Đánh vào nhu cầu lo giấy tờ đất đai hoặc xin việc làm trong cơ quan nhà nước của một số người dân, một số đối tượng đã tự nhận mình quen biết lớn, có mối quan hệ rộng để lừa đảo chiếm đoạt của người khác số tiền lớn từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng.
Đánh vào nhu cầu lo giấy tờ đất đai hoặc xin việc làm trong cơ quan nhà nước của một số người dân, một số đối tượng đã tự nhận mình quen biết lớn, có mối quan hệ rộng để lừa đảo chiếm đoạt của người khác số tiền lớn từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng.
Bị cáo Bùi Mạnh Hùng bị TAND tỉnh xử phạt 8 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: T.Tâm |
* Tạo niềm tin từ “vỏ bọc” quen biết rộng
Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân để xảy ra các vụ lừa đảo này chủ yếu do các bị hại quá tin tưởng các đối tượng mà thiếu tìm hiểu thông tin cụ thể, rõ ràng về các đối tượng cũng như các quy định pháp luật, các thủ tục hành chính cần làm hoặc nơi cần xin việc làm. Từ đó, nhiều đối tượng đã đưa ra thông tin gian dối như có mối quan hệ thân tình với lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, có thể xin được việc hoặc lo thủ tục hành chính dễ dàng, nhanh chóng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền của các nạn nhân, đối tượng sẽ tìm cách thoái thác trách nhiệm, kéo dài thời gian “chạy việc” như đã hứa và khi xài hết tiền sẽ tìm cách bỏ trốn.
Trên thực tế, đã có trường hợp lợi dụng vị trí, chức vụ công tác tại cơ quan nhà nước để lừa nhiều người hòng chiếm đoạt số tiền lớn. Điều này không chỉ khiến bản thân đối tượng phải rơi vào tù tội mà còn ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước.
Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 200-500 triệu đồng, người phạm tội sẽ bị xử phạt từ 7-15 năm tù; số tiền trên 500 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 12-15 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần tài sản hoặc toàn bộ tài sản. |
Đơn cử, vào ngày 14-4, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Bùi Mạnh Hùng (45 tuổi, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Hùng nguyên là Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp Văn phòng UBND tỉnh, sau đó giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện (thuộc Văn phòng UBND tỉnh). Để có tiền tiêu xài, bị cáo Hùng khoe khoang bản thân quen biết với nhiều người, có thể giúp lo giấy tờ đất đai, xin việc làm ở các cơ quan nhà nước.
Cụ thể, vào tháng 12-2018, bị cáo Hùng đã nhận 800 triệu đồng từ ông T. (44 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) và 400 triệu đồng của bà L. (50 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) để làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất của 2 người này trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Sau khi nhận tiền từ các bị hại, bị cáo Hùng đã chiếm đoạt và tiêu xài hết. Ngoài ra, vào tháng 1-2019, ông C. (42 tuổi, ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) nhờ bị cáo Hùng xin vào làm nhân viên tại Văn phòng UBND tỉnh. Sau khi nhận tiền, bị cáo không xin được việc cho người bị hại mà còn chiếm đoạt 500 triệu đồng. Tổng cộng, bị cáo Hùng đã chiếm đoạt của các bị hại tổng số tiền 1,7 tỷ đồng.
Có đối tượng táo bạo hơn khi mạo danh là người thân của lãnh đạo đơn vị cấp tỉnh để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác. Điển hình như đối tượng Nguyễn Thị Hải (32 tuổi, tạm trú xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch) không có việc làm ổn định, chỉ có thời gian ngắn giúp việc nhà cho người khác nhưng lại giả danh là cháu gái Giám đốc Công an tỉnh để lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại gần 440 triệu đồng.
Cụ thể, vào tháng 4-2020, thông qua mạng xã hội, Hải làm quen với bà N. (35 tuổi, ngụ H.Long Thành). Khi biết bà N. đang có vụ tranh chấp đất ở xã An Phước (H.Long Thành), Hải nói dối mình là cháu Giám đốc Công an tỉnh, có thể giúp cho bà N. thắng kiện. Tin lời Hải, bà N. đã 3 lần đưa cho Hải tổng số tiền 70 triệu đồng.
Tiếp đó, từ tháng 5 đến tháng 8-2020, Hải xin vào làm giúp việc nhà cho bà G. (54 tuổi, ngụ xã Long Tân, H.Nhơn Trạch). Trong thời gian này, biết anh H. (26 tuổi, con của bà G.) từng đi nghĩa vụ công an, có nguyện vọng được ở lại công tác trong ngành Công an nên Hải nói dối mình là cháu Giám đốc Công an tỉnh và hứa hẹn sẽ xin cho anh H. vào ngành Công an. Với hành vi gian dối, Hải đã chiếm đoạt gần 370 triệu đồng của gia đình bà G.
* Tránh “sập bẫy” kẻ lừa đảo
Một cán bộ điều tra Công an tỉnh cho hay, thông thường những vụ việc liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo dạng nhờ “chạy việc”, lo các thủ tục hành chính… gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình điều tra do người bị hại khi giao tiền thường viết giấy vay mượn nợ hoặc khi giao dịch không có giấy tờ thể hiện mục đích giao, nhận tiền rõ ràng. Do đó, khi bị hại tố cáo các đối tượng đến cơ quan công an thì cơ quan công an rất khó thu thập chứng cứ chứng minh hành vi lừa đảo của các đối tượng.
Theo thẩm phán Nguyễn Thành Lượng, Phó chánh Tòa hình sự TAND tỉnh, để ngăn chặn loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nêu trên, đòi hỏi người dân khi có nhu cầu xin việc làm hoặc giải quyết các thủ tục hành chính cần tìm hiểu rõ thông tin tuyển dụng cũng như hồ sơ liên quan đến công tác giải quyết hành chính. Hiện nay, tất cả các hoạt động như tuyển dụng hay làm các thủ tục hành chính đều được đăng công khai trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoặc được thực hiện tiện lợi và nhanh chóng, đúng trình tự tại trung tâm hành chính công, các cơ quan nhà nước của tỉnh và các địa phương.
Thẩm phán Nguyễn Thành Lượng cho rằng, để tránh bị lừa đảo, người dân cần tìm hiểu kỹ mọi thông tin, tránh nóng vội đặt niềm tin nhầm chỗ và giao tài sản cho các đối tượng xấu. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng những thủ đoạn lừa đảo như: xin việc, lo thủ tục hành chính… để người dân nâng cao cảnh giác. Bên cạnh đó, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh đối với các loại tội phạm lừa đảo để răn đe và phòng ngừa chung, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.
Tố Tâm