các lĩnh vực ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, kết quả đáng chú ý chính là chuyển biến về mặt nhận thức và hành động.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai và thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của tỉnh và Trung ương trong việc thúc đẩy công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong lĩnh vực đơn vị quản lý; phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới. Nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về công tác bình đẳng giới được nâng lên. Các tầng lớp phụ nữ, nam giới ngày càng có ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình và ngoài xã hội, tổ chức tốt cuộc sống gia đình, tỷ lệ hộ được công nhận gia đình văn hóa ngày càng tăng…
Bên cạnh Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, ngày 25-11 được Liên hợp quốc chọn là Ngày thế giới Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và thúc đẩy hành động tiến tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Bình đẳng giới luôn là mục tiêu lớn
Bên cạnh thành tựu, công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn những thách thức, theo ông những thách thức đó là gì?
- Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề đã và đang tồn tại, là trở lực lớn cho công tác bình đẳng giới. Những định kiến giới còn tồn tại khiến cho cơ hội để phụ nữ tiếp cận với những việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn nam giới, là đối tượng dễ gặp rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm lao động. Tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý vẫn còn thấp hơn so với nam giới. Trong gia đình, phụ nữ vẫn đảm nhận vai trò chính trong công việc nội trợ, chăm sóc gia đình. Đặc biệt, vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nữ công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) trong giờ làm việc. Ảnh: N.SƠN |
Từ ngày 15-11 đến ngày 15-12 là đợt cao điểm diễn ra các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đâu sẽ là hoạt động cần tập trung trong đợt này, thưa ông?
- Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm nay có chủ đề Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Vì vậy, trong đợt cao điểm sẽ đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở tất cả các cấp. Tổ chức các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dung liên quan đến chủ đề của tháng hành động năm 2024; tuyên truyền chính sách đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động hỗ trợ các nạn nhân là phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tăng cường công tác phối hợp trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em...
Mục tiêu của bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ, tiến tới bình đẳng giới thực chất. Về lâu dài, theo ông, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào?
- Để đạt được bình đẳng giới thực chất, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp. Chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bình đẳng giới thực chất. Qua đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ có những hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng một xã hội bình đẳng, không có bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, bản thân phụ nữ cần được tạo cơ hội để học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng; rèn luyện ý chí, quyết tâm và khát vọng vươn lên khẳng định vị thế của bản thân trong gia đình và ngoài xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Nga Sơn (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin