Báo Đồng Nai điện tử
En

PGS-TS Trần Thành Nam: Phụ huynh đừng để con “bơi giữa đại dương số”

07:32, 25/08/2023
PGS-TS Trần Thành Nam

PGS-TS Trần Thành Nam, giảng viên Trường đại học Giáo dục (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam là một trong những chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về tâm lý học hàng đầu tại Việt Nam.

Trao đổi với Báo Đồng Nai, PGS-TS TRẦN THÀNH NAM cho rằng: “Nhiều bậc cha mẹ đang vô tình cho con mình “bơi giữa đại dương số” nhưng lại không hề trang bị “áo phao bảo vệ”. Đây là nguy cơ rất lớn đe dọa đến quá trình phát triển của trẻ trong hiện tại và cả tương lai khi trẻ bước sang giai đoạn trưởng thành”.

Trẻ dùng mạng xã hội quá sớm      

 Ông có nhận định gì về độ tuổi sử dụng internet và mạng xã hội (MXH) của trẻ em Việt Nam hiện nay?

- Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, độ tuổi tiếp cận với internet và MXH của trẻ em Việt Nam trung bình là 9 tuổi. Vì không có thời gian trông coi trẻ nên cha mẹ thường đưa cho con mình một thiết bị thông minh như: điện thoại, máy tính bảng để trẻ tự chơi và coi đây như một “thiết bị trông trẻ”. Thậm chí,  nhiều cha mẹ đã khai tăng tuổi của con, giúp con được sở hữu tài khoản Facebook một cách dễ dàng nhưng lại không dạy cho con những kỹ năng đảm bảo an toàn khi sử dụng.

 Vậy trẻ đang thực sự đối mặt với những nguy cơ mất an toàn nào khi sử dụng MXH, thưa ông?

- Phần lớn trẻ em thường bắt đầu tiếp cận với internet và MXH một cách tự nhiên, có nghĩa là các em không được cha mẹ hay nhà trường dạy. Ngay cả Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, trẻ phải đợi đến lớp 3 mới được học môn tin học, nhưng đó là học các kỹ năng mang tính kỹ thuật, đơn giản như là tắt - mở máy, còn các kỹ năng sử dụng an toàn thì không được chú trọng. Như vậy, trẻ đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như: bị lộ thông tin cá nhân, đối mặt với tin giả, tin xấu độc, bị lừa đảo, bị bắt nạt trực tuyến…

Cha mẹ cần cân nhắc kỹ trước khi đăng tải thông tin cá nhân của con lên mạng, bởi thông tin đó khi đưa lên mạng có thể khiến trẻ gặp rắc rối trong cả hiện tại và tương lai.

 Theo ông, trẻ nên tiếp cận với máy tính và MXH ở độ tuổi nào, mức độ nào thì phù hợp?

- Cần cho trẻ tiếp xúc với màn hình máy tính, MXH một cách phù hợp với từng độ tuổi. Chẳng hạn, trẻ dưới 6 tuổi thì không nên tiếp cận với màn hình máy tính, internet. Đối với trẻ từ 6-10 tuổi, thời gian tiếp cận tối đa là 2 giờ/ngày, còn với học sinh THCS, khi giáo viên có yêu cầu sử dụng máy tính thì tổng thời gian sử dụng không nên quá 6 giờ/ngày. Nếu để trẻ sử dụng quá nhiều thời gian dễ dẫn đến nguy cơ “nghiện” và phụ thuộc vào internet, ảnh hướng đến sức khỏe tâm thần của trẻ.

“Đại dương số” nhiều rủi ro

 Ông có cho rằng nhiều phụ huynh còn khá mơ hồ với khái niệm trẻ bị bắt nạt trên MXH?

- Chúng ta không thể nào tuyệt giao trẻ với thế giới số được, vì đây là môi trường giúp con người có thể học tập và sinh sống tốt hơn. Thế nhưng, càng sống trong môi trường MXH nhiều thì trẻ càng đối diện nhiều với nguy cơ bị bắt nạt. Trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ bị bắt nạt trực tuyến, hay bị quấy rối tình dục qua MXH đã tăng lên gấp đôi, từ 17% lên 34%, đây là con số rất đáng báo động và rất cần các bậc cha mẹ lưu tâm.

Môi trường MXH hiện rất phức tạp nhưng điều đáng lo là nhiều bậc cha mẹ, hay giáo viên chưa hiểu rõ định nghĩa bị “bắt nạt trực tuyến” trên mạng là gì. Chẳng hạn, trẻ đối mặt với nguy cơ bị rình rập, bị quấy rối tình dục trên MXH chính là biểu hiện của bắt nạt trực tuyến. Có trẻ bị bắt nạt trên mạng nhưng lại cho đó là những việc bình thường, như bạn trai đó thích mình thì bạn chọc ghẹo vậy thôi. Hoặc có những trẻ bị bắt nạt nhưng khi báo với cha mẹ, hay với giáo viên lại không được quan tâm bảo vệ.

 Vậy theo ông,  phụ huynh cần bảo vệ con như thế nào trước biểu hiện bị bắt nạt trực tuyến?

- Cha mẹ cần tìm hiểu và tự nâng cấp kỹ năng an toàn cho chính mình trước thời đại số hiện nay. Khi cha mẹ có kiến thức, kỹ năng đầy đủ sẽ giúp con nhận diện được những biểu hiện đang bị bắt nạt trực tuyến trên MXH, giúp con có cách ứng phó phù hợp khi chẳng may bị bắt nạt.

Khi bị bắt nạt, trẻ tuyệt đối không nên có phản hồi với đối tượng đang thực hiện hành vi mà phải lưu lại bằng chứng mình đã bị bắt nạt, có thể báo cáo với nhà quản lý các nền tảng MXH về đối tượng thực hiện hành vi bắt nạt. Cha mẹ cũng có thể giúp con “chặn” tương tác với đối tượng có hành vi bắt nạt; đồng thời, nếu nguy hiểm thì có thể báo cơ quan công an nhờ can thiệp.

 Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ khá thoải mái đăng tải thông tin, hình ảnh cá nhân của con lên MXH. Theo ông, điều này có nên hay không? 

- Việc đăng tải thông tin, hình ảnh của con lên MXH là những hành vi các bậc cha mẹ phải hết sức cân nhắc, bởi sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với trẻ trên môi trường số. Nhiều bậc cha mẹ chủ quan cho rằng những thông tin của trẻ đăng tải không có gì đáng lo ngại nhưng lại không biết rằng, rất nhiều thông tin của trẻ có thể bán được hay dùng vào ý đồ xấu.

Một trong những nghiên cứu mới nhất của chúng tôi cho thấy, độ tuổi trẻ bị cha mẹ vô tình làm lộ thông tin cá nhân ngày càng thấp. Hậu quả hôm nay có thể chưa thấy được nhưng khi trẻ lớn lên, đứng trước một cơ hội hay đạt một danh hiệu nào đó thì có thể, thông tin cá nhân đăng tải trước đây bị “đào bới’ để phục vụ cho những ý đồ không chính đáng và thiếu lành mạnh.

 Xin cảm ơn ông!

Công Nghĩa (thực hiện)

Tin xem nhiều